Mọi tham gia đều tốt, và hướng đến chủ đề chung thì càng tốt và hợp nhẽ. Y như chúng ta ngồi cùng bàn cà phê với nhau, thì cùng bàn về 1 chuyện chẳng hạn.
Ở đây, chúng ta đang hướng tới làm sáng tỏ (nhiều hay ít không quan trọng) mối liên hệ giữa phong thuỷ và thực tế cuộc sống. Mục tiêu này không phải cao xa gì, mà nó là mối quan tâm của rất nhiều người trong thời buổi vàng thau lẫn lộn, giá trị đảo lộn này.
Mọi việc của cá nhân đều do tư duy đảm trách, vậy nếu qua quá trình tham gia xem xét, "à"ra được vài điều thì là chính chúng ta điều chỉnh hoặc củng cố được tư duy của mình. Từ đó mà phân biệt đúng sai, hay dở, mà hành động cho chính xác hơn. Giả dụ như thấy được 1 số vấn đề nào đó xác thực hơn, thì khi gặp người nào nói đúng hay nói sai còn biết mà nghe hoặc không nghe.
Về cái dòng chảy, Dịch, hay quy luật...là rất hay, nhưng rất sâu rộng.
Như con người ta cũng đã được coi là tiểu vũ trụ, nếu ai để ý thì mọi thứ trong vũ trụ này đều thống nhất cao độ. Chẳng hạn đến cái tế bào trong thân ta cũng mang dáng dấp và hoạt động của cả hệ mặt trời này, hoặc cả thiên hà này. Mặt trăng quay quanh trái đất thì có khác gì là điện tích quay quanh hạt nhân? Cái to cái nhỏ đều thế cả!
Riêng trong phong thuỷ, ai nhìn thấy trái đất này, hay một ngôi nhà nào đó...đều như một cơ thể sống, thì sẽ thấu rõ hơn sự tương tác giữa chúng với con người.
Chẳng hạn khí mạch chạy trong lòng đất là mạch máu, thì lớp đất đá bên trên là da, cây cối là lông tóc, núi non là nốt ruồi, huyệt đạo thì như các huyệt đạo trên người chúng ta...thô thiển như vậy chẳng hạn.
Còn ngôi nhà thì cũng có mồm miệng, có bụng có lưng, có hít có thở...
Như người ta khoẻ mạnh thì ăn uống phải vào đường miệng, bài thải phải có nơi của nó. Chứ mà làm loạn lên trong kiến tạo nhà cửa, nước lại đưa từ cổ họng vào hoặc dưới trôn lên, thải ra ngang sườn chẳng hạn...thì khác gì người bệnh đâu?
Cụ Tả Ao chả nói rằng "Nước sinh nước vượng chầu về, nước tử nước tuyệt chảy đi mặc lòng" đấy thôi. Tức là nhập thuỷ phải ở nơi sinh vượng (ví như cái miệng), xuất thuỷ phải ở nơi tử nơi tuyệt (ví như các bộ phận bài tiết), lưu thuỷ phải ở thận, thuỷ thải phải tạm trữ ở bàng quang...chứ mà bể phốt lại ở phổi là toi rồi!
Mà những cái đó có quy luật hết, nhìn ra quy luật hay không là một, các con toán phức tạp để tính theo nó là hai...
Nhân tiện tán vui chút, chứ nói về dòng chảy, quy luật, hay sự thống nhất và tương tác lẫn nhau thì rất dài.
Còn thì em cũng không biết là đã biết cụ chưa. Thôi cứ tham gia vui là được, chuyện đó để ngoài.