Thường nhà văn hay cố chấp, mỗi ông tự nghĩ một cách dùng chữ sao cho khác biệt một chút với đám còn lại tạo phong cách dù có thể cái khác biệt đó chả lấy gì làm hay ho thú vị lắm. Cụ Trần Dần đổi bằng hết chữ Y thành I ở những chỗ có thể đổi được mà không làm sai cách đọc. Ví dụ "Ý nghĩa" thành "Í nghĩa", "Y như" thành "i như". Xét cho cùng bây giờ quy định mới cũng cho đổi hầu hết chữ y thành i như nhật kí hay quốc kì, chỉ chưa đổi nốt "i phục" với "i đức" như cách cụ ấy viết.
Sai chính tả có nhiều nguyên nhân. Có cái sai bắt nguồn từ khác hệ thống quy ước. Ví dụ hiện nay nhiều cụ thế hệ cũ khó chịu cách viết quốc kì vì cảm thấy nó kì quái, dù đã đi vào thông tư hướng dẫn, nhất định cứ phải quốc kỳ, nhật ký. Cứ 10-20 năm chúng ta lại cải cách, lại cải tiến chữ Việt, người thế hệ trước được học khác với thế hệ sau. Có cái sai vì đơn giản là không được học hành đến nơi đến "trốn", nhầm những thứ "dất" cơ bản, nói sao viết vậy, đặc biệt liên quan đến khẩu âm địa phương. Có cái sai chỉ gặp trên máy tính do tự học tin học hoặc thầy không kỹ tính : bỏ dấu lung tung , cách ra 1 cách chữ mới đóng mở ( ngoặc đơn ) hay " ngoặc kép " . Có cái sai là do gặp phải những từ "khó", ngay cả nhà văn nhiều khi còn xoay xở không biết có nên viết là "xoay sở", "sáng lạng" hay "xán lạn" khác gì nhau, và đôi khi gặp từ Hán Việt còn phải vác từ điển ra cãi nhau.
Trong mọi cái sai, tệ nhất là sai vì "nói sao viết vậy". Tức là ở trường chả học gì cả.