Bác viết rất dài nên mà lại quên mất 1 ý rất quan trọng: thành Quy Nhơn bị chiếm và tái chiếm 2 lần!.
Lần 1 năm 1799, Nguyễn Ánh làm chủ tướng đã chiếm được giao cho Võ Tánh giữ. Cảnh Thịnh phải điều Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đi chiếm lại. Vì Võ Tánh bị bao vây nên Nguyễn Ánh lại phải thân chinh đốc quân cùng Võ Di Nguy, Lê Văn Duyệt dùng thuỷ quân đánh vào Thị Nại giảm áp lực cho Quy Nhơn. Dù thắng trận Thị Nại nhưng Nguyễn Ánh cũng mất đại tướng Võ Di Nguy nên Võ Tánh mới bày mưu cho chúa mình đánh Phú Xuân....Thành Quy Nhơn sau đó như đã biết đã bị quân Tây Sơn chiếm lại nhưng Tây Sơn lại mất Phú Xuân...Diễn tiến về sau em đã nói hết ở trên không cần nhắc lại.
Lần 2 là năm 1802, cái mà bác cứ thắc mắc là tại sao Quy Nhơn đã bị quân Nguyễn chiếm năm 1799 mà Tây Sơn lại để mất vào năm 1802 là ở chỗ nó hoán đổi chủ nhanh quá khiến bác không theo được diễn biến các trận đánh. Ý mà bác Cóc Cu hỏi ""Sau trận Thị Nại [1801] mất Quy Nhơn, thì nhà Tây Sơn mới sụp đổ nhanh chóng phải không ạ?" làm cho bác nghĩ trong đầu phải có một trận đánh nữa ở Quy Nhơn thì quân Tây Sơn mới mất thành. Không hề có trận đánh nào tiếp theo ở Quy Nhơn sau đó nhưng Tây Sơn vẫn chịu mất thành vì cái "mất" ở đây nó phụ thuộc vào kết quả trận Phú Xuân. Vì thua trận này nên Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng phải rút quân qua Ai Lao về cứu Cảnh Thịnh khiến quân Tây Sơn phải bỏ cả thành Quy Nhơn mà chạy, như vậy nói Tây Sơn mất thành là đúng. Quân Nguyễn không đánh mà thắng!.
Đúng như cụ nói, thành Quy Nhơn/Bình Định bị NA chiếm 2 lần:
1. Trận chiến năm 1799, Nguyễn Ánh chiếm thành Quy Nhơn
Tháng 4 năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Ánh chỉ huy đội binh ra đánh thành Quy Nhơn. Nguyễn Ánh cho binh thuyền đánh thẳng vào cửa Thị Nại (cửa Quy Nhơn). Nguyễn Ánh sai Chưởng hậu quân Võ Tánh và Chưởng hữu quân Nguyễn Hoàng Đức đem quân đánh ở Phú Trung, lại cử quân các vệ Hữu đồn và Thần sách đánh lên Càn Dương nơi có Tân phủ được lập từ thời Thái Đức. Nguyễn Ánh sai quan quân đến các địa phương thuộc huyện Tuy Viễn (sau là Tuy Phước) thu thuế. Thóc thu được đưa vào đồn Hàm Thuỷ (Nước Mặn) để làm quân lương. Võ Tánh và Nguyễn Hoàng Đức cho quân tiến chiếm Đồng Thị (Thị Dã), cầu Tân An, đoạt 13 tàu chiến của Tây Sơn. Đô đốc Nguyễn Thực bị giết; Đại đô đốc Tây Sơn là Lê Chất đem 200 quân ra hàng trong đó có: Đại đô đốc Võ Văn Giai, Nguyễn Văn Điểm, Đô đốc Lê Văn Niệm, Hồ Văn Viện, Trần Văn Lâm, Đô uý Mai Gia Cương, Nguyễn Văn Trí...
Thừa thắng, Lê Văn Duyệt cho quân đánh chiếm chiếm kho lương ở Đạm Thuỷ (Nước Ngọt) rồi án ngữ tuyến chặn viện ở vùng núi phía bắc tại Hôn Cốc (Hang Tối) và Sa Lang.
Tháng 6, Nguyễn Ánh cho quân vào thành Quy Nhơn. Nguyễn Ánh bắt dân 3 huyện Tuy Viễn, Phù Ly, Bồng Sơn nộp thuế để nuôi quân.
Thái phủ Tây Sơn là Lê Văn Ứng nghe tin Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đưa quân vào ứng viện liền đưa 6.000 quân tinh nhuệ và 50 voi chiến lên đóng ở ấp Tây Sơn Thượng để tạo thế trận ứng cứu liên hoàn cho quân Tây Sơn, nhưng bị quân Nguyễn do Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Đức Xuyên, Nguyễn Công Điền và tướng Lê Chất chặn đánh ở Cà Đáo, quân Tây Sơn bị thất bại. Sau thất bại này, quân Tây Sơn chán nản. Nguyễn Ánh cho quân chiếm thành Quy Nhơn. Trong thành quân ít, lương cạn, Đại tổng quản Lê Văn Thanh, Thượng thư bộ Binh Nguyễn Đại Phác dâng biểu xin đầu hàng.
Nguyễn Ánh vào thành, Lê Văn Thanh cùng 13 ngàn tướng sĩ xin hàng. Nguyễn Ánh cho đổi thành Quy Nhơn làm thành Bình Định.
Sau khi chiếm phủ Quy Nhơn, Nguyễn Ánh ở lại một thời gian và cho thực thi một số biện pháp thu thuế, trị an ở vùng đất mới chiếm.
Dưới thời Tây Sơn- từ Thái Đức đến Cảnh Thịnh, dân đinh phủ Quy Nhơn được đăng tịch vào sổ quân và được miễn thuế thân, các ấp được quân sự hoá thành các đội. Nay Nguyễn Ánh muốn đánh thuế thân ở phủ Quy Nhơn. Tham mưu Đặng Đức Siêu dâng mật sớ ngăn cản, tờ sớ có đoạn viết: "Tôi nghe binh pháp nói: cùng với dân chúng một lòng yêu thì không việc gì không thành, cùng với dân chúng một lòng ghét thì không việc gì không đổ. Từ xưa bậc đại thánh nhân làm việc lớn chưa bao giờ là không trước thuận lòng người như thế mới nên công việc. Dẫu bọn gian hùng tiếm nghịch cũng phải nhân theo nguyện vọng của dân thì mới tạm yên. Anh em Nhạc, Huệ là dân áo vải, không có miếng đất cắm dùi, thế mà ra tay hô một tiếng người đi theo hàng vạn, không đầy 5, 6 năm trời mà chiếm cõi giang sơn. Chúng không phải là có tài, đức hơn người mà sao nổi dậy chóng như thế? Chẳng qua chúng nhân được lòng dân oán ghét thần quyền, dân nhà Lê oán ghét họ Trịnh đấy thôi".
Nghe theo lời can gián của Đặng Đức Siêu nên Nguyễn Ánh không thu thuế thân ở Bình Định, nhưng thuế điền thổ thì thu ngay từ lúc mới chiếm phủ Quy Nhơn. Tháng 8 năm Kỷ Mùi (1799), thấy lương thực không đủ nuôi quân, Nguyễn Ánh bắt dân Bình Định nộp gạo thị nạp, mỗi mẫu 17 thưng,1 lại sai Tham tri bộ Hộ là Nguyễn Kỳ Kế và Trịnh Hoài Đức chở lương ở kho Đại La (Nước Mặn) về chứa ở kho Cự Tích (trong thành Bình Định). Khâm sai thuộc nội Cai cơ Nguyễn Văn Thịnh, Tham mưu bộ Công là Nguyễn Tử Trinh, Tham mưu Trần Long Hựu chia coi thuyền ghe chở gạo, lương từ Cù Huân đến Thị Nại.
Trong thời gian đầu chiếm giữ trấn ấp và thu thuế ở Bình Định, nhiều tướng sĩ của quân Nguyễn đã hà hiếp, cướp bóc của cải của nhân dân. Nguyễn Ánh đã nghiêm trị một số tên để trấn an dân chúng, đó là trường hợp Phó trưởng hậu quân Nguyễn Công Điền. "Trong trận Cà Đáo, Điền đã tự tiện vào nhà dân ấp Tây Sơn cướp lấy con gái và của cải, đến nay, việc phát giác sai chém bêu đầu để răn, sai trả lại con gái và của cải cho dân bị ức hiếp... rồi truyền dụ cho nhân dân sở tại đều biết".
Nguyễn Ánh cho tuyển quân 6 thuộc: An Nghĩa, Nhơn Ân, Nghĩa Hòa, Sơn Điền, Võng Nhi ở 3 huyện của phủ Quy Nhơn là 18.900 người, kén chọn những người đủ sức khoẻ biên chế thành quân ngũ, làm sổ quân nộp lên. Cắt đặt các cấp chỉ huy ở dinh phủ Quy Nhơn. Sau khi thành lập và củng cố binh phủ Quy Nhơn, tiếp đó lập các đồn hương binh ở Bình Định cùng với quân đội của Nguyễn Ánh do Nguyễn Văn Thành chỉ huy, phân công đóng các đồn ải để trấn áp và thu thuế. Trong thời gian này, nhiều tướng quân Nguyễn bị ốm, giám mục Bá Đa Lộc bị kiết lỵ gần 2 tháng đã qua đời ngày 11.9.1799. Nguyễn Ánh truyền cho Đông cung Cảnh đưa thi hài Bá Đa Lộc về an táng ở Gia Định. Còn Nguyễn Ánh ở lại tiếp tục ổn định tình thế, sắp xếp đội ngũ, đặt quan cai quản ở Bình Định rồi cho lui quân.
Tháng 10 năm Kỷ Mùi (1799) sau khi đặt quan Công đường ở dinh Bình Định, lấy Khâm sai thuộc nội Cai cơ Nguyễn Văn Thịnh làm Lưu thủ, Tham mưu Nguyễn Tử Chính làm Cai bạ; hàng thần là Hình bộ tả phụng nghị Nguyễn Văn Tiến làm Ký lục của dinh. Từ nay, phủ Quy Nhơn được đổi làm dinh Bình Định, thành Bình Định (thành Hoàng Đế thời Thái Đức, thành Quy Nhơn thời Cảnh Thịnh) là trụ sở của dinh Bình Định thời Nguyễn.
Sau khi thành lập dinh Bình Định, quân Nguyễn đã điều hương binh các đầu nguồn để giữ các sở Trúc Dã, Hà Lão, Tây Sơn, Vạn Khư để ngăn ngừa và trấn áp các cuộc nổi dậy của người dân ở miền núi. Quân Nguyễn lại đặt Nguyễn Văn Bạo làm Binh nhung ở nguồn Trà Đinh để trông coi, thu thuế đầu nguồn.
Ở dinh Bình Định trước thời Tây Sơn có đội Diêm Tiêu gồm 1086 người, nay cho tuyển những người khoẻ mạnh bổ làm 5 đội, mỗi đội 60 người phiên chế thành quân ngũ và cho ở trong thành để trông coi vũ khí, đạn dược; số còn lại sung làm quân đội thuộc dinh Bình Định hoặc để sai phái vào việc công.
Bình Định là đất dựng nghiệp của Tây Sơn, thành Bình Định là Kinh đô thời vua Thái Đức - Nguyễn Nhạc. Sau khi chiếm đất này, Nguyễn Ánh đã có một chính sách trấn áp, cai trị rất hà khắc, nhưng cũng nghiêm trị nạn nhũng nhiễu của quan lại, binh lính nhằm tạo ra thế chính trị ở một vùng trọng điểm cai trị để mua chuộc và an dân mà Nguyễn Ánh cần phải tranh thủ. Do vậy, trước khi trở về Gia Định, Nguyễn Ánh đã cho lưu lại thành Bình Định nhiều tướng lĩnh và quan chức cao cấp cùng đội binh hùng hậu. Chưởng hậu quân Võ Tánh cùng Lễ bộ Ngô Tòng Chu trông coi toàn bộ binh dân. Giúp việc còn có Tham tri bộ Hộ Trịnh Hoài Đức, Tham tri bộ Lễ Nguyễn Cửu Hanh, Tham tri bộ Binh Hồ Văn Đính, Tham tri bộ Hình Nguyễn Hoài Quỳnh... Chưởng cơ Nguyễn Văn Trương chỉ huy binh thuyền trấn giữ cửa Thị Nại. Sắp xếp xong công việc trấn trị ở dinh Bình Định, tháng 10 Nguyễn Ánh lên đường trở lại thành Gia Định.
Tại dinh Bình Định, việc Tham tri bộ Lễ Nguyễn Cửu Hanh bị cách chức vì tội thu thóc thuế lạm phép. Hanh không những thu thóc lương các hạng công điền nguyên là ruộng biệt thực của Tây Sơn mà còn tuỳ tiện thu thóc ruộng của dân rồi gian lận làm của riêng. Quan lưu thủ Bình Định là Nguyễn Văn Thịnh và Tham tri bộ Hình Nguyễn Hoài Quỳnh xét hỏi, Hanh nhận tội, sau đó bị cách chức.
Tháng 11 năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Ánh lệnh cho thu thuế hai dinh Bình Định và Phú Yên nộp thuế sai dư (thuế thân) một năm 3 quan/người; lại quy định thuế biệt nạp cho các thợ thủ công như sau: "Trừu nam mỗi năm mỗi người nộp 1 tấm dài 30 thước, rộng 7 tấc; lĩnh thâm, bát ty, nhiễu trắng, sa trắng thì nộp bằng trừu nam, mỗi người 1 tấm. Vải trắng mỗi người 4 tấm dài, rộng như trên. Nghề sắt mỗi người nộp 150 cân; dầu rái mỗi người 6 vò; nến trám hạng lớn một người nửa cây, hạng nhỏ 50 cây; dầu lạc mỗi người 90 cân; thảm cói mỗi người 4 đôi; chiếu trơn mỗi người 4 đôi.
Cuối năm 1799, họ Nguyễn cho khảo hạch học sinh ở dinh Bình Định để đào tạo hoặc tuyển dụng làm quan chức và đã có hơn 400 người được trúng tuyển.
2. Quân Tây Sơn phản công thành Bình Định (1800)
Thành Quy Nhơn, phủ Quy Nhơn thời Tây Sơn bị đổi tên, một chính sách cai trị của họ Nguyễn được thực hiện ở vùng đất mới chiếm, dân chúng khốn khổ và ca thán. Một vùng đất căn bản của Tây Sơn bị rơi vào tay quân Nguyễn, một phần thân thể của chính quyền Trung ương ở Phú Xuân bị đau đớn, chia lìa. Vua Cảnh Thịnh quyết đánh để thu hồi lại đất Quy Nhơn. Vua cử hai lão tướng tài ba của quê hương là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đem đại binh vào Bình Định để đánh quân Nguyễn.
Đầu năm Canh Thân (1800), quân Tây Sơn đã vào đất Bình Định. Trần Quang Diệu chỉ huy quân bộ tiến vào Thạch Tân, Võ Văn Dũng chỉ huy quân thủy tiến vào cửa Thị Nại với khí thế dũng mãnh. Tướng hậu quân của Nguyễn Ánh là Nguyễn Văn Biện không cự nổi đành thu quân vào thành Bình Định. Quân Tây Sơn tiến sát vào chân thành công kích. Võ Tánh đóng chặt cửa thành cố thủ. Quân Tây Sơn cho đắp lũy dài vây bốn phía ở ngoài thành để cô lập đối phương, đưa quân Nguyễn vào thế tuyệt vọng, đầu hàng.
Võ Văn Dũng dùng hai chiếc Định quốc, Đại hiệu (tàu mua của phương Tây) và hơn 100 chiếc thuyền chặn ngang cửa biển Thị Nại. Hai bên tả, hữu cửa biển là Bãi Nhạn và núi Tam Toà đều lập thành luỹ kiên cố, trang bị đại bác để phòng thủ cửa biển rất cẩn mật nhằm phong toả và chặn đứng viện binh quân Nguyễn. Võ Tánh và quân lính ở thành Bình Định bị vây suốt năm 1800, Nguyễn Ánh đưa quân đến cửa Thị Nại để giải vây cũng không phá thủng phòng tuyến của thuỷ quân Tây Sơn ở cửa Thị Nại. Từ Cù Mông, Nguyễn Ánh rất hậm hực đã chỉ huy binh thuyền chặn đánh đội thuyền lương của Tây Sơn khoảng 150 chiếc thuyền từ Phú Xuân vào cửa biển Đề Gi và chiếm đoạt binh lương vào khoảng giữa năm 1800.
3. Trận chiến ở đầm Thị Nại (1801)
Tháng giêng năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh quyết tâm dùng đại thuỷ chiến nhằm phá vỡ phòng tuyến Thị Nại để giải vây cho Võ Tánh ở thành Bình Định. Khoảng 2 giờ 30 phút ngày rằm tháng giêng (27.2.1801), từ bản doanh ở Cù Mông, Nguyễn Ánh cho quân xuất chiến. 91 chiến thuyền tham chiến, trong đó có 21 thuyền lớn (một chiếc chở 200 người và 1 đại bác), 65 thuyền vừa (mỗi thuyền chở 80 người và 1 đại bác)... Thuyền lớn do các sĩ quan người Pháp chỉ huy là thuyền De Forcant chở 26 đại bác; thuyền Vannier chở 26 đại bác, thuyền Chaigneau chở 32 đại bác. Thuyền Nguyễn Ánh chỉ huy chở 36 đại bác... thuỷ binh có 45.000 người và 50.000 thuỷ thủ. Thuỷ quân Nguyễn chia làm hai cánh theo bờ biển nhằm hướng Thị Nại tiến ra. Đi đầu là 18 chiếc thuyền thoi cải trang làm quân Tây Sơn đi tuần tiễu, tiến gần vào binh thuyền phòng ngự của Tây Sơn. Khoảng 10 giờ rưỡi đêm rằm tháng giêng, các hạm thuyền của Nguyễn Ánh tiến sát pháo đài Hổ Ky (mũi Phương Mai) chừng non nửa tầm đại bác. Nguyễn Văn Trương nhận nhiệm vụ chỉ huy 26 pháo hạm tiên phong tiến sát các thuyền Đại hiệu của Tây Sơn, chặt dây neo và phóng hoả đốt thuyền. Các pháo hạm được lệnh nổ đại bác. Cuộc tấn công bắt đầu, nhiều binh thuyền Tây Sơn bị cháy trước cửa Thị Nại. Đại bác Tây Sơn từ mũi Phương Mai và Bãi Nhạn bắn tới tấp và đón đúng tầm để nhả đạn vào thuyền địch. Quân Nguyễn bị thiệt hại nặng, tướng Võ Di Nguy bị đại bác Tây Sơn cắt mất đầu. Quân Nguyễn hoang mang, binh thuyền hỗn loạn, bị chìm đắm. Nhiều tướng lĩnh khác cũng bị tử trận. Nguyễn Ánh dừng thuyền ở vịnh San hô (phía đông nam bán đảo Phương Mai), truyền lệnh lui quân để tránh thiệt hại. Nhưng Lê Văn Duyệt xin thề tử chiến để cứu quân tiên phong. Lê Văn Duyệt chỉ huy đánh thuyền Đại hiệu của Tây Sơn; cử Nguyễn Văn Trương dẫn quân len lỏi vào sâu trong đầm rồi phóng hỏa cho quân đánh từ hai phía.1 Quân Nguyễn cũng đổ bộ lên bán đảo Phương Mai, hỗn chiến. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt suốt đêm rằm tháng giêng cho đến chiều hôm sau (28.2.1801), quân Nguyễn kiểm soát được chiến trường.
Võ Văn Dũng cho quân rút lui theo ngả Phú Trung về hợp lực với Trần Quang Diệu để chiến đấu và vây thành Bình Định. Võ Văn Dũng tuyên bố với binh sĩ: "Ta có mỗi chiếc tàu Tây thì quân Gia Định đốt mất. Lê Văn Duyệt có thể nói là kẻ biết cầm quân, nhưng ta chê Duyệt còn kém mưu trí. Lúc trước chiếm Quy Nhơn phải chiếm luôn cửa Thị Nại thì thuỷ quân ta không có đường vào. Nay Duyệt đánh vào Thị Nại đành phải chốt giữ Phú Trung thì bộ quân ta không có đường thoát".
Đây là trận thủy chiến ở đầm Thị Nại lớn nhất và thiệt hại nặng nề nhất dưới thời Tây Sơn, nhưng quân Nguyễn không thể chọc phá phòng tuyến trên bộ của Tây Sơn để tiến vào thành Bình Định giải vây cho Võ Tánh; trong khi đó, quân Nguyễn do Tống Viết Phước chỉ huy lại bị thất bại nặng nề ở chiến trận Càn Dương. Do đó, Nguyễn Ánh buộc để cho Võ Tánh ở lại tử thủ với thành Bình Định. Còn chúa Nguyễn chỉ huy quân lực ra Quảng Ngãi, Quảng Nam chuẩn bị cho mùa hè năm 1801 tấn công đánh chiếm Phú Xuân.
4. Thành Bình Định bị bức hàng, Võ Tánh, Ngô Tòng Chu tự tử
Không thể giải vây được cho thành Bình Định, Nguyễn Ánh quyết lợi dụng gió mùa đem quân ra Bắc. Tháng 6 năm 1801, quân Nguyễn đã chiếm được thành Phú Xuân. Sau khi chiếm được thành Phú Xuân, Nguyễn Ánh cử Lê Văn Duyệt vào giải vây cho Võ Tánh và quan quân ở trong thành Bình Định. Lê Văn Duyệt đưa quân đến địa giới Quảng Ngãi thì hay tin Võ Tánh và Ngô Tòng Chu đã tự tử. Do bị vây hãm gần 20 tháng, quân Nguyễn giữ thành Bình Định bị kiệt lương thực. Võ Tánh cho quân làm thịt cả voi, ngựa chiến để ăn cầm hơi. Nhiều tướng lĩnh không chịu nổi cảnh thiếu thốn và bệnh tật đã chết như: Trần Văn Phong (trấn An Giang), Phan Văn Thịnh (Bình Dương), Đoàn Văn Cát (Bồng Sơn), Hoàng Công Thành (Phù Cát), Nguyễn Văn Phát (Phù Cát), Phạm Văn Khoan (Long Thành), Đỗ Văn Lâm (Định Tường)... Trong khi đó, quân Tây Sơn đã liên tục mở các trận tập kích làm tiêu hao dần sinh lực quân Nguyễn ở trong thành.
Võ Tánh định mở đường máu phá vòng vây nhưng quân sĩ không đủ sức để chiến đấu nên không dám liều lĩnh thí quân, đành bí mật đưa thư hẹn với Nguyễn Văn Thành đem quân đến đồn Phú Quý đón quân sĩ từ trong thành trốn ra. Nhưng khi kiểm quân thấy vắng một viên Vệ uý. Võ Tánh biết kế hoạch bị bại lộ liền sai binh sĩ lấy củi khô chất cao ở trước lầu Bát giác đặt thuốc dẫn lửa, chuẩn bị tự thiêu. Trước khi chết, Võ Tánh cho quân mang thư đến gặp Trần Quang Diệu xin được bảo toàn tính mạng cho quân lính còn lại trong thành. Hiệp trấn Ngô Tòng Chu đến lầu Bát giác bàn chuyện với Võ Tánh, thấy cơ sự như vậy đã tuyệt vọng liền trở về công dinh, mặc triều phục chỉnh tề rồi uống thuốc độc mà chết. Võ Tánh lo tổ chức khâm liệm, mai táng cho Ngô Tòng Chu rồi trở về lầu Bát giác gọi tướng sĩ lại tuyên bố và giao cho Lưu thủ dinh Bình Định là Nguyễn Văn Thịnh khẩu súng chim hai nòng để giao lại cho Trần Quang Diệu như một vật tin để uỷ thác gửi quân. Trên lầu Bát giác, Võ Tánh hút xong khói thuốc lào, lấy mồi lửa trong tay châm vào đống củi, lửa bốc cháy, Võ Tánh chết. Thuộc tướng Nguyễn Tiến Tuyên cũng nhào vào đống lửa chết theo. Hôm đó là ngày 26 tháng 5 năm Tân Dậu (6.7.1801) - một ngày sau khi Ngô Tòng Chu tự tử.
Trần Quang Diệu dẫn quân vào thành, cho mai táng Võ Tánh đúng theo nghi lễ. Tướng sĩ trong thành kể cả những người không chịu đầu hàng cũng được tha, không một ai bị giết hại. Đó là một nghĩa cử cao đẹp của một vị tướng Tây Sơn cảm kích trước nghĩa khí của một viên tướng của quân Nguyễn. Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng giữ thành Bình Định tiếp tục chống quân Nguyễn, lập kế giữ thành để rước vua Quang Toản và triều thần Tây Sơn trở vào đất Quy Nhơn. Việc không thành, tháng 4 năm 1802, các tướng lĩnh Tây Sơn dẫn 3000 quân và 86 voi chiến lên đường Thượng đạo ra Nghệ An, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành đưa quân vào chiếm lại thành Bình Định.3 Về sau triều Nguyễn thực hiện một chính sách cai trị hà khắc đối với vùng đất bản địa của triều Tây Sơn.
(Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên)