Nhà em thời bao cấp đã khổ rồi, tới hết bao cấp vẫn khổ vì nghèo quá, bố lại yếu bệnh, em sinh năm 80 cũng nếm trải khớ khớ. Mang tiếng là người thành phố nhưng việc đồng áng em thạo lắm, vì nghỉ hè với nghỉ tết (ngày trc nghỉ dài) là em được tiễn về quê ăn bám ông bà. Về quê thì đủ việc, hè thì gặt lúa tuốt lúa (bằng tay chân và cối đá chứ ko có máy), rồi thì đội rạ về nhà. Đông xuân thì giúp ông bà gieo mạ nhổ mạ gánh mạ, xếp ải... Em chửa cấy phát nào mà chỉ mang mạ ra ruộng cho ông bà chú thím cấy. Có những mùa hè chạy bão, gặt lúa khi lúa chưa chín đủ nhưng bị gió thổi gãy rạp hết xuống, gặt mới vất làm sao. Phơi thóc thì chạy mưa cũng xoắn hết cả quẩy. Thóc khô thì cất vào 2 cái quan tài ông bà em đóng sẵn để trong nhà đợi ngày về với tổ tiên, ấy mà từ lúc đóng quan tài tới lúc các cụ lên đường là phải 25-35 năm í. Bao năm sống trong căn nhà có 2 cái quan tài rỗng, em chẳng thấy sợ gì mới tài chứ. Ở quê ăn uống thì chả có gì, thường xuyên là lạc giã ra chưng mắm làm thức ăn mặn, ăn sáng thì có vài củ khoai ngứa hoặc khoai lang, trong ngày có cất được vó tôm tép hay đc mớ cua cáy thì coi như có đạm. Tết thì đc biết đến bánh chưng, thịt lợn, thịt gà. Hồi í về quê em còn phải bế 2 đứa em con chú thím, mà hồi í ko có bột xay, cứ sáng ra em phải ngâm nắm gạo, tầm 10h cho gạo vào cối giã, lọc lấy nước để quấy bột cho nó, bột chỉ có vài hột muối chứ chả có chất gì. Nghĩ lại đúng là hồi í sao mà vất, mà đói.
Nhưng những ngày đó lại chính là những ngày bình yên nhất trong cuộc đời em, được sống trong sự quây quần của đại gia đình, được ông bà yêu thương, được lao động và chơi đùa cùng các anh chị em họ cùng lứa tuổi, biết tới những nhường nhịn và san sẻ, đùm bọc lẫn nhau. Rất nhiều hiểu biết và kỹ năng sống của em có được từ những năm tháng này, và em luôn luôn trân trọng nó.