Vừa đọc thớt hôm qua thì hôm nay em đọc được bài này...
Tôi gặp tên cướp lần đầu ngay khu giếng trời cùng tầng. Đám thanh niên ăn uống hát hò, nhảy nhô nhảy nhếch.
vnexpress.net
"Những người không còn gì để mất, bần cùng hóa hoặc tha hóa từ người từng lương thiện. Những kẻ nổi loạn, trong một vai trò nào đó, định hình chất lượng sống của số đông còn lại. Nếu không giăng tấm lưới an sinh, công bằng và luật pháp đủ rộng, đoàn tàu sẽ bị trì kéo bởi những kẻ bất mãn."
----nguyên văn
Tôi gặp tên cướp lần đầu ngay khu giếng trời cùng tầng. Đám thanh niên ăn uống hát hò, nhảy nhô nhảy nhếch.
Trước đó vài ngày, một gã trong số đó vào nhà bạn tôi cướp của. Bạn tôi bế con về căn hộ tầng 8 lúc hơn 10 giờ tối. Chốt cửa, đặt con trên sofa ở phòng khách, cô vào phòng ngủ thay đồ rồi pha sữa cho bé. Nghe tiếng "cạch", cô bước ra, khựng lại. Thanh niên mặc quần đùi, áo may ô đứng giữa nhà, cạnh bé gái bốn tháng tuổi.
Người mẹ nhìn gã gầy nhom trân trối. Tròng đen trong mắt thanh niên đảo một vòng khiêu khích từ đứa bé qua người mẹ, hắn nhào tới túm chiếc ba lô màu đen cạnh em bé lao ra khỏi nhà.
"Cướp, cướp!", vài giây sau, cô mới kêu được thành tiếng, ôm vội đứa bé chạy ra thang máy, bấm tầng trệt. "Cướp vừa mở cửa vào nhà em", người mẹ run rẩy nói với hai bảo vệ trực sảnh chung cư. Họ nhấc điện thoại, quay số. Mươi phút sau, hai công an phường có mặt. Họ sục sạo các tầng, thu được chiếc ba lô rỗng trong thang bộ, một thẻ đeo có chữ "bảo vệ". Chứng minh thư của chị bị thả xuống giếng trời.
Nhiều ngày sau, tôi vẫn ân hận vì đã không bên mẹ con cô. Chúng tôi sống trong hai căn hộ cạnh nhau nhưng hôm đó tôi lại đi vắng. Công an phường và bảo vệ sau một hồi tìm kiếm, thông báo rằng họ đã xem lại camera nhưng không thấy đối tượng nào như mô tả ra vào tòa nhà, khuyên bạn tôi đi ngủ.
Rồi anh công an khu vực lại tới nhà, hỏi tới hỏi lui. Cô kể trong ba lô có tiền và đồng hồ, nữ trang hơn 60 triệu Đồng, và vừa thấy tên cướp bên nhà hàng xóm. "Khó lắm, lấy cớ gì mà bắt", công an lắc đầu. Cô xin lại ba lô của con gái, anh bảo phải giữ làm bằng chứng, rồi quay sang tán dóc với cô em cùng nhà bạn.
Vụ cướp mau chóng đi vào hư vô. Anh công an dặn "không được nói cho dân cư biết để tránh hoang mang". Nhưng nó đã khuấy động cuộc sống của chúng tôi. Bạn thay khóa cửa mới, lắp thêm camera khắp nhà, nhưng vẫn mất ngủ vì luôn có cảm giác người lạ có thể vào nhà bất cứ khi nào và đe dọa em bé. Cô không dám ở lại chính căn hộ của mình, bế con về nhà bố mẹ. Tên cướp vẫn lẩn quẩn trong khu. Ngày gặp lại, giữa đám nhậu, gã bình thản nhìn hai chúng tôi đi qua, đôi mắt mỏng, xương hàm nhọn và hình xăm kiểu mặt trời trên bắp tay trái. Vẫn đôi mắt mỏng, kẻ cướp nhìn nạn nhân dửng dưng.
Chúng tôi sống ở quận Tư, nơi trước kia được gọi là đất dữ, "quận hai ngón" của Sài Gòn. Mấy anh công an nói với tôi, sau vụ Năm Cam hơi hớm giang hồ đã hết. Các trùm giang hồ ở đây đã dạt về Nhà bè, quận 8, quận 9 "khởi nghiệp" bằng nhiều nghề khác. Công bằng mà nói, quận Tư giờ đây không đáng sợ như những câu chuyện kể dù chúng tôi vẫn tận mắt chứng kiến và là nạn nhân của vài vụ cướp giật. "Đấy là cướp ở nơi khác tới", lãnh đạo và công an phường trả lời ...
Cướp giật tài sản và trộm cắp chiếm gần 90% vụ phạm pháp hình sự các năm qua, theo công an TP HCM. Sự lành mạnh của xã hội phụ thuộc không nhỏ vào hành vi của những người ở nhóm thấp nhất. Những người không còn gì để mất, bần cùng hóa hoặc tha hóa từ người từng lương thiện. Những kẻ nổi loạn, trong một vai trò nào đó, định hình chất lượng sống của số đông còn lại. Nếu không giăng tấm lưới an sinh, công bằng và luật pháp đủ rộng, đoàn tàu sẽ bị trì kéo bởi những kẻ bất mãn.
Theo Ban chỉ đạo 138 TP HCM, tỷ lệ phạm pháp hình sự được đánh giá là tăng 10% với 1.001 vụ. Nhiều người quan sát gắn ngay thống kê này với bối cảnh dịch bệnh, và thấp thỏm lo lắng. Bạn tôi có lẽ mãi không thể biết, điều gì đã khiến hắn ta tự tin xông vào nhà dân cướp của lúc nửa đêm, rồi điềm nhiên sống giữa cộng đồng?
Trong một tương lai bất định hậu Covid, người dân có quyền chờ đợi một chiến lược đối phó với tội phạm giang hồ, cướp giật bằng tinh thần không khoan nhượng, để tin rằng chính quyền thực sự thương dân.