Mấy chú đội xử lý khủng hoảng truyền thông được ae thiện lành trả lương vào phản biện nhà báo này nài:
KHI THIÊN SỨ RA TÒA
Tôi viết mấy dòng này với tất cả lòng mến thương đối với Đặng Lê Nguyên Vũ. Trong đời làm báo của mình, tôi chỉ thân với duy nhất một “đại gia”, đó là anh. Ráp mối cho mối quan hệ đó là Tổng Biên tập của tôi, chỉ với mục đích liên quan đến công việc. Tôi từng viết bài về anh, về Trung Nguyên, bằng nhận định riêng của tôi. Báo Thanh Niên thời tôi làm tòa soạn, không có bài nào viết theo đơn đặt hàng, không một ai nhận tiền của Trung Nguyên để làm bất cứ một thứ gì.
Tôi đã từng đề cập trên trang cá nhân này, Vũ là người trọng tình nghĩa. Khi tôi nghỉ làm tòa soạn và có ý định “lên núi ở”, thực tế là đã đặt cọc mua 3 ha đất rừng khai hoang ở Đăk Nông với giá chỉ 50 triệu/ha, Vũ nói tôi không cần lên đó mà hãy lên M’Drăk trang trại của anh, cần bao nhiêu anh cắt ra để lại. Tôi nghĩ nếu với giá tương đương giá ở Đăk Nông, thì lên M’Drăk là tốt nhất. Anh đã cho người khoanh cho một diện tích 3ha và bảo nhân viên làm giấy tờ giao cho tôi. Tôi bảo bao nhiêu tiền tôi sẽ trả trước khi lây đất, anh nói không lấy tiền. Bởi vậy tôi không nhận đất đó, nhưng tôi rất biết ơn tấm lòng của anh và sự nhiệt tình của anh em Trung Nguyên trên Đăk Lăk. Tôi có thể khẳng định, quan hệ giữa Đặng Lê Nguyên Vũ với giới truyền thông không hề có cái gì giống như dùng tiền mua chuộc để biến thành công cụ của mình, ý định “cho đất” tôi là sau khi tôi không còn ảnh hưởng gì đến báo Thanh Niên nữa. Vũ rất biết người biết ta, trọng những gì đáng trọng và khinh những gì đáng khinh.
Vũ có những khát vọng rất đáng trân trọng, đó là muốn Việt Nam trở thành một nước hùng cường. Vũ gắn sự nghiệp và công ty của mình trong khát vọng đó, điều này không có gì sai. Anh nói rằng anh không cần tiền, rằng tiền để làm gì, đằng sau câu nói đó không phải không có đạo lý. Việc Vũ “thiền 49 ngày”, sau đó anh thành như bây giờ, đối với tôi đó là tự do cá nhân, không có gì đáng chê trách.
Giờ thì anh tự cho mình là một thiên sứ, chính xác như anh tự nhận là đã “Thông linh với Đức Tối cao Thượng đế", được Ngài trao “mọi khả năng tiên tri và gần như mọi hiểu biết về vạn vật và vũ trụ” và trở thành “người duy nhất thay mặt Đức Tối cao Thượng đế để giúp Người sắp đặt lại thế gian lầm lạc theo đúng trật tự và mong muốn của Người” (như lời đại diện Tập đoàn Trung Nguyên thông báo đến các người anh chị em). Theo tôi, đó cũng là tự do tín ngưỡng.
Vấn đề là, vị thiên sứ đó đang điều hành một Tập đoàn kinh tế lớn với số tài sản là sở hữu chung của hai vợ chồng. Nếu như anh không dùng tiền chung của hai vợ chồng để thực hiện sứ mệnh được Thượng đế giao phó thì không có vấn đề gì đáng nói. Nhưng vợ anh thì chưa được “thông linh”, chưa được thượng đế chọn để trao sứ mệnh như anh và chị không hề có ý định được thông linh để nhận sứ mệnh đó, trong khi anh đang dùng tài sản chung để thực hiện sứ mệnh này thì không có mâu thuẫn mới là chuyện lạ.
Sau phiên tòa tạm dừng vào tuần trước, chị Thảo có đưa một số bút lục lên facebook và công bố một số tin nhắn Vũ từng gửi cho chị :
“Tôi được Đức Cha Thượng đế trao cho những khả năng siêu phàm mà trước đến nay không có ai có được, các công thức cứu thế gian bằng chữa lành, trường xuân, trường sinh, trường thọ… và mọi khả năng siêu phàm khác…! Em hãy luôn dốc tâm thiện lành và luôn xứng đáng nghe..!”
“Thượng đế không bao giờ lựa chọn một người tầm thường để uỷ giao cho thiên mệnh cứu thế! Đừng bao giờ nghĩ những gì như người chồng của mình bệnh gì đó, hãy nghĩ đến những gì chưa từng có trong lịch sử nhân loại… Những suy luận và của những logic thông thường không bao giờ chạm và thấu những gì vĩ đại.. Em hãy biết một điều này rồi tĩnh lặng để sau này ngộ thấu! Thượng đế là hiện hữu và Người là hằng sống! Những thử thách mà tôi đã vượt qua không gì hơn là để kiểm tra những gì thiện lành thao thức trước đó và hiện tại. Hãy hiểu rồi rèn luyện, chỉnh sửa thân – tâm để xứng đáng là một người vợ của người có thiên mệnh!” (Bút lục số 64, Toà án Nhân dân quận 3, TPHCM)…
Những người phụ nữ có đầu óc bình thường trên thế gian này có ai đồng thuận vơi chồng để đưa khối tài sản chung vào việc thực hiện sứ mệnh kia không ? Tôi nghĩ là không. Hầu hết những phụ nữ tỉnh táo sẽ làm như sau :
1-Tìm cách đưa chồng đi chữa bệnh, nếu y học không coi đó là bệnh thì họ sẽ chăm sóc chu đáo cho chồng, tôn trọng sở nguyện của chồng.
2-Dứt khoát không để chồng mang khối tài sản, dù nhỏ dù to, của gia đình ra để thực hiện sứ mệnh đó.
Cũng trên trang cá nhân của mình, chị Thảo nói chị rất buồn nhưng chị không giận anh vì những lời anh nói về chị trước tòa. Chị vẫn cho rằng anh bị bệnh, phải tìm cách đưa anh đi chữa bệnh. Tôi không biết anh có bị bệnh hay không, nhưng tôi nghĩ thái độ của chị Thảo là đúng mực. Tôi nghĩ dù Vũ được y học giám định không bị bệnh thì vẫn cần được người nhà chăm sóc.
Vấn đề cuối cùng là các quan tòa và các vị luật sư. Đối diện với các vị không phải là một người bình thường mà là một người tự nhận mình là “thiên sứ”. Dù y học không xác định Vũ bị bệnh, nhưng để bảo vệ tài sản hợp pháp của cả hai bên, các vị có coi những lời của bị đơn là lời của một "thiên sứ" hay là của người bình thường ? Chị Thảo lo rằng, nếu chị không kiểm soát được công ty thì toàn bộ tài sản của gia đình chị có nguy cơ trước sau gì cũng biến thành mây khói, tòa có nghĩ đó là sự lo lắng chính đáng hay không ?
Riêng tôi thì chỉ có một mong muốn, là gia đình anh được đoàn tụ, Trung Nguyên phat triển bền vững, anh được người thân chăm sóc, còn bạn bè thì chăm sóc anh bằng tấm lòng và tiền của mình chứ không bằng tiền của gia đình anh.
HOÀNG HẢI VÂN