Cú đâm cảm tử của MiG-21 Liên Xô để chặn máy bay Iran năm 1973
Đại úy Gennady Eliseev được lệnh ngăn chặn trinh sát cơ RF-4C Iran xâm phạm vùng trời Liên Xô và quyết định lao thẳng vào mục tiêu khi hết đạn.
Sau khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, quân đội và tình báo Mỹ thực hiện hàng loạt chuyến bay do thám qua vùng trời Liên Xô, nhưng hoạt động này bị hạn chế do vụ bắn rơi máy bay trinh sát U-2 năm 1960.
Điều đó buộc Mỹ gấp rút xây dựng những biện pháp do thám mới để đối phó với lưới phòng không ngày càng hiện đại của Liên Xô. Một trong số đó là Dự án Dark Gene do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) triển khai với sự hợp tác chặt chẽ của Nhà nước Hoàng gia Iran.
Trinh sát cơ RF-4C trong biên chế Không quân Hoàng gia Iran. Ảnh:
Aviation Geek Club
Trong thập niên 1960-1970, Quốc vương Mohammed Reza Pahlavi là đồng minh thân cận với Mỹ, khiến lực lượng vũ trang Iran được trang bị những khí tài gần như hiện đại nhất do Washington sản xuất, nhiều thiết bị trong đó không có trong biên chế của các nước đồng minh châu Âu.
Quốc vương Pahlavi cho phép quân đội Mỹ sử dụng lãnh thổ Iran cho hoạt động do thám Liên Xô, với điều kiện binh sĩ Iran được tham gia hoạt động này và huấn luyện trên những khí tài tối tân do Mỹ triển khai.
Dự án Dark Gene khởi động từ năm 1968 với sự tham gia của hàng loạt cơ quan tình báo Mỹ và Iran, cùng lực lượng thuộc không quân hai nước. Khu vực đồi núi và thung lũng sâu giữa Iran và Liên Xô mang lại lợi thế đáng kể cho các chuyến do thám, do địa hình này cản trở đáng kể tầm quan sát của radar phòng không.
Các chuyến do thám ban đầu chỉ sử dụng máy bay cánh quạt hạng nhẹ Aero Commander và trinh sát cơ phản lực RF-5A. Tổ bay có thể gồm toàn phi công Mỹ hoặc Iran, trong khi một số nhiệm vụ sử dụng kíp bay hỗn hợp.
Mỹ đã chuẩn bị kịch bản khai báo nhằm đề phòng trường hợp phi công phải đáp xuống lãnh thổ Liên Xô, trong đó nói rằng quân nhân Mỹ đang huấn luyện phi công Iran làm chủ khí tài mới và bị lạc trên đường bay.
Thành công trong giai đoạn đầu thúc đẩy Mỹ triển khai trinh sát cơ RF-4, phiên bản phát triển từ tiêm kích F-4 Phantom II. Mẫu máy bay này có kích thước lớn hơn nhiều so với dòng RF-5A, cho phép mang nhiều thiết bị trinh sát hiện đại, cũng như tăng đáng kể tầm bay và thời gian thu thập dữ liệu.
Trên danh nghĩa, không quân Iran khi đó chỉ tiếp nhận máy bay RF-4C đời cũ để huấn luyện trong lúc chờ Mỹ sản xuất những chiếc RF-4E theo đơn hàng. Tuy nhiên, phi đội RF-4C Iran thực tế lại được trang bị những khí tài hiện đại nhất của không quân Mỹ để phục vụ Dự án Dark Gene.
Giai đoạn sử dụng RF-4C khởi động từ đầu năm 1971 với khoảng hai nhiệm vụ mỗi tháng, tổ bay hai người luôn gồm phi công Iran và sĩ quan điều khiển vũ khí người Mỹ. Hoạt động diễn ra trơn tru trong suốt hai năm, trước khi xảy ra cuộc chạm trán với tiêm kích Liên Xô.
Ngày 28/11/1973, thiếu tá phi công Shokouhnia cùng đại tá John Saunders xuất phát trên một chiếc RF-4C và xâm nhập vùng trời Liên Xô. Radar phòng không Liên Xô phát hiện mục tiêu, nhiệm vụ chặn kích được giao cho tiêm kích MiG-21SM điều khiển bởi đại úy Gennady Eliseev, phi đội phó thuộc Trung đoàn Tiêm kích số 982.
Chân dung đại úy Gennady Eliseev. Ảnh:
Wikipedia
Eliseev tiếp cận mục tiêu khi máy bay RF-4C chuẩn bị rời không phận Liên Xô với tốc độ hơn 1.700 km/h, gấp 1,4 lần vận tốc âm thanh.
Các nguồn tin Liên Xô nói rằng đại úy Eliseev phóng hai tên lửa đối không tầm ngắn K-13 về phía chiếc RF-4C, nhưng cả hai quả đạn đều mất mục tiêu sau khi rời bệ. Quân đội Mỹ cho rằng đại tá Saunders đã phóng mồi bẫy nhiệt để đánh lừa tên lửa, nhưng một số chuyên gia phương Tây đặt nghi vấn với lời giải thích này vì mồi bẫy phát nguồn nhiệt ở tần số khác với đầu dò tên lửa K-13.
Thiếu tá Shokouhnia dường như đã ngoặt gấp để tránh tên lửa, nhưng động tác này khiến chiếc RF-4C giảm tốc đáng kể và lọt vào tầm bắn của pháo GSh-23 cỡ nòng 23 mm trên tiêm kích MiG-21SM. Dù vậy, khẩu pháo bị kẹt đạn khiến đại úy Eliseev không còn vũ khí nào để bắn hạ mục tiêu.
Eliseev quyết định thực hiện hành động chưa từng xảy ra trong lịch sử tiêm kích phản lực, đó là đánh đòn cảm tử bằng cách lao thẳng vào máy bay Iran. Ông báo cáo về sở chỉ huy, trước khi điều khiển phi cơ MiG-21SM đâm vào phía trái đuôi chiếc RF-4C, gần như cắt rời hoàn toàn cánh đuôi mục tiêu.
Máy bay RF-4C mất kiểm soát và bắt đầu lộn nhào, buộc tổ lái phóng ghế thoát hiểm. Hai phi công tiếp đất an toàn và bị biên phòng Liên Xô bắt giữ ngay sau đó, chiếc RF-4C lao xuống đất với tốc độ cao và bị phá hủy hoàn toàn.
Tiêm kích MiG-21SM vỡ vụn trên không và khiến đại úy Eliseev thiệt mạng.
Khi bị thẩm vấn, tổ lái RF-4C liên tục khẳng định họ chỉ bay huấn luyện và vô tình lạc vào không phận Liên Xô. Cả hai người được trao trả cho Tehran sau 16 ngày để đổi lấy sĩ quan tình báo Liên Xô và cuộn băng chứa dữ liệu do thám từ vệ tinh Liên Xô rơi xuống lãnh thổ Iran.
Tiêm kích MiG-21SM trong biên chế không quân Liên Xô với hai tên lửa K-13 và ba thùng dầu phụ. Ảnh:
Aviaru
Đại úy Eliseev được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô ngày 14/12/1973. Thiếu tá Shokouhnia tiếp tục phục vụ trong không quân Iran đến khi thiệt mạng năm 1982 do bị tiêm kích MiG-21 Iraq bắn rơi trong Chiến tranh Iran - Iraq.
Ngoài trinh sát cơ RF-4C bị hạ ngày 28/11/1973, ít nhất hai chiếc RF-5A do phi công Mỹ điều khiển và một phi cơ RF-5B với tổ lái Iran được cho là đã bị bắn rơi khi tham gia Dự án Dark Gene, nhưng thông tin không được xác nhận.
4 trực thăng C-47 Chinook của Iran bay lạc vào không phận Liên Xô khi huấn luyện ngày 21/6/1978. Hai chiếc trong đó bị bắn hạ tại chỗ, nhiều khả năng do Moskva tăng cường cảnh giới và sẵn sàng hành động quyết liệt để đối phó với hoạt động trinh sát bí mật của Washington.
Dự án Dark Gene, cùng hàng loạt chương trình hợp tác giữa Washington với Tehran, chấm dứt hoàn toàn sau Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.
Đại úy Gennady Eliseev được lệnh ngăn chặn trinh sát cơ RF-4C Iran xâm phạm vùng trời Liên Xô và quyết định lao thẳng vào mục tiêu khi hết đạn.
vnexpress.net