Chiến thuật dùng trực thăng trên tuyến đầu bảo vệ Tổ quốc
(Vũ khí) - Binh chủng trực thăng, lực lượng không quân chiến trường là lực lượng có vị trí vô cùng quan trọng, không gì thay thế được trong thế trận phòng thủ của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trực thăng chiến trường tham gia vào hầu hết các hoạt động tác chiến của chiến tranh hiện đại.
Kì trước:
Những khái niệm chiến thuật sử dụng trực thăng
Kinh nghiệm xương máu ở chiến trường Afganixtan cho thấy, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa lực lượng bộ binh phòng ngự điểm chốt, lực lượng trực thăng vận tải và trực thăng tấn công trong điều kiện tác chiến khu vực rừng núi hiểm trở.
Từ những kinh nghiệm tác chiến thực tế đã hình thành các phân đội chủ công đổ bộ đường không, bao gồm các lực lượng bộ đội đặc nhiệm đổ bộ đường không, trực thăng vận tải và trực thăng tiến công trong một biên chế chiến thuật thống nhất, được định danh là “phân đội chủ công đường không”, phân đội tác chiến trực thăng đường không đã trở thành một lực lượng phản công nhanh được ứng dụng trên toàn thế giới.
Với các phương tiện hỏa lực cá nhân hiện đại như súng phóng lựu nhiệt áp, súng phóng lựu đa năng, súng máy hạng nặng kết hợp với hỏa lực của máy bay trực thăng vận tải Mi – 8 và trực thăng tấn công Mi – 24.
“Phân đội chủ công đường không” có khả năng cơ động trên trên chiến trường rộng lớn, bất ngờ đột kích đối phương ở khu vực xung yếu, tăng cường sức mạnh phòng ngự của các lực lượng giữ chốt trên tuyến phòng thủ hoặc là phân đội săn tăng, thiết giáp cơ động cao.
Mi-24 công kích mục tiêu bằng rockets Cũng có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng phương án tác chiến này chỉ có thể áp dụng đối với lực lượng vũ trang cấp 3, với các phương tiện tác chiến phòng không yếu và không có lực lượng không quân.
Trong chiến tranh xâm lược, đối phương sẽ sử dụng các phương tiện trinh sát hiện đại từ trên vũ trụ, trên không, và hỏa lực phòng không – không quân mạnh sẽ nhanh chóng tiêu diệt các máy bay trực thăng vận tải. Cần phải có những giải pháp tốt hơn trong vẫn để sử dụng trực thăng tấn công và trực thăng vận tải.
Từ nguyên tắc “trinh sát – tấn công hỏa lực” và nguyên tắc “quản lý tập trung, tổ chức phân tán” quân đội Nga đã hình thành những lữ đoàn “ đổ bộ chủ công” trực thuộc các quân khu, trực thuộc lữ đoàn là các đơn vị trực thăng vận tải và trực thăng tấn công.
Các đơn vị đều có các căn cứ dự bị sẵn sàng triển khai lực lượng phân tán trong điều kiện chiến tranh và nằm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của quân khu. Nhưng trên tổng thể nói chung, các lực lượng trực thăng chiến trường, cùng với các đơn vị không quân tiêm kích và cường kích, đều nằm trong biên chế của quân chủng Không quân. Liên kết phối hợp tác chiến với Lục quân được điều phối bởi cơ quan điều hành tác chiến của bộ Tổng tham mưu.
Trực thăng trinh sát hạng nhẹ OH-58D “Kiowa Warrior” Trước lực lượng xâm lược có vũ khí, trang bị và phương tiện chiến tranh hiện đại, để những đòn tấn công của “ phân đội chủ công đường không” có thể triển khai nhanh, bất ngờ, giữ được bí mật tối đa, lực lượng không quân chiến trường cần có lực lượng và các phương tiện trinh sát hiện đại, rộng khắp, theo dõi chặt chẽ tình hình địch.
Giai đoạn trước đây người Mỹ sử dụng loại máy bay trực thăng trinh sát hạng nhẹ OH-58D “Kiowa Warrior”, được lắp đặt các trang thiết bị trinh sát điện tử và quang học trong quả cầu mắt thần phía trên cánh quạt nâng chủ động, có khả năng trinh sát ngày đêm. Máy bay trực thăng trinh sát hạng nhẹ này bay thấp, ẩn nấp sau nhưng vật thể tự nhiên và địa hình như nhà cửa, cây cối, đồi, dâng cao quả cầu mắt thần và bay lượn theo địa hình trên độ cao 15 m.
Khi phát hiện mục tiêu, trực thăng trinh sát thông báo tọa độ vị trí mục tiêu trên bản đồ kỹ thuật số đồng thời chiếu xạ mục tiêu bằng laser hồng ngoại. Khi nhận được tín hiệu mục tiêu, các trực thăng tấn công AH – 64 Apache phóng tên lửa chống tăng Hell Fire có tầm bắn lên đến 10 km, đầu tự dẫn laser hồng ngoại của tên lửa sẽ đánh trúng mục tiêu.
Theo đánh giá của các nhà quan sát, thời gian từ khi phát hiện được mục tiêu đến khi mục tiêu bị tiêu diệt chiếm khoảng từ 25 – 50 s, và máy bay trực thăng vẫn nằm ngoài vùng hiệu lực của các loại vũ khí phòng không đi cùng của tăng thiết giáp và bộ binh cơ giới. Tất nhiên, Apache hoàn toàn có khả năng tự tìm kiếm mục tiêu và chủ động phóng tên lửa, nhưng tình huống đó buộc máy bay phải bay lâu hơn trong vùng hỏa lực phòng không của đối phương.
Từ kinh nghiệm tác chiến của trực thăng Mỹ trên chiến trường Iraq có thể nhận thấy. Để bảo vệ lực lượng “phân đội trực thăng chủ công” Trinh sát đóng vai trò quan trọng trong việc xác định vị trí, tọa độ, số lượng và năng lực tác chiến, cũng như hỏa lực phòng không của đối phương.
Các phương tiện trinh sát hiện đại như thiết bị trinh sát quang học và radars mặt đất, các phương tiện trinh sát tầm thấp như máy bay trực thăng trinh sát hạng nhẹ, máy bay trinh sát loại nhỏ không người lái và máy bay trinh sát đường không trên cao phải được kết nối và chia xẻ thông tin trong một thể thống nhất của hệ thống quản lý chiến trường, cung cấp thông tin chính xác và liên tục cho các lực lượng phòng ngự và lực lượng “phân đội trực thăng chủ công” từ đó đưa ra những quyết định chính xác về phương thức tấn công đối phương.
Theo tình huống, có thể các máy bay trực thăng chỉ tiến hành đổ bộ lực lượng đặc nhiệm, việc giải quyết chiến trường thuộc về bộ binh. Trong trường hợp khác, các máy bay trực thăng vận tải tiến hành đổ bộ bộ binh, đồng thời cùng với trực thăng tấn công tiêu diệt các mục tiêu theo mệnh lệnh của cấp trên.
Dựa trên tình hình thực tế chiến trường, cấp chỉ huy điều hành tác chiến sẽ quyết định phương án tác chiến và truyền đạt nhiệm vụ tác chiến xuống phân đội trực thăng đổ bộ. Thông thường các đòn tấn công bằng trực thăng chiến đấu thường tiến hành vào ban đêm hoặc vào thời gian mà ánh sáng thuận lợi cho tấn công đường không (ánh sáng yếu, sương mù, mặt trời chiếu trực diện vào lực lượng địch) nhằm giảm thiểu tối đa khả năng quan sát quang học.
Các phân đội trực thăng từ những sân bay bí mật sẽ bay ngụy trang theo địa hình và tuyến đường hành quân ngắn nhất ở độ cao thấp, tiếp cận khu vực triển khai hỏa lực. Dưới sự hỗ trợ của lực lượng trinh sát (chiếu xạ mục tiêu bằng lasers hồng ngoại, chiếu xạ mục tiêu bằng sóng radio, radar), các máy bay trực thăng tấn công sẽ phóng tên lửa chống tăng có đầu dẫn hồng ngoại hoặc rockets, các máy bay vận tải sẽ tiếp cận đổ bộ lực lượng đặc nhiệm, sau đó cùng với trực thăng tấn công phát huy hỏa lực tiêu diệt địch, phối hợp với lực lượng đặc nhiệm tác chiến trên mặt đất.
Đòn tấn công phải được triển khai nhanh với tốc độ cao, hỏa lực tập trung dày đặc gây tổn thất nặng về binh lực và sinh lực cho đối phương. Sau đó các trực thăng nhanh chóng thoát ly chiến trường, theo những tuyến đường bay ngụy trang và được bảo vệ tốt bằng hỏa lực phòng không mặt đất quay về căn cứ theo quy định, phần còn lại sẽ do bộ đội đặc nhiệm giải quyết theo yêu cầu nhiệm vụ.
Khi đổ quân, trực thăng không được phép bay treo tại chỗ, khi tiến hành các đòn tấn công vào mục tiêu (xe tăng, xe thiết giáp, cơ sở hậu cần kỹ thuật, khu vực tập trung quân, đội hình hành quân, tuyến triển khai đội hình tấn công…) các trực thăng tấn công thành nhiều đợt, theo nhiều hướng khác nhau ở độ cao thấp.
Khi hoàn thành nhiệm vụ, cũng trên độ cao thấp, trực thăng tấn công sử dụng tốc độ cao theo các hành làng rút quân quy định nhanh chóng thoát ly chiến trường, cơ động thoát ly trận địa cũng bắt buộc phải bay theo nguyên tắc ngụy trang trên địa hình, dưới sự yểm trợ và che chắn của lực lượng phòng không chiến trường và không quân tiêm kích.
Mi – 28 Havoc “ Thợ săn đêm” Cuộc chạy đua giữa trực thăng vũ trang, máy bay tầm thấp và hỏa lực phòng không đã làm xuất hiện những phương tiện phòng không mới. Thay thế cho Shilka là hệ thống phòng không tự hành Tunguska, có khả năng tác chiến phòng không hiệu quả trên khoảng cách đến 8 km, hệ thống điều khiển hỏa lực hoàn toàn tự động, thời gian khai hỏa cũng giảm xuống rất nhiều.
Riêng ở nước Nga, xuất hiện các loại máy bay tấn công hiện đại hơn như Mi – 28 và Ka – 50/52. Những loại máy bay mới này có khả năng tự bảo vệ cao hơn, tính cơ động được tăng cường gấp nhiều lần, đồng thời kích thước máy bay cũng được giảm xuống, máy bay còn được ứng dụng các công nghệ tàng hình làm giảm thiểu tối đa khả năng phát hiện mục tiêu trên màn hiện sóng radars.
Hệ thống vũ khí trang bị tấn công trên máy bay cũng được nâng cấp rất nhiều, một máy bay trực thăng như Ka – 52 có khả năng tiến công và tiêu diệt một cụm binh lực tăng thiết giáp và bộ binh cơ giới cấp tiểu đoàn. Các phương tiện trinh sát, quan sát tìm kiếm mục tiêu, dẫn đường, chỉ thị mục tiêu và điều khiển hỏa lực cũng được ứng dụng các công nghệ hiện đại, máy bay trực thăng tấn công có khả năng tác chiến độc lập hoàn toàn về đêm, với tốc độ cao và trần bay thấp.
Trực thăng tấn công Ka – 52 Để tăng cường khả năng trinh sát, tìm kiếm phát hiện mục tiêu, các lực lượng vũ trang trên thế giới cũng phát triển mạnh mẽ các phương tiện trinh sát đường không tầm thấp không người lái, có kích thước nhỏ gọn và hầu như không phát hiện được trên màn hình radars, những UAV này là những phương tiện trinh sát hiệu quả nhất trên chiến trường và hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu thông tin cho các máy bay trực thăng tấn công.
Sức mạnh của lực lượng trực thăng là sức mạnh của trí tuệ và lòng dũng cảm
Phát huy tối đa năng lực vận tải chiến trường và tác chiến đường không của lực lượng trực thăng vận tải và trực thăng tấn công có trong biên chế, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh hiện đại.
Lực lượng trực thăng vận tải và trực thăng chiến đấu cần phải có sự liên kết phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tác chiến mặt đất (bộ binh, đặc công, trinh sát đặc nhiệm) trong một chỉnh thể thống nhất của không gian chiến trường không – bộ dưới sự chỉ huy, điều hành tác chiến đồng bộ, tự động hóa cao và trong một hệ thống thông tin chiến trường đồng nhất.
Do điều kiện tác chiến phòng ngự, khả năng phải chống lại những thế lực quân sự có tiềm lực vũ khí trang bị, khoa học công nghê gấp nhiều lần, lực lượng phi công cần nhuần nhuyễn các phương án cơ động vận tải đổ bộ, tác chiến trong trường hợp cụ thể, đặc biệt chú trọng kỹ năng bay cơ động độ cao thấp, qua những khu vực phức tạp về địa hình như đồi núi, khe sâu, vách đứng hoặc những cánh rừng trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc hạn chế tầm nhìn.
Có kỹ thuật bay đêm tốt trong điều kiện thời tiết, khí hậu và địa hình phức tạp. Phi công cần có khả năng cơ động cao, sử dụng vũ khí trang bị, phương tiện kỹ thuật trên máy bay thuần thục, khai thác hết được tiềm năng kỹ chiến thuật của máy bay trực thăng nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong chiến đấu.
Thực tế chiến tranh hiện đại và yêu cầu bảo vệ Tổ quốc cho thấy, trực thăng vận tải và trực thăng tấn công là lực lượng vô cùng cần thiết trong hệ thống phòng thủ đất nước, đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo sức mạnh chiến đấu của lực lượng phòng ngự trên các tuyến phòng ngự, đặc biệt trong điều kiện địa hình rừng núi phức tạp.
Lực lượng trực thăng vận tải thực hiện các nhiệm vụ cơ động lực lượng, cung cấp cơ sở vật chất, hậu cần kỹ thuật cho các điểm cao then chốt trong phòng ngự, tăng cường binh lực trong chiến đấu.
Lực lượng trực thăng vận tải đa nhiệm và lực lượng trực thăng tấn công còn đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ chi viện hỏa lực, tiêu diệt các phương tiện cơ giới, cơ động vận chuyển các lực lượng đặc nhiệm vào sâu trong hậu phương chiến trường của đối phương, phối hợp cùng với các lực lượng bộ binh giáng những đòn tấn công bất ngờ, gây tổn thất nặng nề, phá vỡ các ý đồ chiến thuật của đối phương trên chiến trường.
Sự phát triển mạnh mẽ của hiện đại hóa lực lượng vũ trang làm thay đổi các quan điểm tác chiến, hình thành các hình thái chiến thuật mới, các phương thức tác chiến mới và các phương tiện chiến đấu mới.
Trong quá trình tiến lên chính quy hiện đại, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng không quân chiến trường mà trước mắt là lực lượng trực thăng chiến trường trong tương lai không xa, sẽ là một trong những binh chủng chủ lực gìn giữ thành đồng.