Trên cổng thông tin tài chính điện tử của Séc ngày 11.8 vừa có bài viết liên quan tới nền nông nghiệp của Việt Nam từ cái nhìn của nhà đầu tư Séc. Em xin lược dịch lại dưới đây.
Nông nghiệp là một lĩnh vực vô cùng thiết yếu của nền kinh tế đối với nước Việt Nam - trong khi phần lớn hàng xuất khẩu là sản phẩm công nghiệp của các công ty đa quốc gia, thì các mặt hàng xuất khẩu của các công ty có chủ sở hữu là người Việt Nam chủ yếu là nông sản.
Đất nước Việt Nam cũng mang đến những cơ hội hợp tác cho các công ty nông nghiệp của Séc. Các công ty của Séc có một số sản phẩm cạnh tranh có thể áp dụng tại thị trường Việt Nam, nhưng họ cần quảng bá thương hiệu và sản phẩm hiệu quả. Hội chợ ILDEX được tổ chức năm nay tại Thành phố Hồ Chí Minh là một cơ hội tốt.
Hội chợ nông sản uy tín ILDEX được tổ chức luân phiên tại TP.HCM và Jakarta. Tháng 8 năm nay, ba công ty của Séc - Bioveta, Schülke CZ và Tekro - đã tham gia giới thiệu sản phẩm tại thành phố lớn nhất miền Nam Việt Nam này. Gian hàng chung của Séc được tài trợ bởi dự án giao lưu kinh tế PROPED do Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội tổ chức.
Đối với Việt Nam, nông nghiệp là một lĩnh vực vô cùng thiết yếu của nền kinh tế. Trong số 80% tổng kim ngạch xuất khẩu được tạo ra bởi các công ty nước ngoài như Samsung, Intel hoặc Adidas, và chỉ 20% còn lại do các công ty có chủ sở hữu là người Việt Nam, với các sản phẩm nông nghiệp chiếm ưu thế ở đây (thủy sản, gạo, cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều, trái cây, v.v.).
Nông nghiệp đang giúp Việt Nam đối phó đáng kể với các tác động của đại dịch covid-19, góp phần chống lại các biến chứng liên quan đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và nguy cơ khủng hoảng lương thực do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Khí hậu nhiệt đới của Việt Nam, đất đai màu mỡ, nguồn cung cấp nước dồi dào và đa dạng sinh học phong phú, đồng nghĩa với việc Việt Nam có một ngành nông nghiệp thương mại đa dạng, đáp ứng nhu cầu trong nước và toàn cầu.
Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và GDP ngày càng tăng cho thấy có nhiều tiềm năng cho tiêu dùng định lượng và chất lượng cao hơn. Điều này cũng liên quan đến nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm.
Việt Nam có dân số gần 100 triệu người và ngành nông nghiệp đã có sự phát triển chưa từng có trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nhập khẩu hầu hết các công nghệ và sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm từ nước ngoài. Một phần tương đối nhỏ các sản phẩm nông nghiệp (như trái cây) được chế biến ở Việt Nam.
Ngành nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng 2,85% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tăng so với mức 41,2 tỷ USD của năm 2020. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, con số này dự kiến sẽ đạt hơn 50 tỷ đô la Mỹ. Bộ Nông nghiệp và Nông thôn cũng dự kiến đơn giản hóa hàng trăm thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Trong số những nhà đầu tư quốc tế, các cơ hội đang xuất hiện đối với các công ty tới từ Séc, chính xác là trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp. Các công ty của Séc có thể đáp ứng được nhu cầu mạnh mẽ về công nghệ tưới tiêu, dây chuyền chế biến thực phẩm cho thịt và sữa, máy đóng hộp và đóng gói, nhà máy vi sinh, dây chuyền nước giải khát hoặc công nghệ làm chuồng trại cho động vật...
Xuất khẩu nông sản từ Cộng hòa Séc sang Việt Nam chủ yếu là các mặt hàng như hoa búp lông (nguyên liệu làm men bia), nguyên liệu có nguồn gốc động vật, mạch nha và phân bón. Về tiềm năng của các mặt hàng xuất khẩu khác vào Việt Nam, bao gồm sữa khô và các sản phẩm từ sữa, trái cây, bánh kẹo, các sản phẩm thịt bao gồm đồ hộp, thức ăn chăn nuôi và thuốc diệt côn trùng.
Nhu cầu lớn về thức ăn cho vật nuôi cũng ngày càng tăng. Vai trò của vật nuôi trong xã hội Việt Nam đang thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Các cửa hàng cung cấp thức ăn và vật nuôi mới, cũng như các phòng khám thú y, đang được mở ra khá nhiều ở các thành phố lớn, trong khi sự phổ biến của thịt chó như một món ngon cũng đang giảm dần.
Hội chợ ILDEX là sự kiện quan trọng nhất của loại hình này trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Ở đây chủ yếu tập trung vào chăn nuôi, các sản phẩm từ sữa và công nghệ chăn nuôi. Việc các hãng ở Séc chưng bày và giới thiệu sản phẩm đã trở thành một truyền thống tại các kỳ của hội chợ này.
P/S: Bài viết của bà Nikola Sichlerová, nhà ngoại giao kinh tế, Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội.