Bộ Tư pháp vào cuộc vụ hàng nghìn phương tiện bị từ chối đăng kiểm
http://www.tienphong.vn/phap-luat/bo-tu-phap-vao-cuoc-vu-hang-nghin-phuong-tien-bi-tu-choi-dang-kiem-1195096.tpo
TPO - Sáng 6/10, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp cho biết, đã tiếp nhận ý kiến phản ánh của báo Tiền Phong về việc hàng nghìn phương tiện bị Cục Đăng kiểm từ chối kiểm định thời gian qua và sẽ tổ chức cuộc họp nghiên cứu về việc này.
Theo ông Ba, trong vài ngày tới, đơn vị sẽ tổ chức một cuộc họp để xem xét, nghiên cứu về việc Cục Đăng kiểm Việt Nam từ chối kiểm định phương tiện sau khi nhận được thông báo vi phạm nhưng chưa nộp phạt nguội từ công an có đúng tinh thần theo Thông tư 70/2015-Bộ GTVT hay không.
Trước đó, trả lời trên
Tiền Phong ngày 4/10, ông Trần Kỳ Hình – Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam cho hay, từ tháng 1/2017 tới hết ngày 15/9 đã có trên 16.000 phương tiện vi phạm được lực lượng chức năng thông báo trên hệ thống.
Theo đó, có hơn 5.000 lượt phương tiện đã có chứng từ và thông báo của cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm và gỡ khỏi hệ thống, đủ điều kiện đăng kiểm. Trong năm 2016, có khoảng 2.800 trường hợp phương tiện vi phạm đã tiến hành xử phạt nguội.
“Toàn bộ hệ thống các trạm đăng kiểm sẽ từ chối đăng kiểm khi nhận được thông báo phương tiện vi phạm Luật Giao thông từ cơ quan chức năng. Chỉ khi hệ thống gỡ bỏ thông tin phương tiện này, các đơn vị mới tiến hành thủ tục đăng kiểm cho phương tiện”, ông Hình nói.
Về việc này, đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), cho rằng việc từ chối kiểm định phương tiện chậm nộp phạt nguội của Cục Đăng kiểm Việt Nam là chưa hợp lý, thậm chí sai luật.
“Về nguyên tắc, phạt nguội và đăng kiểm là 2 vấn đề khác nhau. Hành vi vi phạm dẫn tới phạt nguội là ý thức chủ quan của tài xế, không phải là lỗi của phương tiện. Chúng ta đã có quy định rõ ràng về đăng ký xe, nếu chủ xe bán cho người khác thì phải báo cho cơ quan chức năng để xác định đúng chủ sở hữu. Nếu họ không báo thì phải chịu trách nhiệm. Đây là việc của công an chứ không phải là cơ quan đăng kiểm”, ông Sơn nói.
Tại Khoản 6, Điều 4 Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ: Kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới hết niên hạn sử dụng; Kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định.
Các đề nghị và cảnh báo của các cơ quan chức năng ở đây được hiểu là các phương tiện không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.
“Camera, máy đo tốc độ phục vụ cho việc phạt nguội hiện nay chỉ có thể phát hiện phương tiện vượt đèn đỏ, lấn làn, di chuyển quá tốc độ cho phép... nhưng không thể phát hiện ra phương tiện này có đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn hay môi trường. Vì vậy, tôi cho rằng việc từ chối đăng kiểm từ việc phạt nguội là chưa chuẩn”, đại tá Trần Sơn nói.