Nguy cơ thâm hụt thương mại Việt Nam – Thái Lan ngày càng lớn: Lo ngại dần đi là vừa
Gạo Thái Lan đang bày bán tại các siêu thị - Ảnh: PV
Thương mại song phương phát triển
Tại kỳ họp thứ 3 của Ủy ban Hỗn hợp về thương mại Việt - Thái, hai bên đặt mức phấn đấu đạt kim ngạch thương mại song phương 20 tỉ USD trong năm 2020 và hướng tới cán cân thương mại cân bằng. Song với những gì đã đang diễn ra, việc đạt 20 tỉ USD là trong tầm tay, có khi còn về đích sớm, còn việc hướng tới cân bằng thương mại thì không thể, thậm chí thâm hụt thương mại của phía Việt Nam sẽ trầm trọng hơn.
Đối tác lớn, ta nhập siêu cũng lớn
Sau khi hình thành AEC, xuất khẩu (XK) của Việt Nam vào Thái Lan có tăng song đuối so với mức tăng nhập khẩu (NK) từ Thái Lan, khiến nhập siêu từ thị trường này âm thầm tăng. Nhập siêu từ Thái Lan năm 2015-2016-2017 - 6 tháng đầu năm 2018 (tính theo tỉ USD) là: 5,095 - 5,158 - 5,654 - 2,611, ngang bằng hoặc hơn hẳn kim ngạch XK của Việt Nam sang Thái. Thái Lan là nước mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất trong ASEAN, đứng thứ 3 trong số các thị trường mà nước ta nhập siêu, sau Hàn Quốc và Trung Quốc.
Vì sao?
Thứ nhất, các mặt hàng Việt Nam NK từ Thái Lan thuộc nhóm hàng cần NK chiếm trên một nửa kim ngạch NK từ Thái Lan, gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; nguyên nhiên vật liệu thiết yếu... Nếu ngừng hoặc giảm NK những thứ này, sản xuất, XK của ta sẽ bị ảnh hưởng lập tức.
Thứ hai, tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong xúc tiến thương mại của Việt Nam chưa ngang bằng người Thái.
Thứ ba, thực hiện lộ trình giảm thuế, Việt Nam đã xóa bỏ thuế NK đối với 90% tổng số dòng thuế và sẽ xóa bỏ thuế đối với 98% số dòng thuế vào năm 2018, và được họ tận dụng ngay. Từ đầu năm đến nay, trong tổng số ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi NK thì trên 80% xuất xứ từ Thái. Hơn thế, họ dựng ngay hàng rào cho hàng Việt.
Thứ tư, Thái Lan đầu tư vào Việt Nam hơn 8 tỉ USD. Tuy số vốn đó không “bõ bèn” so với Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Malaysia... song lại hiếm có nhà đầu tư nào đến sớm, vào sâu nhiều lĩnh vực và bám chặt thị trường Việt Nam như nhà đầu tư Thái Lan.
Thái Lan không mang vào Việt Nam công nghệ tiên tiến, làm hàng XK mà chủ yếu là xây dựng hạ tầng công nghiệp, đô thị mới, trong đó nổi bật là Khu công nghiệp Amata tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai. Trong số các dự án được xem là thành công nổi bật của Thái tại Việt Nam là chế biến… thức ăn gia súc, và chủ yếu bằng nguyên liệu của họ như Công ty TNHH Chăn nuôi C.P Việt Nam hiện nắm giữ hơn 7% thị phần thịt lợn, 16% thị phần trứng gà công nghiệp, 22% thị phần thịt gà công nghiệp, 18% thị phần thức ăn chăn nuôi.
Người Thái thâu tóm BigC, Metro, Nguyễn Kim, Vinamilk, Prime..., nên việc Thái Lan thiết lập chuỗi cửa hàng ở Việt Nam để bán hàng Thái đang hiện diện. Hai thương vụ thâu tóm gần nhất của người Thái là Nawaplastic (thuộc Tập đoàn Siam Cement Group - SCG) hoàn tất nâng sở hữu tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh lên trên 50%; Vietnam Beverage (thuộc Thaibev) mua lại 53,59% vốn tại Sabeco. Người Thái mua nhanh, mua gọn các DN Việt lớn vì họ dư vốn lại trả giá hời, có khi bằng lợi nhuận 10-20 năm sau của DN đó, nên “cá vội cắn câu”. Sau hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam, Tập đoàn Slam Cement Group có hơn 20 công ty con tại Việt Nam, chuyên doanh vật liệu xây dựng.
Các nhà đầu tư Thái sẽ nắm quyền chi phối, kiểm soát các kênh phân phối đưa hàng Thái vào thay thế hàng Việt. Năm 2017, XK rau quả sang Thái vẻn vẹn 36 triệu USD, giảm 10% so với năm 2016, trong khi NK rau quả từ Thái Lan lại tới 857 triệu USD, tăng 21,5%. Người Thái thành đạt trên đất Việt bởi họ có chiến lược về thị trường Việt.
Tóm lại, cam kết giữa hai bên chắc chắn đạt được một vế là 20 tỉ USD, còn vế kia là cân bằng thương mại dù chỉ là “hướng tới” sẽ khó đạt.