Cám ơn bạn vuthang21193 đã cung cấp cho tôi clip về MiG-21 để tôi lại được gặp lại các phi công lớp đàn anh như Anh hùng Lưu Huy Chao, Lê Hải ... và các đồng đội cùng khóa như các anh Võ Xuân Quang, Anh hùng Vũ Xuân Thiều, Đỗ Văn Lanh...Thật cảm động !
Các chuyến bay xuất kích đều là những chuyến bay cảm tử. Cuối tháng 2 năm 1972, Đại đội phó đại đội bay đêm Hoàng Biểu đã có chuyến bay như vậy. Anh cơ động vào sân bay Vinh. Sân bay Vinh bấy giờ là sân bay đất với kích thước chiều dài 2000 m và chiều rộng là 30 m được lu, nền, được trang bị hệ thống đèn dạ hàng dã chiến ở hai bên đường băng rất thưa và có khi chỉ sáng được có một bên. Khi đi kiểm tra đường băng, Chính ủy Hoàng Phương nói với anh Phạm Ngọc Lan ( người chỉ huy ở Vinh ) rằng : "Hôm nay ta mở mặt trận Quảng Trị. Không quân ta phải bay vào đó. Đây là chuyến bay cảm tử. Bằng cách nào cũng phải cất cánh !".
Vì hai anh Phạm Ngọc Lan và Hoàng Biểu đều từng là những phi công bay đêm với nhau, từng hiểu nhau nên hiệp đồng giữa người trực chỉ huy và người trực chiến rất chóng vánh và chặt chẽ.
Chế độ trực sẵn sàng chiến đấu tại sân bay Vinh là trực ngay dưới cánh máy bay, thời gian chưa có lệnh báo động chuyển cấp thì có thể nằm nghỉ ngay trên chiếc cáng cứu thương đặt cạnh máy bay. Gần 1h sáng thì có lệnh chuyển cấp. Máy bay của anh Hoàng Biểu được đeo 2 thùng dầu phụ, đường băng thì lại ngắn, cất cánh là một vấn đề nan giải, phải rất cố gắng và liều nhấc máy bay cho tách đất ở tốc độ nhỏ mới được. Hôm ấy trời rất xấu, tầm nhìn kém và mây xệ xuống thấp. Máy bay tách đất một cách khó nhọc, khi bay chưa đến độ cao thu càng thì đã chui vào mây. Sở chỉ huy lệnh cho anh lấy độ cao lên 8000m ( thông thường là phải đi rất thấp và phải giữ bí mật liên lạc qua đối không, nhưng lần này lại khác, Sở chỉ huy dẫn ngay từ đầu bằng các khẩu lệnh qua đối không và cho lấy độ cao luôn ). Tính toán theo thời gian thì đã đến gần đường 9, anh nhận được lệnh bật tăng lực lấy độ cao 14000 m, giữ nguyên tăng lực, vòng 2 vòng ở độ cao này, sau đó xuống 6000 m vòng tiếp rồi xuống 2000 m vòng tiếp một vòng nữa và lấy độ cao bay ra.
Quá trình trên đường về, anh được dẫn theo đường bay zic-zăc. Anh biết mình đã bị tiêm kích địch đuổi theo nhưng không thể bám được anh. Đến khu vực Hồng Lĩnh thì anh được dẫn xuyên xuống hạ cánh. Thời tiết rất xấu, mây quá thấp nên anh xuyên mây đến 2 lần mà vẫn không thấy được đường băng, đi sang sân bay dự bị Anh Sơn thì tình trạng thời tiết không có gì khả quan hơn là ở Vinh. Dầu liệu đã cạn mà không thể hạ cánh được. Anh đành phải rời bỏ chiếc máy bay đã hết dầu, nhảy dù xuống đất Yên Thành, tiếp đất trên ruộng khoai rồi lần mò về được sân của Hợp tác xã. Anh đã được đưa về Sở chỉ huy tiền phương. Chính ủy đã gặp anh, thăm hỏi, động viên anh đã thực hiện tốt chuyến bay cảm tử và chuẩn bị tinh thần cho những chuyến bay mới.
Việc chuyến bay vì thời tiết xấu, sau khi xuất kích đi làm nhiệm vụ về bay đến hết cả dầu mà không hạ cánh được, phải rời bỏ máy bay thì không phải chỉ có mình anh Hoàng Biểu mà sau này còn có các trường hợp tương tự, ví dụ như anh Vũ Đình Rạng, anh Nguyễn Đức Chiến cũng gặp phải cảnh ngộ tương tự. Trình độ bay đêm của các phi công ta bấy giờ chưa được cao, tiêu chuẩn bay còn rộng, hầu hết là 300/3000, một số còn 400/400 ( tức là tiêu chuẩn kỹ thuật chỉ được phép hoạt động khi đáy mây thấp nhất là 300 mét, tầm nhìn thấp nhất là 3000 mét hoặc đáy mây thấp nhất là 400 mét và tầm nhìn thấp nhất là 4000 mét mới được bay ), nhưng không hề ai để ý, quan tâm đến chuyện ấy. Việc hoàn thành nhiệm vụ phải đặt lên trên hết. Cất cánh ! Đánh nhau ! Nếu vì lí do nào đó không thể hạ cánh được thì rời bỏ máy bay về lấy máy bay khác trực, cất cánh tiếp ! Thế thôi !.
Ngay chuyện về hạ cánh cũng có những trường hợp phải bỏ máy bay. Trong suốt chiến dịch 12 ngày đêm, ta mất 4 máy bay ( không hạ cánh được phải nhảy dù và khi hạ cánh bị hỏng ) : bay hết dầu mà không hạ được phải nhảy dù là anh Vũ Đình Rạng và Nguyễn Đức Chiến, hạ cánh xong máy bay bị hỏng là anh Trần Cung và Phạm Tuân.
Hồi đó, máy bay MiG-21 của ta được Liên-xô viện trợ không hoàn lại nên chúng ta tuy có tổn thất, mất mát về khí tài nhưng vẫn còn đủ sức chiến đấu.
Cả hai lực lượng đánh đêm và đánh ngày trong giai đoạn ấy có thể đếm trên đầu ngón tay được. Đi sân bay nào chúng tôi cũng chỉ có những gương mặt ấy gặp nhau mà thôi. Chỉ mong sao có thêm những gương mặt mới nhưng chưa kịp đưa vào trực thì thôi, những gương mặt cũ ấy đừng có hao tổn đi là hạn phúc lắm rồi !
Về chiếc MiG-17 rơi ở khu vực Diễn thì tôi chưa tìm ra. Khi nào tra cứu được chính xác, tôi sẽ báo để tuanb5 biết. Việc đó có phải là phi công Triều Tiên hay không cũng cần phải xét cho kỹ. Đúng là các bạn Triều Tiên có sang chiến đấu cùng với chúng ta. Họ cử đủ các thành phần từ phi công đến các thành phần phục vụ sang cùng tham gia chiến đấu, sát cánh cùng các phi công của chúng ta. Thật trân trọng và cảm động. Khi tôi bước vào trực chiến, có được gặp các bạn ấy ở sân bay Kép. Đến năm 1969 thì các bạn đã rút hết về nước.
Với thời gian chuyến bay cảm tử của anh Hoàng Biểu, anh đã nhớ và kể lại cho tôi cùng đủ mọi cảm giác mừng lo lẫn lộn về chuyến bay ấy. Việc chuyến bay ấy có đúng vào giờ G của phương án mở mặt trận hay không thì tôi chịu, không thể biết được.
Suốt giai đoạn cuối tháng 12, chúng tôi quay như đèn cù. Cất cánh đã khó khăn, hạ cánh còn khó khăn hơn. Ngay đêm 18 tháng 12 đã có 2 chuyến xuất kích và cả hai chuyến đều bị trục trặc khi về hạ cánh. Đêm ấy, Phạm Tuân trực ở đầu Tây sân bay Đa Phúc. Máy bay chiến thuật F-111 đánh trong vòng 2 đợt, phá hỏng quá nửa đường cất hạ cánh. Khi Phạm Tuân nhận lệnh chuyển cấp, mở máy, lăn ra chuẩn bị cho cất cánh thì đạn vẫn nổ chi chít quanh máy bay. Anh cố cất cánh kéo máy bay tách đất. Đến khu vực Hòa Bình, anh phát hiện thấy những hàng đèn trên thân các máy bay B-52. Anh vòng lại, lấy độ cao và bật ra-đa trên máy bay mình thì lập tức, bọn B-52 tắt luôn đèn và lũ tiêm kích F-4 đi bảo vệ B-52 quay vào phóng tên lửa vào máy bay của Tuân. Anh cơ động zic-zăc tránh bọn F-4 và bọn F-4 cũng mất mục tiêu. Anh vòng tiếp 2 vòng ở Mộc Châu - Sơn La rồi quay về Đa Phúc hạ cánh. Thời điểm đó, đài chỉ huy của sân bay bị đánh hỏng nên không thể liên lạc được. Pháo phòng không nghe thấy tiếng máy bay là bắn lên dữ dội. Trong ánh sáng trăng và vào đúng thời điểm một chiếc B-52 bị bắn cháy, rơi ở Phủ Lỗ, lợi dụng ánh sáng đó cộng với đèn pha trên máy bay, anh lao xuống hạ cánh. Tiếp đất xong thì nghe cái "Rầm !". Biết có vấn đè, Tuân tắt máy, bóp phanh hết cỡ nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Máy bay đã lao xuống hố bom, quay ngược lại 180 độ. Anh lấy chân đạp vào phần nắp buồng lái đã vỡ cho rộng hơn rồi bỏ mũ bay, bỏ áo da, lần lượt tống ra ngoài và chui ra khỏi buồng lái.
Trước đó, anh Trần Cung trực ở sân bay Hòa Lạc cũng xuất kích trong tình trạng tương tự mà còn nguy hiểm hơn nữa vì các tấm ghi lát trên đường cất hạ cánh bị đánh bong, cong qoeo, dựng ngược cả lên. Anh liều kéo máy bay tách đất ở tốc độ nhỏ. Anh được dẫn đi đánh bọn B-52 nhưng vì nhiễu dày đặc và bọn tiệm kích đi yểm hộ phát hiện được anh, quây lại bắn tên lửa. Anh cơ động và cũng nhận được lệnh về Đa Phúc hạ cánh. Đài chỉ huy tại sân bị bom đánh hỏng, anh quay về Kép, nhưng đài chỉ huy ở Kép cũng bị phá hủy, không liên lạc được. Anh nhận lệnh vòng về Gia Lâm. Đến Gia Lâm thì sân bay cũng vừa bị đánh xong, một lần nữa anh lại quay lại sân bay Đa Phúc. Anh liều xuống hạ cánh . Vừa tiếp đất là tắt máy luôn và thả dù giảm tốc. Máy bay chồm qua một hố bom cỡ nhỏ rồi dừng lại trước một hố bom cỡ lớn. Anh nhảy ra khỏi buồng lái được chừng một hai phút thì thấy một chiếc máy bay lao xuống hạ cánh, có hai vệt lửa sáng chạy dọc theo đường băng trước khi máy bay lao xuống hố bom. Thì ra đấy là máy bay của Phạm Tuân. Khi hạ cánh, do lực va chạm mạnh nên hai quả tên lửa K-13 đã "nhảy" ra khỏi bệ, trà xát trên mặt đường băng tạo ra hai vệt lửa mà anh Cung đã thấy.
Anh Trần Cung vội chạy lại phía máy bay vừa hạ cánh thì thấy Phạm Tuân đang đạp nắp buồng lái để chui ra.
Hai anh dò dẫm vượt qua bãi bom bi và được đón về Sở chỉ huy để rút kinh nghiệm.
Bọn chúng tôi suốt giai đoạn ấy cứ "lang thang", "lông bông" tứ xứ, đi hết sân này đến sân khác, chẳng mấy khi về đến căn cứ chính của Trung đoàn. Quần áo còn lại không mặc đến thì hôi rình, có thể thu hoạch mộc nhĩ mọc ra từ quần áo được. Thời gian ở trong hầm của bọn tôi khá nhiều nên nhiều anh bị mắc căn bệnh mà tôi gọi là "bệnh hươu". Thực chất là lang ben, trông cứ như những con hươu sao ấy nên gọi vậy cho tiện.
Cuộc chiến đấu trong chiến dịch 12 ngày đêm thực sự ác liệt và cam go. Mỗi lần vào cấp, ngồi vào buồng lái, tôi lại hít một hơi dài, nén trong lồng ngực, thầm nhủ : có lẽ đây cũng là lần cuối của mình ! . Nhưng khi đã nổ máy thì ý nghĩ ấy tiêu tan ngay. Biết bao nhiêu việc phải làm dồn dập sau khi ấn nút khởi động. Xuất kích, săn lùng, không chiến, xử lí các tình huống bất trắc, tìm đường về hạ cánh ... luôn luôn ở tột đỉnh của sự căng thẳng. Hạ cánh xong, ra khỏi buồng lái mới thở phào : ta vẫn còn sống ! Và chuẩn bị tiếp cho lần xuất kích mới. Cứ thế, chúng tôi ở trong vòng xoáy đến chóng mặt. Râu ria cũng chẳng mấy khi kịp cạo. Ngày đánh nhau, đêm lại họp bàn, rút kinh nghiệm trận đánh, tìm cách đánh đến khuya. Rồi báo động, rồi trú ẩn ... Chợp mắt được một chút thì đã đến giờ đi trực. Mà đã trực thì không có lúc nào rỗi cả. Có ngày, tôi có đến 11 lần chuyển cấp, 6 lần mở máy, 4 lần xuất kích. Lần báo động chuyển cấp cuối cùng là lúc trời đã nhá nhem tối, tôi không còn đủ sức chạy ra máy bay nữa. Vào máy bay ngồi, tôi nói với tổ trưởng thợ máy : " Chắc lần này cất cánh là tao đi tong thôi vì mệt lắm rồi !". Tổ trưởng thợ máy mắng lại : "Phỉ thui cái mồm mày, chỉ được cái nói gở là không ai bằng ! Ngậm miệng vào ngay !". Quả thực, ngày đó tôi mệt đến muốn ngất. Hầu như suốt ngày không có hạt cơm nào vào bụng vì vừa bưng bát cơm, và được một miếng là báo động. Tay xách mũ bay, vừa chạy vừa nhổ cơm trong miệng ra, lau miệng vào ống tay áo, cất cánh rồi về hạ cánh ở sân bay khác. Quay hơn đèn kéo quân như vậy thì đến đá cũng phải đổ mồ hôi !.
Tôi có quen thân với một anh ở Quân chủng Hải quân. Anh đã từng tham gia với những "con tàu không số", với đường mòn trên biển. Anh cũng từng được truy điệu sống đến 5 lần trước khi đi làm nhiệm vụ. Đối với các Quân binh chủng khác thì có những trường hợp như thế, còn riêng với Không quân, với đội ngũ phi công chúng tôi thì không có đâu. Lời chúc của chúng tôi bao giờ cũng là "có số lần cất cánh và hạ cánh bằng nhau !". Nghĩa là phải giành giật lấy chiến thắng và phải trở về, - 1100ibn ạ !. Dù có biết đấy là chuyến bay cảm tử đi chăng nữa, cũng không ai tổ chức truy điệu trước lúc cất cánh cả. Có thể, có sự hiểu lầm đấy !
Trong thời gian cuối của năm 72 đối với chúng tôi thì việc trực chiến, báo động chuyển cấp, xuất kích chiến đấu ... xảy ra, lặp đi lặp lại liên tục. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi xen kẽ giữa các lần báo động, các phi công vẫn ghi nhật ký, vẫn viết thư về cho gia đình, cho người thân. Mà không phải lần viết nào cũng kết thúc trọn vẹn. Rất nhiều dòng nhật ký phải bỏ dở, nhiều bức thư phải ngắt quãng giữa chừng vì có lệnh báo động, vì phải xuất kích chiến đấu.
Sáng ngày 27, sau khi cơ động đến sân bay Miếu Môn, anh Trần Việt tiếp thu chiếc máy bay mà anh Vũ Đình Rạng vừa trực đêm hôm trước xong ( vào cái giai đoạn ấy, cái chuyện trực ngày, trực đêm bàn giao cho nhau cùng trực trên một máy bay là chuyện bình thường ) thì nhận được lệnh vào cấp 1. Trần Việt mở máy, cất cánh từ Miếu Môn, được dẫn về phía Tây sân bay, gặp biên đội 2 chiếc F-4, lập tức lao vào không chiến và bắn rơi 1 chiếc. Chiếc còn lại tháo chạy mất tăm mất tích. Sau trận không chiến, Trần Việt về sân bay Đa Phúc hạ cánh. Sân bay bị bom đạn cày xới nát hết cả nên anh phải xuống hạ ở bên phải đường băng. Về sau này, anh em trong đoàn bay viết tặng anh mấy câu thơ mà anh rất khoái chí :
Vài ngày nữa là chiến tranh kết thúc
Chiến công này sử sách mãi còn ghi
Thật "hạn nặng" cho thằng bay F-4
Trời Miếu Môn gặp anh Bảy làm gì !
Anh Bảy đây là anh Bảy Việt !
Ngày 27, anh Việt bắn rơi 1 chiếc F-4 thì đêm đó, Phạm Tuân bắn rơi 1 B-52. Đêm 28 thì Vũ Xuân Thiều bắn rơi 1 B-52 và hy sinh. Tối hôm 28, tôi ở sân bay Gia Lâm. Sáng hôm sau tôi về hạ cánh ở Đa Phúc với tâm trạng còn đang phấn khích về chiến công của Phạm Tuân thì nhận được tin Thiều đã hy sinh. Đứng ở ngoài sân bay, tay cầm lá thư của Thiều mà nước mắt tôi cứ trào ra, ướt đẫm khuôn mặt vốn đã hốc hác trong thời gian tham gia chiến dịch nay trông càng hốc hác hơn. Vậy là bức thư đã không bao giờ đến được tay người nhận nữa. Vậy là mọi chuyện bỗng chốc chỉ còn là kỷ niệm. Mới đây thôi, hai anh em còn cùng một Trung đội bay đêm, rồi tôi sang Đại đội đánh ngày, Thiều ở lại Đại đội đánh đêm. Cùng một Trung đoàn mà đã thấy cách biệt khi người thì hoạt động ban ngày, người lại hoạt động ban đêm. Mới hôm rồi anh Thiều còn gửi lại cho tôi chiếc áo len của tôi hôm tôi đưa Thiều mắc cho đỡ rét và Thiều cũng mới viết cho tôi xong, tế nhị "thúc giục" chuyện tôi nên sớm gắn bó với cô sơn nữ. Vậy là những dòng chữ kia bỗng nhiên đã là những dòng chữ cuối cùng... Vậy mà bây giờ đã âm dương cách biệt ...
Thư của người yêu Thiều gửi về, Thiều không bao giờ được đọc nữa và người yêu của Thiều cũng vĩnh viễn không bao giờ nhận được thư Thiều nữa.
Sững sờ đững ngoài sân bay với nước mắt chảy giàn giụa trên mặt, tôi chẳng thốt lên được một lời nào cả. Sự mất mát đến đột ngột quá. Khi trở về căn cứ, tôi lẳng lặng ghi vào đằng sau chiếc phong bì :
"Chiều chiều mây phủ Sơn La
Nhớ thường bạn, nước mắt và lộn cơm !"
Cuộc chiến này sẽ còn tiếp tục cướp đi những người bạn nào thân thiết của tôi nữa ? Và bao giờ sẽ đến lượt tôi ra đi ? Không ai trả lời được !.
Ngày cuối năm 1972, tôi trực ở sân bay Gia Lâm, biết rằng chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ đã chấm dựt. Tôi ra ngồi ở đầu đường băng. Không gian yên tĩnh và tôi thấy trống trải lạ thường. Bầu trời tĩnh lặng, sâu thẳm đến không cùng. Tôi nhìn lên đó rồi bật khóc như đứa trẻ, khóc như chưa bao giờ được khóc. Trước mắt tôi hiện lên rõ rệt, đầy đủ các khuôn mặt của các anh em, bạn hữu ... Tôi như còn nghe được cả giọng nói, tiếng cười của họ nữa. Rồi những khuôn mặt ấy bị nhòa dần theo thứ tự thời gian :
Trần Hóa ( 04.02.1969 )
Phạm Thành Nam ( 28.03.1070 )
Phạm Đình Tuân ( 28.01.1971 )
Nguyễn Văn Khánh ( 18.12.1971 )
Bùi Văn Long ( 03.03.1972 )
Nguyễn Ngọc Hưng ( 08.07.1972 )
Nguyễn Ngọc Thiên ( 12.08.1972 )
Vũ Xuân Thiều ( 28.12.1972 )
Tôi cứ ngỡ mình còn đang chiêm bao. Mới đây thôi mà sao các anh đã thành người thiên cổ. Cõi Vĩnh Hằng, khi các anh nằm ấm chỗ. Kiếp luân hồi - các anh có quay lại bay không ? Chốn trần ai bao người nhớ, người mong. Mắt đẫm lệ, nhạt nhòa sương khói. Trời xanh thắm, mung lung , cao vời vợi. Duyên nợ nào chắp mãi những cánh bay !
Tôi ngồi rất lâu, lòng không sao tĩnh nổi. Không lấy gì cân đo cho được những mất mát, đau thương. Không lấy gì so sánh được những tháng ngày gian nan ...
Hai lăm, hai sáu tuổi đầu, chúng tôi cũng đã kịp xông pha, lăn lộn, vượt qua được lò lửa chiến tranh để cứng cáp, già dặn. Tôi biết rằng, đời mình phải gắn chặt duyên nợ với bầu trời.
Nhìn lên đó, tôi ngỡ rằng, đời tôi thử lửa với cuộc chiến thế là đủ. Từ nay tôi có thể thoát được nó, sống yên bình, không còn nghe thấy tiếng bom rơi đạn nổ, không còn thấy những cột khói lửa bốc cao, không còn thấy những cảnh đổ nát hoang tàn, không còn thấy những tiếng khóc gào, không còn thấy cảnh xác chết vương vãi khắp nơi nữa ... Nhưng tôi đã lầm !.