Phụ huynh chi tiền triệu ăn tôm hùm, sầu riêng nhưng không đóng quỹ lớp
Huyên Nguyễn
Thứ hai, 27/05/2024 - 06:00
00:00/04:59
Nam miền Bắc
(Dân trí) - Nhiều ý kiến phản ánh có những phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả, chi tiền triệu ăn tôm hùm, sầu riêng, làm tóc... nhưng tiếc mấy trăm nghìn đóng quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh.
Câu chuyện
mẹ không đóng 100.000 đồng quỹ hội phụ huynh vẫn đang nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều từ cộng đồng.
Tranh luận bắt đầu từ phản ánh của một
phụ huynh về vấn đề đóng tiền quỹ hội phụ huynh của lớp con mình đang học lớp 1.
Được biết, lớp học có 2 loại quỹ là: quỹ lớp và quỹ phụ huynh. Thế nhưng, người mẹ chỉ tham gia quỹ lớp và từ chối đóng khoản quỹ hội phụ huynh 100.000 đồng/năm.
Lý do vì chị này cho rằng quỹ phụ huynh là khoản tiền không bắt buộc, ai thích đóng thì đóng, không thì thôi.
Đến buổi liên hoan trước khi nghỉ hè, vì chị không đóng quỹ nên con không có suất ăn như các bạn khác với trị giá 40.000 đồng/suất được trích từ quỹ hội phụ huynh.
Thấy con tủi thân, về nhà hỏi mẹ rằng sau này lên lớp 2 con có được ăn liên hoan không, bà mẹ bức xúc, nhắn tin chất vấn trong nhóm phụ huynh, đồng thời quyết định "bóc phốt" trên mạng xã hội.
Quyết toán chi tiêu của khoản quỹ phụ huynh của lớp 1C, trong đó, chỉ trích tiền liên hoan cuối năm cho 31/32 học sinh (Ảnh: Phụ huynh đăng tải).
Trong hàng ngàn bình luận, nhiều ý kiến phản ánh hiện tượng một bộ phận phụ huynh hiện nay thiếu tinh thần tập thể. Trong câu chuyện trên, bà mẹ cũng nhận "búa rìu" dư luận khi quỹ hội phụ huynh chỉ đóng 100.000 đồng/năm nhưng cũng không tham gia để con bị cô lập.
Từ câu chuyện này, nhiều vấn đề phát sinh từ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh cũng được chia sẻ.
Anh Quang Tuyền (quê Gia Lộc, Hải Dương) kể, ở địa phương anh sống có trường hợp gia đình khá giả, người mẹ thường xuyên khoe
kinh doanh tiền tỷ, chi tiền triệu ăn tôm hùm, sầu riêng... nhưng không đóng nổi 100.000 đồng tiền quỹ phụ huynh. Song, con vẫn tham gia đầy đủ các hoạt động do hội phụ huynh tổ chức và mẹ luôn đòi hỏi quyền lợi bình đẳng.
"Nhà có mấy đứa con thì đều thuộc "truyền thống" không đóng quỹ lớp, vẫn đòi quyền lợi cho con như các bạn. Nếu gia đình khó khăn thì không nói làm gì. Đây lại là nhà có điều kiện", anh Tuyền kể.
Anh Quốc Việt
, phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Sơn Hà (quận 3, TPHCM), cho hay việc tham gia quỹ phụ huynh hiện nay trên tinh thần tự nguyện nên có người đóng góp, có người không.
Lớp con anh Việt học có gần 40 bạn, trong đó có 2 phụ huynh không đóng quỹ của bất cứ học kỳ nào, khoảng 5-7 phụ huynh tham gia đóng một kỳ học.
Anh chia sẻ: "Tôi thấy nhiều phụ huynh kỳ lắm, nhìn quần áo, đồ đạc ba mẹ dùng hay sắm cho con là biết gia đình có điều kiện. Có người khoe mua đồ xịn nọ, đồ xịn kia cho con, tuần nào cũng cho đi ăn hàng, bản thân đi gội đầu cắt tóc, làm móng cả triệu bạc không tiếc nhưng cứ đụng đến đóng tiền ở trường là xét nét từng đồng, huy động quỹ là tránh".
Phụ huynh này cho biết trong nhóm zalo của phụ huynh trong lớp, ban đại diện cha mẹ học sinh liệt kê chi tiết từng khoản chi, đều là các khoản cần thiết cho việc học tập của con nhưng ai không nộp vẫn không nộp.
Vậy nhưng, không phải vì vậy mà các bạn có phụ huynh không nộp bị cắt quyền lợi. Dịp cuối năm, ban đại diện cha mẹ dự chi 3 triệu đồng để liên hoan và gần 4 triệu đồng để khen thưởng cho học sinh, các em đều có quyền lợi như nhau.
Dẫu vậy, anh Việt bày tỏ mong muốn mỗi phụ huynh đều có ý thức để xây dựng môi trường học tập, tốt đẹp cho trẻ.
"Nếu phụ huynh nào cũng không muốn tham gia đóng góp dù có điều kiện thì hoạt động
giáo dục sẽ đi về đâu. Không phải cứ nghe thấy quỹ hội phụ huynh là xấu, nhiều ban đại diện cha mẹ học sinh làm rất tốt, cùng giáo viên tổ chức được các hoạt động cho con, tài chính công khai, rõ ràng", anh Việt nói.
Câu chuyện mang tên "quỹ hội phụ huynh" luôn gây nhiều tranh luận (Ảnh minh họa: Phụ huynh cung cấp).
Chị Hà Giang
, phụ huynh Trường Tiểu học Hồng Hà, TPHCM, cho biết gần như lớp nào cũng có những cha mẹ không tham gia đóng góp quỹ hội phụ huynh. Theo chị Giang, đó là quyền cá nhân của mỗi người, song, cha mẹ cũng cân nhắc thêm về vấn đề này.
"Trẻ ngày nay có nhu cầu được tham gia nhiều hoạt động giáo dục, vui chơi ngay tại nhà trường. Nhưng nếu cứ trông chờ vào nguồn lực từ nhà trường để tổ chức các hoạt động sẽ rất khó khăn. Vì thế, phụ huynh chung tay cùng nhà trường, giáo viên chủ nhiệm là quý giá", chị Giang nói.
Theo chị Giang, một số người không tin tưởng hay ủng hộ quỹ phụ huynh vì thực tế có những hội, nhóm đang làm chưa tốt, là "cánh tay nối dài" để lạm thu. Vì vậy, để được tin tưởng thì những người đại diện cha mẹ học sinh cũng cần có kế hoạch rõ ràng, chi tiết, công khai, minh bạch để thuyết phục phụ huynh trong lớp tham gia.
ThS Nguyễn Vy, Phó giám đốc Công ty Đầu tư Giáo dục tại TPHCM, chia sẻ từ khóa "hội phụ huynh", "quỹ hội phụ huynh" đang khá nhạy cảm với nhiều người.
Theo quy định của pháp luật hiện nay, không sử dụng khái niệm "hội phụ huynh học sinh" mà thay vào đó là "ban đại diện cha mẹ học sinh", song, đây là cách gọi thông thường được nhiều người sử dụng.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 10 Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành kèm theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT quy định về kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.
Theo đó, kinh phí hoạt động của hội phụ huynh học sinh dựa trên sự tự nguyện, không ai có quyền bắt buộc cha mẹ học sinh đóng tiền quỹ hội phụ huynh. Vì vậy, xét về lý, việc phụ huynh không đóng khoản quỹ này không vi phạm bất cứ quy định nào.
Bà Vy nhận định, trên thực tế, đa số các lớp, các trường đều có khoản quỹ hội phụ huynh cấp lớp, trường. Mỗi nơi sẽ có những cách thức hoạt động khác nhau. Để gia đình, nhà trường chung tay xây dựng môi trường giáo dục tốt cho trẻ thì việc phụ huynh tham gia đóng góp cũng rất tốt.
Điều quan trọng là các ban đại diện cha mẹ học sinh cần thực hiện đúng theo quy định về các khoản đóng góp, chi tiêu, tất cả đều trên tinh thần tự nguyện. Điều cấm kỵ trong việc huy động quỹ là tính cào bằng, phân biệt đối xử với những trường hợp không tham gia đóng góp.
Chia sẻ riêng về trường hợp học sinh lớp 1 ngồi nhìn bạn ăn liên hoan vì mẹ không đóng quỹ phụ huynh, bà Nguyễn Vy cho rằng cần xem xét toàn diện vụ việc mới có đánh giá được cụ thể.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là mỗi hành động của người lớn không nên làm tổn thương trẻ.
Tên phụ huynh đã được thay đổi.