Bạch trà/trà trắng nói chung được chế biến bằng cách chưng/sấy khô lá trà ngay sau khi hái bằng hơi nước nóng hay bằng lửa vừa phải (Trung Quốc gọi là "triêu thái tức chưng", "tức chưng tức bồi"). Tại một số nơi thì người ta phơi khô lá chè dưới nắng trước khi sấy. Do nhiệt độ chưng/sấy khô không đủ cao để bất hoạt các enzyme (sát thanh/diệt men) nên quá trình oxi hóa rất chậm vẫn diễn ra trong quá trình bảo quản, lưu giữ trong điều kiện độ ẩm và nồng độ oxy rất thấp.
Tại Trung Quốc thì bạch trà là tên gọi chung để chỉ trà chế biến theo cách nói trên nhưng theo truyền thống chỉ từ lá của các cây trà được trồng thu hái tại khu vực các huyện/thị Phúc Đỉnh, Chá Vinh, Chính Hòa, Tùng Khê, Kiến Dương, Kiến Âu, Phổ Thành, Phúc An v.v. ở đông bắc tỉnh Phúc Kiến. Ngày nay, ở một số nơi khác người ta cũng sản xuất bạch trà. Các loại bạch trà bao gồm bạch hào ngân châm, bạch mẫu đơn trà, cống mi trà, thọ mi trà.
Nghiên cứu năm 2023 của Birsen Yılmaz và Nilüfer Acar-Tek (
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1002/efd2.89) cho thấy bạch trà chứa 29-36 mg caffeine/100 g trà khô, cao hơn trà xanh (17-24 mg) nhưng thấp hơn trà đen (32-60 mg). Tổng phenolic và flavonoid (84 mg/15 mg) trung gian giữa trà xanh (105 mg/21 mg) và trà đen (62 mg/11 mg), nhưng tổng lượng axit amin (19,3-67,5 mg) cao hơn của trà xanh (6,5-16,1 mg) và trà đen (2,6-18,2 mg). Tổng các theaflavin ~1,5%, cao gấp đôi của trà xanh (0,72%), cho thấy quá trình oxi hóa chậm vẫn diễn ra trong quá trình bảo quản.
Trà trồng tại khu vực Darjeeling (Tây Bengal) thuộc chủng
Camellia sinensis var.
sinensis (trà lá nhỏ, bản địa miền nam sông Dương Tử), nguồn gốc hạt giống ban đầu là do người Anh thu thập/lấy giống từ Phúc Kiến. Chủng phổ biến còn lại là
Camellia sinensis var.
assamica (trà lá to), bản địa khu vực từ đông bắc Ấn Độ qua miền nam Trung Quốc và miền bắc Đông Dương. Trà Phổ Nhĩ sản xuất từ
Camellia sinensis var.
assamica.