Matxcơva được bảo vệ an toàn trước Minuteman và Trident
(Vũ khí) - Các khả năng của Hệ thống phòng thủ chống tên lửa bảo vệ thủ đô đã tăng gấp đôi...
Xin giới thiệu tiếp một bài về vũ khí- trang bị kỹ thuật quân sự Nga- Mỹ và các nước khác của chuyên gia quân sự, nguyên kỹ sư chính Phòng Thiết kế Tên lửa TSIMAH Vladimir Tuchkov. Bài viết với tiêu đề và phụ đề trên đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 27/7/2021.
|
Các quân nhân thuộc (binh chủng) Phòng không và Phòng thủ chống Tên lửa của (quân chủng) Bộ đội Đường không- Vũ tru (VKS) Nga đang lắp đặt hệ thống phòng thủ chống tên lửa mới để phóng thử nghiệm tại Trường bắn Sary-Shaga. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Liên bang Nga / TASS) |
Tiến trình hiện đại hóa hệ thống phòng thủ chống tên lửa chiến lược bảo vệ thủ đô Matxcova và khu công nghiệp trung tâm mật danh A-135 "Amur" sắp hoàn thành.
Mới đây (ngày 21/7), khi trả lời phỏng vấn báo “Krasnaya Zvezda” (Cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng Nga-ND) Trung tướng
Andrey Demin, Tư lệnh Tập đoàn quân Phòng không và Phòng thủ chống Tên lửa đặc biệt số 1 đã cho phóng viên báo này biết rằng hệ thống mới được hiện đại hóa mang mã số A-135M sẽ có những khả năng phát hiện và tiêu diệt mục tiêu tăng gấp đôi (so với hệ thống A-135 “Amur”).
Ngoài ra, một số các tính năng khác như độ tin cậy khi phát hiện, độ chính xác khi tính toán quỹ đạo bay của mục tiêu, khả năng hoạt động liên tục của hệ thống và độ bền hoạt động cũng được cải thiện rất đáng kể.
Đây là một sự kiện “tất sẽ xảy ra”. Trong một thời gian khá dài, nhiều chuyên gia đã bàn luận rất nhiều đến việc thay thế hệ thống “Amur” trực chiến từ năm 1995 bằng một phiên bản mới là hệ thống A-235 “Nudol” mà không làm gián đoạn hoạt động trực chiến.
Và có thể cho rằng một khi Trung tướng A. Demin đã không gọi tên của hệ thống mới được hiện đại hóa, thì đó chính xác phải là "Nudol". Và mã số của nó chắc chắn phải là A-235.
Dự đoán trên được đưa ra căn cứ vào một thực tế là Nga đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm tên lửa đánh chặn trang bị cho hệ thống “Nudol”.
Và radar (của hệ thống) sau khi được hiện đại hóa cũng đã có những tính năng như trung tướng Demin đã đề cập. Và những tính năng đó đáp ứng những yêu cầu của hệ thống A-235.
Chuyện bạn đọc có thể cảm thấy hơi rắc rối với các mã số và ký hiệu (của hệ thống phòng thủ chống tên lửa Matxcova và khu Trung tâm), thì đó cũng là chuyện hoàn toàn tự nhiên.
Vì sau khi được hiện đại hóa, hệ thống này (tức A-135-ND) khi được đưa vào trực chiến thử nghiệm sẽ chỉ có thêm ký tự "M" đằng sau tên hệ thống cũ (tức A-135).
ADVERTISEMENT
Chỉ sau đó, khi đã được chuyển sang tình trạng trực chiến chính thức và đưa vào trang bị, nó mới chính thức trở thành (mang tên) "Nudol".
Hệ thống “Amur” hiện tại ra đời vào đầu những năm 90 để thay thế hệ thống phòng thủ chống tên lửa A-35 chịu trách nhiệm bảo vệ khu vực Matxcova từ năm 1971.
Hệ thống “Amur” đang dần được cải tiến nhờ đưa vào sử dụng các trang thiết bị cấu thành mới. Và phần lớn những thành phần trang thiết bị của hệ thống đã có những tính năng kỹ- chiến thuật đạt yêu cầu cần có của hệ thống A-235.
Trước hết, đó là trạm radar Don-2N được xây dựng vào những năm 80 trong các khu rừng khu Sofrina, quận Pushkin ngoại ô Matxcova.
Trạm radar này (có hình dạng) là một kim tự tháp tứ diện cụt cao 35 mét và chiều dài đáy là 144 mét. Trên mỗi mặt của kim tự tháp này có một ăng-ten mảng pha đường kính 18 mét.
Để xây dựng trạm radar này, đã sử dụng hết 30 nghìn tấn kim loại, 50 nghìn mét khối bê tông, 20 nghìn km cáp điện. Đã huy động tới 20 nghìn lính công binh.
Ngay từ thời điểm đó, các tính năng kỹ- chiến thuật của “Don-2N” đã là “độc nhất vô nhị”.
Trong thời gian tiến hành các cuộc thử nghiệm, radar này đã phát hiện được một quả cầu kim loại đường kính 5 cm trong vũ trụ ở cự ly 2.000 km và xác định chính xác quỹ đạo bay của nó. Không một đài radar nào khác trên thế giới có khả năng làm được điều tương tự.
Kết quả- đã có một trạm radar dải sóng centimet với những tính năng kỹ- chiến thuật độc đáo. Thêm nữa, đến thời điểm hiện tại, những tính năng đó đã được cải thiện rất nhiều.
Trước hiện đại hóa, “Don-2N” chỉ có khả năng phát hiện và bám các đầu tác chiến của các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong vũ trụ ở cự ly 3.000 km. Sai số bám mục tiêu tính theo cự ly - 10 mét, theo tọa độ góc - 0,6 phút.
Công suất bức xạ xung cực đại là 250 MW. Radar có khả năng bám đồng thời 100 mục tiêu.
Nhưng nhờ được hiện đại hóa liên tục, vào lúc này, các khả năng của radar "Don-2M" đã tăng lên rất nhiều. Cự ly phát hiện và bám mục tiêu vượt quá 4.000 km (so với 3.000 km trước đó).
Trong khi đó mức tiêu thụ điện năng chỉ tăng không đáng kể. Độ phân giải tăng gấp đôi. Có được một bước đột phá như vậy là nhờ các kỹ sư Nga đã áp dụng các cách tiếp cận kỹ thuật vô tuyến mới dựa trên cả việc sử dụng nền tảng mới và ứng dụng các thuật toán mới để xử lý thông tin thu được từ ăng- ten.
Ngoài ra, còn một nhân tố rất quan trọng nữa giúp hoàn thiện các khả năng của trạm radar “Don-2N”– đó là đưa vào sử dụng siêu máy tính mới "Elbrus-3M" với năng suất làm việc tăng đáng nể.
Những tên lửa đánh chặn trong hệ thống có chức năng bắn hạ các ICBM và các khối tác chiến của chúng trong hơn nửa thế kỷ qua cũng đã được cải tiến nhiều.
Trong hệ thống A-35, tên lửa đánh chặn A-350Z được chế tạo theo nguyên tắc “lấy thô bù tinh” Có nghĩa là- do độ chính xác khi ngắm mục tiêu thấp, nên khối tác chiến của tên lửa đánh chặn là khối tác chiến hạt nhân công suất tới 2 Mt.
Vì vậy, ngay cả trong trường hợp tên lửa cách mục tiêu khá xa thì vẫn có thể tiêu diệt mục tiêu bằng một vụ nổ nhiệt hạch.
Do đầu tác chiến hạt nhân nổ bên ngoài bầu khí quyển, ở độ cao khoảng 300-400 km, nên thiệt hại gây cho khu vực phòng thủ sẽ là không đáng kể.
Nhưng chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, tên lửa đánh chặn A-350Z được lắp một đầu đạn 20 kiloton “thông minh” hơn- nó vô hiệu hóa đầu tác chiến của ICBM tấn công bằng dòng neutron.
Hệ thống "Amur" xuất hiện sau đó lại sử dụng các phương tiện phát hiện / bám mục tiêu / dẫn đường hoàn toàn khác, và chính cả các tên lửa đánh chặn cũng khác.
Hệ thống “Amur” có hai kiểu tên lửa đánh chặn- tên lửa đánh chặn tầm xa 51Т6 và tên lửa đánh chặn tầm ngắn 53Т6.
Cả hai đều mang đầu tác chiến công suất 20 kiloton. Và đều là tên lửa hai tầng. Tầng một- tầng sử dụng nhiên liệu rắn, tầng hai- nhiên liệu lỏng sử dụng công thức kết hợp cổ điển oxy lỏng và hydro.
Tên lửa 51T6 có độ cao tiêu diệt mục tiêu từ 70 km đến 670 km, trong cự ly - từ 130 km đến 850 km. Nó trực chiến đến năm 2006, sau đó đã được thanh lý. Không có thông tin nào về việc có tên lửa nào khác thay thế nó trong hệ thống “Nudol” hay không.
Có vẻ như hệ thống mới sẽ hoạt động chỉ với một tên lửa đánh chặn tầm gần, trước sau gì chúng ta cũng biết. Bởi vì không thể giấu mãi cái kim trong bọc – những thông tin về việc thử nghiệm các tên lửa mới chắc chắn sẽ được biết đến rộng rãi.
Hoặc là từ các thông cáo chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, hoặc từ Cơ quan Tình báo Vũ trụ Hoa Kỳ.
Chỉ được biết, từ năm 2014 đến tháng 10 năm 2020, một phiên bản cải tiến của tên lửa đánh chặn tầm ngắn 53T6 là 53T6M đã được thử nghiệm tại trường bắn Sary-Shagan.
Có thông tin khẳng định rằng những lần thử nghiệm đó đều kết thúc thành công. Và trong tương lai gần, sẽ bắt đầu triển khai sản xuất hàng loạt tên lửa 53T6M.
Tên lửa 53T6M khác với phiên bản cơ sở (53T6) ở chỗ nó không phải là tên lửa phóng từ hầm phóng (cố định), mà là tên lửa cơ động. Và điều đó có nghĩa là hệ thống "Nudol", tùy thuộc vào tình huống cụ thể, sẽ có thể thay đổi cấu hình của khu vực mà nó được phân công bảo vệ.
Có nghĩa là- theo hướng mở rộng hơn. Hoặc thậm chí có thể tổ chức các tuyến phòng thủ chống tên lửa chiến lược ở các khu vực khác nhau trên lãnh thổ Nga.
Và còn một sự khác biệt nữa, tuy nhiên, chưa được công bố từ các nguồn chính thức, mà là từ những “người trong cuộc”. Khác biệt đó là- việc đánh chặn sẽ là đánh chặn động học, có nghĩa là “hit to kill” (hay “trán đập trán”). Không cần phải sử dụng đầu tác chiến hạt nhân nữa.
Tên lửa đánh chặn tầm ngắn "cũ" 53T6 được chế tạo để trang bị cho "Amur", hiện vẫn đang không có đối thủ trong số các tên lửa có điều khiển trên thế giới cùng lớp, xét cả về các tính năng động lực học và cả tốc độ.
Nó có thể chịu được lực quá tải dọc trong khoảng đến 210g, lực quá tải ngang– đến 90 g. Tốc độ là 6 km / s. Đồng thời, cự ly đánh chặn là 100 km và tầm cao đánh chặn là 30 km. Nhưng, như Tướng Anđrey Demin vừa tuyên bố, cự ly và chiều cao đánh chặn sẽ tăng gấp đôi.
Thành thử, (tên lửa 53T6M) sẽ đạt lần lượt là 200 km và 60 km. Hoàn toàn dễ hiểu Phòng Thiết kế Ekaterinburg “Novatỏ”, nơi thiết kế tên lửa đánh chặn 53T6M, còn cải thiện tốc độ và các tính năng động lực học của tên lửa đánh chặn này nhiều hơn thế (nhiều hơn các con số công bố và ước tính) .