Công nhận với bác, người sống lâu năm ở nông thôn thường có thói quen tùy tiện, do sống ở nơi có không gian rộng rãi, thoáng đãng, những việc làm tùy tiện thường không ảnh hưởng nhiều đến những người xung quanh, khi ra thành phố sống họ vẫn chưa thay đổi được thói quen này. Tuy vậy, tôi cho rằng điều quan trọng hơn là trình độ văn minh đô thị, nó gắn với nhận thức của từng người, phụ thuộc trình độ văn hóa, học vấn. Có thể người ở nông thôn mới ra nhưng có nhận thức tốt, họ sẽ không làm những điều gây ảnh hưởng (xấu) đến những người xung quanh.
Về việc nông thôn hóa thành thị, đó cũng là một cách nhìn, nhưng đó là tất yếu với một đô thị phát triển (dân số) nhanh, khi mà số lượng người chưa có thói quen sống ở đô thị đông hơn những người đã quen với lối sống đô thị.
Hiện nay, văn minh đô thị có vẻ đang đi xuống (mới cách đây khoảng 10 năm, người ta còn tuân thủ đèn đỏ khá tốt, dừng thẳng hàng trước vạch trắng, nhưng bây giờ có hàng triệu người vượt đèn đỏ hàng ngày, vạch trắng chẳng còn nhìn thấy do xe dừng đèn đỏ đè lên...). Các đô thị Việt Nam sẽ không tránh được vẻ nhếch nhác khi mà tất cả các vùng trong cả nước đều đang lặn ngụp ở dưới đáy của Thế giới, nhưng nó sẽ tốt dần lên khi trình độ kinh tế, trình độ văn minh của cả nước tăng lên.