- Biển số
- OF-579316
- Ngày cấp bằng
- 15/7/18
- Số km
- 7,980
- Động cơ
- 1,084,616 Mã lực
Link bài trên FB cụ PH:
Nội dung thư này của cụ Thiềm có nghĩa là cụ Thiềm đã "khôn khéo, dũng cảm" thực hiện nạp nhiên liệu ngay trên xe kéo TMZ tên lửa, trong điều kiện dã chiến, không có đủ bảo hộ? Đây là 1 sáng kiến nữa, bên cạnh sáng kiến lắp ráp tên lửa ngay trên xe kéo TMZ (chứ ko cần lắp trên xe TCT rồi cẩu sang). Lắp ráp xong thì mới chuyển đi nạp nhiên liệu.
Các cụ ngày xưa thật quá dũng cảm!
P/s: có khi cụ Hà Tam là hàng xóm cũ nhà cụ PH (khu K7 gần sân bóng đá BK)
Phung Ho
ĐỂ KỶ NIỆM 50 NĂM “CHIẾN THẮNG ĐBP TRÊN KHÔNG” XIN ĐĂNG LÊN ĐÂY THƯ CỦA GS TS HOÁ HỌC LÂM NGỌC THIỀM, BẠN ĐỒNG MÔN CỦA TÔI Ở KIEV, NGƯỜI LÍNH PHÒNG KHÔNG CÓ ĐÓNG GÓP XUẤT SẮC CHO “BINH CHỦNG TÊN...
www.facebook.com
Nội dung thư này của cụ Thiềm có nghĩa là cụ Thiềm đã "khôn khéo, dũng cảm" thực hiện nạp nhiên liệu ngay trên xe kéo TMZ tên lửa, trong điều kiện dã chiến, không có đủ bảo hộ? Đây là 1 sáng kiến nữa, bên cạnh sáng kiến lắp ráp tên lửa ngay trên xe kéo TMZ (chứ ko cần lắp trên xe TCT rồi cẩu sang). Lắp ráp xong thì mới chuyển đi nạp nhiên liệu.
Các cụ ngày xưa thật quá dũng cảm!
P/s: có khi cụ Hà Tam là hàng xóm cũ nhà cụ PH (khu K7 gần sân bóng đá BK)
Cụ GS Làng em, nguyên Giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội, viết trên FB mà e ko biết chèn vào đây, nên e copy bài viết có liên quan đến 50 năm trước:
ĐỂ KỶ NIỆM 50 NĂM “CHIẾN THẮNG ĐBP TRÊN KHÔNG” XIN ĐĂNG LÊN ĐÂY
THƯ CỦA GS TS HOÁ HỌC LÂM NGỌC THIỀM, BẠN ĐỒNG MÔN CỦA TÔI Ở KIEV, NGƯỜI LÍNH PHÒNG KHÔNG CÓ ĐÓNG GÓP XUẤT SẮC CHO “BINH CHỦNG TÊN LỬA” TRONG CHIẾN DỊCH ”ĐBP TRÊN KHÔNG”
Cụ Phùng Hồ thân mến
Mới đó mà đã nửa thế kỷ trôi qua. Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng ĐBP trên không, tôi nhớ lại thời khắc lịch sử đó và vinh dự được trực tiếp tham gia vào một trong những dấu mốc quan trọng này của đất nước chúng ta, Cụ là người bạn đồng môn chỉ khác chuyên ngành ở KГY và cũng đã từng trải qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh nên trong đoạn hồi ký ngắn ngủi dưới đây (không phải khoe khoang đâu nha!), tôi muốn kể lại đôi điều của người trong cuộc để cụ dễ hình dung và đồng cảm với chú lính "đất Cảng" ngày ấy. *)
Hồi ký về Chiến thắng “ĐBP trên không” 1972
19g00 ngày 18.12.1972, chúng tôi đang sinh hoạt tại đơn vị sau một ngày luyện tập ở hậu cứ của sư đoàn phòng không 363. Mở đầu buổi sinh hoạt, chúng tôi vừa hát vừa vỗ tay “hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ…” dưới tán rừng thông thuộc ngoại ô thị trấn Sao Đỏ- Hải Dương thì còi báo động cấp 1 vang lên. Sau 5 phút chúng tôi đã nhanh chóng tập hợp thành đội ngũ lên đường về vị tiền phương thuộc ngoại ô thành phố cảng (lính tên lửa chúng tôi thường hành quân bằng cơ giới). Trên đường hành quân, chúng tôi gặp phải những trận mưa bom của máy bay Mỹ từ vịnh Bắc Bộ ập vào phá hủy đường xá và cầu cống. Nhiệm vụ của tiểu đoàn nhiên liệu (D5) chúng tôi phải tìm đường về vị trí để nạp nhiên liệu vào quả tên lửa càng sớm càng tốt, nhanh nhất có thể để đưa lên bệ phóng nghênh chiến với pháo đài bay B 52 của Mỹ.
Và thật đáng quý khi trí tuệ cùng tâm sức của những người lính chúng tôi được thể hiện ngay trong những ngày Tổ quốc đang tiến hành trận đánh lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”. Trận đánh đó trở thành kỷ niệm không bao giờ có thể quên với tôi.Trong những ngày tháng ác liệt của chiến tranh, phía Liên Xô chỉ có thể cung cấp cho Việt Nam tên lửa, còn sử dụng thế nào phải do chúng ta tự làm chủ. Những kiến thức hóa học được trang bị trong những năm tháng học tại Liên Xô đã giúp tôi cùng các đồng đội đã trực tiếp, trong điều kiện dã chiến, ngoài cánh đồng, giữa đêm tối nạp nhiên liệu vào tên lửa SAM – 2, một trong những loại nhiên liệu cực độc, có thể gây ảnh hưởng đến sinh sản và phát bệnh ung thư nếu con người bị phơi nhiễm. Chúng tôi phải nạp 3 loại nhiên liệu lỏng vào 3 khoang của tầng 2 tên lửa. Đó là chất O (chất oxi hóa) vào khoang 1, chất Г (chất khử) vào khoang 2, chất I (chất mồi) vào khoang 3, còn ở khoang 4 đã có sẵn không khí nén. Khi tầng 1 của tên lửa tách khỏi tầng 2 thì van khí nén mở ra và tức khắc nén 3 loại chất O, Г, И hòa vào với nhau để phản phản ứng oxi hóa khử xảy ra tạo thành dòng năng lượng điện hóa cung cấp cho ngòi nổ vô tuyến ở phía trên đầu đạn rồi truyền tín hiệu về trạm điều khiển ở mặt đất hướng quả tên lửa vào mục tiêu. Còn làm thế nào để kẻ thù không thể phát hiện ra. Đó là cả một nghệ thuật độc đáo của bộ đội PKKQVN. Tự tin vào kiến thức đã được học, nên mặc dù không có trang bị an toàn như trong phòng thí nghiệm, nhưng tôi cùng đồng đội bất chấp mưa bom bão đạn của kẻ thù vẫn kiên trì đứng “tiếp lửa” cho tên lửa diệt máy bay Mỹ bằng cách dùng áo mưa trùm lên đầu, khẩu trang, khăn mặt thấm ướt bịt miệng và lợi dụng hướng gió để nạp nhiên liệu cho đủ cơ số đạn. Khi nạp nhiên liệu xong thì đại đội xe ЗИл cộc trực sẵn cẩu lên xe và ngay trong đêm chuyển đến trận địa đưa lên bệ phóng. Những người lính chúng tôi đã góp một phần nhỏ bé làm nên một tượng đài quả cảm trong chiến thắng vang dội của quân dân Việt Nam tháng 12 năm ấy.
Trận ĐBP trên không đã toàn thắng ngày 29.12.1972. Đế quốc Mỹ dù ngoan cố cũng buộc phải ký hiệp định Paris “chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” ngày 27.1.1973. Những người trong cuộc như chúng tôi mới hiểu giá trị 2 tiếng HÒA BÌNH mới quý giá làm sao!. Tôi nhớ lại: Cái đêm không ngủ đó, tôi và anh bạn lái xe ЗИл cộc, tên Soạn kém tôi khoảng 7-8 tuổi gì đó cùng nằm trên chiếc giường tre của nhà dân tại thôn Lạng Côn ở ven đô thành phố cảng, nghe bài hát “Đường chúng ta đi: Viết Nam trên đường chúng ta đi/Nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó!...” qua chiếc đài cũ kỹ Xiêng Mao của anh Soạn. Chúng tôi ôm nhau mà nước mắt cứ lăn trên gò má vừa sung sướng, vừa tự hào và tôi đã ghi lại dòng cảm xúc:
Bên bệ phóng
Từ bục giảng tôi về bên bệ phóng,
Niềm tự hào mong ngóng mỗi phút giây
Bê năm hai (B52) phơi bụng trên đường cầy
Ôi vinh dự người thầy hôm nay là chiến sỹ!
12.1972
Sư đoàn 363 của chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ vùng duyên hải vịnh Bắc Bộ và sườn phía đông của của thủ đô Hà Nội. Trong cuộc chiến đấu ấy, bản tin nhanh của sư đoàn truyền đi chiếc B52 bị trúng đạn đâm xuống hồ Hữu Tiệp, mảnh của chúng rơi lả tả đã làm đau những nhành hoa đất Ngọc Hà quê ngoại tôi:
NHỚ LẠI
Thăng Long-đất thánh ngắm trời xanh,
Ba Đình vang vọng hồn “Bốn Nhăm”.
Bình tĩnh ta đi vào trận đánh
“Năm Hai”*) lả tả mắc trên cành!
*) máy bay B52 12.1972
Sau này, khi một phóng viên hỏi tôi về: nguyên do nào đưa một tiến sĩ hóa học góp mặt vào một trong những cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc. Tôi trả lời: Ngoài lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược Mỹ giày xéo lên Đất nước mà bất cứ công dân nào cũng hiện hữu trong tim, tôi còn có một lý do nữa: Tôi được cử đi học tại Liên Xô - đất nước của lãnh tụ Lê Nin, của những chiến sĩ Hồng quân vĩ đại. Không biết từ lúc nào, tinh thần yêu nước và lòng căm thù quân giặc xâm lăng đã chảy trong dòng máu của tôi và được ngọn lửa Cách mạng Nga thôi thúc. Người thầy giáo hướng dẫn tôi là một nhà sư phạm mẫu mực nhưng cũng là một chiến sĩ Hồng quân Liên Xô, trong một lần đi chơi trên dòng sông Đông êm đềm đã hỏi tôi: “Sau khi tốt nghiệp, về nước anh muốn làm gì? Tôi trả lời: tôi muốn trở thành thầy giáo. Ông bảo: “làm thầy giáo phải có kiến thức tổng hợp, sâu rộng để truyền đạt cho học sinh. Khi phát xít Đức giày xéo quê hương, tôi cũng ra trận và cũng từ mặt trận trở về với giảng đường. Anh thử suy nghĩ xem khi mà đất nước đang bị họa ngoại xâm thì chúng ta phải làm gì?”. Tinh thần Cách mạng Tháng 10 và niềm tự hào của nước Nga đã là nguồn động viên rất lớn cho những người con của Việt Nam khi học tập tại đây. Khi đất nước lâm nguy, dù là ai đi chăng nữa đã hiểu những điều người thầy - chiến sĩ của mình căn dặn và sau này khi Tổ quốc gọi, tôi đã gác bút nghiên lên đường ra trận dù độ tuổi của tôi lúc này không còn trẻ - 32 tuổi. “Được đào tạo trong ngôi trường XHCN Xô Viết và sự dìu dắt của những con người Nga vĩ đại, đôn hậu đặt trong khung cảnh đau thương của đất nước, dân tộc. Bản thân tôi cũng cảm thấy lẻ loi khi không được tham gia trên tuyến đầu chống Mỹ và góp chút ít công sức dù nhỏ bé vào cuộc chiến đấu gian khổ của cả thế hệ chúng tôi”. Kỷ niệm 50 năm chiến thắng ĐBP trên không, tôi viết:
Năm mươi năm
29.5. 2022
Tháng Năm nhớ lại tần ngần
Bảy Hai cao điểm cái lần tiễn tôi
Đi trong bom đạn một thời
Lên đường ra trận trò tôi cùng thầy
Ngược về dạo ấy hôm nay
Bâng khuâng mỗi bước ai hay mất còn?
Một thời lửa đạn mưa bom
Hạ Long- sông Cấm nhớ còn trong tôi?
50 năm tuổi xa rồi!
Thầy trò xếp bút rời nơi giảng đường?
Cho dù muôn nẻo chiến trường
Cho tôi được nhớ, được thương, được chờ
Ước gì có một giấc mơ
Để tôi ôn lại lính xưa bạn bè!
Để trong yên lặng trưa hè
Tuổi xưa thức dậy nhớ về lính tôi.
Bỗng nhiên tim đập đổ hồi
Thầy giáo-người lính một thời mang theo!
Thế đấy, nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi đã bước sang tuổi U 90 và ghi lại những điều mà người lính chúng tôi đã trải qua bằng ngôn ngữ của 50 năm về trước. Giờ đây đất nước của chúng ta đã thay da đổi thịt, nhưng hố bom được san lấp và thay bằng màu xanh của lúa ngô, những cánh rừng bị tàn phá bởi chất đioxin nay cũng được phủ bằng màu xanh của núi rừng vốn có. Cuộc sống của chúng ta cũng khấm khá hơn nhiều dù rằng chưa thật giàu sang.
Chúng tôi những người lính của chiến dịch “ĐBP trên không” năm xưa tin tưởng và hy vọng lớp trẻ hôm nay sẽ làm nên một“Điện Biên Phủ trí tuệ Việt Nam” trong khoa học và công nghệ.
*) Tôi dạo này cũng không khỏe, nằm bệnh viện mấy tháng và phải mổ để tạo hình niệu quản. Hồi ấy ra trận có rất nhiều thầy giáo và sinh viên, trong đó chỉ có 2 tiến sỹ . Đó là tôi và TSKH Ngô Huy Cẩn (bố của Ngô Bảo Châu), nhưng anh Cẩn theo ngành cơ học nên họ chuyển về viện vũ khí, còn tôi làm binh nhì của sư đoàn 363 và được tham gia trận ĐBP trên không.
HỒI ẤY Ở KHOA TOÁN LÝ BÁCH KHOA, TÔI, ANH NGUYỄN HỮU TĂNG, ANH NGUYỄN VĂN ĐẠO CŨNG CÓ KHÁM SỨC KHOẺ ĐỂ NHẬP NGŨ, NHƯNG RỒI KHÔNG GỌI AI CẢ, CÓ LẼ CHÚNG TÔI HƠI NHIỀU TUỔI HƠN, TÔI HƠN ANH THIỀM HAI TUỔI.
TỆ QUÁ TRONG IPAD CỦA TÔI KHÔNG CÓ BỨC ẢNH NÀO CỦA ANH THIỀM, NGOÀI BỨC ẢNH CHÚNG TÔI ĐI TẮM Ở SÔNG ДНЕПР КИЕВ. TỪ TRÁI: HẢO, TÂN, NINH, HỒ, THIỀM, THUÂN
Chỉnh sửa cuối: