Ăn cơm tối xong, bà Phú thủng thẳng bước sang nhà ông Mai, trong đầu bà đã chuẩn bị câu chuyện để thưa với bố con ông Mai. Đường làng đêm cuối tháng tối đen, bà dò dẫm bước, con đường thân thuộc đến độ bà nhắm mắt cũng biết từng ổ gà, từng nhành cây rủ xuống.
Chị Hợi không có nhà, ông Mai nói chị đang đi họp chi bộ. Hai người già ngồi tâm giao.
Ngày ấy, gần 50 năm về trước, bà là cô thanh nữ hoạt bát nhưng dịu dàng, ông Phú, ông Mai là những thanh niên có tài đàn sáo, viết vẽ. Họ hăng hái tham gia chương trình Bình dân học vụ, văn hoá văn nghệ, tuyên truyền khẩu hiệu. Đất nước mới được hoà bình sau nhiều năm chống Pháp, cuộc sống nghèo khó nhưng phới phới niềm vui. Ông Phú có tài viết vẽ, ông Mai thì tài hát tuồng và thổi sáo kéo nhị...Bà Mai lúc đó là cán bộ Phụ nữ là Sếp của mọi người.
Họ hăng say, nhiệt huyết hoạt động công tác phong trào. Bà Mai yêu thương ông Mai lúc nào không biết, bà quý cái tài đàn sáo, hát tuồng chèo của ông. Rồi hai người thành vợ chồng. Đám bạn bè thanh niên thì ghép đôi cho bà với ông Phú, tính ông Phú ít nói, nóng nảy, bộc trực. Bà thì uỷ mị có phần yếu đuối, hai người thật là một cặp bù trừ cho nhau.
Gia đình ông Phú rất nghèo nhưng quý con chữ nên ông được một phú ông nuôi cho ăn học - kiểu như ở đợ. Cải cách ruộng đất ông được thoát cảnh làm mướn, ông được gầy dựng cho lớp cán bộ nòng cốt tại địa phương cùng với ông Mai.
Rồi hai cặp bạn chí thân ấy trở thành hai gia đình như một định mệnh. Ân- nợ đã gắn kết hai gia đình như keo sơn. Chính cái tình nghĩa cao cả bền chặt đó đã không bị những trái ngang của đôi Trường- Hợi làm tổn hại. Họ tha thứ tất cả, nỗi đau của gia đình này cũng là của gia đình kia. Hạnh phúc của gia đình này cũng là hạnh phúc của gia đình kia. Thứ tình cảm mà ngày nay không còn hiện diện, nó bị biến thể, bị bào mòn bởi đồng tiền, bởi lối sống ngoại lai.