SG queen sau bị chìm bên sri lanka
http://www.sggp.org.vn/cong-nghiep-dong-tau-viet-nam-huong-den-cuong-quoc-335020.html
Công nghiệp đóng tàu Việt Nam: Hướng đến cường quốc
Thứ Ba, 14/8/2007 10:38
Mục tiêu của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là đưa Việt Nam trở thành cường quốc đóng tàu lớn thứ 4 trên thế giới vào năm 2015. Với hàng loạt dự án đang triển khai, cùng khối lượng đơn đặt hàng ngày càng tăng của khách hàng quốc tế, mục tiêu này đang dần trở thành hiện thực.
Gặt hái nhiều thành công
Hạ thủy tàu SAIGON QUEEN 6.000 DWT do Vinashin đóng mới.
Đầu năm 1996, một phái đoàn của Vinashin đã “hành hương” đến Iraq để tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu tàu. Sau 2 năm kiên trì với những chuyến đi nhiều nguy hiểm rình rập, Vinashin mới ký được với phía Iraq 11 hợp đồng thương mại, trong đó có 6 hợp đồng đóng mới xuất khẩu tàu. Kết quả ban đầu này đã làm đà để Vinashin tiếp tục gặt hái thành công những năm sau đó. Từ đầu năm 2006 đến nay, tin vui dồn dập đến với các thành viên của Vinashin. Chưa bao giờ triển vọng của ngành đóng tàu của Việt Nam lại sáng sủa như hiện nay. Tháng 6-2007, khi hai con tàu trọng tải 53.000 tấn đầu tiên của Vinashin được bàn giao cho Tập đoàn Graig Investment (Vương quốc Anh), đã khẳng định ngành đóng tàu Việt Nam đang vững bước trong hội nhập thị trường đóng tàu thế giới. Tính đến nay Vinashin đã nhận được khoảng 6 tỷ USD đơn hàng, trong đó trên 4 tỷ USD đơn hàng xuất khẩu. Phần lớn đơn đặt hàng kéo dài đến năm 2009, 2010 và 2012.
Nguồn vốn nào để đầu tư phát triển các dự án Vinashin? Tháng 10-2005, Vinashin được vay 750 triệu USD vốn trái phiếu của Chính phủ phát hành ra thị trường quốc tế và số vốn này đã phát huy hiệu quả rất tốt. Mới đây, Vinashin lại phát hành thành công đợt trái phiếu lên tới 3.000 tỷ đồng. Đây là kỷ lục về phát hành trái phiếu từ trước đến nay do một doanh nghiệp Việt Nam tự thực hiện, trong đó 95% trái phiếu đã được mua bởi các nhà đầu tư nước ngoài và số lượng trái phiếu được các nhà đầu tư đăng ký mua gấp 3 lần lượng trái phiếu phát hành. Tháng 7-2007, Vinashin được Ngân hàng Thụy Sĩ cho vay 600 triệu USD cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư các dự án lớn như đóng tàu 105.000 DWT tại Dung Quất, kho nổi 150.000 DWT tại Nam Triệu, tàu chở ô tô 4.900 xe tại Hạ Long, hợp đồng 27 tàu chở hàng 53.000 DWT cho chủ tàu Graig (Anh quốc) cùng các tàu 22.500 DWT, 12.500 DWT, 10.500 DWT và 8.700 DWT cho chủ tàu Nhật Bản…
Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch tập đoàn Vinashin, cho biết khoảng 10 năm trở về trước, năng lực hầu hết các các nhà máy đóng tàu của Việt Nam gần như chỉ mới bắt đầu, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu, công nghệ thô sơ. Nam Triệu là một công ty nhỏ bé còn chưa thoát khỏi cảnh nợ nần. Nhà máy đóng tàu Hạ Long chỉ đóng được những tàu nhỏ dưới 5.000 tấn. Nhà máy Bến Kiền cho ra đời một số tàu khoảng 2.000 tấn. Nhà máy đóng tàu Phà Rừng cũng không ngoại lệ. Nhà máy đóng tàu Dung Quất vẫn nằm trên giấy… Còn nay, ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam khiến cả thế giới biết đến khi liên tục nhận được những hợp đồng lớn, với hàng loạt dự án đầy tiềm năng đang được triển khai.
Hướng đến đầu tư khép kín
Công ty Saigon Shipmarin đầu tư trang bị u nổi dùng để sửa chữa các loại tàu thủy có trọng tải lớn.
Vào WTO, Việt Nam thực sự hội nhập nền kinh tế thế giới. Để đứng vững trong “sân chơi” WTO, cần phải chấp nhận “luật chơi”. Bởi hiện châu Á có 3 cường quốc đóng tàu chiếm giữ tới 87,7% thị phần của thế giới. Đó là Hàn Quốc chiếm 37% (82 triệu tấn tàu), Nhật Bản 33,9% (75 triệu tấn tàu) và Trung Quốc 16,8% (37 triệu tấn tàu). Cả 3 cường quốc đóng tàu này đều đã có “tuổi nghề” trên dưới 30 năm, trong khi chúng ta mới bước vào lĩnh vực này với điểm xuất phát quá thấp. Nhìn chung, các nhà máy đóng tàu của Việt Nam hiện vẫn còn nhỏ do đầu tư manh mún và phân tán, nên không tận dụng triệt để ưu thế của ngành công nghiệp này mang lại. Các cảng nằm chủ yếu trên sông, những con tàu đã và đang được đóng khá lớn song chủ yếu sản phẩm chỉ chiếm khoảng 30% hàm lượng bao gồm nhân công và một số nguyên phụ liệu, còn các thành phần khác như chuyên gia giám sát, tư vấn viên và đặc biệt là hầu hết các nguyên vật liệu chính, máy móc đều phải nhập khẩu từ nước ngoài…
Hiện nay, Vinashin đã thiết lập được các trung tâm đóng tàu lớn ở cả 3 miền: Hải Phòng, Quảng Ninh (gồm Nam Triệu, Bạch Đằng và sắp tới là Hải Hà – ở miền Bắc); Dung Quất (miền Trung); Hậu Giang (miền Nam). Với hàng loạt dự án lớn được đầu tư theo hướng khép kín (gồm cả công nghiệp phụ trợ, đào tạo…), Vinashin phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 60% vào năm 2010. Mặt khác, việc mạnh dạn đầu tư, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ cao, những phần mềm thiết kế và công nghệ đóng tàu hiện đại để đưa vào sản xuất cũng là một hướng đi mà ngành đóng tàu Việt Nam đang tập trung đầu tư. Các công nghệ lắp ráp tổng đoạn lớn, công nghệ phóng dạng vỏ tàu bằng phần mềm thiết kế thi công Ship Constructor, dây chuyền sản xuất vật liệu hàn hiện đại… được Vinashin đưa vào sử dụng, đã rút ngắn được thời gian thi công và nâng cao chất lượng tàu.
Hiện nay đa số các đơn hàng đều đặt đóng các loại tàu thế hệ mới nhất, thậm chí có loại còn chưa có trên thị trường. Bên cạnh đó, Vinashin cũng đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và coi đây là nhân tố quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển ngành. Theo đó, Vinashin đã xây dựng một chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực rất quy mô. Bên cạnh việc hàng năm cử cán bộ, công nhân kỹ thuật đi đào tạo trong nước và nước ngoài (như Ba Lan, Nhật Bản, Đan Mạch…), Vinashin còn có các trường đào tạo công nhân kỹ thuật riêng.
Nguyên Quân