Cuộc chiến đổi chiều khi NA xây dựng xong thành SG:
Đến tháng Bảy 1789, Bá Đa Lộc trở về Sài Gòn từ Pháp. Một trong các bước đầu tiên của Nguyễn Ánh là yêu cầu các sĩ quan Pháp dựng đề án, và giám sát việc xây đắp, một tòa thành hiện đại theo kiểu châu Âu tại Sài Gòn. Đề án do Theodore Lebrun và Victor Olivier de Puymanel lập ra, và 30.000 người được huy động để xây thành. Thành này làm bằng đá; chu vi khoảng 4.176 mét. Sébastien Le Prestre (1633-1707), bá tước xứ Vauban, đã xây dựng, tái thiết hơn 300 thành lũy tại Pháp và các ý tưởng của ông về việc xây thành được châu Âu áp dụng trong hơn một thế kỷ. Và thành Sài Gòn được xây dựa trên mô hình Vauban. Tuy vậy, thành này lại thường được mô tả như có phong cách ‘Trung Quốc’, xây hình bát giác, với tám cổng thành. (Trong bài viết, Frédéric Mantienne sử dụng hai tấm bản đồ Sài Gòn làm năm 1799 và 1815, cộng thêm quan sát của người nước ngoài để chứng minh thành Sài Gòn được xây dựa trên mô hình châu Âu.)
Tòa thành Sài Gòn đóng vai trò quan trọng cho Nguyễn Ánh; khi nó hoàn thành năm 1790, ông có một cứ địa vững tại miền Nam, và từ thời điểm đó, quân Tây Sơn không còn có thêm nỗ lực chiếm Sài Gòn nữa. Việc xây thành cho phép Nguyễn Ánh bắt đầu không chỉ nghĩ đến việc phòng thủ mà cả tái chinh phục; vì như đoạn sau sẽ trình bày, việc phòng thủ dựa trên gạch đá, nhưng cũng dựa vào gió mùa, tức thủy quân. Ta cần nhớ mỗi năm thủy quân của Nguyễn Ánh thường rời Gia Định và hướng về bắc trong tháng Sáu-Bảy – khi gió mùa thổi từ mạn tây nam – để gia nhập lực lượng lục quân đóng trên lãnh địa Tây Sơn và tổ chức tấn công. Khi gió đổi hướng, thủy quân buộc phải quay về nam, sử dụng gió thổi từ mạn đông bắc.
Năm 1794, sau một chiến dịch thành công ở Nha Trang, thay vì quay về nam trước lúc gió mùa chuyển hướng, Nguyễn Ánh lại xây một thành ở Diên Khánh, gần Nha Trang. Được de Puymanel xây, tòa thành do hoàng tử Cảnh, con Nguyễn Ánh, trấn thủ với sự giúp đỡ của linh mục xứ Adran và de Puymanel. Quân Tây Sơn vây thành tháng Năm 1794, nhưng không chiếm được. Ngay sau khi cuộc bủa vây kết thúc, quân nhà Nguyễn từ Sài Gòn quay lại Nha Trang và tái tục hoạt động quân sự ở khu vực này. Lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh bắt đầu, quân Nguyễn Ánh có thể ở lại trong mùa thời tiết xấu tại một khu vực mà trước đó vẫn thuộc Tây Sơn. Vì thế các thành Sài Gòn và Diên Khánh đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của Nguyễn Ánh. Tầm quan trọng không hẳn mang tính quân sự - mặc dù trận vây Diên Khánh là một trận lớn – mà chủ yếu mang tính tâm lý: Sài Gòn có vị trí như một đại bản doanh mạnh, còn Diên Khánh là cái gai ngay trong da thịt Tây Sơn.
http://www.bbc.com/vietnamese/entertainment/story/2004/02/printable/040219_nguyenmilitary.shtml