Thưa bác sỹ em năm nay 37 tuổi. Hiện đang điều trị viên gan B mạn Tại bệnh viện nhiệt đới Trung Ương từ tháng 4 năm 2013. Kết quả siêu âm gần nhất ngày 11/10/2013 Kết luận chuẩn đoán hình ảnh nang nhỏ gan phải ( Nhu mô gan hạ phân thùy V có nang nhỏ 7mm). Tuy nhiên kết quả các lần siêu âm trước không có hình ảnh trên. Xin hỏi bác sỹ kết luận trên mức độ bệnh của em như thế nào và có điều trị như thế nào ?
Người gửi: Trần Quang Huy
ÁP:
Chào bạn,
Hình ảnh nang gan trên siêu âm là do thay đổi cấu trúc gan do có một túi chứa dịch ở gan, sự thay đổi này là lành tính, không cần điều trị. Bệnh lý này không liên quan đến viêm gan B. Trong thời gian điều trị viêm gan siêu vi B bạn sẽ được bác sĩ cho chỉ định theo dõi kích thước nang gan qua siêu âm mỗi 3 -6 tháng.
Thân ái
ThS.BS Nguyễn Thị Cẩm Hường
Phòng khám Viêm gan
---------
Thưa Bác Sĩ em đi khám gan tại bệnh viện đa khoa kiên Giang kết quả là em dương tính gan B với chỉ số HBV DNA 11403 nhưng bác sĩ không cho em dùng thuốc gỉ hết! em dự định đi khám lai ! Cho em hỏi nếu em đi khám tại ĐHYD thì em cần làm thủ tục hay giấy tờ gì không !
Người gửi: tran anh tam
ÁP:
Em thân mến!
HBVDNA 11.000 thì không phải là cao và chưacó chỉ định dùng thuốc. Tuy nhiên, cần theo dõi men gan, HBeAg theo thời gian. Việc khám định kỳ cho bệnh nhân viêm gan B là cần thiết dù không có chỉ định dùng thuốc do diễn biến không ổn định của nhiễm HBV. Việc chỉ định dùng thuốc căn cứ vào diễn biến này sẽ được bác sĩ cân nhắc và tham vấ cụ thể. Khi khám tại ĐHYD em nên mang theo xét nghiệm và có thể sử dụng giấy chuyển bảo hiểm y tế để thanh toán chi phí trong trường hợp cần thiết.
Thân ái
TS BS Phạm Thị Lệ Hoa
Phụ trách phòng khám Viêm gan
---------
Xin chào bác sỹ. Em bị viêm gan siêu vi B mạn tính thể bệnh HBeAg âm tính. Tới giờ em đã uống Getino-B được 9 tháng. Kết quả xét nghiệm máu của ngày 25/05/2012 như sau: GOT (ASAT): 45 (Trị số bình thường 0-37); GPT (ALAT): 91 (Trị số bình thường 0-40); HBeAg: Âm tính; HBV-DNA: 4,43 x 10^5 copies/ml (Kết quả có x100 do pha loãng trong quá trình thực hiện kỹ thuật). Kết quả xét nghiệm của ngày 25/06/2012 như sau: GOT (ASAT): 28 (Trị số bình thường 0-37); GPT (ALAT): 31 (Trị số bình thường 0-40); HBV-DNA: Dương tính dưới ngưỡng. Kết quả xét nghiệm của ngày 25/11/2012 như sau: HBV-DNA: Dương tính dưới ngưỡng. Kết quả xét nghiệm của ngày 25/02/2013 như sau: SGOT (ASAT): 26.9 (Trị số bình thường 0.0-40.0); SGPT (ALAT): 28.4 (Trị số bình thường 0.0-41.0); HBV-DNA: Âm tính. Em xin hỏi bác sỹ tình trạng đáp ứng thuốc của em như đã nêu là có tốt không và liệu em còn phải tiếp tục uống thuốc trong khoảng thời gian bao lâu nữa? Đợt rồi bác sĩ khám tiếp tục kê đơn cho em uống GETINO-B 300mg ngày 1 viên và hẹn em tháng sau tái khám. Liệu khi đó em có cần xin bác sĩ làm thêm các xét nghiệm HBsAg, anti HBs, HBeAg, anti HBe, anti HBc như những bệnh nhân khác của Phòng khám Viêm gan đã làm không? Rất mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ. Em xin chân thành cảm ơn bác sĩ nhiều!
Người gửi: Lê Anh Tuấn
ÁP:
Em thân mến!
Em có bệnh viêm gan B mạn và còn biết thuộc thể bệnh HBeAg âm tính là hiểu biết rất tốt về bệnh của mình. Thể bệnh HBeAg âm tính không khó kiểm soát virus nhưng rất dễ tái phát và thường không thề ngừng thuốc do tái phát có khi xảy ra rất sớm sau khi ngừng thuốc, có khi chỉ sau 1 -2 tháng ngừng thuốc.
Theo như nói ở trên, việc điều trị để em đạt được HBDNA âm tính thì không khó. Em không có triệu chứng bệnh gan tiền triển nặng, xơ gan, … nên có thể ngừng thuốc sau khi đạt được HBVDNA âm tính tối thiều 12 tháng. Tuy nhiên, nếu có điều kiện và không có bệnh lý hay sinh lý gì cần ngưng thuốc thì nên dung tiếp cho đến khi HBsAg trở nên âm tính.
Thân ái
TS BS Phạm Thị Lệ Hoa
Phụ trách phòng khám Viêm gan
---------
Chào bác sỹ, Em phát hiện mình nhiễm virus Viêm gan B năm 1999 (15 tuổi), bắt đầu chữa trị từ năm 2007 (23 tuổi), và liên tục cho tới hiện nay bằng Lamivudine 100mg + Adefovir dipivoxil10mg + BBD. Tháng 2/2013, e đi khám có kết quả HBsAg âm tính, Bác sĩ điều trị nói có dấu hiệu "khỏi bệnh hoàn toàn", hẹn tháng sau tái khám, nếu HBsAg tiếp tục âm tính và chưa có kháng thể thì sẽ cho chích ngừa. Em xin hỏi bác sỹ "khỏi bệnh hoàn toàn" tức là cơ thể em không còn virus, giống như người chưa từng nhiễm bệnh? Tại sao có nhiều người chữa trị VGB mãn hơn 10 năm vẫn chưa thể dừng thuốc? Em càm ơn bác sỹ.
Người gửi: Trần Tiến Quyết
ÁP:
Em thân mến!
Mất HBsAg là tình huống rất hiếm gặp, có thể xảy ra ở người bị nhiễm HBV không do từ mẹ. Em cần được kiểm tra HBsAg và antiHBs lần nữa và có thể ngừng thuốc nếu HBsAg thật sự âm tính.
Thân ái
----------
em năm nay 25 tuổi, e bị viêm gan B mạn (e bị lây từ mẹ), e đã điều trị được 3,5 năm với Tenoforvir 300mg và Lamivudin 100mg. Hiện tại men gan AST và ALT của e là 30UI/L, HBV-DNA dưới ngưỡng phát hiện (trước điều trị là 2,1 x 10^9), HBeAg (+) yếu (e làm test 2 vạch nhưng vạch thứ 2 mờ). em đã kết hôn 1 năm và đang có ý định mang thai. em có đọc nhiều tài liệu và hướng dẫn của các bác sỹ, có ý kiến thì nên ngưng thuốc trước khi mang thai 6 tháng, có ý kiến thì vẫn tiếp tục uống thuốc và mang thai bình thường, sinh con ra chỉ cần chích vaccin và HBIG là được, có ý kiến thì nên chích peg interferon 1 năm trước khi quyết định mang thai nhưng do thuốc này chưa có trong danh mục bảo hiểm, kinh tế của e không đủ để chích thuốc. em muốn hỏi vậy em có thể tiếp tục uống 2 loại thuốc trên và mang thai bình thường được không? em có cần chích HBIG 3 tháng cuối thai kỳ không? nếu em uống 2 thuốc trên và sinh con ra chích đủ 2 mũi vaccin VG B và HBIG trong 24h thì em có thể cho con bú hay không ạ?
Người gửi: BÙI DƯƠNG PHƯƠNG HẢI
ÁP:
Bạn thân mến!
Bệnh viêm gan siêu vi B của bạn đang điều trị có hiệu quả vì không còn viêm gan (ALT bình thường), siêu vi B bị ức chế tốt (HBVDNA không phát hiện được trong máu). Nếu HBeAg trở nên âm và có kháng thể antiHBe thì bạn cần điều trị củng cố thêm 6-12 tháng. Do vậy bạn vẫn chưa thể ngừng thuốc an toàn vì sẽ bị tái phát do miễn dịch của bạn vẫn chưa kiểm soát được siêu vi (HBeAg còn dương). Bạn cần tiếp tục sử dụng Tenofovir để tiếp tục kiểm soát siêu vi cho đến khi mang thai. Bạn không có điều kiện thì không nên nhắc đến việc dùng PEG-INTERFERON, và Peg-Interferon mới cần ngừng điều trị trước khi mang thai.
Tenofovir không cần thiết ngưng thuốc trước 6 tháng trước khi mang thai. Khi mang thai, nếu bác sĩ của bạn cân nhắc việc ngưng thuốc là an toàn và không gây bùng phát viêm gan nguy hiểm thì bác sĩ sẽ quyết định ngừng thuốc trong 3 tháng đầu của thai kỳ và theo dõi sát viêm gan bùng phát trong thời gian ngưng thuốc. Nếu việc ngừng thuốc gây tăng men gan kéo dài và gấp nhiều lần thì bác sĩ sẽ cho bạn tiếp tục dùng trở lại Tenofovir là thuốc có thể dùng khi mang thai. Khi mang thai, tùy theo tình trạng HBVDNA vào 3 tháng cuối thai kỳ mà bạn sẽ được sử dụng biện pháp phòng ngừa lây truyền cho con thích hợp. HBIg và Vaccin chích cho bé trong 24 giờ đầu sau sanh là để giảm tối đa khả năng lây nhiễm HBV cho bé.
Bạn vẫn có thể cho con bú nếu bé được chích đủ HBIg và vaccin theo lịch tiêm ngừa.
Thân ái
TS BS Phạm Thị Lệ Hoa
Phụ trách phòng khám Viêm gan
----------
Em bị viêm gan mạn, bắt đầu điều trị từ năm 2008 tại BV Y Dược HCM và dùng thuốc tenoforvir 300mg theo chỉ định. Em đã định lượng DNA 3 lần, kết quả như sau: 1. Năm 2009: 3.82*1000 copies/ml 2. Năm 2010: Âm tính 3. Năm 2013: 7.82 * 1000 copies/ml Các xét nghiệm men gan (got, gpt, ggt) đều nằm trong mức bình thường. Năm 2011 em bắt đầu ngưng uống thuốc thì năm 2013 thấy định lượng DNA tăng lên. Vậy em có tiếp tục uống thuốc trở lại hay không? Nếu kết quả như bây giờ thì em có thể có thai không hay cần phải điều trị tiếp? Xin cảm ơn bác sĩ!
Người gửi: Nguyễn Hòa
ÁP:
Bạn thân mến!
Tình trạng tái hoạt siêu vi là thường gặp sau ngừng thuốc. Bạn có tái hoạt siêu vi sau khi ngưng điều trị nhưng mật độ HBVDNA chưa cao, cần được giám sát tốt và thường xuyên, để được chỉ định điều trị lại khi cần.Bạn không cho biết tình trạng HBeAg. Nếu HBeAg âm và đang ngừng điều trị, HBVDNA như trên vẫn còn chưa cần thiết dùng thuốc. Bạn nên tái khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ để được theo dõi men gan va hoạt tính của siêu vi B.
Bệnh có chỉ định điều trị lại khi HBVDNA tiếp tục tăng kèm theo ALT tăng và có thể có HBeAg dương trở lại. Bạn có thể và nên có thai trong khi chưa cần thiết dùng thuốc như hiện nay. Tùy theo mật độ siêu vi vào 3 tháng cuối thai kỳ thì bác sĩ sẽ tham vấn cho bạn biện pháp giảm lây truyền sang con.
Thân ái
TS BS Phạm Thị Lệ Hoa
Phụ trách phòng khám Viêm gan
---------
Bạn cần chú ý thêm có bậnh gan khác gây tăng AST và GGT như bia rượu, thuốc tân dược hay thảo dược, … Điều này đặc biệt quan trọng do kết quả fibroscan (độ xơ hóa hay đàn hồi gan) của bạn cho thấy độ đàn hồi của gan giảm (F3 hay >9KpA). Nếu độ đàn hồi gan giảm do Viêm gan B thì khi bạn sử dụng thuốc đều đặn, kiểm soát được siêu vi B lâu dài thì độ đàn hồi gan có thể cải thiện dần mỗi 6 tháng.
Hiện nay không có thuốc nào được xem là hiệu quả phục hồi xơ hóa cho mọi nguyên nhân xơ gan. Việc tìm ra nguyên nhân, điều trị và giải quyết nguyên nhân xơ gan mới là biện pháp hiệu quả nhất.
---------
TS BS Phạm Thị Lệ Hoa
Phụ trách phòng khám Viêm gan
---------
Thưa bác sĩ tôi bị viêm gan b mạn tính với chỉ số men gan cao bác sĩ kê đơn thuóc cho tôi uốngGentino –B và RB 25. 1 tháng sau kiểm tra lại, tôi mới uống được 4 ngày nhưng kể từ hôm uống thuốc tôi thường bị mất ngủ vào đêm và thấy mệt mỏi trong người.tôi muốn hỏi bác sĩ có phải do kích ứng của thuốc không và làm thế nào để cải thiện tình hình.
Người gửi: nguyen ngoc yen
ÁP:
Bạn thân mến!
Men gan cao có thể làm chán ăn, khó tiêu nhưng không làm mất ngủ. Thuốc trên không gây mất ngủ hay mệt mỏi. Bạn nên yên tâm nghỉ ngơi, không nên lo lắng, giải quyết căng thẳng trong cuộc sống và đi khám lại nếu tình hình không cải thiện.
Bác sĩ có thể cho xét nghiệm kiểm tra chức năng gan, chức năng tuyến giáp, khám thần kinh đề tìm nguyên nhân mệt mỏi và loại trừ khả năng bệnh gan đang tiến triển nặng thêm. Nếu bác sĩ không tìm ra được nguyên nhân, bạn có thể được thay đổi thuốc nhóm khác để tránh tác dụng tâm lý.
Thân ái
TS BS Phạm Thị Lệ Hoa
---------
Thưa bác sĩ . Tôi là nam 30 tuổi. tôi phát hiện có vi rus HBsAg dương tính từ tháng 11 năm 2011. Đến tháng 1 năm 2013 tôi làm xét nghiệm lại cho thấy: HbsAg dương tính; HbeAg dương tính, Creatinin 114, Glucose=5.05 , xét nghiệm máu cho thấy AST= 27, ALT= 37. GGT=24 và đếm HBV DNa= 8,7 X 10 mũ 6. XIN HOI tÔI BỊ VIÊM GAN B o cấp mãn tính hay cấp tính? kết quả như vậy đã nên điều trị thuốc hay chưa?
Người gửi: hồ Văn Hùng
ÁP:
Bạn bị viêm gan siêu vi B mạn vì bạn đã mang siêu vi B hơn 6 tháng. Kết quả xét nghiệm của bạn cho thấy siêu vi B có hoạt tính vì có HBeAg (+) và HBV DNA >10 mũ 5 copies/ml. Viêm gan siêu vi B mạn có chỉ định điều trị khi siêu vi có hoạt tính và gây tổn thương gan. Hiện tại bãn không có biểu hiện tổn thương gan vì men gan ALT bình thường (< 40 U/L). Mặc dù vậy, bạn vẫn cần theo dõi định kỳ mổi 3 tháng để theo dõi ALT và HBeAg để bác sĩ chỉ định điều trị khi có chỉ định.
Thân ái
ThS.BS Nguyễn Thị Cẩm Hường
Phòng khám Viêm gan
---------
Tôi năm nay 41 tuổi, bị viêm B từ năm 2010, từ đó đến nay cứ 6 tháng tôi đi xét nghiệm máu, siêu âm, bác sỹ đều nói chức năng gan bình thường, cứ mỗi năm tôi xét nghiệm HBV-DNA đều âm tính. Gần đây nhất tôi đi xét nghiệm kết quả: HbsAg (+), HbeAg(-), Anti-HBe(-), anti-HBe typ IgG (+), Anti-Hbe typ IgM (-).Bác sỹ không cho xét nghiệm HBV-DNA. Xét nghiệm chức năng gan bình thường, Siêu âm: Âm gan tăng nhẹ hơi thô. Bác sỹ không cho thuốc. Xin hỏi Bác sỹ là lần xét nghiệm này tôi có thắc mắc là tất các các lần trước Anti-HBe của tôi đều dương tính, tại sao lần này Anti-HBe lại chuyển từ dương tính sang âm tính. Xin Bác sỹ tư vấn giúp tình trạng bệnh của tôi. Xin cảm ơn Bác sỹ.
Người gửi: Nguyễn Trần Sơn
ÁP:
Kết quả xét nghiệm của bạn có men gan bình thường, HBeAg âm, HBV DNA âm nghĩa là bạn bị nhiễm siêu vi B ở giai đoạn không hoạt tính và siêu vi không gây tổn thương cho gan.
Tuy nhiên khi cơ thể kiểm soát siêu vi không hiệu quả, hoạt tính của siêu vi có thể gia tăng trở lại, biểu hiện bằng tăng men gan và tăng trở lại HBVDNA, có thể kèm theo HBeAg (+) trở lại. AntiHBe chỉ là hình ảnh ngược chiều với HBeAg.
Các xét nghiệm IgM, IgG do bạn cung cấp không chính xác và không có giá trị.
Bạn cần theo dõi định kỳ tiếp tục như trước nay (HBVDNA hàng năm, HBsAg, ALT, Siêu âm bụng và AFP mỗi 6 tháng). Khi có men gan tăng, cần xét nghiệm HBVDNA để phát hiện virus tái hoạt và chỉ định dùng thuốc đặc trị nếu có chỉ định.
Thân ái
ThS.BS Nguyễn Thị Cẩm Hường
Phòng khám Viêm gan
--------
Kính thưa Bác sĩ! Tôi năm nay 36 tuổi. Tháng 4/2013 tôi có đi xét nghiệm và phát hiện bị viêm gan B, sau đó tôi có đi làm thêm các xét nghiệm khác . Kết quả các chỉ số như sau: - AST (GOT): 75 - ALT (GPT): 93 - HbeAG: (-) - Anti-Hbe (+) - AFP: 1.34 - HBV-DNA: 1.04 x 10 mũ 3 IU/ml - HBV-DNA: 6.05 x 10 mũ 3 copies/ml - HbsAg (Định lượng): 1465 IU/ml Tôi đang rất lo lắng, vậy mong bác sĩ cho tôi biết tình trạng bệnh của tôi hiện nay ra sao? phải điều trị thuôc như thế nào? Cám ơn Bác sỹ! mong tin hồi âm của bác sĩ.
Người gửi: Tran Duc Dang
ÁP:
Bạn bị viêm gan siêu vi B mạn nhưng hiện tại siêu vi không hoạt tính vì dấu ấn HBeAg âm và HBV DNA < 10.000 copies/ml. Vì vậy, mặc dù bạn vẫn còn mang siêu vi B, tình trạng tăng AST và ALT của bạn không phải do viêm gan siêu vi B và không có chỉ định dùng thuốc đặc trị chống siêu vi B. Mặt khác, ngoài siêu vi viêm gan B bạn còn có thêm bệnh lý gan do nguyên nhân khác.
Bạn cần theo dõi chức năng gan trong vài tháng liên tiếp để có thông tin chi tiết hơn về kiểu thay đổi men gan của bạn, giúp cho bác sĩ chẩn đoán được nguyên nhân gây viêm gan hiện nay. Ngoài ra, bạn cũng cần theo dõi định kỳ trạng thái hoạt tính của siêu vi B để được chỉ định dủng thuốc kiểm soát siêu vi viêm gan B khi cần thiết.
Thân ái
ThS.BS Nguyễn Thị Cẩm Hường
Phòng khám Viêm gan
--------
Thưa bác sỹ: Tôi bị nhiễm HBV đang đièu trị bằng thuốc tennofovir đã 12 tháng hiện nay xuất hiện buồn nôn.Xin hỏi BS có dùng thuốc gì để chống buồn nôn được không?
Người gửi: Nguyễn Tiến Lên
ÁP:
Triệu chứng buồn nôn của bạn có thể do tác dụng phụ của Tenofovir, có thể là biểu hiện của bệnh dạ dày ruột hay các rối loạn tuần hoàn não hay các rối loạn nội tiết. Tác dụng buồn nôn do Tenofovir sẽ xuất hiện từ đầu khi bạn mới dùng thuốc. Bạn đã dùng thuốc được 12 tháng nên ít khả năng do thuốc. Nếu bạn vẫn còn buồn nôn kéo dài thì nên đến bác sĩ nội khoa để tìm nguyên nhân và được điều trị thích hợp. Tạm thời bạn có thể dùng các thuốc chống buồn nôn nhưng thuốc chỉ có tác dụng nhất thời chứ không hết hẳn triệu chứng nếu chưa tìm được và giải quyết được nguyên nhân.
Thân ái
ThS.BS Nguyễn Thị Cẩm Hường
Phòng khám Viêm gan
--------
Thưa Bác sĩ, tôi là nữ, 56 tuổi. tôi phát hiện nhiễm virus viêm gan B HBsAG + cuối năm 2001. Đầu năm 2002 xét nghiệm HBeAG -, HBsAG +. Tôi không điều trị gì, vì men gan bình thường, và năm 2010 xét nghiệm HBV DNA cho kết quả âm tính. Đến tháng 10 năm 2012 tôi xét nghiệm HBV DNA cho kết quả 2,17 X 10 mũ 4, và men gan ALT= 45 ( bình ht]ơngf là <=40). tôi được chỉ định uống entercavir : 0,5mgX 1 viên/ngày. 8 ngày sau khi uống Entervavir tôi làm xét nghiệm HBeAG cho kết quả âm tính. Tôi đọc tài liệu thấy, nếu HBsAG +, mà HBV DNA => 10 mũ 4, nhưng HbeAg âm tính như vậy là người đó đã bị nhiễm loiaj virus HBV đột biến, khó điều trị. Sau ba tháng uống Baraclude, tôi xét nghiệm HBV DNA cho dưới ngưỡng phát hiện ( ngưỡng =100 copies). Tôi lại tiếp tục uống Baraclude 3 tháng nữa. Sau 3 tháng ) uống baraclude tôi làm xét nghiệm thì HBV DNA = 5,54X 10 mũ 3. còn các xét nghiệm sinh hóa, đông cầm máu , AFP, siêu âm ổ bụng đều bình thường. Chỉ có canxi ion= 0,9( bình thường= 1,08-1,2mmoL/l). Tôi xin Bác sĩ tư vấn giúp: tổng cộng là 6 tháng, thuốc của Mỹ sản xuất, mua tại cửa hàng thuốc mà HBVDNA từ âm tính, sau 3 tháng lên tới 10 mũ 3 là tôi bị kháng thuốc với Baraclude rồi phải không ạ? Bởi vì có bác sĩ khác tôi hỏi thì nói tằng với HBV DNA =10 mũ 3 thì chưa chắc là bị kháng thuốc. 2/ Sau khi kết quả xét nghiệm HBV DNA lên 10 mũ 3, tôi được chỉ định chuyển sang uống Tenofovir STADA 300mg, ngày 1 viên. Tôi đã uống được 10 ngày. Nhưng tôi đọc hướng dẫn dùng thuốc thì thấy thuốc có nhiều tác dụng phụ quá, trong khi Baraclude thì bản hướng dẫn chỉ nói có ảnh hưởng tới chức năng thận. Vậy sau 1thangs dùng Tenofovir tôi có thể dùng lại Baraclude được không ạ? 3/ tỉ lệ canxi ion trong máu của tôi chỉ là 0,9 mmoL/l như vậy có ảnh hưởng gì xấu không ạ. Tôi rất cám ơn Bác sĩ.
Người gửi: Nguyễn Thị Lê Mai
ÁP:
Chào bạn,
Theo như kết quả xét nghiệm và diễn tiến bệnh và điều trị của bạn thì trong giai đoạn từ 2001 đến 2012 bạn tự kiểm soát được virus HBV (HBVDNA <104 copies/ml nên không cần dùng thuốc để kiểm soát. Tuy nhiên bạn vẫn còn mang một lượng nhỏ virus trong gan và trong máu, nếu bạn kiểm tra HBVDNA mỗi năm bạn sẽ có kết quả HBVDNA biến động nhưng vẫn ở giới hạn thấp. Có 30-40% người từ giai đoạn này sẽ diễn biến qua trạng thái virus tái hoạt động phát hiện bằng HBVDNA tăng trở lại vượt qua ngưỡng 104 copies/ml, và diễn biến sang viêm gan với biểu hiện tăng ALT và AST.
Tình huống gia tăng trở lại HBV DNA của bạn báo hiệu trước diễn biến viêm gan do virus tái hoạt (hay viêm gan siêu vi B mạn với HBeAg âm). Nếu làm xét nghiệm phân tử nhiều khả năng sẽ tìm được một số virus có mang đột biến trong quẩn thể virus bạn đang mang trong người. Bác sĩ không cần xét nghiệm phân tử cho bạn vì việc điều trị và đáp ứng điều trị không có khác biệt so với chủng không có đột biến. Điều cần lưu ý duy nhất là chủng virus này rất khó kiểm soát tự nhiên (không dùng thuốc). Vì thế, việc làm mất HBVDNA đạt được rất nhanh sau dùng thuốc, nhưng vẫn cần dùng thuốc kéo dài, lý tưởng nhất là sau khi mất hẳn HBsAg.
Bạn được điều trị với Baraclude với hoạt chất là Entecavir là thuốc có tác dụng ức chế virút mạnh, khả năng xảy ra kháng thuốc thấp ở người chưa từng dùng thuốc đặc trị.
Tuy nhiên sau 6 tháng điều trị, HBV DNA tăng trở lại (5,54x 10^3) là dấu hiệu cảnh báo kháng thuốc:
Bạn cần kiểm tra lại việc dùng thuốc có được liên tục hay không. Thời điểm dùng thuốc cần cách xa bữa ăn tối ưu là 2 giờ để không cản trở hấp thu thuốc, và thuốc được bảo đảm về hàm lượng hoạt chất (sản phẩm có nguồn gốc tin cậy ). Nếu sau 1 tháng dùng liên tục đúng thời điểm với thuốc đúng chất lượng và HBVDNA kiểm tra trở lại vẫn ở mức tăng như trên hay nhiều hơn thì có thể nghi ngờ kháng thuốc. Lúc này, mới cần thiết làm xét nghiệm xác định tính chất của kháng thuốc và chọn lựa thuốc thay thế hay phối hợp thêm.
Tenofovir là thuốc thay thế cho trường hợp của bạn nên bạn đã được chỉ định dùng để thay thế. Tác dụng phụ của Tenofovir và Entecavir rất ít gặp với liều điều trị viêm gan B mạn. Sau khi xác định cẩn thận là bạn không dung nạp mới nên thay đồi thuốc vì có rất ít phác đồ thay thế cho viêm gan B mạn. Tác dụng phụ thường gặp là buồn nôn thường nhẹ trong một vài ngày đầu và ít khi cần đổi thuốc. Tác dụng phụ gây suy thận chỉ ở bệnh nhân xơ gan nặng. Giảm mật độ chất khoáng ở xương cũng rất hiếm và chỉ được mô tả ở bệnh nhân dùng vài mươi năm trở đi.
Bạn nên tiếp tục dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và theo dõi tiếp các triệu chứng đề báo với bác sĩ. Các vấn đề của bạn sẽ được cân nhắc đầy đủ để chọn lựa giải pháp tối ưu về lâu dài cũng như phù hợp với bạn.
Thân ái
TS BS Phạm Thị Lệ Hoa
Phụ trách Phòng khám Viêm gan
--------