Nga tiết lộ tiềm lực chiến lược Triều Tiên:Ý đồ nước lớn
(Lực lượng vũ trang) - Để cung cấp thêm một số thông tin về tiềm lực chiến lược của Triều Tiên, xin giới thiệu phần tiếp bài viết của chuyên gia quân sự Nga Aleksandr Khramchikhin
DẤU VẾT PAKISTAN
Trong thời kỳ đầu, công cuộc phát triển công nghệ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên được thực hiện với sự hỗ trợ của các chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc, còn từ những năm 90- với sự trợ giúp rất tích cực của Pakistan.
Chính Pakistan đã cung cấp cho Bắc Triều Tiên các máy ly tâm để làm giàu Uranium và các tài liệu kỹ thuật liên quan khác. Đổi lại, Pakistan đã nhận được từ CHDCND Triều Tiên, như đã đề cập ở phần trước, các tên lửa đạn đạo “Hwason-7” (“Hvasong-7’).
Trong các năm 1985-1989, một lò phản ứng thử nghiệm công suất 20 MW đã được đưa vào hoạt động ở Yongbyon, một địa điểm cách Bình Nhưỡng 100 km.
Theo các ước tính khác nhau, đã có từ 6 đến 24 kg Plutoni được sản xuất tại đây. Trong các năm 1990-1994, lò phản ứng này đã hoạt động trở lại. Đầu những năm 90, một số lò phản ứng khác được xây dựng- ở Yongbyon (lò 50 MW) và ở Taechon (200 MW).
Chúng có thể sản xuất lần lượt là 60 và 220 kg Plutoni mỗi năm (một đầu tác chiến hạt nhân, cần từ 5- 6 kg Plutoni).
Theo các thỏa thuận ký với Mỹ, CHDCND Triều Tiên đã cho dừng hoạt động của các lò phản ứng một số lần, nhưng cứ mỗi khi Washington vi phạm thỏa thuận, Bình Nhưỡng lại cho khởi động lại.
Vụ thử hạt nhân đầu tiên (10/09/06) cho thấy khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Công suất đầu đạn Plutonium vào khoảng 1 kt.
Lần thử nghiệm hạt nhân thứ hai (25/05/09) có công suất lớn hơn (đầu đạn Plutonium 3-4 kt).
Lần thử nghiệm hạt nhân thứ ba (02/12/13; đầu đạn Uranium công suất 6-7 kt) nhằm mục đích kiểm tra khả năng thu nhỏ đầu đạn.
Lần thử nghiệm thứ tư (06.01.16) được coi là lần thử nghiệm bom nhiệt hạch đầu tiên (công suất 6 Kt).
Lần thử nghiệm thứ năm (09.09.16) nhằm mục đích tăng công suất đầu đạn (Uranium, 10-30 Kt).
Lần thử nghiệm thứ sáu và cũng là cuối cùng tính đến thời điểm hiện tại (03/09/17) được coi là lần thử nghiệm bom nhiệt hạch thứ hai (50-200 Kt).
Kể từ đó, các vụ thử hạt nhân ở CHDCND Triều Tiên đã không còn được tiến hành, năm 2018, Bình Nhưỡng tuyên bố đóng cửa bãi thử hạt nhân tại Punggery.
Đồng thời, cho đến bây giờ vẫn chưa rõ là Bắc Triều Tiên có thể sử dụng đầu đạn hạt nhân làm bom hàng không hoặc làm đầu tác chiến cho một tên lửa đạn đạo đến mức độ nào.
Mỗi một công đoạn trong tiến trình này đòi hỏi, thứ nhất, phải thu nhỏ các đầu đạn, và thứ hai, tăng khả năng chịu nhiệt và độ quá tải.
Đối với bom hàng không, các yêu cầu trên chỉ ở mức độ vừa phải, nhưng với đầu tác chiến cho các tên lửa đạn đạo, cần phải đáp ứng những yêu cầu cực cao.
Nhiều chuyên gia cho rằng Bắc Triều Tiên đã chế tạo được các tên lửa đạn đạo mang đầu tác chiến Plutoni có công suất từ 100 đến 300 Kt.
Rất nhiều khả năng là chưa có đầu đạn nhiệt hạch nào (hoặc mới chỉ ở dạng bộc phá hạt nhân, không bị giới hạn về kích thước và khối lượng, khả năng chịu nhiệt độ quá tải).
Tuy nhiên, việc chế tạo chúng, cũng như thiết kế chế tạo các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoàn chỉnh đối với CHDCND Triều Tiên chỉ là vấn đề thời gian.
|
Tên lửa đạn đạo “Hwasong-14” của Bắc Triều Tiên |
Đại bộ phận các tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên các tầm bắn khác nhau đều được chế tạo theo những công nghệ lạc hậu.
Thành thử, chúng có thể bị bắn hạ bới các tên lửa của các tổ hợp tên lửa phòng không mặt đất “Patriot” và THAAD của Mỹ, cũng như các tên lửa phòng không có điều khiển “Standart” nhiều biến thể khác nhau phóng từ các tàu tuần dương lớp “Ticonderoga” và các tàu khu trục lớp “Arleigh Burke” của Hải quân Hoa Kỳ, các tàu khu trục “Atago” của Hải quân Nhật Bản và các tàu khu trục lớp “Sejon Tewan” của Hải quân Hàn Quốc được trang bị hệ thống Aegis.
Tuy nhiên, lại không thể đảm bảo chắc chắn 100% là sẽ bắn hạ được thậm chí chỉ một quả tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên riêng rẽ bằng các tổ hợp tên lửa phòng không nói trên (nhận định này đã được chứng minh một cách hùng hồn qua kinh nghiệm sử dụng tổ hợp tên lửa phòng không “Patriot” tại Trung Đông).
Nếu Bắc Triều Tiên tiến hành một đòn tấn công tên lửa ồ ạt (ví dụ như bằng hơn 100 quả tên lửa đạn đạo cùng lúc) thì không một hệ thống phòng chống tên lửa nào có thể đối phó được – bởi vì số lượng tên lửa đạn đạo (Bắc Triều Tiên) sẽ nhiều hơn số lượng tên lửa phòng không có điều khiển.
|
Tổ hợp tên lửa phòng không “Patriot” |
Nếu tính rằng việc dùng một quả tên lửa phòng không có điều khiển để phá hủy được một quả tên lửa đạn đạo mang đầu tác chiến hạt nhân là một khả năng rất “siêu thực”, nên trên thực tế- hệ thống phòng thủ chống tên lửa Mỹ- Hàn là vô dụng trước một cuộc tấn công tên lửa ồ ạt của Bắc Triều Tiên, việc tồn tại một hệ thống như vậy chỉ mang tính chất trấn an tâm lý.
Trong khi hiệu ứng từ một đòn tấn công (tên lửa Bắc Triều Tiên) lại là vô cùng lớn, thậm chí ngay cả khi những tên lửa đó chỉ mang đầu tác chiến thông thường. Mới tháng 1 năm nay, một cuộc tấn công tên lửa của Iran nhằm vào một căn cứ của Mỹ ở Iraq đã cho thấy độ chính xác cao không thể tin nổi của các tên lửa đạn đạo Iran.
Bình Nhưỡng và Tehran thường xuyên trao đổi công nghệ quân sự và kinh nghiệm với nhau, vì vậy có thừa đủ lý do để tin rằng rằng độ chính xác của tên lửa Bắc Triều Tiên cũng không thua kém gì độ chính xác của các tên lửa Iran.
Còn nếu như nói về khía cạnh chính trị của vấn đề này, đến bây giờ vẫn không thể hiểu tại sao CHDCND Triều Tiên lại không được phép làm những gì (sở hữu vũ khí vũ khí hạt nhân và tên lửa tất cả) mà tất cả (hay gần như tất cả) phần còn lại của thế giới có quyền làm.
Các tiêu chuẩn kép hoặc thậm chí các tiêu chuẩn còn hơn cả kép mà cái gọi là “cộng đồng quốc tế” áp dụng đối với CHDCND Triều Tiên chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm hình hình trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang căng thẳng.
Đến bây giờ đã rõ ràng một điều- tiến trình hòa giải bắt đầu từ hai năm trước giữa Bình Nhưỡng với Washington và Seoul sẽ không đi đến đâu. Nhiều người thường cho rằng nền văn hóa chính trị Phương Tây đồng nghĩa với nền văn hóa chính trị luôn sẵn sàng thỏa hiệp.
Trên thực tế, đấy là một câu chuyện bịa đặt hoàn toàn. Văn hóa chính trị Châu Âu hiện nay- hoặc là thao túng, hoặc là đầu hàng. Còn đối với Mỹ, phương pháp duy nhất được áp dụng- đó là sử dụng sức mạnh thô bạo.
Washington đã mang đến bàn đàm phán với Bình Nhưỡng một sự thô bạo như vậy đấy. Rất có thể, tuy vậy, về phần mình thì D.Trump, xuất phát từ chủ nghĩa thực dụng thuần túy, có thể sẽ sẵn sàng cho một số thỏa hiệp nào đó với Bình Nhưỡng.
Nhưng giới tinh hoa chính trị Mỹ, kể cả phe dân chủ lẫn phe cộng hòa, đều coi từ "thỏa hiệp" là một từ nguyền rủa thô lỗ, - nhất là lại “thỏa hiệp” với một chế độ toàn trị từ Bình Nhưỡng (trong khi đó có rất nhiều thành viên Mỹ thậm chí còn không biết cái Bình Nhưỡng này nằm ở đâu trên bản đồ thế giới).
Cuối cùng thì chỉ có CHDCND Triều Tiên mới thực sự là bên thể hiện nền văn hóa chính trị Phương Tây theo cách hiểu đẹp nhất.
Nước này, như đã nói ở phần trên, đã tháo dỡ các bãi thử nghiệm tên lửa và thử nghiệm hạt nhân, áp dụng lệnh cấm tiến hành các vụ thử hạt nhân, không phóng tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Đáp lại những nhượng bộ này, Bình Nhưỡng hoàn toàn có quyền chờ đợi những nhượng bộ từ phía Washington. Nhưng đã không nhận được cái gì. “Nền dân chủ chủ yếu của thế giới” đã thể hiện một phong cách đối thoại thuần túy độc tài, ép bằng được đối thủ phải đầu hàng hoàn toàn và vô điều kiện.
Bình Nhưỡng không hề có ý định đầu hàng, vì vậy nên Bắc Triều Tiên không thấy có bất kỳ lý do nào để tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán theo cái cách kỳ lạ như vậy.
Bình Nhưỡng cũng không thấy một ý nghĩa nào trong việc tiến hành đối thoại với Seoul,- vì Seoul vẫn không thể theo đuổi một chính sách độc lập và vẫn phụ thuộc vào Mỹ.
HAI TRIỀU TIÊN
Trên thực tế, tất cả đã xảy ra đúng như vậy. Đơn giản chỉ vì gần như không một ai sống ngoài biên giới Bán đảo Triều Tiên lại biết rằng ngay từ những năm 70, từ dưới thời Kim Nhật Thành, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên “toàn trị” đã đề xuất một nguyên tắc cực kỳ dân chủ trong công cuộc hòa bình thống nhất đất nước– đó là nguyên tắc thống nhất trên nền tảng liên bang, duy trì trên cả hai miền các hệ thống- thể chế chính trị và kinh tế hiện có và hàng năm thay đổi giới lãnh đạo tối cao.
Dĩ nhiên, con đường này rất khó khăn phức tạp, nhưng đơn giản là vì không còn một sự lựa chọn nào khác. Và cho đến tận hôm nay Bình Nhưỡng vẫn không từ bỏ nguyên tắc này.
Tại Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên mới nhất vào tháng 5 năm 2016, nhà lãnh đạo Kim Jong-un lại một lần nữa khẳng định rằng CHDCND Triều Tiên đang nỗ lực phấn đấu để hòa bình thống nhất Triều Tiên nhưng vẫn duy trì các hệ thống hiện tại ở mỗi miền và chỉ khi nào Bắc Triều Tiên bị tấn công xâm lược thì Bình Nhưỡng mới thực hiện phương án thống nhất đất nước bằng quân sự.
Điều đáng chú ý là tuyệt đại đa số các phương tiện truyền thông trên thế giới đều chỉ trích dẫn phần thứ hai của tuyên bố, phần thứ nhất trong tuyên bố đã bị cố tình lờ đi không trích dẫn.
Nhưng rất tiếc, Cộng hòa Triều Tiên “dân chủ” (Hàn Quốc) cho đến tận bây giờ vẫn muốn áp dụng phương án thống nhất theo cách toàn trị - sát nhập hoàn toàn CHDCND Triều Tiên vào Cộng hòa Triều Tiên, thêm nữa, theo một phiên bản cứng rắn hơn nhiều so với phiên bản thống nhất nước Đức, - tức là đàn áp chống lại toàn bộ giới lãnh đạo chính trị quân sự Miền Bắc.
Một cách tiếp cận như vậy, tất nhiên, làm cho công cuộc thống nhất đất nước trở thành không thể. Vấn đề là ở chỗ Seoul không chơi trò chơi của mình.
Có lẽ trong các thế kỷ XX - XXI, không thể tìm ra một “câu chuyện thành công” nào trên thế giới gây ấn tượng mạnh hơn những gì mà Cộng hòa Triều Tiên đã làm được.
Vào nửa đầu thế kỷ XX, Nam Triều Tiên là một thuộc địa không có quyền hành gì của Nhật Bản, vào các năm 1950-1951 đã bị phá hủy hoàn toàn trong Chiến tranh Triều Tiên. Mức sống ở đất nước này trong những năm 60 cũng tương đương mức sống ở các nước Châu Phi nhiệt đới.
Nhưng bây giờ thì nền kinh tế Hàn Quốc đã là một trong 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hơn nữa, nền kinh tế Hàn Quốc không xây dựng dựa trên bong bóng xà phòng tài chính và cũng không chỉ dựa vào lĩnh vực dịch vụ như ở Phương Tây, mà đó là một nền công nghiệp công nghệ cao hiện đại mạnh nhất, giúp nó bền vững hơn nhiều trước các cuộc khủng hoảng khác nhau.
Ngoài ra, nước này cũng đã xây dựng được các lực lượng vũ trang xuất sắc, và nếu xét về tiềm năng tác chiến và trình độ huấn luyện thì các lực lượng vũ trang Hàn Quốc chí ít cũng được xếp vào hàng ngũ ba quốc gia mạnh nhất trên thế giới trong số những quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân.
Quân đội Hàn Quốc hơn hẳn bất kỳ một quân đội Châu Âu nào không chỉ một cái đầu, mà là hẳn hai cái đầu. Trong bối cảnh như vậy, việc không thể theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập có vẻ như là một sự bất bình thường tuyệt đối.
Rất tiếc, chính sách của Seoul lại được quyết định tại Washington. 30- 40 năm trước, chuyện này là dễ hiểu, có thể giải thích và thậm chí là hợp lý. Nhưng ngày nay, đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được, mặc dù, rất tiếc, lại có thể giải thích được – gốc gác của hiện tượng này hoàn toàn là do yếu tố tâm lý.
Người miền Nam đơn giản là không tự tin vào sức mạnh và khả năng của chính họ, còn người Mỹ thì đang làm mọi thứ để cho điều đó (tự tin vào sức mạnh và khả năng của mình) không bao giờ xảy ra.
Nhưng đồng thời, việc đưa ra những lời chỉ trích đối với Hoa Kỳ lại là ngu ngốc và vô nghĩa – người Mỹ hành động theo các nguyên tắc tư tưởng và lợi ích địa chính trị của họ.
Washington phải bảo vệ lợi ích của Mỹ, chứ không phải lợi ích của Hàn Quốc. Về phần mình, Seoul phải có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của Hàn Quốc, chứ không phải lợi ích của người Mỹ.
LỆNH HOÃN MONG MANH
Bình Nhưỡng đã từ bỏ lệnh cấm nói trên, nhưng hiện vẫn chưa tiến hành các vụ thử hạt nhân và phóng các tên lửa tầm xa mới.
Rõ ràng, giới lãnh đạo CHDCND Triều Tiên hiểu rằng ngài D.Trump trong mọi trường hợp vẫn là phương án ít xấu nhất đối với Bình Nhưỡng, chính vì vậy nên không nên tạo ra những rắc rối không cần thiết trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.
CHDCND Triều Tiên tuyên bố vẫn sẵn sàng quay lại bàn đàm phán nếu Mỹ thực sự nghiêm túc, nói cách khác có nghĩa là (Mỹ) tuân theo nguyên tắc "nhượng bộ đối lấy nhượng bộ".
Dĩ nhiên, CHDCND Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân, vì đây là vấn đề đảm bảo chủ quyền thực tế.
Nhưng Bắc Triều Tiên có thể từ bỏ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, và có thể cả tên lửa đạn đạo tầm trung- trong trường hợp được dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt và Mỹ thực sự cắt giảm các lực lượng của mình ở phía Nam Bán đảo Triều Tiên.
Nếu D.Trump thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, ông có thể chấp nhận một phương án như vậy khi đàm phán với Kim, - dù xác suất như vậy là rất nhỏ, nhưng nó cũng không bằng không.
Seoul, vì không thể thoát khỏi sự bảo trợ của Mỹ, rất có thể, đã bỏ lỡ cơ hội cuối cùng để hoà bình thống nhất đất nước. Hai miền Triều Tiên càng sống lâu hơn trong không khí không chỉ chia rẽ mà còn trong tình trạng chiến tranh lạnh, sẽ càng có ít người hơn ở cả hai miền mong muốn thống nhất đất nước.
Qua một, hay nhiều nhất là qua hai thế hệ, việc thống nhất sẽ trở nên bất khả thi đơn giản chỉ bời vì cả miền Bắc và miền Nam đều không còn nhu cầu thống nhất nữa. Và điều này trên thực tế sẽ gần như xóa sạch câu chuyện thành công của Hàn Quốc. Nhưng ở Seoul, rất tiếc, có vẻ như không hiểu ra điều này.
Trung Quốc cần một CHDCND Triều Tiên bù nhìn hoàn toàn và không có vũ khí hạt nhân, nhưng Bình Nhưỡng, cho dù có phụ thuộc ít nhiều vào Bắc Kinh về kinh tế, nhưng lại quyết không có ý định đầu hàng Thiên Triều.
Hơn nữa, việc CHDCND Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân chính là lý do quan trọng nhất buộc Trung Quốc phải chấp nhận cách hành xử hoàn toàn độc lập của một quốc gia cứ tưởng như là phụ thuộc vào mình.
Đối với Nga- vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên hoàn toàn không gây phiền toái gì. Không chỉ thế, sẽ rất có lợi cho Nga nếu phương án (thống nhất Triều Tiên) do Bình Nhưỡng đề xuất được hiện thực hóa- thống nhất Triều Tiên nhưng duy trì hai hệ thống.
Ngoài Nga ra, không có bất kỳ một thế lực bên ngoài nào mong muốn kịch bản này, cái họ cần là chia cắt vĩnh viễn hai miền Triều Tiên và hai miền đối đầu với nhau.
Nhưng rất tiếc, chính sách của Matxcova trong vấn đề Triều Tiên là hoàn toàn thụ động và không sáng kiến, và những lần bỏ phiếu thường xuyên ủng hộ các lệnh trừng phạt mới đối với CHDCND Triều Tiên để lấy lòng Washington và Bắc Kinh đơn giản là một sự nhục nhã.
Còn nhục nhã hơn gấp đôi khi chính Nga cũng phải chịu các lệnh trừng phạt và từ đó đến nay luôn mồm khẳng định về tính phản tác dụng của bất kỳ một lệnh trừng phạt nào.
Nhưng chính sách đối ngoại của chúng ta là thế và chỉ độc lập trên lời nói. Trên thực tế, chính sách ấy, thường là, hèn nhát và phụ thuộc trong mối quan hệ với nhiều kiểu đối tác khác nhau, cả với các đối tác “đáng kính” (ý nói tới Mỹ-ND), cả với các đối tác “chiến lược” (ý nói tới Trung Quốc-ND).
Những “đối tác" đó cũng đối xử với chúng ta theo cách tương ừng, có nghĩa là không coi chúng ta ra gì. Trừ trường hợp Bộ Quốc phòng Nga trực tiếp tham gia giải quyết các vấn đề chính sách đối ngoại.
Nhưng rất tiếc là Quân đội chúng ta lại rất khó can dự vào vấn đề Triều Tiên, vì vậy đây vẫn đang là một lĩnh vực riêng của các nhà ngoại giao. Một kết cục đáng khóc là điều hiển nhiên.
Bình Nhưỡng chấp nhận “mềm mại” với Bắc Kinh để cảm thấy tự tin hơn trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Tuy vậy, giới lãnh đạo CHDCND Triều Tiên rất muốn gần gũi với Nga để cân bằng áp lực từ phía Trung Quốc.
Nhưng, rất tiếc, Matxcơva lại sợ một cách hoảng loạn là nếu như thế sẽ xúc phạm “đối tác chiến lược” và “thò mũi” vào khu vực ảnh hưởng của nó (Bắc Kinh). Mặc dù “đối tác” (Trung Quốc) lại tuyệt đối không hề sợ hãi gì khi “lấn sân” phạm vi ảnh hưởng của chúng ta.
Ví dụ: như đến Belarus, hay là vào Trung Á. Không những thế, ở chỗ nào Bắc Kinh cũng khá công khai chống lại lợi ích của Matxcova, còn Matxcova thì có vẻ như đã chấp nhận vai trò là đàn em của Bắc Kinh và không có khả năng tiến hành các biện pháp đối xứng để đáp trả. Bình Nhưỡng đã hiểu ra điều này.
Họ gọi Nga là một con hổ giấy có sức mạnh quân sự to lớn, nhưng lại không thể biến sức mạnh đó thành ảnh hưởng chính trị.
Liên quan đến thảm họa virus toàn cầu hiện nay, tôi rất muốn lưu ý thêm một điểm nữa. Ngày càng trở nên rõ ràng một thực tế rằng toàn cầu hóa đang dẫn nền văn minh tới sự sụp đổ hoàn toàn.
Và chính vì vậy, những ai còn chưa mất khả năng suy nghĩ, hoặc chí ít là cũng chưa mất đi bản năng sinh tồn, nên thoát ra khỏi ý tưởng muốn tích hợp mình vào chuỗi công nghệ thế giới càng sớm càng tốt để quay về với hệ tư tưởng Chủ thế (của Bắc Triều Tiên), - có nghĩa là phải dựa vào chính sức mình.
Cần phải hiểu rằng hệ tư tưởng Chủ thể hoàn toàn không bắt buộc phải thiết lập một hệ thống toàn trị. Chỉ cần phải biết tự mình làm mọi thứ. Ví dụ, như máy bay- không chỉ máy bay quân sự, mà cả máy bay dân sự, và cả động cơ và hệ thống điện tử để trang bị cho chúng.
Hoặc là thuốc chữa bệnh. Hoặc máy móc thiết bị. Nước Nga có nhiều khả năng để làm được điều đó, nhiều khả năng hơn rất nhiều so với đại đa số các quốc gia khác trên thế giới, kể cả những quốc gia được coi là phát triển nhất.
Chỉ cần thoát khỏi cái đức tin vô lý vào thị trường tự do thế giới càng nhanh càng tốt, có nghĩa là phải sớm rũ bỏ cái ý nghĩ cho rằng thị trường tự do thế giới là nơi mà chúng ta có thể mua tất cả những gì chúng ta cần vào bất cứ lúc nào mà không hề gặp bất cứ vấn đề gì.
Để cung cấp thêm một số thông tin về tiềm lực chiến lược của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, xin giới thiệu phần tiếp bài viết của chuyên gia quân sự Nga Aleksandr Khramchikhin
baodatviet.vn