Kính thưa các Cụ, các Mợ. Trong "thớt" qua đọc commen em biết có CCCM cùng tuổi với bố,mẹ em đều đã ngoài 80, và có người trực tiếp tham gia chiến đấu và giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Những câu chuyện em chia sẻ về gia đình là chính xác, những câu chuyện ngày bé được các chú các bác là bạn chiến đấu của bố em kể lại nếu có gì chưa đúng hoặc chưa đầy đủ , nhờ các cụ bổ sung.
Lại nói đến chuyện những phút " xao lòng".
- Những năm chiến tranh ác liệt đấy , không phải ai cũng hăng hái " Sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước " mà vẫn có một số vẫn "B quay" . Em nghe bố mẹ kể những năm đấy gia đình nào mà có người thân hoặc họ hàng đi Nam năm 1954 đặc biệt là bỏ đội ngũ theo bên kia thì được CQ để ý rất kỹ, bố mẹ vợ con bị kỳ thị của xóm làng, anh em con cháu thì là công dân hạng 3- 4 không được vào làm ở các cơ quan nhà nước ...(trong bộ phim ông tướng tình báo và hai bà vợ cũng đã lột tả phần nào). Nên ông già em kể có lần khi đi trinh sát bò vào đồn địch, vẽ lại hệ thống bố phòng, sờ từng lỗ châu mai phía bên kia để chuẩn bị cho trận đánh lớn thời gian sau. Nếu không nghĩ về gia đình ở ngoài bắc thì không biết chuyện gì sẽ sảy ra ( em lại thấy may quá

). Những người đã hành quân vào nam đều nói muốn "B quay" đa phần là quay xe từ ở Vinh, Hà Tĩnh trở ra, nếu đã vào Trường Sơn rồi mỗi chặng hành quân đều có giao liên của Binh trạm đưa đi (có nhiều đường khác nhau) không thông thuộc thì lạc và bị biệt kích Mỹ, Ngụy vồ như chơi, trốn một mình mà bị sốt rét là tèo. Thế mà đơn vị của bố em có một người quê đâu ở mạn Phú Thọ hay Tuyên Quang gì đấy vẫn "B quay" đơn vị khác bắt được bàn giao lại .Ông ấy nói câu xanh rờn "Mỹ, ngụy không ném bom nhà tôi nên tôi không đi đánh mỹ ,ngụy ",đơn vị làm công tác tư tưởng các kiểu thế mà thời gian sau lại trốn và bị bắt lại, em hỏi sau xử lý thế nào,ông già em chỉ cười.
- Còn với mẹ con em. Sau khi sinh em, bà già gửi em về quê ngoại nhờ ông bà ngoại trông hộ còn mình thì về HN tiếp tục công tác. Quê ngoại em ở vùng Trung du , nên cứ chiều bà ngoại em hoặc các cậu, dì lại bế em ra đê sồng để hóng gió, thời điểm đấy có một số người "B quay" bị đưa lên lao động, cải tạo khi nào tư tưởng thấm nhuần rồi thì tiếp tục vào Nam. Em nghe dì em kể lại một buổi chiều dì em bế em ra sông chơi, có mấy anh (ông chú) thấy em trắng trẻo , xinh xắn cứ trêu em (hay dì em) con ơi ra bố bế nào, không may cho các ông ấy trêu phải bà di em "ngoan hiền nhất làng" bà ấy độp cho luôn "Bố cháu đang chiến đấu trong chiến trường miền Nam, không phải đi cuốc đất và trồng cây như các anh đâu " thế là mấy người đấy đều tẽn tò .
- Bà dì em sau giải phóng miền Nam chuyển vào Lâm Đồng công tác ở một huyện trong đấy, bà kể những năm đấy, đất rộng người thưa và toàn người dân tộc, ban ngày là dân tối theo fulro hoạt động rầm rầm. Cán bộ của ta không dám về nhà toàn phải ở CQ ,tối đi ngủ vẫn phải ôm súng và cắt cử nhau trực như thời chiến. Sau khi ta đưa lực lượng vào truy quét tiêu diệt tình hình an ninh trật tự dần yên ổn trở lại. Một lần bà di em đi họp , tối đi về bị tai nạn nằm bất tỉnh ven đường có người dân đi qua kiểm tra thấy có sổ sách, tài liệu ... mới đưa vào bệnh viện huyện và báo cho cơ quan. Sau khi khỏe dì em đến nhà cảm ơn, thấy chú ấy và 3 con sống với nhau, cuộc sống cũng rất khó khăn, chú ấy là sỹ quan của phía bên kia, vợ bỏ nên mấy bố con vào Lâm đồng sống. Bà di em vừa thương hoàn cảnh vừa cảm nắng ông chú nên quyết định lấy chú ấy, khi viết thư về xin ý kiến ông bà ngoại, bố mẹ em và báo cáo cơ quan, cả nhà đều phản đối gay gắt,CQ của dì còn mở cả cuộc họp để phân tích,nhưng di em cá tính nên nhất quyết lấy chú, lấy chú một thời gian thì di em chuyển sang làm công tác của hội đoàn thể, một số năm sau em cũng hỏi bà dì về chuyện này bà dì nói "tao biết lấy ổng thì con đường chính trị sẽ đi ngang, nhưng tao kệ". Năm 1990 hai vợ chồng dì mới ra Bắc chào bố mẹ và các anh, chị ,em. Khi đến nhà em chơi, thì bố em và ông chú cũng trạc tuổi nhau nên hai anh em "cột chèo" nói chuyện rất hợp , ông già em đưa ông chú đi chơi Bờ hồ, Quốc tử giám và Lăng bác.... Tối ăn cơm ở nhà em ông chú mới kể chuyện,chú ấy quê Quảng Ngãi là đại úy pháo binh một đơn vị của Quân đoàn II, sau khi theo lệnh ông Thiệu triệt thoái cao nguyên, đơn vị chú ấy cũng rút lui về phía biển qua đường Cheo reo - Phú Bổn ( em vừa tra google là đường số 7) bị quân giải phóng chặn đánh quyết liệt may mà cũng về đến Phú yên. Chú đưa gia đình về quê nội ở Quảng Ngãi và ra trình diện , đi học tập cải tạo 2-3 năm gì đó, trong thời gian chú đi học tập cải tạo vợ chú không chịu nổi khổ bỏ nhà theo người khác vượt biên đến giờ cũng không có tin tức. Vừa xấu hổ với gia đình vừa chán đời nên chú ấy đưa các con vào Lâm đồng lập nghiệp và gặp dì em....Nghe thấy ông chú nói năm 75 bỏ cao nguyên rút lui theo đường Cheo reo-Phú Bổn ông già em nói, chính đơn vị anh đánh trận đấy, Thế là hai anh em quàng vai bá cổ nhau uống tưng bừng kể về cách bố trí và diễn biến trận đánh của hai bên,ông chú cảm khái nói ' lúc trước là lính chiến ở hai phía anh không bắn tôi thì tôi bắn anh,nhưng nhờ trời phật phù hộ anh em mình đều bình an và hôm nay được ngồi uống rượu với nhau". Vợ chồng bà dì ở chơi với nhà em mấy hôm rồi về,trong thời gian đấy ông già em xin nghỉ đưa ông em cột chèo đi chơi các nơi ở HN, khi dì và chú về ông già em nói chú ấy vẽ bản đồ (ông già em là lính trinh sát) và nói tiếng anh rất giỏi, hôm vào thăm bảo tàng quân sự có đoàn khách nước ngoài đang xem mấy khẩu pháo chiến lợi phẩm mà ta thu được ông chú giới thiệu cụ thể bằng tiếng anh cho các vị ấy về tính năng của từng loại làm đội bạn tròn mắt . Mấy năm sau ông già em bị bệnh mất, mỗi lần đi công tác hay đi chơi Đà Lạt em đều vào chơi thăm chú và di lần nào chú cũng cầm tay em nói " bố con mất sớm quá, chú rất quý bố con", chú ấy cũng vừa mất năm ngoái .Thôi hi vọng xuống dưới đấy hai anh em, hai người lính một thời ở hai đầu chiến tuyến gặp nhau và tiếp tục nâng ly uống rượu .