C
Tìm con nơi đất lạ
Thứ sáu, 16/10/2020, 03:43 (GMT+7)
Đã lưu
Nghe tin thuỷ điện Rào Trăng 3 nơi con trai đang làm việc bị sạt lở, ông Tạ Văn Chính vội bắt xe từ Thanh Hoá vào Huế.
Cùng đi với ông trên chuyến xe khách còn có anh vợ Lê Văn Phùng. Con trai cả hai ông cùng làm máy xúc ở Rào Trăng 3. Suốt chuyến đi 10 tiếng đồng hồ, người ở nhà gọi điện liên hồi, hai ông càng thêm rối bời, chỉ biết nén những tiếng thở dài.
Tạ Văn Nghĩa là một trong số 17 công nhân mất tích lúc 0 giờ hôm 12/10, sau nhiều ngày gia đình mất liên lạc. Hiện trường của công trình thuỷ điện đã bị đất đá vùi lấp. Ngoài một người được tìm thấy, việc tìm kiếm những người mất tích còn lại vô vọng suốt bốn ngày qua. Người đàn ông tuổi ngoài ngũ tuần, nói không tròn tiếng vì bị dị tật ở môi, đã mất phương hướng khi đến vùng đất lạ tìm con.
Trưa 14/10, nghe tin thi thể được cho là Nghĩa về đến Bệnh viện Đa khoa Bình Điền, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế. Hai người đàn ông tức tốc thuê xe ôm chở tới. Nếu đúng là Nghĩa thì đó là may mắn với gia đình, vì anh là người đầu tiên được về với người thân.
Mòn mỏi chờ ở sân bệnh viện từ trưa, đến tối họ được gọi vào nhà xác để nhận diện thi thể. Vài phút sau, hai người đàn ông trở ra, nói với mọi người: "Thằng Nghĩa cao khoảng 1,8 mét, nó có hai chiếc răng khểnh. Người nằm trong kia cao hơn 1,7 mét và chỉ có một răng khểnh". Vì khuôn mặt thi thể công nhân không còn nguyên vẹn. Ông Chính phải làm thêm một thủ tục nữa là lấy mẫu xét nghiệm AND để biết đích xác đó có phải con mình không. Việc khâm niệm và chuyển thi thể về nhà như kế hoạch ban đầu phải hoãn lại.
Hai người đàn ông bằng tuổi cha tôi đứng ngồi không yên. Chưa gặp được con, họ còn hy vọng rằng biết đâu có phép màu, và con mình còn sống. Hy vọng đó le lói, chập chờn, như ánh nến của hàng vạn hộ dân vùng lũ cả tuần qua trong những đêm mất điện.
Nhà ông Chính thuộc vùng lúa của xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, Thanh Hoá. Ở xã Nga Thái kế bên, gia đình ông Phùng ở làng trồng cói, làm chiếu nổi tiếng một thời. Nhà tôi ở quê cách chỗ hai ông chừng 5 km. Thanh niên quê tôi, nếu không học đại học và thoát ly mưu sinh lập nghiệp ở thành phố, sẽ toả đi khắp nơi làm công nhân, Tết mới về. Tôi đã có cảm giác lạnh sống lưng trong hoàn cảnh đồng hương gặp nhau như thế.
Câu chuyện về 17 công nhân mất tích càng đau lòng thêm khi chiều 12/10, đoàn cứu hộ 20 người của lực lượng quân đội và chính quyền địa phương lội bùn đất, băng suối vào tìm kiếm các nạn nhân Rào Trăng 3 gặp nạn. Nửa đêm, đất đá bất ngờ đổ ập xuống khu nhà kiểm lâm mà đoàn dừng chân. 13 người mất tích, trong đó có một thiếu tướng quân đội. Xe tăng thiết giáp, trực thăng, chó nghiệp vụ cùng hàng nghìn người được huy động tìm kiếm. Nhưng hiện trường
hai vụ việc bây giờ phủ kín bởi đất đá. 30 gia đình đã nhiều đêm không ngủ. Những con số ba đầy ám ảnh.
Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 nằm trên dãy núi thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền đang được thi công dang dở, công suất lắp máy 11MW, tổng vốn đầu tư 290,8 tỷ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là hơn 11 hecta, trong đó diện tích khu vực lòng hồ là 8,8 hecta, còn lại là khu vực nhà máy, tuyến áp lực, tuyến năng lượng và công trình phụ trợ. Dãy núi ấy, ngoài Rào Trăng 3 còn có ba nhà máy thuỷ điện khác, được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt quy hoạch năm 2008. Vị trí xây dựng các thuỷ điện nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, thuộc vùng lõi và khu vực phục hồi sinh thái. Khoảng 200 hecta rừng đã bị chuyển đổi mục đích để thi công các dự án thủy điện.
Chưa biết sản lượng điện từ các nhà máy này hoà vào lưới điện quốc gia hàng năm là bao nhiêu, nhưng những mảng rừng bị chặt phá, những quả đồi bị xẻ ngang dọc, và cả những con người đang nằm dưới lớp đất đá kia là rất cụ thể. Cuộc sống của 30 gia đình bỗng dưng rẽ sang hướng khác, bất định hơn.
Tôi không lạm bàn về câu chuyện xây thuỷ điện ở đây, dù việc
làm thuỷ điện đã để lại những hệ luỵ. Ta chưa thấy lợi ích trong tạo việc làm, phát triển kinh tế - xã hội địa phương từ các công trình thuỷ điện rõ ràng, còn bây giờ, mất mát đã không thể đong đếm. Chưa kể lo lắng còn đó với hàng chục thủy điện khác dày đặc trên những thảm rừng dọc dài đất nước.
Mất rừng, người dân hạ du năm qua năm gồng mình chọi lũ. Điều tôi băn khoăn là trước mỗi cơn bão từ Biển Đông sắp đổ bộ vào đất liền, các địa phương yêu cầu dừng thi công các công trình, lên kế hoạch di dời người khỏi những vùng sạt lở đến nơi an toàn, song dường như bỏ quên các công trình thuỷ điện. Từ Rào Trăng 3 ra huyện Phong Điền, trời không mưa có thể đi bằng xe máy hết chừng một tiếng đồng hồ. Đợt lũ vừa qua đã được chính quyền cảnh báo đến người dân là nguy cơ lũ lịch sử. Nếu các yêu cầu phòng chống thiên tai đã được áp dụng cho các thuỷ điện đang xây dựng, nhóm công nhân kia đã được đưa ra khỏi rừng trước khi nước đổ về.
Giả thử, nhóm công nhân đó phải ở lại trông coi tài sản công trình, ở nơi có thể mất sóng điện thoại mỗi khi mất điện, điện thoại vệ tinh - giá vài triệu đồng mỗi chiếc - phải được chủ đầu tư trang bị cho họ để giữ liên lạc với Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và công ty khi cần thiết. Nhưng thực tế, sau tai nạn gần một ngày, cơ quan chức năng mới nhận được thông tin sự việc từ một người dân điện báo.
Nhiệm vụ của lực lượng cứu hộ khi đó là phải làm sao tiếp cận hiện trường nhanh nhất để cứu người. Họ đã không quản mưa lũ để đi ngay trong đêm. Nhưng chúng ta dường như chưa đưa ra được phương án tối ưu. Trời mưa, trực thăng có thể cất cánh ngay vào khu vực có người mất tích để quan sát, tiếp tế đồ ăn hay ném xuống một chiếc điện thoại vệ tinh cho người phía dưới. Ở Rào Trăng 3, khi 17 công nhân mất tích, biện pháp mà Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực đáp ứng như trên đã không được áp dụng. Ba ngày sau, cuối cùng trực thăng cũng phải vào rừng, thả nhu yếu phẩm xuống cho những người còn kẹt lại, thông báo ngay tình hình về cho cơ quan chỉ huy lên phương án cứu hộ. Quy trình này nếu được làm ngay từ đầu, có lẽ đã không có thêm con số 13 người mất tích.
Bây giờ, những người như ông Tạ, ông Phùng chẳng mấy quan tâm đến những biện pháp cứu hộ nữa. Điều họ cần là nhìn thấy mặt con, dù có thể không còn nguyên vẹn, để đưa con về nhà. Những cái chết ấy sẽ vô nghĩa khi các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội thiếu bền vững hay những quy trình cứu nạn còn cồng kềnh và chưa đặt tính mạng con người lên trên hết.