Người đàn bà trong "Mùa hoa cải bên sông"
Đấy là một cô gái còn rất trẻ. Năm cô mất, mới 23 tuổi. Cô mất cùng với một thai nhi trong bụng, trong chính lòng con sông Đáy mà cô đã gắn bó từ khi sinh ra.
Trong truyện ngắn
Mùa hoa cải bên sông tôi viết gần 20 mươi năm trước, có một nhân vật nữ tên là Chinh. Chinh sống cùng gia đình trên chiếc thuyền. Họ không được phép lên bờ vì lời nguyền của cha cô. Nhưng cuối cùng cô đã lên bờ vì tiếng gọi của màu hoa cải vàng quyến rũ và bởi tiếng gọi của tình yêu với một chàng trai sống trong một xóm trại ven sông. Khi biêt cô có thai, cha cô đã trừng phạt cô và đưa cả gia đình đi mất tích.
Truyện ngắn này được đạo diễn Khải Hưng làm thành phim
Lời nguyền của dòng sông và giành Huy chương vàng Liên hoan phim truyền hình quốc tế tại Bỉ năm 1993. Đấy là bộ phim truyền hình Việt Nam đầu tiên giành được một giải lớn chính thức ở quốc tế. Đạo diễn Khải Hưng đã hỏi ông Chủ khảo Liên hoan phim vì sao ông trao giải cao nhất cho bộ phim đó thì ông ta trả lời: “Vì nó rất Việt Nam. Nó là của dân tộc anh”.
Khi truyện ngắn của tôi đến với bạn đọc, nhiều người thích nhưng không tin trên đời lại có câu chuyện như vậy. Xin thưa, bảy mươi phần trăm của truyện ngắn này là sự thật. Và Chinh là một cô gái có thật và được tôi giữ nguyên tên của cô.
Khi phim này chiếu trên truyền hình, tôi về quê và đi đò sang sông. Bố Chinh đã già lắm nhưng vẫn chèo đò chở khách. Con đò mà Chinh thường chở tôi sang sông đi học đã quá cũ nát. Ông nói với tôi, ông đã được xem bộ phim đó. Lúc đó tôi rất lo bị ông mắng vì đã mang chuyện gia đình ông lên phim. Nhưng ông chỉ nói thế và rồi lặng lẽ chèo đò cho tôi sang sông.
Tôi có hai năm học phổ thông tại trường cấp III B ở An Mỹ bên kia sông thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Tây. Bởi thế mà hàng ngày tôi phải đi đò sang bên kia sông đi học. Người lái đò cho tôi qua sông là Chinh.
Chinh là một cô gái không nhan sắc, mắt cô bị kém thị lực từ lúc sinh ra. Mỗi khi tôi cất tiếng gọi đò thì dù đang làm gì cô cũng xuống bến chèo đò cho tôi. Cô ngước đôi mắt kém thị lực nhìn về phía bờ bên kia và chèo đò. Nhiều lúc tôi lo cô sẽ không đưa tôi đúng bến và con đò có thể trôi đi cách bến rất xa. Nhưng ngay cả những chiều tối hoặc những ngày mưa, cô vẫn cập đò đúng bến. Có lẽ cô chèo bằng một giác quan khác. Lúc nào xuống bến chèo đò cho tôi, cô cũng mang cho tôi một thứ gì đó. Lúc thì bắp ngô, lúc thì củ khoai, lúc thì những trái cây trong vườn nhà cô. Cô đã quen giọng của tôi. Ngay cả những chiều mưa, đứng từ bên kia bờ sông, tôi chỉ cần cất tiếng “ơi” là cô đã nhận ra tôi và vội vàng xuống bến chèo đò sang sông đón tôi. Và lúc nào cũng vậy, khi thấy bóng cô xuất hiện từ đầu con đường phù sa chạy từ xóm trại xuống bến là tôi thấy lòng rạo rực.
Gia đình cô từng sống lênh đênh trên đò dọc sông Đáy mấy đời. Họ bắt cá, cào hến và lấy cát bán cho những cư dân hai bên bờ sông để sinh sống. Mãi đến ngày hòa bình họ mới cập lại bến làng tôi, xin định cư trong xóm trại nhỏ bên sông và làm nghề chèo đò ngang đưa khách qua sông. Thực sự tôi không biết quê quán họ ở đâu. Thường là vừa chèo đò cô vừa hỏi việc học hành của tôi. Cô bảo, cô thèm được đi học nhưng nhà cô nghèo, phải bỏ dở để cào hến, thả lưới bắt cá và chèo đò kiếm tiền nuôi gia đình. Có một lần trời mưa, khi chèo đò ra giữa sông, cô bảo tôi chui vào lòng đò có mái che. Cô bảo tôi ngồi chơi và để mặc đò trôi đi đâu thì trôi. Nhưng tôi sợ và đã chối từ. Sau đó, tôi thấy cô không nói gì và chèo đò rất mạnh như tủi thân và như giận dữ. Mưa chảy tràn trên mặt cô. Sau này, tôi nghĩ, có lẽ cô đã khóc. Cho đến bây giờ tôi cũng không dám nghĩ đó là tình cảm của cô giành cho tôi.
Khi tôi đi học xa, mỗi dịp vào làng bán cá hay bán hến, gặp mẹ tôi, cô lại hỏi: “Thiều có viết thư về không cô giáo?”. Lần nào mẹ tôi mua hến, cô cũng đong bơ hến đầy hơn đong cho những người khác trong làng. Nếu lần đó mà tôi về nghỉ thì cô thường biếu thêm cho mẹ tôi một bơ hến và nói: “Cô giáo nấu hến với canh bầu cho Thiều ăn”. Cô biết tôi là người thích ăn canh hến nấu với bầu trắng trồng ngoài bãi sông. Những lúc về quê nghỉ hè, tôi thường ra xóm trại để mong gặp lại cô. Nếu không thấy cô ngoài bến sông, tôi lại gọi đò và hy vọng cô xuống chèo đò để tôi được gặp cô. Thấy tôi, cô hỏi có phải tôi sang bên kia sông thăm bạn học cũ không. Tôi đã nói dối cô. Tôi không dám nói với cô rằng tôi gọi đò để lấy cớ gặp cô mà thôi.
Sau khi học xong, tôi vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc. Hai năm sau, tôi về thăm quê. Mẹ tôi cho tôi biết, cô đã mất. Mẹ tôi là người biết rất nhiều chuyện ở quê. Có lẽ mẹ tôi là một bà giáo già nên mọi người hay đến kể chuyện cho mẹ tôi nghe. Nhiều câu chuyện tôi viết là do lời kể của mẹ.
Chuyện cô mất là một câu chuyện làm tôi đau đớn mãi. Một ngày, bố cô phát hiện cô có thai. Ông đã trói cô vào cột nhà và đánh cô tra hỏi để tìm ra ai là cha của cái thai trong bụng cô. Nhưng cô không nói cho ông bố biết. Cô xin bố để cho cô nuôi giữ cái thai đó. Bố cô không chấp nhận lời cầu xin. Ông bắt cô uống thuốc lá của người Mường bên kia sông để phá thai. Vì một cô gái không chồng thời đó mà có chửa là một chuyện khủng khiếp.
Nhiều đêm, cô quỳ xuống bên mép giường của người bố cho đến sáng để xin ông hãy thương đúa bé trong bụng cô mà để cho cô sinh nở. Nhưng cô đã không thay đổi được sự tức giận và đau đớn của người bố. Người bố đã cưỡng bức cô uống thuốc phá thai.
Một buổi sáng thức dậy, gia đình cô không thấy cô. Họ đã đi tìm cô nhưng không thấy. Năm ngày sau, người ta thấy xác cô nổi ở đoạn sông cách bến sông làng tôi chừng dăm cây số. Có người nghĩ bố cô đã đẩy cô xuống sông. Nhưng đó là chuyện của người độc miệng, ác ý. Người làng tôi không tin chuyện đó. Mẹ tôi bảo là cô tự tử sau khi phải phá thai. Trong những ngày về thăm quê lần đó. Tôi đã đạp xe đến đoạn sông mà người ta vớt được xác cô. Lòng tôi buồn bã và trống rỗng vô cùng.
Mấy năm sau, một người em trai của cô đã có vợ nhưng lại có con với một cô gái mắc bệnh tâm thần ở làng tôi. Gia đình cô gái tâm thần mang đưa bé trả lại cho gia đình cô. Và cứ ngày ngày cô gái tâm thần đó đến ngồi trước cửa gia đình cô, lúc cười lúc khóc. Có người nói cô gái tâm thần đó bị hồn của Chinh nhập vào để trả thù bố cô đã không cho cô sinh con và làm cô phải tự tử. Rất nhiều người làng tin câu chuyện đó...
Khi tôi đưa Nghệ sỹ Nhân dân Bạch Diệp về quê tôi chọn cảnh làm bộ phim
Thời gian của dòng sông chuyển thể từ truyện ngắn
Hai người đàn bà xóm trại của tôi. Tôi đã kể câu chuyện về Chinh cho bà nghe và đưa bà đến xóm trại và chỉ cho bà ngôi nhà của Chinh.
Thời gian cứ trôi đi, tôi đã bắt đầu già... Con sông Đáy chưa một ngày ngừng chảy ra biển. Nước sông cũ không bao giờ trở lại trên bến sông làng tôi. Nhưng con đò và Chinh vẫn thi thoảng trở về trong ký ức tôi. Trở về như một ngọn gió vừa ngân vang, vừa buồn bã và vừa thương nhớ.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều