Chuyên gia Liên Xô hướng dẫn quân đội bắc Việt Nam.
Các chuyên gia Liên Xô tại Việt Nam
Chuyên gia quân sự Liên Xô chụp ảnh với thanh niên địa phương
Các chuyên gia Liên Xô tại Việt Nam
https://anhxua.net/album/co-van-lien-xo-trong-chien-tranh-viet-nam_220.html
CHUYÊN GIA QUÂN SỰ LIÊN XÔ TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM
(1954-1975)
1- Quyết định gửi chuyên gia quân sự sang Việt Nam
Cuối những năm 50 (XX), Việt Nam, Đông Dương không thuộc khu vực quan tâm
và ưu tiên chiến lược của Liên Xô. Quan hệ Xô –Việt khá mờ nhạt so với quan hệ của Liên
Xô với những nước châu Á khác. Tháng 12-1963, khi quyết định một số vấn đề quan trọng
về đường lối cách mạng Việt Nam, về quan hệ quốc tế, Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương
Đảng Lao động Việt Nam đã nâng cao quan điểm về "chủ nghĩa xét lại hiện đại", coi đó là
nguyên nhân chính làm "tổn thương nặng đến tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nước anh em,
nhất là giữa Liên Xô và Trung Quốc, đánh vào trụ cột đoàn kết của cả phe ta"[1]. Kết luận
đó khiến Liên Xô không hài lòng, có phản ứng gay gắt, "cắt giảm viện trợ kinh tế cho Việt
Nam tới 30% và đòi Việt Nam gấp rút thanh toán những món nợ hiện có" [2]. Quan hệ Việt
- Xô xấu đi trông thấy, rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử quan hệ hai nước.
Cuối những năm 1964 - đầu năm 1965, diễn ra một số sự kiện làm biến đổi căn bản
thái độ của Moscow đối với Hà Nội. Tháng 10-1964, N.Khorusov thôi giữ cương vị lãnh
đạo, Ban lãnh đạo mới lên nắm quyền. Dù không công khai tuyên bố từ bỏ chính sách đối
ngoại “cùng tồn tại hòa bình", nhưng Ban lãnh đạo của Liên Xô khẳng định lại vai trò trụ
cột đối với phong trào giải phóng dân tộc. Sự kiện Vịnh Bắc Bộ (1964) đã khiến Liên Xô
nhận thức lại vấn đề Việt Nam, nhất là khi ảnh hưởng của Trung Quốc ở nơi đây đang tăng
mạnh. Trong tình hình đó, nếu Liên Xô không có bước chuyển chiến lược kịp thời, rất có
thể vị trí của Liên Xô tại khu vực sẽ ngày càng hạn chế và Liên Xô khó có cơ hội kiềm chế
Trung Quốc – một đối thủ cạnh tranh nặng ký và không dễ đối phó.
Cân nhắc tương quan lực lượng thế giới, lợi ích khu vực và lợi ích chiến lược toàn
cầu, Liên Xô điều chỉnh chính sách đối ngoại, khởi động lại chính sách châu Á với điểm đến
là Việt Nam. Tháng 2-1965, Đoàn đại biểu cấp cao Liên bang CHXHCN Xô-viết do Chủ
tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.N. Kosygin dẫn đầu đã đặt chân tới Việt Nam sau nhiều
năm vắng bóng các chuyên viếng thăm cấp cao. Đây sự kiện bước ngoặt quan trọng trong
quan hệ Xô – Việt vốn trước đó khá băng giá, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng nền tảng
mới cho quan hệ đồng minh, đưa quan hệ này vào một giai đoạn phát triển khác biệt căn bản
so với trước đây. Trong các cuộc thảo luận giữa A.N. Kosygin với Hồ Chí Minh, Phạm Văn
Đồng và các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, việc làm rõ các chi tiết trong quan hệ giữa hai
nước gắn với các vấn đề quân sự là nội dung trọng tâm, thường xuyên và quan trọng. Tuyên
bố chung được ký kết cuối chuyến thăm của A.N. Kosygin là một minh chứng sinh động về
sự nồng ấm trở lại trong quan hệ Việt – Xô: “Liên Xô không thờ ơ với an ninh của một nước
xã hội chủ nghĩa anh em và sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam"[3]. Liên Xô và Việt Nam
đã đạt được thỏa thuận trên hai vấn đề cơ bản: 1- Liên Xô cam kết cung cấp vũ khí chống lại
sự tấn công bằng không lực của Hoa Kỳ, củng cố khả năng phòng thủ của Việt Nam; 2-
Liên Xô sẽ thoả thuận với Trung Quốc về kế hoạch phối hợp hành động giúp đỡ Việt
Nam[4]. Hai bên đồng ý tổ chức cơ chế tham vấn thường xuyên về những vấn đề quan
trọng. Cuối tháng 2-1965, Liên Xô quyết định viện trợ tăng cường cho Việt Nam, tăng số
lượng và chủng loại vũ khí trang bị; đồng thời, đề nghị gửi Một lữ đoàn tên lửa, hai trung
đoàn phòng không và các đơn vị kỹ thuật, bảo đảm; một phân đội máy bay MiG-21 (trong
đó có 12 máy bay chiến đấu), một tiểu đoàn địa cầu, một tiểu đoàn trinh sát kỹ thuật”[5]sang
bảo vệ khu vực Hà Nội, Hải Phòng. Để tránh va chạm với Trung Quốc, Hà Nội quyết nghị
không nhận các đơn vị chiến đấu của Liên Xô, chỉ đề nghị cử chuyên gia sang giúp và xin
trang bị. Cuối cùng, Liên Xô đồng ý cử 290 chuyên gia giúp huấn luyện kỹ thuật cho lữ
đoàn tên lửa phòng không, 14 chuyên gia huấn luyện phi công và nhân viên kỹ thuật hàng
không, 14 chuyên gia huấn luyện hải quân, tổng số tất cả là 318 người [6].
Tháng 4-1965, Lê Duẩn dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao gồm những tên tuổi quan trọng
của Đảng Lao động Việt Nam (Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Ngoại
giao Nguyễn Duy Trinh) đến Liên Xô. Chuyến thăm đã đạt được những kết quả to lớn trên
nhiều phương diện. Hai nước nhất trí “tiến một bước xa hơn nhằm bảo vệ chủ quyền và an
ninh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và triển khai những biện pháp thích hợp thực hiện
mục đích”[7]. Hai bên đã ký thỏa thuận về viện trợ quân sự, về việc gửi các chuyên gia quân
sự Liên Xô sang Việt Nam. Thông cáo chung được ký kết nhân chuyến thăm có đoạn viết:
“Một khi các thế lực xâm lược Mỹ đẩy mạnh chiến tranh chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa, trong những trường hợp cần thiết, nếu như Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa yêu
cầu, Chính phủ Liên Xô sẽ cho phép những công dân Liên Xô có tình cảm quốc tế vô sản
sâu sắc, mong muốn được chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam,
được lên đường tới Việt Nam”[8]. Có thể coi đây là tuyên bố chính thức về sự giúp đỡ toàn
diện, thậm chí là bao gồm cả nguồn lực con người đối với Việt Nam, dù Liên Xô biết rằng
sự hiện diện của các chuyên gia quân sự Xô-viết tại đây là một mạo hiểm cho hòa hoãn Xô
– Mỹ.
Theo tinh thần Thông cáo chung, Liên Xô lập tức có những hành động thực tế: Ngày
6-7-1965, Hội đồng Bộ trường Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết ban hành Quyết định №
525-200, Về việc thành lập Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa[9]. Quyết định № 525-200 nêu rõ nhiệm vụ của Đoàn chuyên gia “trong thời gian
ngắn nhất, giảng dạy và huấn luyện lực lượng Phòng không - không quân Quân đội Nhân
dân Việt Nam đủ khả năng tác chiến”[10]. Tuy nhiên, trước khi Quyết định № 525-200
được ban hành và có hiệu lực, công tác chuẩn bị gửi chuyên gia quân sự sang Việt Nam đã
được Nhà nước Xô viết, Bộ Quốc phòng Liên Xô khẩn trương xúc tiến, thực hiện theo một
kịch bản khá hoàn hảo, kỹ lưỡng. Ngày 5-1-1965, Chính phủ Liên Xô ban hành Nghị
định № 890-317, Về việc tăng tiền trợ cấp cho các sĩ quan thuộc lực lượng đặc biệt[11] và
bắt đầu công tác lựa chọn chuyên gia. Các chuyên gia quân sự phải trải qua các đợt giám
định y khoa nghiêm ngặt, trải qua nhiều đợt kiểm tra của các Ủy ban quân sự, Hội đồng
quân sự các cấp với yêu cầu cao về sức khỏe, về trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức,
bản lĩnh chính trị …. Ứng viên vào các vị trí chỉ huy được lựa chọn gắt gao hết sức và bắt
buộc phải qua được "cửa ải" khắt khe của Tổng cục 10[12], Bộ Tổng tham mưu và sau đó là
cuộc phỏng vấn – thẩm định của Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Xô-viết. Hầu
hết các chuyên gia đều là những sĩ quan, hạ sĩ quan đã từng tham gia cuộc chiến tranh Vệ
quốc vĩ đại và chiến tranh Triều Tiên 1953, được tôi luyện, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu,
có trình độ kỹ thuật – quân sự cao và là vốn quý của lực lượng vũ trang Liên Xô. Sau khi
được lựa chọn, các chuyên gia thực hiện chế độ luyện tập quân sự thường xuyên, rèn luyện
thể lực, nghiên cứu điều lệnh tác chiến, các hướng dẫn khai thác, sử dụng vũ khí, khí tài.
Công tác này được tiến hành hoàn toàn bí mật, đích đến cuối cùng của “chuyến biệt phái”
chỉ được biết vào phút chót và tính bảo mật được tuân thủ cho đến khi chuyên gia Liên Xô
rút khỏi Việt Nam. Trước khi bay sang Việt Nam, tất cả các chuyên gia quân sự Liên Xô
đều được quán triệt rằng, “hoạt động chiến đấu của họ tại các trận địa, số lượng máy bay Mỹ
bị bắn rơi, quan hệ công việc cụ thể với các chiến sĩ Việt Nam sẽ là hòn đá tảng cho việc cải
thiện các quan hệ chính trị, ngoại giao và tăng cường quan hệ hữu nghị với Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa"[13].
Sau thời gian chọn lựa, Ban chỉ huy Đoàn chuyên gia quân sự đầu tiên đã được xác
định, gồm: Chỉ huy trưởng Thiếu tướng G.A. Belov (từ tháng 9-1965 đến tháng 10-1967);
Phó Chỉ huy trưởng phụ trách chính trị Đại tá M. Borisenko và Trưởng nhóm chuyên
gia Phòng không Đại tá A.M. Dưza (từ tháng 4-1965 đến tháng 9-1965). Từ năm 1967 đến
năm 1975, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam qua các thời kỳ là:
Thượng tướng Abramov (1967-1969; Trung tướng B.A. Stolnikov (1968-1970); Thiếu
tướng N.K. Maksimenko (1970-1972) và Thượng tướng A. I.Hyupenen (1972-1975)
[14]. Ban đầu, trong thành phần Đoàn chuyên gia quân sự chỉ có các chuyên gia về tên lửa
phòng không, kỹ thuật vô tuyến điện, về máy kiểm tra - đo đạc…, sau này còn có thêm phi
công, lực lượng kỹ thuật - kỹ sư, các chuyên gia hải quân, chuyên gia xe tăng, các chuyên
gia y tế….
Các chuyên gia được tiêm chủng theo các quy định của y tế thế giới (kèm theo giấy
chứng nhận tiêm chủng quốc tế), được phát quần áo thường phục, được hưởng 100% lương
do Nhà nước Xô-viết trả (sổ lương được chuyển về gia đình). Tại Việt Nam, mỗi chuyên gia
được nhận tiền lương của Nhà nước Việt Nam tùy theo thang bậc quân hàm và chức vụ.
Trước ngày các chuyên gia quân sự lên đường “thực hiện Việt Nam bí mật”, thẻ Đảng được
gửi lại Trung ương ************* Liên Xô, mọi giấy tờ công vụ được chuyển về Tổng cục
10, Bộ Tổng tham mưu, khi đến Việt Nam, các giấy tờ còn lại lưu giữ tại Đại sứ quán Liên
Xô.