Theo em thì báo viết vậy không sai vì các ông Lý Quang Diệu, Lý Hiển Long từ xưa đã quá quen thuộc ở nước ta rồi còn ông Lawrence Wong từ trước giờ cũng không ai dùng tên Phiên âm Hán Việt của ông ấy cả. Bây giờ mà cả 2 ông quy về 1 kiểu thì người đọc khó hình dung là đang nói về người nào. Giai đoạn này tạm chấp nhận có những thứ khập khiễng như vậy.
Em thấy hướng dẫn cũng khá OK. Cái gì quen rồi thì để, cái gì mới thì theo chuẩn "nguyên gốc"
Hướng dẫn cách viết tên riêng Việt Nam, viết tên riêng nước ngoài đúng theo chương trình giáo dục? (thuvienphapluat.vn)
Đối với viết tên người, tên địa lí
- Trường hợp tên được dịch nghĩa hoặc phiên âm sang tiếng Việt bằng từ Hán Việt đã dùng phổ biến thì viết hoa chữ cái đầu của mỗi âm tiết. Đối với tên các quốc gia và vùng lãnh thổ phiên âm bằng từ Hán Việt thì giữ cách viết phổ biến đã được các quốc gia và vùng lãnh thổ đó chấp nhận.
Ví dụ: Đỗ Phủ, Lỗ Tấn; Hắc Hải, Đại Tây Dương; Ba Lan, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ;...
Các trường hợp khác:
- Trường hợp tên được viết bằng chữ Latin thì viết nguyên dạng chữ Latin, ví dụ: Victor Hugo, Albert Einstein, Thomas Edison, Paris, New York,... Trường hợp nguyên dạng có dấu phụ thì lược bớt dấu phụ, ví dụ: viết tên nhà thơ Petõfi là Petofi (lược bớt dấu phụ trên chữ õ).
- Trường hợp tên không được viết bằng chữ Latin thì viết như cách viết trong tiếng Anh, ví dụ: Aleksandr Pushkin, Moscow, Tokyo, Fuzhou, Zhejiang, Nile, Cleopatra,...
- Trường hợp tên đã quen sử dụng theo một hình thức phổ biến có tính quốc tế thì giữ cách viết thông dụng, không viết như nguyên ngữ, ví dụ: viết tên nước có thủ đô Budapest là Hungary, không viết là Magyarország.
- Trường hợp tên liên quan đến nhiều quốc gia hoặc vùng lãnh thổ thì dùng tên gọi phù hợp khi đề cập tới quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có tên đó. Ví dụ, tùy ngữ cảnh, sử dụng tên Danube (tiếng Anh, tiếng Pháp) để chỉ chung dòng sông này hoặc sử dụng tên mỗi nước gọi dòng sông khi đề cập đến đoạn sông chảy qua quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó: Donau (tiếng Đức), Dunaj (tiếng Slovakia), Duna (tiếng Hungary), Dunav (các tiếng Croatia, Serbia, Bulgaria), Dunărea (tiếng Romania), Dunai (tiếng Ukraina).
- Đối với sách giáo khoa và các tài liệu dành cho học sinh tiểu học, sử dụng hình thức phiên âm, có gạch nối để nối các âm tiết trong cùng một bộ phận tạo thành tên, ví dụ: Tô-mát Ê-đi-xơn, Mát-xcơ-va, Pa-ri, Tô-ky-ô,... Riêng sách giáo khoa và các tài liệu dành cho học sinh lớp 4, lớp 5: Bên cạnh hình thức phiên âm, cần chú thích nguyên dạng (hoặc chú thích cách viết trong tiếng Anh) khi tên riêng lần đầu tiên xuất hiện dưới hình thức phiên âm trong sách, ví dụ: Tô-mát Ê-đi-xơn (Thomas Edison), Mát-xcơ-va (Moscow), Pa-ri (Paris), Tô-ky-ô (Tokyo). Ngoài hình thức đặt chú thích trong ngoặc đơn, có thể chú thích ở chân trang hoặc bên lề trang sách.
Đối với các tên riêng khác
- Trường hợp tên riêng được dịch nghĩa sang tiếng Việt thì viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên đó, như quy tắc viết tên riêng tiếng Việt, ví dụ: Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Đại học Quốc gia Lomonosov, Giải thưởng Sư tử Vàng,...
- Trường hợp tên riêng được viết tắt
+ Viết nguyên dạng, nếu đó là tên viết bằng chữ Latin, ví dụ: UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc), WB (Ngân hàng Thế giới), ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á),...
+ Trường hợp nguyên dạng không viết bằng chữ Latin thì viết như cách viết trong tiếng Anh, ví dụ: JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản), KOICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc),...