Tàu Ngầm & canh bạc lớn của các cường quốc Quân Sự
Những "sát thủ thầm lặng" trong đội tàu ngầm chiến lược Nga
Thứ ba 19/02/2013 10:27
(GDVN) - Tàu ngầm nguyên tử này gần như “câm lặng” so với các tàu ngầm thế hệ trước.
Với việc cho hạ thủy chiếc tàu ngầm hạt nhân siêu hiện đại Vladimir Monomakh mới đây, Nga đang tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược theo kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2011-2020.
Trong đội tàu này, các tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Borei được coi là nòng cốt và đóng vai trò trụ cột của hải quân Nga trong thế kỷ 21...
“Sát thủ thầm lặng” và “gia đình” Borei
Tàu ngầm hạt nhân Vladimir Monomakh
Vladimir Monomakh là tàu ngầm thứ ba của lớp tàu ngầm hạt nhân Borei được hoàn thiện. Được coi là “sát thủ thầm lặng” bởi Vladimir Monomakh vận hành siêu êm, gần như không phát ra tiếng ồn khiến đối phương khó phát hiện.
Tàu ngầm nguyên tử này gần như “câm lặng” so với các tàu ngầm thế hệ trước.
Vladimir Monomakh bắt đầu được đóng từ tháng 3-2006 – đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày ra đời hạm đội tàu ngầm Nga, tại tổ hợp đóng tàu lớn nhất nước Nga - Sevmash - bên bờ Bạch Hải thuộc vùng Severodvinsk, phía bắc nước Nga.
Sau khi hạ thủy, tàu ngầm Vladimir Monomakh sẽ phải trải qua các cuộc thử nghiệm trên biển và dự kiến chính thức hoạt động hết công suất vào năm 2013.
Trước Vladimir Monomakh, đã có hai tàu ngầm hạt nhân lớp Borei khác đã và đang được triển khai. Yury Dolgoruky là chiếc tàu ngầm lớp Borei đầu tiên của Nga vừa chính thức được biên chế trong lực lượng hải quân Nga hôm 10-1. Tàu được phân vào biên chế của đơn vị số 31 thuộc Hạm đội Phương Bắc.
Chiếc tàu ngầm lớp Borei thứ hai là Alexander Nevsky hiện đang trải qua các cuộc thử nghiệm trên biển và dự kiến sẽ sớm gia nhập vào Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.
Trong khi đó, chiếc tàu thứ tư loại này là Knyaz Vladimir đang được đóng và được coi là phiên bản hiện đại và cao cấp hơn các tàu ngầm nói trên. Tàu này sẽ được trang bị thêm tính năng chiến thuật và đạn dược.
Nhìn chung, các tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Borei nói trên có kích cỡ tương đương nhau: Dài 170 mét, rộng 13,5 mét. Các tàu ngầm này có thể lặn sâu 480 mét dưới nước, có sức giãn nước 24.000 tấn và chứa 107 thủy thủ, gồm 55 chỉ huy.
Các tàu đều được trang bị lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới nên có thời gian lưu lại lâu trên biển tới 3 tháng và đạt tốc độ di chuyển khi lặn khoảng 53 km/giờ. Tất cả gia đình Borei đều được trang bị hệ thống phòng cứu hộ nổi, có thể chứa toàn bộ thủy thủ đoàn.
Trang bị tối tân và vũ khí đáng gờm nhất
Điểm đáng chú nhất ở các tàu ngầm thuộc gia đình Borei là chúng đều có khả năng mang theo 16 tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava có tầm bắn 8000km. Có thể nói, những chiếc tàu ngầm thuộc lớp Borei được chế tạo riêng để mang theo các tên lửa Bulava.
Đây là loại tên lửa chiến lược của Nga được ví như “con cá mập” liên lục địa từ tàu ngầm, có khả năng vượt qua bất kỳ hệ thống đánh chặn tên lửa nào trong tương lai. Tên lửa Bulava bao gồm nhiều đầu đạn hạt nhân tự tách và 6 ống phóng ngư lôi 533mm. Siêu tên lửa Bulava có sức công phá gấp 100 lần vụ nổ phá hủy thành phố Hi-rô-si-ma của Nhật Bản năm 1945.
Theo chuyên viên quân sự Nga I-go Cô-rốt-chen-cô (Igor Korotchenko), tàu ngầm hạt nhân lớp Borei được trang bị các tổ hợp kỹ thuật mới có khả năng theo dõi tình hình dưới nước, phân loại và trong trường hợp cần thiết có thể tấn công nhiều mục tiêu khác nhau dưới nước.
Khi thiết kế các tàu ngầm lớp Borei, Nga đã sử dụng những phát minh mới nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Nga về hệ thống quản lý thông tin, hệ thống kiểm soát vũ khí trong chiến đấu. Nga đã thiết kế, chế tạo các tổ hợp đặc biệt có chức năng bảo đảm hoạt động của tàu ngầm tên lửa.
Các tàu ngầm nguyên tử lớp Borei còn được trang bị MGK-600, là tổ hợp thiết bị thủy âm học mã hóa tự động có chức năng đo độ dày của băng, dò mìn, tìm kiếm các vùng nước không bị băng che phủ, phát hiện ngư lôi…
Theo các chuyên gia, MGK-600 có các tính năng vượt xa thiết bị cùng loại Virginia được trang bị cho Hải quân Mỹ. Loại tàu ngầm lớp Borei được nhiều chuyên gia quân sự Nga ca ngợi là tàu ngầm nguyên tử tốt nhất thế giới hiện nay.
Ngoài phiên bản tàu ngầm được trang bị 16 tên lửa đạn đạo Bulava, hiện Nga đang bắt tay đóng hai phiên bản nâng cấp của tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei có khả năng mang theo 20 siêu tên lửa Bulava.
Tờ Rossiiskaya Gazeta dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, việc đóng tàu ngầm Alexander Suvorov - chiếc thứ 5 trong gia đình Borei và là chiếc thứ hai trong phiên bản nâng cấp trong khuôn khổ Dự án 955A (tàu ngầm lớp Borei-A), sẽ chính thức được khởi động vào ngày 28-7 năm nay, vào dịp kỷ niệm Ngày Hải quân Nga.
Còn chiếc tàu ngầm phiên bản nâng cấp thứ hai và là chiếc thứ 6 trong gia đình Borei – Mikhail Kutuzov - sẽ được đóng vào tháng 11-2013. Công việc cắt thép cho thân của hai chiếc tàu ngầm phiên bản nâng cấp này đã được tiến hành từ năm 2011.
Các tàu ngầm phiên bản nâng cấp sẽ có một số cải tiến như giảm tiếng ồn, hệ thống đo lường tốt hơn và hệ thống vũ khí tiên tiến hơn.
Dự án 955 Borei là dự án vũ khí được cho là đắt đỏ nhất của Nga. Giá thành của mỗi chiếc tàu ngầm thuộc Dự án 955 Borei vào khoảng 890 triệu USD.
Số tiền chi cho dự án được trích từ khoản ngân sách trị giá khoảng 130 tỷ USD đã được thông qua nhằm gia tăng số tàu chiến và tàu ngầm cho hải quân Nga đến năm 2020.
Hiện đại hóa hay cuộc đua sức mạnh vũ trang?
Theo chuyên gia I-go Cô-rốt-chen-cô, đối với Nga, việc trang bị các tàu ngầm thế hệ mới là điều rất quan trọng vì hạm hội tàu ngầm chiến lược của Nga đang già đi. Các tàu ngầm lớp Borei sẽ trở thành nòng cốt của đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga, thay thế các tàu thuộc Dự án 941 (lớp Typhoon) và các tàu Dự án 667 (Delta-3 và Delta-4).
Trong nỗ lực hiện đại hóa lực lượng hải quân, Nga đã lên kế hoạch trong giai đoạn 2011-2020 sẽ phát triển và trang bị thêm 10 tàu ngầm lớp Borei cho lực lượng hải quân.
Tổng thống Nga V. Pu-tin từng tuyên bố, hiện đại hóa hải quân là ưu tiên lớn trong việc tăng cường sức mạnh lực lượng vũ trang của Nga.
Các tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ tư nói trên được coi là “con át” chủ bài góp phần tăng cường sức mạnh tấn công của hải quân Nga. Đây là dự án được ví như “quả đấm chiến lược” nhằm nâng cấp lực lượng tấn công hạt nhân dưới biển của Hải quân Nga.
Dự án chế tạo và phát triển tàu ngầm hạt nhân lớp Borei (Dự án 955 Borei) là một phần quan trọng trong chiến lược răn đe hạt nhân của hải quân Nga trong những thập niên tới.
Kế hoạch phát triển và trang bị tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga còn được cho là nhằm phục vụ cho chiến lược vươn ra biển cũng như giành lại vị thế của hải quân Nga.
Nga hiện đang thúc đẩy việc đưa các tàu ngầm chiến lược tham gia tuần tra liên tục các vùng biển thuộc hải phận quốc tế. Mùa hè năm ngoái, lần đầu tiên sau 26 năm gián đoạn, Nga đã đưa các tàu ngầm nguyên tử tuần tra trở lại tại các vùng biển quốc tế.
Ngoài ra, với xu thế các nước đua nhau phát triển và mua sắm tàu ngầm hiện đại trong bối cảnh an ninh biển phức tạp như hiện nay, Nga cũng không thể đứng ngoài. Mỹ, một đối trọng hạt nhân đáng gờm của Nga mới đây cũng đã quyết định triển khai hệ thống động lực mới cho tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo.
Hải quân Mỹ đặt mục tiêu hệ thống mới phải hội tụ đủ hai tiêu chuẩn là không phát ra tiếng ồn và chạy liên tục trong 50 năm không cần thay nhiên liệu. Hệ thống động lực mới này sẽ được trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới thuộc “Kế hoạch thay thế Ohio” của Mỹ.
Báo Mỹ: Pakistan - Ấn Độ đang chạy mua mua sắm, phát triển tàu ngầm
Thứ hai 18/02/2013 08:10
(GDVN) - Trung Quốc tỏ ra rất quan tâm đến tiến triển chương trình tàu ngầm của Hải quân Ấn Độ và Pakistan - nước được coi là đồng minh và đối thủ của Ấn Độ
Tàu ngầm lớp Nguyên Trung Quốc trang bị hệ thống AIP (theo báo Phương Đông TQ) Trang mạng Youngester Mỹ ngày 16/2 cho biết, hiện nay Pakistan đã ký với Trung Quốc hợp đồng mua 6 tàu ngầm AIP lớp Nguyên, Hải quân Pakistan cũng đã sở hữu 1 chiếc tàu ngầm AIP và đang cải tạo hệ thống AIP “năng lượng tàu ngầm kiểu tự chủ” cho 2 tàu ngầm khác do Pháp chế tạo.
Trong khi đó, Hải quân Ấn Độ hiện vẫn chưa có tàu ngầm AIP, hơn nữa đến năm 2020 họ sẽ chỉ có 5 trong số 10 tàu ngầm lớp Kilo hiện có cùng với 4 tàu ngầm do Đức chế tạo.
Trong khi Ấn Độ thúc đẩy chương trình tàu ngầm “Kế hoạch 75”, Pakistan nhanh chóng ký một thỏa thuận với Trung Quốc, mua 6 tàu ngầm tiên tiến AIP của Trung Quốc.
Bài báo cho rằng, 6 tàu ngầm lớp Nguyên mới mua từ Trung Quốc sẽ trang bị hệ thống AIP. Những tàu ngầm AIP này sẽ cải thiện lớn khả năng hoạt động dưới nước cho Pakistan.
Sau khi lặn dưới biển vài ngày, tàu ngầm diesel thông thường sẽ phải nổi lên hoặc sử dụng ống thông khí để bổ sung ô-xy.
Nhưng, tàu ngầm trang bị hệ thống AIP thì có thể lặn dài hơn, cải thiện khả năng tàng hình và chiến đấu, phần nào đã thu hẹp khoảng cách tàu ngầm động cơ hạt nhân – loại tàu có khả năng lặn vô thời hạn.
Tuy Ấn Độ còn vài năm nữa sẽ sở hữu một chiếc tàu ngầm AIP, nhưng Pakistan đã sở hữu một chiếc tàu ngầm loại này – trong 10 năm qua, Pakistan đã sở hữu 3 tàu ngầm Agosta-90B do Pháp chế tạo, trong đó tàu ngầm PNS Hamza đã trang bị hệ thống đẩy không phụ thuộc vào không khí.
Hơn nữa, hiện nay công tác cải tạo hệ thống “năng lượng tàu ngầm kiểu tự chủ” (Mesma) do Pháp chế tạo đã được bắt đầu, sau này sẽ dùng để cải tạo 2 tàu ngầm còn lại là Khalid và Saad.
Tàu ngầm thông thường Agosta-90B trang bị hệ thống AIP do Pháp chế tạo Trong khi dó, hiện nay Ấn Độ vẫn từ chối trang bị hệ thống AIP cho 6 tàu ngầm lớp Squid do Pháp chế tạo. 6 tàu ngầm này thuộc “Kế hoạch 75”, tốn kém 235,62 tỷ rupee, hiện đang chế tạo ở xưởng đóng tàu Mazagao, công việc chế tạo đã chậm 3 năm so với thời gian biểu, dự kiến hoàn thành vào khoảng thời gian từ năm 2015-2020.
Hơn nữa, Hải quân Ấn Độ quan tâm hơn tới hệ thống AIP pin nhiên liệu. Hiện nay, Tổ chức phát triển và nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ đang nghiên cứu hệ thống này, thậm chí hệ thống có liên quan đã tiến hành thử nghiệm ở trên bờ. Nếu nghiên cứu chế tạo thành công, Ấn Độ có thể sẽ trang bị hệ thống này cho tàu ngầm lớp Squid thứ 5 và thứ 6 của họ.
Kế hoạch P-75I của Hải quân Ấn Độ có tiến triển rất chậm chạp. Theo chương trình dự án, Ấn Độ sẽ bỏ ra hơn 500 tỷ rupee mua 6 tàu ngầm tàng hình mới, 6 tàu này không chỉ trang bị tên lửa phóng ống có khả năng tấn công đất liền, mà còn trang bị hệ thống AIP.
Sách hướng dẫn sử dụng đã được phát cho các đối tác nước ngoài như công ty xuất khẩu quốc phòng Nga (Rosoboronexport), nhà máy đóng tàu DCNS Pháp, nhà máy đóng tàu HDW Đức và công ty Navantia Tây Ban Nha…, ban đầu có kế hoạch xác định đối tác vào cuối năm 2011.
Tàu ngầm động cơ hạt nhân Chakra-2 của Hải quân Ấn Độ, thuê của Nga trong 10 năm. Nhưng, những nhà máy đóng tàu có khả năng cung cấp hệ thống AIP không thể cung cấp khả năng tên lửa tấn công đất liền. Vì vậy, Kế hoạch P-75I rất phức tạp, ít nhất cần tới 2 năm mới có thể xác định được đối tác, bàn giao chiếc tàu ngầm đầu tiên phải cần ít nhất 6 năm.
Đến năm 2020, Hải quân Ấn Độ sẽ chỉ sở hữu 5 trong số 10 tàu ngầm lớp Kilo và 4 tàu ngầm do Đức chế tạo. Mặc dù là 6 tàu ngầm lớp Squid do Pháp chế tạo được trang bị một loạt, thì trong ngắn hạn, việc đáp ứng nhu cầu tác chiến với ít nhất 18 tàu ngầm thông thường của Hải quân Ấn Độ còn tương đối xa.
Australia quan tâm đặc biệt tới công nghệ tàu ngầm Soryu của Nhật Bản
Thứ hai 18/02/2013 08:04
(GDVN) - Nhật Bản có khả năng thông qua viện trợ công nghệ tàu ngầm cho Australia để đối phó với Hải quân Trung Quốc.
Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản sử dụng động lực AIP Tờ “Keizai Shimbun” Nhật Bản vừa có bài viết cho rằng, xung quanh vấn đề Australia có kế hoạch tăng thêm tàu ngầm mới, Bộ Quốc phòng Nhật Bản hiện đang tiến hành bàn về việc có thể viện trợ công nghệ tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển cho phía Quân đội Australia hay không.
Bài báo cho rằng, động thái này của Nhật Bản có ý đồ tăng cường hợp tác với Australia, cùng ứng phó với Hải quân Trung Quốc, lực lượng hoạt động trên biển ngày càng mạnh, liều lĩnh.
Theo bài báo, Hải quân Australia hiện có 6 tàu ngầm, nhưng đều đã lão hóa. Quân đội Australia tuyên bố trong tương lai sẽ tăng 12 tàu ngầm mới. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, phía Nhật Bản có thể cung cấp cho Australia công nghệ về các phương diện như động lực lặn dưới nước.
Tàu ngầm có các đặc điểm như tính bí mật (tàng hình) mạnh, tính ẩn giấu công nghệ cao. Sau khi Chính phủ Nhật Bản nới lỏng “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” vào năm 2011, việc cùng nghiên cứu phát triển và sản xuất vũ khí quốc tế “lấy bảo đảm an ninh của Nhật Bản làm mục tiêu” đã có khả năng.
Vì vậy, lần này Nhật Bản hỗ trợ công nghệ cho Australia sẽ trở thành khâu quan trọng được Bộ Quốc phòng Nhật Bản nghiên cứu.
Bài báo tiết lộ, khi tổ chức hội đàm vào tháng 9/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Australia từng xác nhận, hai bên sẽ tăng cường hợp tác về trang bị, kỹ thuật quân sự. Trong khi đó, phía Australia lại rất quan tâm tới tàu ngầm lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Tàu ngầm Type 214 do Đức chế tạo, có động cơ AIP được cho là hiện đại nhất thế giới. Sau khi lặn một khoảng thời gian, tàu ngầm bình thường sẽ nổi lên mặt nước để tiếp thêm không khí và có động lực tốt hơn, nhưng tàu ngầm lớp Soryu đã áp dụng thiết bị động lực không dựa vào không khí (AIP), có thể tiến hành lặn với thời gian dài hơn, tiếng ồn cũng nhỏ hơn tàu ngầm hạt nhân.
Tờ Keizai Shimbun cho rằng, xét thấy hiện nay chỉ có các nước như Nhật Bản, Đức và Thụy Điển sở hữu công nghệ thiết bị AIP và Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã ký thỏa thuận với các doanh nghiệp có liên quan về những vấn đề như phát triển công nghệ, vì vậy vẫn còn hạn chế công khai thông tin.
Hiện nay, Nhật Bản có viện trợ công nghệ tàu ngầm cho Australia hay không vẫn còn chưa biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ tiến hành điều tra chi tiết về phạm vi công khai công nghệ và tình báo có liên quan, nhưng động thái này của Nhật Bản có ý đồ tăng cường hợp tác với Australia, cùng ứng phó với Hải quân Trung Quốc, nước có hoạt động trên biển ngày càng gia tăng.
Tàu ngầm lớp Archer trang bị hệ thống AIP do Thụy Điển chế tạo.