Công nghiệp hàng không TQ: Gã khổng lồ chân đất sét
(Bình luận quân sự) - Tại Chu Hải Airshow 2014, Bắc Kinh đã khoe hàng loạt máy bay chiến đấu và máy bay bảo đảm hết sức tiên tiến nhưng đều sử dụng động cơ Nga.
Trung Quốc trình diễn vận tải cơ khủng dùng động cơ Nga
Không quân TQ trổ “thần oai” tại Chu Hải Airshow 2014
Trung Quốc triển lãm ồ ạt máy bay dùng động cơ Nga
Trong cuộc triển lãm này Trung Quốc đã huy động nhiều loại máy bay chiến đấu như tiêm kích thế hệ 4 J-10, J-15, J-16, tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 “Cốt Ưng” (“Gyrfalcon”) J-31, máy bay tiêm kích bom JH-7 và máy bay ném bom chiến lược phiên bản hải quân H-6M, cùng với trực thăng Z-8KA.
Ngoài ra họ còn có các máy bay bảo đảm khác như máy bay cảnh báo sớm KJ-200/2000, máy bay vận tải Y-9 (phiên bản nâng cấp của Y-8). Đặc biệt là Trung Quốc đã lần đầu tiên công khai trưng bày máy bay vận tải chiến lược Y-20 - một trong 5 thành tựu quốc phòng nổi bật của nước này trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, một điểm đáng buồn là tất cả các loại máy bay đó đều sử dụng các loại động cơ của Nga. Các máy bay chiến đấu sử dụng các động cơ Klimov RD-93 và Saturn AL-31F/FN, còn máy bay ném bom H-6M và máy bay vận tải Y-20 thì sử dụng động cơ D-30KP-2, được thiết kế bởi cục Thiết kế Soloviev và chế tạo hàng loạt tại nhà máy sản xuất ô tô Permskii và NPO Saturn.
Tính từ năm 2005 đến nay, Trung Quốc đã mua được 100 động cơ RD-93 của Nga với giá 238 triệu USD, sau đó tiếp tục đặt mua thêm 500 chiếc loại cải tiến, sau đó ngỏ ý muốn tiếp tục mua thêm 1000 chiếc nữa với giá hơn 3 triệu USD/bộ để phục vụ cho cả mục đích xuất khẩu máy bay chiến đấu.
2 loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 của Trung Quốc đều đang thử nghiệm với động cơ Nga
2 loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 của Trung Quốc đều đang thử nghiệm với động cơ Nga
Trong khi đó, tính từ năm 2000 đến năm 2012, Nga đã ký 4 hợp đồng bán 399 động cơ AL-31F với giá hơn 4 triệu USD/chiếc cho Trung Quốc. Đến năm 2013, Bắc Kinh tiếp tục đặt mua của công ty Sartun loại động cơ tiên tiến của thế hệ Al-31F là AL-31, có lực đẩy lên tới 13500kg.
Tuy nhiên, các thế hệ động cơ Nga bán cho Trung Quốc đều thuộc loại đã sản xuất theo công nghệ những năm 80 của thế kỷ trước, còn những thế hệ động cơ hàng đầu của Nga hiện nay là thuộc thế hệ AL-41F có công suất vượt trội so với thế hệ AL-31F và RD-93 thì Nga chưa bán cho bất kỳ cứ nước nào, kể cả Ấn Độ.
Công ty động cơ Saturn cho biết, trong năm 2014 họ sẽ cung cấp cho Trung Quốc loại động cơ mới là AL-31F-S42 hay còn gọi là AL-31M. Loại động cơ này có lực đẩy 13.500kg, hơn 1.000kg so với động cơ AL-31FN hiện đang sử dụng rộng rãi trong các loại máy bay Trung Quốc. Lực đẩy chưa đốt sau của nó cũng cao hơn gấp bội so với thế hệ trước (8.250kg/7.770kg).
Về động cơ hạng nặng dùng cho các máy bay ném bom và máy bay vận tải, Bắc Kinh cũng không thể thoát khỏi cái bóng của Moscow. Xuất hiện tại triển lãm Chu Hải lần này, máy bay vận tải chiến lược Y-20 của Trung Quốc vẫn sử dụng 4 động cơ phản lực D-30KP-2 của Nga chứ không phải là loại động cơ quốc nội WS-20.
Máy bay ném bom H-6 và máy bay vận tải Y-20 Trung Quốc đều sử dụng động cơ D-30KP-2
Máy bay ném bom H-6 và máy bay vận tải Y-20 Trung Quốc đều sử dụng động cơ D-30KP-2
Để giải mã về điều này, lật lại bài viết của Tạp chí quân sự nổi tiếng “Kanwa Asian Defence” của Canada, số ra tháng 2-2013 cho thấy, Trung Quốc đã ký 2 hợp đồng mua 239 chiếc động cơ đẩy hạng nặng D-30KP-2 do Nga sản xuất để lắp đặt trên máy bay vận tải hạng nặng Il-76, Y-20 và máy bay ném bom chiến lược H-6K/M.
Tạp chí này cho biết, ngoài việc sử dụng động cơ D-30KP-2 để lắp đặt trên 30 chiếc máy bay vận tải IL-76 và các nguyên mẫu thử nghiệm của máy bay vận tải hạng nặng quốc nội Y-20, đại bộ phận các động cơ trên sẽ được sử dụng để lắp đặt trên 2 phiên bản cải tiến mới nhất của thế hệ máy bay ném bom tầm trung H-6 là H-6K/M.
Từ năm 2009 - 2011, Nga đã bàn giao hợp đồng cung cấp cho Trung Quốc 55 chiếc động cơ loại này, tiếp theo, Nga bàn giao thêm cho Trung Quốc 12 động cơ vào ngày 16-10-2012. Cuối năm 2011 Trung Quốc lại ký tiếp với Nga một hợp đồng khác mua 184 chiếc động cơ D-30KP-2 nữa.
Hợp đồng mới này chia làm 3 giai đoạn, thời hạn hoàn tất hợp đồng hợp đồng này là trước năm 2015. Trong đó, giai đoạn 1 là trong năm 2013 Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 60 chiếc; giai đoạn 2 và giai đoạn 3 được tiến hành trong 2 năm 2014 và 2015 với mỗi năm Trung Quốc nhận 62 chiếc nữa.
Tiêm kích J-11BS và J-10B đang thử nghiệm với động cơ AL-31FN
Tiêm kích J-11BS và J-10B đang thử nghiệm với động cơ AL-31FN
Công nghiệp hàng không Trung Quốc: Người khổng lồ chân đất sét
Người Trung Quốc có thể mua thoải mái mua các động cơ AL-31FN, RD-93 và D-30KP-2 để trang bị cho máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, máy bay vận tải của mình và sử dụng chúng để nghiên cứu, mô phỏng động cơ quốc nội. Trên cơ sở các loại động cơ Nga, Trung Quốc đã phỏng chế 4 loại động cơ quốc nội là WS-10, WS-13, WS-15 và WS-20.
Giới chức công nghiệp quốc phòng Trung Quốc từng lớn giọng tuyên bố, động cơ WS-10A “Thái Hàng” do họ nghiên cứu, chế tạo có trọng lượng 1,6 tấn, lực đẩy 132kN, tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng là 7.5, vượt trội so với loại AL-31F của Nga có trọng lượng 1,57 tấn, lực đẩy 123kN, tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng đốt sau mới đạt 7,87.
WS-10 “Thái Hàng” được Công ty sản xuất động cơ Lê Minh thuộc Tập đoàn công nghiệp Hàng không Thẩm Dương “phỏng chế” từ nguyên mẫu động cơ AL-31F, dự kiến sẽ trang bị cho J-10, J-11 và J-15 thế nhưng J-10 và nguyên mẫu J-15, J-16, J-20 sử dụng toàn động cơ AL-31 FN của Nga, còn JH-7, JF-17 và cả J-31 đều sử dụng RD-93.
Duy nhất có J-11 dùng WS-10 nhưng ít ai biết là không quân và hải quân Trung Quốc đã 2 lần từ chối đưa vào biên chế loại J-11B do trục trặc về động cơ khi cất, hạ cánh. Sau nhiều lần điều chỉnh tham số kỹ thuật không quân Trung Quốc mới chấp nhận, nhưng J-11 vẫn không mang lại sự yên tâm.
Động cơ WS-10 Trung Quốc được sử dụng duy nhất trên J-11
Động cơ WS-10 Trung Quốc được sử dụng duy nhất trên J-11
Trên thực tế, tuy có tiếng là loại máy bay công nghệ cao hơn nhưng Trung Quốc lại không coi trọng J-11 mà lại coi J-10 làm nòng cốt và định chế tạo 1200 chiếc làm xương sống cho lực lượng không quân. Những hình ảnh mới nhất của phiên bản J-11BS cho thấy, nó cũng được sử dụng động cơ AL-31FN.
Trước khi J-10B, J-16 bị phát hiện dùng AL-31F, đầu tháng 4-2013, chính các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã phát hiện ra chiếc J-20 trong quá trình thử nghiệm vũ khí vẫn còn phải sử dụng động cơ cọc cạch, 1 bên sử dụng AL-31FN, 1 bên sử dụng WS-10 hoặc WS-10G FADEC. Còn 2 động cơ của nguyên mẫu thử nghiệm J-31 vẫn là RD-93.
Còn thế hệ động cơ WS-13 “Thái Sơn” là đứa con “nhân bản lỗi” của RD-93, được sử dụng trên loại máy bay FC-1 “Kiêu Long”, liên hợp sản xuất với Pakistan. Thế nhưng khi quyết định sản xuất với cái tên JF-17 Thunder, người Pakistan đã loại bỏ thẳng tay WS-13 khiến Trung Quốc phải vội vàng mua thêm RD-93 để lắp đặt cho họ.
Trung Quốc tuyên bố đã phát triển thành công động cơ WS-15 với tên gọi “Thái X”. Đây là một chương trình chế tạo động cơ dành riêng cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, đúc rút kinh nghiệm trong quá trình phát triển WS-10 và WS-13. Trung Quốc tự tin với trình độ sao chép siêu hạng của mình họ có thể chế tạo được một thế hệ động cơ hoàn toàn mới với tính năng tiên tiến.
Động cơ AL-31FN của Nga được sử dụng nhiều nhất trong các loại máy bay Trung Quốc
Động cơ AL-31FN của Nga được sử dụng nhiều nhất trong các loại máy bay Trung Quốc
Tuy nhiên, trong chế tạo động cơ máy bay phản lực siêu âm, để lực đẩy tăng thêm 1000kg đã là một bước tiến rất dài về công nghệ. Hiện trên thế giới có rất nhiều động cơ đạt trên 10.000kg nhưng rất ít loại đạt đến tầm AL-31 FP hay AL-31M, chứ đừng nói là thế hệ AL-41F trang bị trên Su-35 của Nga.
Chính vì vậy, mặc dù có trong tay cả AL-31F, AL-31FN, RD-93 và D-30KP-2 để sao chép nhưng động cơ nội địa giành cho máy bay chiến thuật WS-10, WS-13, WS-15 và máy bay chiến lược là WS-20 của Trung Quốc vẫn không đạt được yêu cầu chất lượng so với nguyên bản đã lỗi thời chứ đừng nói là những phiên bản mới của Nga.
Cách đây vài năm, các chuyên gia quân sự Trung Quốc hào hứng tuyên bố nước này đã phát triển thành công động cơ siêu nặng thế hệ mới WS-20, khiến Y-20 có tầm bay và tải trọng vượt trội so với các loại máy bay vận tải Nga, giúp quân đội Trung Quốc nâng cao khả năng triển khai nhanh đến bất cứ khu vực nào trên thế giới, đồng thời có thể mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, đến triển lãm hàng không Chu Hải năm nay, việc WS-20 vẫn chưa được lắp đặt trên Y-20 và H-6K/M, cùng với việc Trung Quốc tiếp tục đặt mua động cơ D-30KP-2 của Nga và dạm hỏi D-18T của Ukraine cho thấy, động cơ này chưa đủ sức mạnh và độ tin cậy cần thiết để Trung Quốc mạo hiểm trang bị cho các máy bay của mình.
Động cơ là bộ phận cấu thành trọng yếu nhất của một chiếc máy bay, ngành công nghiệp chế tạo động cơ cũng là ngành xương sống trong CNHK. Tuy nhiên, người Trung Quốc không thể tự lực phát triển được đã cho thấy sự phát triển không bền vững đằng sau cái vỏ hào nhoáng. Ngành CNHK Trung Quốc chẳng khác gì một “Người khổng lồ chân đất sét”.