Cụ đọc góc nhìn của 1 doanh nhân, chuyên gia về món này nhé, mới viết cách đây 2 tiếng về Vân Phong
Mình ốm một phát, không lên fb, là thế giới nhiễu nhương ngay lập tức. Điển hình là anh Lý Long bên Sing phát biểu bậy, bậy ghê cơ. Hi..Hi.
Kênh Kra khi khánh thành, khu vực eo Malacca sẽ giảm tải, Singapore bớt nhộn nhịp. Đương nhiên anh Lý Long sẽ rất lo lắng. Ngoài Trung Quốc hưởng lợi trực tiếp, Việt Nam và Thailand đương nhiên cũng là hai nước hưởng lợi nhiều, một khi Kênh Kra hình thành. Nhưng Việt Nam đứng trước một số vấn đề cần phải cực kỳ lưu ý.
- Diễn biến Biển Đông sẽ càng phức tạp bởi Trung Quốc sẽ không dừng, sẽ leo thang ngày càng cao nhằm tạo ra 2 căn cứ quân sự khổng lồ trấn giữ con đường vận tải biển nhộn nhịp nhất thế giới từ Đông Á qua Nam Á. Khu vực Hoàng Sa và Trường Sa sẽ hứng "bão" cấp 15.
- Cambodia và các quần đảo vùng Vịnh Thailand sẽ là khu vực bị Trung Quốc thâu tóm bằng tài chính, đầu tư. Từ đây, rất nhiều câu chuyện phức tạp sẽ phát sinh. Kể cả các vấn đề lịch sử sẽ được xới lên nhằm ý đồ chia rẽ. Nếu không nói quá, hiện thực là cảng biển Sihanoukville đã bị TQ thôn tính là chắc chắn rồi.
- Cảng biển Sihanoukville sẽ là điểm cạnh tranh với Phú Quốc hay Hòn Khoai trong chiến lược vươn ra phía Nam của Trung Quốc.
Cơ hội phát triển kinh tế từ kênh đào này với Việt Nam có gì? Tất nhiên không mơ ngay lập tức dòng chuyển dịch đầu tư từ trung tâm logistics Singapore qua Phú Quốc hay Côn Đảo hay Vân Phong, hay Sihanoukville, nhưng chắc chắn Hòn Khoai (Cà Mau) sẽ là điểm tiếp tế hậu cần cực tốt cho tuyến vận tải quan trọng này.
- Trong tương lai gần, nếu xây được con đường cao tốc từ Tp HCM đi Mũi Cà Mau và quy hoạch khu vực Hòn Khoai (phải lấn biển rất rộng) thành Cảng trung chuyển và Căn cứ logictis cho tuyến vận tải biển này, VN sẽ thu lợi trong dài hạn.
- Cũng như vậy, việc mở rộng các căn cứ quân sự gồm sân bay Cần Thơ, Biên Hòa, Phan Rang là cần thiết để tạo ra các điểm cắt, một khi có biến ngoài Vịnh Thailand và khu vực Trường Sa với bán kính truy quét từ 6-700km, dài thì 1000km.
Nói thế để mọi người thấy tại sao anh Lý Long lại muốn khơi lại vấn đề Cambodia trong quá khứ vào đúng dịp Hội nghị Shangri-La năm nay.
-----
Còn phía trong, chiến lược của VN như nào đối với một số các vấn đề như câu chuyện "Đặc khu" hay còn gọi là "Đơn vị hành chính đặc biệt".
Tôi vẫn hay thắc mắc "Vì sao đặc khu lại là Vân Phong? Vân Phong có gì? Chiến lược phát triển Vân Phong như nào? Vân Phong sẽ mang lại được gì?". Và tôi tự trả lời...
Bắt đầu từ ý tưởng thời cụ Kiệt, với độ sâu khá tốt (18-20m), người ta dựng lên ý tưởng đặt ở đây một khu Cảng trung chuyển quốc tế hoành tráng nhằm (1) Cạnh tranh trực tiếp với Sing, Hongkong (2) Phát triển kinh tế vùng.
Thời ông PVK và nhất là nhiệm kỳ 1 của ông X, người ta thêm vào "công nghiệp hóa Vân Phong" bằng việc ngoài Cảng trung chuyển thì còn lập các dự án Thép, Điện, Hóa Chất, Đóng tàu và công nghiệp phụ trợ, chưa kể cạnh Vân Phong là Vũng Rô của Phú Yên với công nghiệp Lọc hóa dầu, cảng xăng dầu...
Mọi thứ hừng hực và như là đúng rồi.
Nhìn rộng ra, Vân Phong nằm ở vị trí khá thuận tiện trên tuyến giao thương hàng hải Biển Đông (Singapore - Hongkong - China - Hàn - Đài - Nhật Bản - Viễn Đông của Nga). Xét về vị trí điểm vào - ra - đi - tới thì cự ly để Vân Phong trở thành cảng trung chuyển là "dở ông dở thằng", xa chưa phải mà gần cũng không đúng. Kể cả trường hợp Kênh Kra nam Thailand có mở ra thì việc biến Vân Phong làm cảng trung chuyển cũng rất mơ hồ, vẫn là câu chuyện cự ly. Nếu kênh Kra mở tuyến thì Hòn Khoai hay Phú Quốc thậm chí Côn Đảo còn hợp lý hơn là Vân Phong. ...
Vậy cái cảng trung chuyển Vân Phong này nhằm vào khách hàng nào? Khách quốc tế thì rõ rồi, cạnh tranh thẳng tưng với Sing là không lại, Hongkong lại càng không. Vậy thu hút ai nếu cơ chế của VN chưa đủ thu hút một phần luồng hàng hóa quốc tế nhằm vận hành cái cảng này. Cạnh tranh bằng dịch vụ hoặc thuế? He he... Vậy còn phục vụ nội địa thì sao?
Trong cự ly 350km, lấy Vân Phong làm tâm, còn Kỳ Hà của Quảng Nam, Dung Quất của Quảng Ngãi, Quy Nhơn của Bình Định, Vũng Rô của Phú Yên và Cam Ranh Ba Ngòi của Khánh Hoà. 5 cảng lớn. Một chi phí cước vận tải không nhỏ nếu chở hàng hóa tới xuất ở Vân Phong. Vậy Tây Nguyên thì sao?
Từ BMT, thủ phủ của Tây Nguyên, đường ngắn nhất để xuống cảng xuất nhập hàng hóa (theo quốc lộ 26) là Nha Trang. Về lý thuyết cảng Nha Trang sẽ bỏ, như vậy Vân Phong đáp ứng cho Daklak với cự ly là 190km. Đó là đường bộ. Cước đường bộ đắt hơn đường sắt, trong quy hoạch thì Tây Nguyên sẽ có đường sắt nhưng nếu mở đường sắt lên Tây Nguyên thuận lợi nhất, dễ dàng nhất và chi phí ít nhất lại là từ Tuy Hòa - Phú Yên đi lên Buôn Ma Thuột với cự ly có 130km... he he. Lúc này, Vũng Rô lại là cảng biển lý tưởng cho Tây Nguyên bởi cả BMT lẫn Pleku xuống cũng chỉ 150km...
Vậy xét về các mặt, giấc mơ cảng trung chuyển Vân Phong tôi cho là hơi hão huyền. Thế thì Vân Phong sẽ còn gì?
Chỉ có những người duy ý chí, thậm chí ngu ngốc cũng không oan, mới tham mưu cho Chính Phủ đem đặt công nghiệp bẩn vào vùng đất tuyệt đẹp này. Một dải ven biển ngọc ngà châu báu với tiềm năng du lịch biển và một quỹ đất sạch khổng lồ . Tôi không thể lý giải vì sao họ lại đem Thép? Hóa chất? Lọc hóa dầu? Đóng tàu như Hyundai Vinashin ở Dốc Lết? vào Vũng Rô và Vân Phong.
Trong tình trạng phát triển du lịch, bds ven biển tràn lan khiến quy hoạch vỡ vụn như ở Nha Trang và Cam Ranh hiện nay, đất đai ngày càng tăng giá, nhà đầu tư vẫn ùn ùn tới, thì lúc này Vân Phong, Vũng Rô, Nam- Bắc Tuy Hòa kéo đến Vịnh Xuân Đài là dải ven biển vàng còn sót lại. Cần phải có một bản quy hoạch kỹ càng phát triển tổng thể kinh tế xã hội, lấy du lịch làm trọng tâm, theo đó là năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) và dịch vụ, thương mại, nông nghiệp cnc... cho khu vực này.
Vì thế, tôi cho rằng việc CP lập đặc khu Vân Phong hao hao giống câu chuyện Chu Lai khi xưa. Và nếu chỉ là lập ra cái gọi là đặc khu rồi nhét vào đó một mớ miễn giảm thuế má, một lô xích xông các phân khu chức năng theo kiểu ngồi vẽ trong phòng lạnh... thì Vân Phong sớm muộn cũng lại giống hoặc như Chu Lai hoặc nó thành cái gì, tôi chịu các Giáo sư ạ.
Trong trường hợp cứ phải là đặc khu Vân Phong nhằm thúc đẩy lan tỏa kinh tế vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, thì tôi đánh giá rằng chiến lược cho đặc khu Vân Phong là mô hình Hongkong. Mô hình tô giới. Gọi thẳng tưng nó như thế đi.
Đầu tiên là việc thời hạn thuê đất.
Nên nghiên cứu một thời hạn cho thuê đất 70 hoặc thậm chí 99 năm. Có sao đâu? Có thằng China hay Hongkong Hàn Đài nào nó vác được Vân Phong về nhà nó không? Khồng? Vậy tại sao phải 50 năm? Nhà đầu tư với quy mô đầu tư lớn như nào sẽ được xem xét thời hạn thuê đất tương ứng. Về bản chất, ông nào cũng muốn có một thời hạn thuê đất lâu dài. Đây là điều kích thích nhà đầu tư đến từ Đông Bắc Á (China, Hongkong, Taiwan, Korea, Japan).
Trong xu thế dịch chuyển dòng đầu tư từ các vùng bất ổn địa chính trị như Korea và Japan sang các nước đang phát triển thì VN đang là lựa chọn gần như là số 1. Việc được bảo đảm thời hạn thuê đất lâu dài chính là 1 chính sách tôi cho là khôn ngoan để kéo nhà đầu tư tới.
Định hướng chiến lược phát triển kinh tế của Vân Phong lấy du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng làm trọng tâm. Đặc khu này rất nên mở rộng ra hơn chỉ là gói trong Bắc Vân Phong. Tôi đánh giá rằng chỉ giới đặc khu sẽ là từ Bán đảo Hòn Gốm kéo qua Cổ Mã, Đèo Cả, Vũng Rô tới bờ Nam Tuy Hòa. Ôm trọn cả sân bay Đông Tác. Quỹ đất này đủ để phóng bút quy hoạch thành một TP nghĩ dưỡng tầm cỡ thế giới. He he
Việc tạo cơ chế thu hút nhà đầu tư thì còn rất dài, cái này tôi nghĩ dành cho post khác. Nhưng cơ chế nào thì cơ chế, sự thông thoáng trong thủ tục phải đi đôi với tư duy. Đã gọi là đặc khu thì đừng đem tư duy trong nội địa ra áp đặt. Mời được người ta vào rồi là bộ máy công quyền bắt đầu nhăm nhăm ...vặt lông gà.
Thôi chém tạm vậy, tôi nhờ các Giáo sư Tiến sĩ facebook vào chém tiếp ạ. Ahi..hi
Edit 1: Vấn đề Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sự gợi nhớ về Asean 5 trong bài phát biểu trên Diễn đàn Shangri-La năm nay cộng thêm stt anh Lý Long viết trên facebook, thực chất muốn nêu ra vai trò dẫn đầu của Singapore trong quá khứ, nhắc lại câu chuyện cấu thành của Asean 5 tại thời điểm trước đây, ý tứ nhắc nhở và cảnh báo về vị thế của Việt Nam (nước XHCN) đang ngày càng vượt trội cả về kinh tế, ngoại giao và sự ảnh hưởng đối với các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật hay thậm chí như Úc, South Korea.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại của Mỹ đang lan rộng và ảnh hưởng tới hầu hết các nước tham dự diễn đàn Shangri-La, việc nhắc lại vai trò đầu tầu kinh tế, ngoại giao của Singapore trước đây là điều anh Lý Long hàng xóm rất muốn và hơn nữa nhắc nhở cho Mỹ cần hiểu, vì hiện tại, Mỹ quá mở rộng cửa với Việt Nam. Tiếp nữa, qua bài phát biểu này, anh Lý Long cũng muốn nhắc cho Trung Quốc cần biết, Singapore là nước Trung Quốc phải trân trọng và đặt Singapore vào vị thế đúng như trước.
Tóm lại, thực chất anh Long tôi anh ấy đang rất lo lắng Singapore sẽ bị bỏ rơi trong tương lai gần. Thế thôi các Giáo sư facebook ạ. He he..