Để thay đổi cái tầm của con người VN, không thể không thay đổi giáo dục. Ngoài giáo dục ở nhà trường thì rất quan trọng là giáo dục trong gia đình và giáo dục từ xã hội.
Về giáo dục trong nhà trường thì ngoài kiến thức cần chú trọng phát triển tư duy độc lập và các kỹ năng mềm. Giáo dục về tính trung thực, khuyến khích nói thẳng, nói thật, khai thác khả năng của mỗi cá nhân. Để làm được như vậy thì phải có đầu tư và cải cách lớn để đảm bảo thu nhập của người dạy, hạn chế việc dạy thêm, học thêm, bệnh thành tích.
Về giáo dục trong gia đình: Đây là vấn đề liên quan đến văn hóa và suy nghĩ của người VN vốn chủ yếu đi lên từ "bần cố nông". Đến khi đời sống lo đủ có của ăn của để thì dành những gì tốt đẹp nhất cho con cháu. Bao bọc, chiều chuộng, để lại tài sản, xin việc làm cho con. Dẫn đến một thế hệ GenZ ở các thành phố, những người có điều kiện được giáo dục đầy đủ lại không có tham vọng và không có động lực để phấn đấu. Thế hệ GenX như em hầu như bước vào đời phải tự học mọi thứ. Như em nói thẳng với con cái là bố mẹ đầu tư cho các con học tập để các con tự lập. Bố mẹ sẽ không xin việc cho các con và khuyên các con hiện nay không nên vào làm cho nhà nước (vì lương thấp, áp lực công việc và môi trường độc hại). Tài sản hiện tại do bố mẹ làm ra là của bố mẹ, mong các con làm ra nhiều hơn bố mẹ đã làm được. Do vậy nên cần các gia đình giao dục con cái về tính tự lập, trung thực và kỷ luật. Hãy giáo dục con cái từ những cái nhỏ nhặt nhất như dọn dẹp đồ đạc gọn gàng, không vứt rác bừa bãi, nhường nhịn người khác, xếp hàng khi đến sau, v.v... Nói thật thì nguy hiểm nhất với con người VN hiện nay là thiếu sự giáo dục căn bản trong từng gia đình, để cho trẻ con phát triển không có định hướng và lòng nhân ái. EQ thấp, thiếu các kỹ năng xã hội, ra đường va chạm chút xíu là chửi nhau, đánh nhau.
Về giáo dục trong xã hội thì chỉ có thể hoàn thiện các chính sách pháp luật và thực hành thượng tôn pháp luật. Tránh việc nhắm mắt làm ngơ dẫn đến coi thường và nhờn với pháp luật.
Thay đổi giáo dục sẽ thay đổi con người, thay đổi suy nghĩ, dẫn đến thay đổi văn hóa và thay đổi xã hội.