Còn đây là một tổng hợp về đường lưỡi bò (chữ U của bọn bành trướng ạ: (Đang hứng nên em pót lên lun, chưa edit gì cả....hihi)
Vấn đề tranh chấp biển Đông không chỉ là vấn đề nội bộ của các quốc gia Đông Nam Á, tham gia vào quá trình này còn có một số quốc gia khác có lien quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến chủ quyền và quyền lợi ở biển Đông. Trong đó Trung Quốc được coi là quốc gia đóng vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình tranh chấp bởi trung Quốc có phần chủ quyền ở biển Đông và cũng là nước tham gia vào quá trình tranh chấp một cách quyết liệt nhất. Đỉnh điểm tham vọng của Trung Quốc ở khu vực biển Đông là việc quốc gia này công bố với quốc tế tấm bản đồ chủ quyền lãnh thổ có gắn kèm phần bản đồ về “đường lưỡi bò”. “Đường lưỡi bò” ấy có lịch sử xuất hiện như thế nào và những tranh cãi xung quanh “đường lưỡi bò” ấy ra sao, nó nói lên mưu đồ gì của Trung Quốc ?.
Vào năm 1933, sau khi Pháp thực hiện việc đưa quân ra đồn trú tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chính quyền Cộng hòa Trung Hoa (chính quyền Tưởng Giới Thạch) đã cho thành lập Ủy ban Điều tra Bản đồ Đất và Biển nhằm khảo sát và đặt tên cho các đảo ở Biển Đông và xuất bản các bản đồ để thể hiện các đảo này thuộc lãnh thổ của Trung Quốc. Bản đồ chính thức đầu tiên thể hiện “đường lưỡi bò” có nguồn gốc từ sau Thế chiến II, được Vụ Biên giới và Lãnh thổ, Bộ Nội vụ Cộng hòa Trung Hoa xuất bản tháng 2/1948 có tên là Nanhai zhudao weizhi tu (Nam Hải chư đảo vị trí đồ) mà theo các học giả Trung Quốc là dựa theo một số bản đồ không rõ ràng của một vài cá nhân, tại đó xuất hiện một đường mà người Trung Hoa gọi là “đường chữ U” (đường lưỡi bò) bởi nó nhìn giống một cái lưỡi bò liếm xuống Biển Đông, được thể hiện trên bản đồ là một đường đứt khúc bao gồm 11 đoạn.
Năm 1949 Cộng hòa nhân dân(CHND) Trung Hoa cũng cho ấn hành một bản đồ, trong đó “đường lưỡi bò” được thể hiện giống như bản đồ trước đó gồm 11 đoạn. Tuy nhiên, sau đó một thời gian, bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc xuất bản chỉ còn 9 đoạn mà không đưa ra giải thích vì sao. Và cho đến nay, vẫn không rõ quan điểm chính thức của chính quyền Trung Quốc về tính chất pháp lý của “đường lưỡi bò” này. Mặc dù, trong Công hàm CML/17/2009 và CML/18/2009 Chính phủ Trung Quốc cho rằng: “CHND Trung Hoa có chủ quyền không thể tranh cãi với các đảo ở Biển Nam Trung Hoa và các vùng biển kế cận và được hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy của vùng biển đó. Lập trường trên đây đã được Chính phủ Trung Quốc đưa ra một cách nhất quán và được cộng đồng quốc tế biết đến rộng rãi”.
Với Công hàm ngày 7/5/2009 có kèm bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò”, có vẻ như Trung Quốc đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải thừa nhận “tính chất lịch sử của “đường lưỡi bò”, coi Biển Đông như một vịnh lịch sử”. Đường này các học giả Trung Quốc coi là đường biên giới quốc gia trên biển của Trung Quốc. Họ cũng tìm cách kết hợp con đường này với các khái niệm đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của luật biển quốc tế hiện đại bằng tuyên bố dưới dạng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với các vùng nước phụ cận của quần đảo Trường Sa”.
Trước đó, mặc dù "đường lưỡi bò” đã được thể hiện nhiều lần trong một số bản đồ lưu hành trong nước, nhưng Chính phủ của họ chưa bao giờ có một tuyên bố chính thức nào trước cộng đồng quốc tế. Thậm chí trong những văn bản pháp lý quan trọng của Nhà nước Trung Quốc về các vùng biển như các Tuyên bố về Lãnh hải năm 1958, về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp năm 1992, về Đường cơ sở năm 1996, và về Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa năm 1998... "đường lưỡi bò” cũng không hề được nhắc tới. Tham chiếu các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia thì ai cũng thấy rằng yêu sách "đường lưỡi bò” hoàn toàn trái với các quy định của Công ước. Không một quy định nào của Công ước có thể biện minh cho yêu sách "đường lưỡi bò”. Đơn giản bởi vì vùng biển mà "đường lưỡi bò” ngoạm vào không thể nào là lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế hoặc là thềm lục địa của Trung Quốc. Đó chính là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei. Yêu sách "đường lưỡi bò” phi lý nói trên đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của 5 nước ASEAN đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Chính vì vậy, mà Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines đã lần lượt gửi công hàm đến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Việc nước này vẫn tiếp tục đưa ra yêu sách phi lý nói trên và tiến hành các việc làm trên thực địa nhằm đơn phương áp đặt yêu sách này càng làm cho tình hình Biển Đông trở nên phức tạp hơn, gây lo ngại thực sự cho cộng đồng thế giới và buộc dư luận phải lên tiếng. Không chỉ các quốc gia liên quan tranh chấp ở Biển Đông mà dư luận của nhiều quốc gia khác cũng đã bày tỏ ý kiến bất bình trước yêu sách đầy phi lý này.
Thứ nhất, các học giả quốc tế (bao gồm cả các học giả Đài Loan) cho rằng, thời điểm chính quyền Trung Quốc gửi hai Công hàm ngày 7/5/2009 lên Liên Hiệp Quốc, trong đó có kèm bản đồ có “đường lưỡi bò” mới là thời điểm đầu tiên bản đồ này xuất hiện công khai trước cộng đồng quốc tế. Trong vấn đề này, ta có thể tham khảo ý kiến của thẩm phán Oda trong vụ Kasikili/ Sedudu: “…Một yêu sách lãnh thổ chỉ có thể được đưa ra với ý định rõ ràng của chính phủ, điều có thể được phản ánh qua các bản đồ. Bản thân bản đồ, nếu không có các bằng chứng hỗ trợ khác không thể biện hộ cho một yêu sách chính trị”. Hai học giả danh tiếng về luật quốc tế của châu Âu là Erik Franckx & Marco Benatar trong một nghiên cứu của mình cho rằng: “Trong trường hợp này, tiêu chí để xét ý định rõ ràng về phía Chính phủ Trung Quốc không được đáp ứng đầy đủ. Các cách giải thích khác nhau về “đường chữ U” do các học giả đưa ra cũng như công hàm mập mờ của CHND Trung Hoa ngày 7/5/2009 là minh chứng cho kết luận này”. Như vậy thì ngay cả việc gửi bản đồ có kèm theo “đường lưỡi bò” lên Liên Hiệp Quốc ngày 7/5/2009 mà không có giải thích gì khác thì cũng chưa hình thành một yêu sách lãnh thổ, còn tới việc cho xuất bản bản đồ theo bản đồ (khó kiểm chứng tính chính xác) của một cá nhân mà không công bố rõ ràng trước cộng đồng quốc tế thì không thể gọi là một yêu sách lãnh thổ của một quốc gia được. Nếu Trung Quốc đòi hỏi các quốc gia khác phải công nhận những bản đồ, tài liệu do Trung Quốc đưa ra mà không công bố cho thế giới, thì Trung Quốc cũng phải công nhận các bản đồ, tài liệu của tất cả các nước, trong đó có các bản đồ cổ của Việt Nam và nhiều bản đồ phương Tây khác nêu rõ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!
` Thứ hai, Trung Quốc luôn cho rằng, họ có chủ quyền trên vùng biển này bởi vì họ đã thiết lập một danh nghĩa lịch sử từ lâu đời. Thế nhưng, cho đến trước năm 1909, Trung Quốc chưa có bất cứ sự hiện diện nào trên Hoàng Sa, cũng như trước năm 1988 Trung Quốc cũng chưa có bất kỳ sự hiện diện nào tại Trường Sa. Thêm nữa, tất cả các bộ chính sử của nhà nước phong kiến Trung Quốc, từ “Sử ký”cho đến “Đại Nguyên nhất thống chí” (1294), “Đại Minh Nhất thống chí” (1461), “Đại Thanh Nhất thống chí” (1842), trước năm 1909 đều khẳng định “Cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là Nhai huyện, đảo Hải Nam”.
Hiện nay trong tay người dân Việt Nam ít nhất đã có hai bằng chứng lịch sử để chứng minh với nhân dân Việt Nam, Trung Quốc và cả cộng đồng quốc tế về việc lãnh thổ Trung Quốc trước khi xuất hiện “đường lưỡi bò” thì cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam và xác nhận chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đó là:
Tấm bản đồ do Tiến sỹ Mai Hồng nguyên là Trưởng phòng Tư liệu thư viện của Viện Hán Nôm, hiện ông đang là Giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam. Hơn 30 năm gắn bó với công tác lưu trữ, đã sưu tập được rất nhiều tư liệu quý và có giá trị lịch sử cũng như giá trị thực tiễn cao. Trong số đó có một bức bản đồ cổ có tên gọi “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” có xuất xứ từ Trung Quốc….“Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Toàn bộ bản đồ địa lý của đất nước) là tập bản đồ Trung Quốc xuất bản tại Thượng Hải năm 1905 và tái bản năm 1910. Đây là một trong những tập bản đồ Trung Quốc được vẽ và ấn hành vào cuối triều Thanh, phản ánh nhận thức đương thời của người Trung Quốc, quan chức, học giả đối với cương giới, lãnh thổ Trung Quốc thời điểm đó. Giá trị nhất là trên bản đồ toàn quốc và bản đồ tỉnh Quảng Đông chỉ vẽ đến đảo Hải Nam. Đảo Hải Nam trên bản đồ là điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc và bản đồ tỉnh Quảng Đông, chứng minh các quần đảo ở Biển Đông nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Tấm “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được in màu khá đẹp gồm 35 miếng ghép bằng giấy bồi dán trên mặt vải bố, trong đó mỗi miếng ghép có kích cỡ khoảng 20x30cm.
“Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” phía trên có một văn bản bằng Hán tự cổ có nội dung đại ý rằng từ đời xưa người Hán đã có các tấm bản đồ nhưng không được rõ ràng, chính xác và không rõ ngọn nguồn. Đến đời Khang Hy thứ 47 Thánh tổ nhân hoàng đế đã sai phái 2 giáo sỹ người nước ngoài làm ra tấm “Vạn lý thành đồ” trong vòng hơn 1 năm. Sau khi các tỉnh đã duyệt quy mô như đã định trên bản đồ, đến năm Tân Mão đời Khang Hy thứ 50 các giáo sỹ đã tập trung ở Kinh đô cùng nhau vẽ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” gồm 13 tỉnh của Trung Quốc, trong đó có nói rõ “Chỗ nào bị tàn khuyết thì bổ sung, chỗ nào nhầm lẫn thì sửa lại cho đúng, khiến cho nó được rõ ràng như trong lòng bàn tay…”. Nếu nhìn vào “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” có thể thấy đại đồ thể hiện cương vực Trung Quốc xưa (có giá trị như bản đồ hành chính Trung Quốc ngày nay), đó là cơ sở pháp lý để xác định chủ quyền cương vực quốc gia. Song trên tấm “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” điểm cực Nam của Trung Quốc chỉ dừng lại ở địa giới của đảo Hải Nam ngày nay mà không hề có sự xuất hiện các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông. Ngược về quá khứ, có thể thấy Trung Quốc là nơi có truyền thống lâu đời về sử học nói chung và địa đồ nói riêng. Với những tấm địa đồ vẽ những địa phương nhỏ đã xuất hiện và có niên đại từ rất sớm (năm 229 trước Công nguyên phát hiện 7 bức Bãi thả ngựa sông Thiên Thủy có niên đại thời Chiến Quốc). Song địa đồ được xem là thể hiện cương vực quốc gia hoàn chỉnh sớm nhất xuất hiện vào năm 1121 (đời Tống) và được khắc trên đá có tên gọi Cử vực thú lệnh đồ. Giới hạn cương vực nhà Tống trong Cửu vực thú lệnh đồ về phía Nam đến Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam ngày nay). Theo các nhà nghiên cứu, các địa đồ sau này trải qua các đời Nguyên, Minh như Quảng dư đồ (hoàn thành năm 1541, khắc in năm 1555), Hoàng triều chức phương địa đồ (khắc in năm 1636)… là những địa đồ hành chính toàn quốc, được thực hiện theo chủ trương của chính quyền Trung ương các đời. Những địa đồ này thực hiện dưới sự ảnh hưởng của kỹ thuật vẽ địa đồ phương Tây, tuy nhiên điểm cực Nam của Trung Quốc trong cương vực tổng thể vẫn không vượt quá Quỳnh Châu. Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Hà thuộc Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa, Thành cổ Hà Nội, “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được ấn hành vào năm 1905 và tái bản năm 1910. Trước đó trên các bản đồ của Việt Nam như Hồng Đức bản đồ, trong các ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục”…chủ quyền đã thuộc về Việt Nam. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, luật pháp chứng minh. TheoTiến sỹ Mai Hồng“Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” là tấm bản đồ do người Trung Quốc xây dựng và ấn hành thời gian đầu thế kỷ XX, do vậy bên cạnh giá trị về mặt lịch sử nó còn là cơ sở giúp các học giả Việt Nam trong các nghiên cứu chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa hoặc các nghiên cứu chung về Biển Đông. Vì vậy ông đã hiến tặng tài liệu quý này cho các cơ quan chức năng có trách nhiệm để phục vụ vào mục đích chung, hiện nay nó đã được trưng bày tại bảo tàng lịch sử Quốc gia và được người dân Việt hết sức quan tâm, nô nức đến xem. Điều đó cũng cho thấy sự quan tâm của người dân Việt tới vấn đề biển Đông và đặc biệt là vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thêm một chứng cớ cho vấn đề chủ quyền tại biển Đông:
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn công bố Tập sách “Địa dư đồ khảo” trước báo chí
Đó là tập sách do cụ Trần Đình Bá (1867-1933) lúc làm Thượng thư bộ Hình triều Khải Định (1916-1925) đã cho sao chép cất vào tủ sách Phước Trang ở tư thất (số 114 Mai Thúc Loan, thành phố Huế), truyền đến đời thứ 4 là Trần Đình Sơn thừa kế, di chuyển vào Sài Gòn từ năm 1968, hiện vẫn được lưu giữ tại 128 Đinh Tiên Hoàng, TP. Hồ Chí Minh.
Tập sách “Địa dư đồ khảo” viết trên giấy xuyến tốt, bên ngoài có bìa cứng, bọc lụa đỏ, kế đến là bìa giấy cũ màu nâu. Tổng cộng có 65 tờ viết chữ Nho hai mặt, chữ còn rõ đẹp, gồm 20 mục khảo cứu về địa dư và 20 bản đồ chi tiết đính kèm. Giáo sư Cao Huy Thuần, giảng dạy về Luật học và Chính trị tại Đại học Picardia (Pháp) đánh giá cao đóng góp của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã cung cấp một chứng cứ mới, thêm một trong những bằng chứng “sáng chói”, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; khẳng định từ xa xưa, chính Trung Quốc chỉ công nhận biên giới của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho biết thêm: Ngày nay tại Du Lâm, cực Nam của Hải Nam vẫn còn các tảng đá rất to lớn ghi hàng chữ lớn Thiên Nhai Hải Giác (chân trời góc biển), hoặc Hải Khoát Thiên Không (biển rộng trời không, mênh mông vô bờ bến). Ông cũng trích bài viết về biển Đông của học giả người Trung Quốc Lý Lệnh Hoa (Trung tâm Thông tin hải dương Trung Quốc), có đoạn viết: Vào thời nhà Thanh, có một chiếc tàu buôn của Pháp chở đồng đi qua vùng biển Tây Sa thì gặp cướp biển, bị cướp sạch. Theo quy tắc vận tải hàng hóa trên biển, họ phải đến gặp chính quyền sở tại để trình báo, đề nghị giúp bắt bọn cướp, đồng thời xin chính quyền nơi đó xác nhận làm bằng chứng để khi về báo cáo lại với chủ hãng và đòi bảo hiểm bồi thường.
Viên thuyền trưởng người Pháp đưa tàu chạy đến cảng gần nhất là Du Lâm ở đảo Hải Nam, trình báo với tri phủ địa phương. Viên quan địa phương nói với thuyền trưởng người Pháp: 'Nơi chúng ta đứng đây có tên là Thiên Nhai Hải Giác. Đất của Thiên triều đến đây là hết rồi. Chuyện ông bị cướp ngoài biển biết là ở chỗ nào? Ông bị cướp, chúng tôi không chịu trách nhiệm. Không quản được mà cũng không muốn quản'. Viên thuyền trưởng đành phải cho tàu chạy vào cảng Hải Phòng. Quan chức địa phương ở đó rất tốt, xác nhận cho ông ta, lại còn cho tàu ra chạy ngoài biển, coi như đã truy bắt cướp. Đó là chứng cứ về kiểm soát và quản lý thực tế . Chứng cứ này nói lên: Chính phủ Trung Quốc ngay từ thời triều Thanh đã không thừa nhận Tây Sa là lãnh thổ của mình, cũng không đảm trách công tác trị an ở đó. Còn chính quyền Việt Nam khi đó không những đã cho Tây Sa là lãnh thổ của mình, mà còn thực thi công tác giữ gìn trật tự ở đó. Điều đó chẳng chứng minh Tây Sa từ xưa đến nay đều thuộc về Việt Nam hay sao?”.
Hoàng Sa và Trường Sa vốn dĩ thuộc về Việt Nam, như vậy “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc vì lý do gì lại xuất hiện trên chính trường?
Theo ông Dương Danh Dy nguyên là Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu từ năm 1993 đến 1996 và làm việc, tìm hiểu Trung Quốc trong nhiều năm, nhà nghiên cứu người rất am tường các vấn đề về Trung Quốc. Ông nhận định: “Phải thấy ý đồ của Trung Quốc đối với biển Đông, họ không còn “giấu mình chờ thời” như trước đây. Phải nhìn tận gốc của vấn đề để thấy rằng tuyên bố mời thầu ở khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam chưa phải là hành động ghê gớm nhất, mà họ có thể có những bước đi xa hơn nữa”.
“Đừng bao giờ mất cảnh giác trước các âm mưu xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Lịch sử và thực tế đã chứng minh, họ luôn có những mưu đồ và hành động rất khó lường. Họ sẽ còn tiếp tục có những hành động gây hấn. Chúng ta phải luôn cảnh giác đề phòng những bước đi xa hơn của Trung Quốc”. Những nhận định trên được nhà nghiên cứu Dương Danh Dy đưa ra dựa trên cơ sở sự lớn mạnh nhanh chóng về nhiều mặt của Trung Quốc: Giữa năm 2010, GDP của Trung Quốc đã vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế thứ 2 trên thế giới và trong nội bộ Trung Quốc có ý định phải đuổi kịp Mỹ. Song song với tiềm lực về kinh tế, Trung Quốc nghĩ rằng thực lực của họ đang lớn mạnh, Trung Quốc nghĩ rằng phải có hành động mạnh mẽ hơn trên biển Đông và thể hiện quan điểm rõ ràng biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ. Điều này có nghĩa là biển Đông giống như Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông, nếu nước khác động đến sẽ xảy ra chiến tranh. Đó chính là nguyên nhân khiến Trung Quốc hành động mạnh mẽ hơn. Chúng ta đã thấy trung Quốc luôn thực hiện một chính sách khá cứng rắn trong tất cả vấn đề tranh chấp tại khu vực biển Đông, thực tiễn lịch sử đã chứng minh: Năm 1988 trong một cuộc đụng độ Trung quốc đã đánh chìm 3 tàu vận tải quân sự của Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. Năm 1989 gây xung đột vũ trang với Philipin ở khu vực bãi Vành khăn. Năm 2006 xây dựng cột mốc trái phép tại quần đảo Hoàng Sa. Gần đây nhất là hành động mời thầu của Tổng công ty dầu khí xa bờ quốc gia Trung Quốc(CNOOC), đang tìm cách mời các công ty nước ngoài đấu thầu 26 lô dầu khí tổng diện tích trên 73.700km2, trong đó 22 lô thuộc biển Đông và lô 65-12 chỉ cách đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam chưa đầy 3 hải lý. Hành động mời thầu tại lô dầu khí 65-12 đã xâm phạm nghiêm trọng tới chủ quyền của Việt Nam đối với quần đào Hoàng Sa. Trong khi đó, Reuters dẫn đánh giá của giới phân tích cho hay đây là đợt mời thầu lớn nhất của CNOOC về số lượng lô dầu khí kể từ thập niên 1990. Diều này chứng minh CNOOC đang muốn đẩy mạnh khai thác do sản lượng dầu tăng chậm. các chuyên gia quốc tế cũng đánh giá rằng: Bắc Kinh sẽ còn đầy mạnh hơn nữa hành động gây lo ngại trên biển Đông.
Thêm vào đó, nội bộ của Trung Quốc cũng đang đấu tranh mạnh mẽ, và thường trong những cuộc đấu tranh nội bộ đó, họ đều chuyển hướng dư luận và hành động ra ngoài biên giới nước họ. Do vậy, nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ lưỡng mọi điều kiện thì khó có thể biết điều gì xảy ra. Dự đoán về những hành động tiếp theo Trung Quốc có thể tiến hành, ông Dương Danh Dy cho rằng: “Theo tôi, Trung Quốc có thể sẽ có những hành động khác như: cho lính giả làm dân ra bãi đá ngầm Trường Sa làm giàn khoan để thử phản ứng của Việt Nam. Hoặc dù không đánh chiếm cả quần đảo, nhưng có thể họ sẽ chiếm 1 hoặc 2 trong số những đảo do Việt Nam đang quản lý để thử phản ứng của Việt Nam, thử phản ứng của thế giới, nếu không ăn thua thì rút, nếu có cơ hội thì lấn tới”. Hiện nay chúng ta thấy hành động của Trung quốc ngày càng thể hiện rõ nét mưu đồ. Với việc mời thầu phi pháp các lô dầu khí thuộc chủ quyền Việt Nam chỉ là một phần trong chiến lược thâu tóm biển Đông mà Trung Quốc đề ra. Ngày 31.8.2012 tờ the straits times đã cung cấp tiền trợ giúp các ngư dân nước này để đánh bắt trái phép tại các vùng biển tranh chấp trên biển Đông. Hành động này nhằm theo đưởi chiến lược “mưa dầm thấm đất” để Bắc Kinh độc chiếm biển Đông, chứ không đơn thuần là hỗ trợ ngư dân mưu sinh. Theo đó, những ngư dân làng chài Đàm Môn, phía đông đảo Hải Nam, cho biết họ nhận được các khoản trợ cấp nhiên liệu hàng năm dựa trên công suất tàu. Cụ thể, vào năm ngoái, ngư dân Trần Nghị Tân nhận được khoảng 400.000 nhân dân tệ (khoảng 63.000 USD) cho chiếc tàu 750 mã lực; ngư dân Phó Minh Khang được khoảng 300.000 nhân dân tệ (khoảng 45.000 USD) cho tàu 600 mã lực. Ngoài ra, mỗi chủ tàu còn nhận được khoảng 5.000 nhân dân tệ (gần 800 USD) cho mỗi chuyến đánh bắt trái phép tại biển Đông. Các quan chức Trung Quốc còn thường xuyên đến thăm làng Đàm Môn để thúc giục ngư dân đánh bắt trái phép tại Trường Sa thuộc Việt Nam. Tờ The Straits Times dẫn lời chuyên gia hàng hải họ Chương tại Singapore nhận định Trung Quốc đang đẩy ngư dân mạo hiểm đến vùng biển tranh chấp. Ông Chương còn cho rằng hành động trên sẽ khiến căng thẳng trong khu vực càng tăng cao.
Khi các nhà ngoại giao Trung Quốc mạnh mẽ đưa ra tuyên bố về "lợi ích cốt lõi” của họ tại Biển Đông và đe dọa sẽ không dung thứ bất cứ hành động nào của các quốc gia khác xâm phạm "chủ quyền không thể tranh cãi” của họ trong "đường lưỡi bò” bao chiếm 80% diện tích Biển Đông. Mong muốn kiểm soát Biển Đông, tham vọng biến vùng biển này trở thành "ao nhà” ngày càng trở nên rõ ràng qua nhiều tuyên bố, biện pháp và hành động mạnh mẽ của Trung Quốc mang tính áp đặt, nôn nóng khẳng định "chủ quyền không thể tranh cãi” của họ trên Biển Đông, ráo riết thực hiện việc kiểm soát trên thực tế trong khi không đưa ra được bất kỳ bằng chứng lịch sử hay cơ sở pháp lý quốc tế nào có sức thuyết phục. Có thể dễ dàng nhìn thấy Trung Quốc có nhiều lợi ích hữu hình quan trọng trên Biển Đông như: là đường biển quan trọng vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế, trong đó có 70% tổng số lượng dầu hỏa cho nền kinh tế; là vùng biển có nhiều tài nguyên, trong đó quan trọng nhất là dầu khí và hải sản. Tuy nhiên, thái độ và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông từ năm 2007 đến nay cho thấy giới chính trị - quân sự nước này nhìn nhận Biển Đông chủ yếu ở góc độ địa chính trị và địa chiến lược. Theo đó, Biển Đông là không gian lợi ích sống còn, là cửa ngõ để tiến xuống khu vực Đông Nam Á và vươn xa hơn trở thành cường quốc đại dương. Việc các lực lượng quân sự của Trung Quốc mạnh dạn chặn các tàu của Mỹ, thử phản ứng của Mỹ với đề nghị chia khu vực ảnh hưởng ở Thái Bình Dương, đe dọa và bắt bớ các tàu thuyền của các nước tranh chấp, xây dựng căn cứ tàu ngầm chiến lược ở Tam Sa là những minh chứng rõ ràng về quan niệm của giới chính trị và quân sự Trung Quốc về tầm quan trọng của Biển Đông và tương lai của vùng biển này trong chiến lược cường quốc của nước này. Các nhà phân tích cho rằng, chính sách đối với Biển Đông của Trung Quốc cần được xem xét trong tổng thể chiến lược an ninh và phát triển của nước này nhằm vươn lên thành một cường quốc toàn cầu. Theo đó, cần nhìn thấy sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông chỉ là một phần của kế hoạch bành trướng tổng thể, bao gồm "bành trướng cứng” như bành trướng trên biển, trên đất liền, và "bành trướng mềm” như tăng cường hiện diện ở tất cả các nơi có tiềm năng lợi ích về tài nguyên, dầu mỏ, địa chính trị, v.v... Mong muốn trở thành cường quốc toàn cầu của Trung Quốc đã bộc lộ từ lâu, khi nước này tự coi mình là đại diện của các nước thế giới thứ ba trong cuộc đấu tranh với hai siêu cường và các nước công nghiệp phát triển. Định hướng chiến lược này, tuy nâng Trung Quốc lên hàng một cường quốc trung gian giữa Mỹ và Liên Xô, nhưng lại không thể giúp Trung Quốc có được nguồn vốn và công nghệ cần thiết để phát triển kinh tế. Sau đó, Trung Quốc chuyển sang mục tiêu chiến lược "bốn hiện đại hóa”, đồng thời áp dụng phương châm "giấu mình chờ thời”. Ước vọng toàn cầu được giấu đi, kìm nén, không được cụ thể hóa, chỉ nói chung chung là phấn đấu cho một trật tự thế giới công bằng, dân chủ và "đa cực hóa”. Sau một phần tư thế kỷ "cải cách, mở cửa”, Trung Quốc đã từ một nước nghèo nàn lạc hậu vươn lên thành một nước công nghiệp mới, trở thành một đầu tàu tăng trưởng của thế giới, với tổng sản phẩm xã hội đứng thứ 2 thế giới (2010) và một viễn cảnh sẽ vươn lên dẫn đầu thế giới sau nửa thế kỷ tiếp theo. Những điều này một mặt khiến nhiều nước, nhất là Mỹ, lo ngại Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng của họ, mặt khác cũng khiến bản thân Trung Quốc khó lòng kiềm chế trong việc bày tỏ tham vọng. Một biểu hiện của việc thiếu kiềm chế là Trung Quốc cố sức tự đưa người vào vũ trụ trong khi thu nhập quốc dân đầu người vẫn còn ở mức nghèo (hơn 1000 USD), một việc làm mà nhiều nước phát triển cao có khả năng cũng không đầu tư vì nặng tính khoa trương nhiều hơn là hiệu quả kinh tế. Cũng trong giai đoạn này, Trung Quốc đưa ra thuyết "trỗi dậy hòa bình” nhằm biện minh cho sự vươn lên vị thế một cường quốc thế giới. Khái niệm này sau một thời gian thử nghiệm đã được thay thế bằng cụm từ nhẹ nhàng hơn là "phát triển hòa bình”. Dù Trung Quốc đã hết sức cẩn trọng trong ngôn từ, người ta vẫn nhận thấy tham vọng toàn cầu của Trung Quốc. Từ năm 2007 đến nay, chiến lược "giấu mình chờ thời” hay "ngoại giao hài hòa” nhường chỗ cho chiến lược an ninh và đối ngoại mang tính khẳng định hơn, chủ động và quyết liệt hơn. Về an ninh, nội dung cốt lõi của chiến lược này là xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh, tăng cường quyền kiểm soát của Trung Quốc ở các vùng biển trọng yếu, đảm bảo an ninh cho các hoạt động giao thương của Trung Quốc. Có nhận định cho rằng Trung Quốc đang xây dựng vành đai an ninh "chuỗi ngọc trai” kết nối các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Biển Đông Trung Hoa (Trung Quốc gọi tắt là Đông Hải) và Biển Nhật Bản cùng với các đảo và những cơ sở cầu cảng khác của Trung Quốc trải rộng từ Hải Nam tới Trung Đông, "chuỗi ngọc trai” sẽ giống như như một vành đai bao quanh rất nhiều đất liền châu Á. Những khu vực này chính là lợi ích an ninh quốc gia mà Trung Quốc tin là sống còn với cả sứ mệnh bảo vệ vùng biển cũng như chi phối châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Trung Quốc xây dựng chiến lược "hải dương xanh” và chuyển từ "phòng ngự biển gần”, sang phát triển theo hướng "hải quân viễn dương”. Trung Quốc đang lên kế hoạch đóng tàu sân bay để tăng cường phạm vi hoạt động, phát triển các loại tên lửa tấn công của loại tàu này. Có thể thấy chiến thuật chính trị thực tiễn cứng rắn nhất và đáng báo động nhất của Trung Quốc đó là việc xây dựng hải quân ở Biển Đông. Bên cạnh việc Trung Quốc có được tàu ngầm và tàu khu trục mặt nước mới cũng như phát triển không lực trên biển, Hải quân Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ ngầm rộng lớn ở đảo Hải Nam được xem là cảng nội địa giúp Hạm đội Nam Hải ở vị trí gần hơn với các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Rõ ràng Trung Quốc tin rằng việc phát triển sức mạnh hải quân sẽ thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia yêu sách nhỏ hơn theo cách của Trung Quốc, buộc Hải quân Mỹ ra khỏi Biển Đông và các khu vực biển tranh chấp khác xung quanh Trung Quốc. Việc xây dựng hải quân này cùng với các chiến thuật chính trị thực tiễn khác của Trung Quốc đã gây thêm căng thẳng cho khu vực. Chính sách dựa trên sức mạnh ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong nỗ lực áp đặt yêu sách đối với Biển Đông đã thu hút sự chú ý và quan tâm mới của Mỹ và nhiều cường quốc trên thế giới đối với khu vực này. Đến đây chúng ta hầu như đã cơ bản hiểu được nguyên cớ của sự xuất hiện của tấm bản đồ “đường lưỡi bò”, tư tưởng bành trướng của giới lãnh đạo Trung Quốc chưa từng mất đi, ngay cả khi Tưởng Giới Thạch phải bỏ chạy ra đảo Đài Loan. Những lợi ích mà biển Đông mang lại không chỉ đơn thuần là “dầu mỏ” bởi ngay như Brunei – nước sống chủ yếu bằng nguồn lợi nhuận từ dầu mỏ cũng phải kêu gọi người dân hạn chế phụ thuộc vào dầu mỏ. Điều đó cho thấy dầu mỏ ở biển Đông có trữ lượng cũng hạn chế và cũng mới ở giai đoạn thăm dò mà thôi. Nguồn lợi lớn hơn tất cả đó là “con đường hàng hải”, các nước trong khu vực muốn giao lưu thương mại với nhau và với các nước bên ngoài thì đều phải thông qua con đường biển này. Khi Trung Quốc thâu tóm được biển Đông thì các nước cả trong và ngoài khu vực đều phải phụ thuộc vào Trung Quốc, phải thông qua những điều khoản mà Trung Quốc đưa ra. Như vậy Biển Đông chiếm một vị trí chiến lược quan trọng trong việc đưa Trung Quốc có vị thế mạnh hơn trên trường quốc tế. Nhưng trên thực tế, những hành động của Bắc Kinh đã không đạt được những ý đồ đã đặt ra. Bắc Kinh vẫn đang ráo riết thực hiện việc thâu tóm biển Đông, xây dựng lên cái gọi là “thành phố Tam Sa”, xây dựng cục phát điện…- những hành động trái phép, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của các nước lien quan trong đó có Việt Nam. Và những hành động đó của Bắc Kinh đã khiến cho cộng đồng thế giới phản đối kịch liệt. và theo như chính ông Lý Lệnh Hoa thì: Trung Quốc cần phải hủy bỏ đường chín đoạn nếu không muốn tự biến mình thành “kẻ thù của nhiều nước”. Việc khư khư chiếm trọn biển Đông đang dần khiến Trung Quốc trở nên “không thể chấp nhận được” trước các nước láng giềng, bởi sẽ chẳng nước nào chấp nhận cái đường vô lý do Trung Quốc tự đặt ra và “còn lâu người ta mới đồng ý cho Trung Quốc sấn đến tận cửa nhà mình”.
Học giả Lý nhấn mạnh việc hủy bỏ đường chín đoạn ngày càng trở nên cấp bách trong giai đoạn hiện nay nếu Trung Quốc không muốn tự cô lập. Trung Quốc không thể đi ngược lại những nguyên tắc do chính mình cam kết khi tham gia UNCLOS. Trung Quốc “buộc phải đi chung con đường với cả thế giới”. Trung Quốc phải tôn trọng quy ước do mình đã ký kết nếu không muốn ngày một xấu đi trong mắt cộng đồng quốc tế.
Đồng tình với việc Trung Quốc cần hủy bỏ đường chín đoạn, học giả Trâu Hồng Minh cũng cho rằng “Trung Quốc không thể cứ mãi trở thành đối thủ của nhiều nước, đặc biệt là các hàng xóm sát vách chúng ta. Không phải cứ dùng vũ lực chiếm lấy lãnh thổ là giải quyết được mọi vấn đề”.
Tại cuộc hội thảo, mặc dù không ít nhà nghiên cứu luật biển, học giả tỏ ra đồng tình với các quan điểm và lời kêu gọi của học giả Lý Lệnh Hoa về đường chín đoạn. “Trung Quốc đang ở vào thế dù biết mình vô lý vẫn phải “ném lao theo lao” - học giả Do Ký nhìn nhận. Song dù có khó khăn thế nào, theo ông Lý Lệnh Hoa, không thể viện cớ “chủ nghĩa dân tộc” để tiếp tục “sai lại càng sai” trong vấn đề biển Đông. Tại cuộc hội thảo này, ông Lý Lệnh Hoa cho biết ông chưa bao giờ sợ cô độc bởi ông đang nói lên sự thật. “Chỉ khi tuân thủ UNCLOS, hòa bình, ổn định cho Trung Quốc và các nước trong khu vực mới được giữ vững” .
Đặt trong điều kiện của Đông Nam Á gắn với địa bàn chiến lược biển Đông, khi các thế lực lớn như: Mỹ, Nhật Bản, EU…vẫn đang tiếp tục nhòm ngó Đông Nam Á với hy vọng có thể bá chủ, độc quyền địa bàn chiến lược này nhằm mưu cầu cho lợi ích kinh tế, chính trị của mình. Điều đó không cho phép Đông Nam Á mất cảnh giác, các quốc gia trong khu vực cần phải hợp lực đoàn kết lại với nhau để bảo vệ chủ quyền và quyền lợi trên biển Đông.
Trong khi Trung Quốc luôn áp đặt quan điểm đàm phán song phương không đàm phán đa phương, đặc biệt không muốn có sự dính dáng vai trò của Mỹ trong những tranh chấp nội bộ này nhằm dựa vào sức mạnh kinh tế, quân sự, ngoại giao để gây sức ép rất lớn đối với các bên tranh chấp. Thì các nước có tranh chấp ở biển Đông đã tích cực áp dụng phương châm: công khai, minh bạch, kêu gọi và tận dụng giới học giả, ngoại giao, các diễn đàn đa phương với sự tham dự tất yếu của các bên lien quan trong việc đàm phán, thảo luận tìm ra đối sách khả quan nhất cho hiện tượng căng thẳng hiện tại. Trong quan hệ quốc tế hiện nay khi các giá trị chung ngày càng được đề cao thì vai trò của các tổ chức quốc tế, khu vực cũng ngày càng trở nên quan trọng. Vì vậy trong nhiều cuộc xung đột cách giải quyết không đơn giản là 2 bên mà cộng đồng quốc tế có một vai trò rất quan trọng. Trong vấn đề biển Đông Trung Quốc rất muốn thâu tóm nhưng không dám nói thẳng với cộng đồng quốc tế mà chỉ cho đó là những tranh chấp đang được đôi bên tìm hướng giải quyết. Cũng vì vậy mà Trung Quốc luôn muốn giải quyết vấn đề theo hướng song phương, khi có sự can thiệp của các nước lớn mà đặc biệt là của các tổ chức quốc tế thì vấn đề càng trở nên bất lợi cho Bắc Kinh.
Mỹ luôn nhất quán quan điểm ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp và xung đột mà không dung tới sức mạnh quân sự. Mỹ không muốn phức tạp hóa tình hình trong khu vực khi các lợi ích kinh tế quan trọng với Trung Quốc và các đối tác khác có thể bị đe dọa lớnmột khi căng thẳng, chiến tranh xảy ra và leo thang. Mỹ cũng chuyển từ “không can dự” sang “can dự có chừng mực”, sử dụng sự có mặt của Mỹ và các lien minh song phương như một nhân tố răn đe đối với các bên tranh chấp đối phó với xung đột nếu xảy ra. Mỹ cũng đã bày tỏ ý kiến của mình: nếu Trung Quốc phá bỏ các quy tắc trong DOC (Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc), Mỹ sẽ có thể phát động một chiến dich đối đầu với Trung Quốc bằng cả cuộc chiến chính trị, ngoại giao lẫn các biện pháp kinh tế, thương mại và cao hơn nữa là một cuộc chiến tranh cấp khu vực do Mỹ đứng dầu tấn công vào Trung Quốc. Có thể thấy cách ứng xử của Mỹ đối với vấn đề biển Đông rất khôn ngoan. Dù có xảy ra tình huống như thế nào đi chăng nữa thì Mỹ vẫn là siêu cường trong cuộc mà ngoài cuộc, ngoài cuộc mà trong cuộc nơi mà sân chơi quyền lực như biển Đông không thể thiếu được vai trò tất yếu của nước này.
Theo Tiến Sỹ Trần Trường Thủy: Những diễn biến gần đây đã chỉ ra những hạn chế của DOC trong việc ngăn ngừa căng thẳng, xung đột ở khu vực. Theo GS. Peter Dutton: tranh chấp biển Đông về cơ bản là tranh chấp chủ quyền, phân định quyện tài phán và việc kiểm soát vùng nước. Để đảm bảo các giải pháp hòa bình cho tranh chấp và ổn định của khu vực cần phải có bộ quy tắc ứng xử và thúc đẩy hợp tác khu vực để quản lý tài nguyên bền vững. Còn theo học giả C. Serverino nhấn mạnh: sự đối lập lợi ích giữa các bên trong tranh chấp biển Đông khiến cho các tranh chấp chủ quyền này khó có thể được giải quyết thông qua đàm phán hoặc phán quyết của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên mức độ căng thẳng , mất ổn định có thể được hạn chế nếu các bên tranh chấp tuân thủ tối đa UNCLOS (công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển) và nếu các bên đạt được thỏa thuận xa hơn về mỗi điều khoản của DOC.
Như vậy đến đây chúng ta có thể đưa ra một nhận định: rõ ràng “đường lưỡi bò” là một biều hiện của tư tưởng bành trướng cố hữu đã tồn tại trong tư tưởng của giới lãnh đạo Trung Quốc, dù nó là trái nhưng vẫn cố tìm cách để bảo vệ. Dù các học giả Trung Quốc đã nhận định “đường lưỡi bò” là sai nhưng Trung Quốc vấn ngấm ngầm thực hiện mưu đồ của mình một cách trái phép mà ngang nhiên. Giới lãnh đạo Bắc Kinh đang muốn thực hiện cái gọi là “mưa dầm thấm đất” và “đi mãi thành đường mòn” để biến những khu vực mà Trung Quốc đang lấn chiếm trái phép thành của mình thực sự. Chúng ta phải thừa nhận Trung Quốc rất khôn ngoan khi dù Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc chủ quyền của mình nhưng từ những em học sinh tiểu học đã được giảng dạy và thấm nhuần vào trong suy nghĩ rằng: Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ của họ. Trong khi đó Việt Nam, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của ta là một điều đã được lịch sử chứng minh thì người dân khi được hỏi đến thì đều nắm một cách lơ mơ. Chúng ta luôn khẳng định mong muốn xử lý vấn đề biển Đông trong hòa bình, mềm mỏng mà kiên quyết để bảo vệ chủ quyền của mình. Hiện nay cục diện cũng như cục diện thế giới đã thay đổi, Trung Quốc dù đã mạnh nhưng bình đẳng và tôn trọng độc lập – chủ quyền của nhau là nguyên tắc quốc tế và Trung Quốc là một chủ thể thuộc cộng đồng quốc tế này cần và phải thực hiện theo nguyên tắc để đảm bảo một không khí hòa bình trong sự phát triển thịnh vượng, để tráh một cuộc chiến tranh khu vực rất có thể xảy ra một khi có sự tham gia của các cường quốc lớn và tổ chức quốc tế. Và trên tinh thần nhìn nhận rõ cục diện chiến lược, bản thân các quốc gia trong khu vực đặc biệt là các quốc gia có tranh chấp trực tiếp cần hợp lực để bảo vệ chủ quyền và quyền lợi của mình tại biển Đông, để Trung Quốc phải rút bỏ cái thuyết “đường lưỡi bò” của mình chấp nhận cực Nam đến đảo Hải Nam. Đặc biệt cộng đồng các quốc gia khu vực Đông Nam Á cần phải hợp lực, khôn khéo trong đường lối chính trị cùng với những bằng chứng không thể chối bỏ của lịch sử để khiến các điều khoản trong DOC thực sự có giá trị và Trung Quốc phải ngoan ngoãn thực hiện UNCLOS.
Đầu tháng 9 -2012 nhân chuyến thăm của ngoại trưởng Hillary Clinton chiều 5/9, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì cam kết Trung Quốc sẽ bảo đảm tự do hàng hải trên biển Đông và sẵn sàng phối hợp hoàn tất bộ quy tắc ứng xử cho các tranh chấp trên vùng biển này trên cơ sở đồng thuận và nói rằng ông hy vọng sẽ có “thành công” tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11 tới tại Phnom Penh. Trước đó, bà Hillary đề xuất muốn thấy bộ quy tắc ứng xử này ra đời trước cuộc họp thượng đỉnh mà Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ tham gia. Trong khi đó Phó Chủ tịch Tập Cận Bình - người được trông đợi sắp lên lãnh đạo Trung Quốc - đã hủy cuộc gặp đã hẹn trước với bà Hillary, dự kiến vào sáng 5.9, mà không rõ nguyên do. Trước thềm chuyến thăm của bà Hillary, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ nên khuyến khích ổn định ở Châu Á - Thái Bình Dương và không nên can dự vào các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. “Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ giữ đúng cam kết và có những nỗ lực xây dựng chứ không phải phá hoại hòa bình và ổn định khu vực,” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi tuyên bố. Như vậy chứng tỏ giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn đang một mực giữu quan điểm của mình và mong muốn được giải quyết song phương chứ không phải là đa phương mặc dù các nước trong khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam rất muốn giải quyết theo hướng đa phương. Trước những hành động ngày càng trắng trợn của Trung Quốc chúng ta cần phải hết sức cảnh giác trước mọi hành động dù là nhỏ nhất của đất nước này tại biển Đông đồng thời cần phải có những hành động thiết thực hơn nữa để cho nhân dân thế giới biết rằng Trung Quốc đang ngạo mạn muốn dung sức mạnh kinh tế, quân sự, ngoại giao…để xâm hại đến chủ quyền quốc gia của các nước láng giềng và vi phạm vào các công ước quốc tế. Điều đó cũng cho thấy Trung Quốc đang không coi các tổ chức quốc tế gia gì? Liệu có phải cục diện chiến lược thế giới đang thay đổi theo hướng mà Trung Quốc đang hy vọng? Chúng ta rất đang hy vọng vấn đề biển Đông sẽ sớm đi vào ổn định với những đường biên như quốc tế đã công nhận và điều đó chúng ta đang rất mong đợi ở sự cố gắng cùng hợp tác của tất cả các bên.