Em lọ mọ post lại bài viết về nhà chưng cất glenmorangie của mợ Hoài Hương để các cụ tham khảo và thư giãn, vừa rồi em có làm vài ngụm Nectar D'or thấy rất sướng vô tình đọc lại bài của mợ ý viết bên flux2 nên copy lại để các cụ thưởng thức giọng văn của một thời vang bóng ạ.
Glenmorangie là một Nhà chưng cất (Distillery) thuộc vùng Highland, đúng ra là vùng Bắc Highland, một vùng bờ biển rất đẹp nằm phía Đông Bắc lãnh thổ Scotland. Cũng giống như các Nhà Old Pulteney, Clynelish, Balblair, Nhà Glenmorangie nằm gần bờ biển, đặc biệt có Cellar số 13 nằm rất gần bờ biển nên rượu được đánh giá là phảng phất hương vị của biển.
Style của các Nhà chưng cất thuộc vùng này (ngoài các Nhà chưng cất ở trên, còn có thêm Glen Ord nữa) được xếp vào nhóm nhẹ nhàng, thanh khiết, tinh tế, nhiều hương hoa quả, đặc biệt là hương vị cam quýt, vani, mật ong, hầu như không có mùi vị khói. Rượu của vùng này hầu hết đều thơm tho những mùi hương dễ nhận biết, dễ cảm nhận cả khi ngửi và khi uống. Cùng với Balblair, hương thơm của Glenmorangie khá ngào ngạt khi rượu được rót ra ly, kể cả những chai ít tuổi và ít tiền hơn chai 18yo của bác, ví như chai Glenmorangie Original 10yo đều thuộc loại tỏa hương xa hàng mét. Có được hương vị đó là do mấy Nhà chưng cất thuộc vùng này sử dụng phần nhiều là loại thùng ex-Bourbon chất lượng cao. Đây là loại thùng gỗ sồi Missouri của Mỹ (thuộc dòng gỗ sồi trắng), đã được sử dụng để ủ rượu Bourbon Whiskey trong thời gian khoảng từ 4 đến 8 năm, sau khi đã mở thùng để lấy rượu Bourbon đóng chai, họ xuất khẩu sang Scotland để ủ rượu Scotch Whisky. Các Nhà chưng cất vùng Bác Highland này sử dụng những thùng ex-Bourbon tốt nhất, mua từ những Nhà làm rượu Bourbon ngon nhất. Do vậy, ngoài hương vị có được do các yếu tố khác, rượu vùng này còn lấy được thêm nhiều hương vị của rượu Bourbon, dòng rượu có nhiều hương vị vani và mật ong.
Malt của Nhà Glenmorangie cũng được lựa chọn từ những loại malt ngon và đắt tiền được malting và làm khô bằng phương pháp không xông khói.
Vùng Đông Bắc cũng nổi tiếng bởi không khí trong lành thuộc loại nhất Scotland, và cũng là nhất UK. Các Nhà làm rượu Whisky gọi đây là “Yếu tố thứ tư” giúp rượu thơm ngon. Lý do là các Cellar ủ rượu của mấy Nhà trên thường lấy gió biển thổi mơn man vào các thùng rượu vào mùa hè và mùa thu để làm cho rượu được mát mẻ và dịu nhẹ hơn.
Gọi là rượu Highland Single Malt là gọi theo cách phân chia đất nước Scotland thành các vùng rượu Whisky, chứ không phân chia vùng địa lý theo các đơn vị hành chính. Về cơ bản, gần như toàn bộ lãnh thổ Scotland là cao nguyên (highland). Đây là một lợi thế rất lớn của các Nhà làm rượu Scotch Whisky. Nói lợi thế là bởi vì do địa hình như vậy, nguồn nước dùng để chưng cất rượu hầu hết lấy từ những con suối (spring water) chảy từ núi cao xuống, nước rất trong lành và tinh khiết. Các vùng làm rượu Scotland bao gồm: Highland (bao gồm cả Bắc Highland, Tây Highland, Trung Highland, Đông Highland, đảo Isle of Skye, đảo Orkney và các đảo khác), Speyside, Lowland, Campbeltown và Islay.
Dòng Glenmorangie 18yo có hai loại rượu thành phần được đem blend với nhau. Thứ nhất là loại Single Malt được ủ trọn vẹn trong thùng ex-Bourbon tối thiểu 18 năm. Thứ haii là loại Single Malt đã được ủ 15 năm trong thùng ex-Bourbon, sau đó rượu được chuyển sang thùng ex-Sherry để ủ tiếp 3 năm nữa. Sau quá trình ủ có thời gian tối thiểu là 18 năm như vậy, rượu được đem blend lại với nhau theo tỷ lệ 70:30 như Glenmorangie công bố trên website của mình (theo đường link mà bác mucdong đưa lên). Do có rượu thành phần được ủ từ hai loại thùng nên rượu có sự kết hợp của cả hai style hương vị. Tuy nhiên, hương vị rượu ex-Bourbon sẽ vẫn chi phối. Bởi vậy, rượu Glenmorangie 18yo giàu hương vị chanh, cam, vani, mật ong, kẹo bơ, hương thơm ngọt và dễ chịu, cho cảm giác khoan khoái, thư thái. Rượu Glenmorangie 10yo và 18yo cũng được xếp vào nhóm “the Summer Drams”. Bên cạnh đó, do có một lượng nhỏ (30%) được ủ thêm 03 năm (extra-matured) trong thùng gỗ ex-Sherry, nên rượu cũng có thêm hương vị của hoa quả khô, mứt quả, nhưng là những loại có hương vị dịu nhẹ như mứt cam, mứt quất. Rượu không có những loại hương quả đậm như dâu chín, táo tàu, nho khô…
Hiện nay, trong range sản phẩm phổ biến (standard range) của Nhà Glenmor, các chai Lasanta, Quinta Ruban và Nectar D’Or là các sản phẩm thuộc serie Extra Matured. Serie này được định vị cao hơn chai Original 10yo và thấp hơn chai Extremely Rare 18yo. Trong nội bộ serie, thứ hạng 03 chai được xếp như sau: (1) Lasanta (thấp nhất); (2) Quinta Ruban; (3) Nectar D’Or.
Cả ba dòng này, ban đầu đều là rượu Single Malt được ủ trong thùng gỗ sồi Mỹ (first-fill Bourbon cask) với thời gian ủ là 10 năm, giống như rượu Original 10yo. Điểm khác biệt nằm ở chỗ: Sau 10 năm ủ, rượu được lấy ra và dilute xuống còn 40% để đem đóng chai Original 10yo; nhưng cũng loại rượu đó, nó không được dilute mà giữ nguyên chất và được chiết sang thùng ex-Sherry để ủ tiếp 02 năm nữa. Sau 02 năm ủ này, rượu được lấy ra, dilute xuống 46% (nhưng không lọc lạnh – unchill-filtered) để đóng thành rượu Lasanta. Cũng là rượu 10yo nêu trên, nhưng nếu đem ủ tiếp 02 năm nữa trong thùng gỗ sồi đã từng được dùng để ủ rượu Porto (Bồ Đào Nha), thì rượu sẽ được gọi là Quinta Ruban. Tương tự, rượu 10yo, nếu đem ủ tiếp 02 năm trong thùng gỗ sồi Pháp đã từng được dùng để ủ rượu vang trắng Sauternes, thì khi đóng chai, rượu sẽ là Nectar D’Or. Tương tự như Lasanta, cả hai chai kể sau cũng là rượu 46% và đều giữ nguyên chất, không bị lọc lạnh.
Do được ủ thêm 02 năm trong hai loại thùng khác nhau, nên hương vị của Lasanta và Quita Ruban cũng khác nhau khá nhiều. Lasanta có hương nồng nhiệt, vị ấm áp đặc trưng của loại rượu được ủ trong thùng Sherry. Rượu có nhiều hương hoa quả chín, mứt quả, mật ong, gỗ sồi, gừng… Với Quinta Ruban, rượu có nhiều vị ngọt, giàu hương vị chocolate đen, chocolate hạt hạnh nhân, táo tàu do lấy được thêm hương vị từ thùng Porto, thứ rượu vang nồng độ cao có vị rất ngọt. Tuy nhiên, do gốc rễ đều là rượu được ủ 10 năm trong thùng ex-Bourbon, nên cả hai loại đều có hương vị chanh, cam, mật ong, vani, nhưng với Quinta Ruban thì những hương vị này ít hơn dòng kia, do mùi vị của Porto có ảnh hưởng mạnh hơn và át bớt hương vị gốc.
Khi mới ra đời, cả serie Extra Matured đều là rượu không đề tuổi rượu (No Age Statement – NAS), nhưng đến cuối năm 2010, Nhà Glenmor đã thay đổi, đề rõ tuổi rượu 12yo cho cả ba loại trong serie này. Không biết có phải là do có phần tác động từ ý kiến góp ý của người viết cách đây 02 năm , hay là do để đối ứng với chiến dịch “Age Statement” đang được Nhà Chivas quảng bá rầm rộ khắp thế giới, mà Nhà Glenmor đã tạo ra sự thay đổi nhanh chóng này?
Như vậy, trong ảnh của bác, chai Lasanta thuộc lô đóng chai cũ, còn chai Quinta Ruban thì thuộc về lô đóng chai và mẫu nhãn mới 2010. Về cơ bản, hương vị của chai NAS và chai 12yo (cùn một dòng) không có nhiều khác biệt.
Ngành rượu đã từ lâu được coi là một ngành công nghiệp có giá trị của UK. Tuy nhiên, tại Nhà chưng cất, thực ra, nó được sản xuất rất thủ công, mà ở đó, vai trò của con người, của “những người đàn ông” cần cù, cẩn trọng, uy tín, trách nhiệm, tinh tế và có tình yêu nghề là vô cùng quan trọng.
Do đặc thù của mỗi nhà mà họ cần bao nhiêu “người đàn ông” như thế.
Nhà Glenmorangie thì xưa nay luôn có 16 người đàn ông coi sóc việc làm rượu. Nhà chưng cất đặt tại Thị trấn Tain ở vùng Đông Bắc Scotland. Những người đàn ông nói trên cũng đều sống ở đây. Để trân trọng và vinh danh những người đàn ông đã ngày đêm làm ra những sản phẩm thượng hạng cho mình để bán ra khắp thế giới, Nhà Glenmor đã đề trên nhãn chai và vỏ hộp dòng chữ “Perfected by the Sixteen men of Tain”. Với các lô sản phẩm trước đây, họ đề dòng chữ “Handcrafted by the Sixteen men of Tain” cũng với ý nghĩa như vậy.
16 người đàn ông giữ vai trò quan trọng trong Nhà chưng cất. Họ giữ những vai trò gì vậy? Các bác tìm hiểu giúp em và đưa lên trên đây để giới thiệu để các anh chị em cùng biết, được không?
Hiện nay Nhà Glenmorangie mỗi năm sản xuất khoảng 10 triệu chai whisky, trong đó có khoảng 3,5 triệu chai được bán ra nước ngoài (?). Thế mà năm 1960, Glenmorangie chỉ bán được vỏn vẹn 72 chai single malt trên toàn thế giới (!!!)
Ngày nay, khi nhắc đến Glenmorangie, người sành rượu thường nghĩ ngay đến “The sixteen men of Tain”, 16 con người huyền thoại đã bảo đảm chất lượng cho nhãn rượu này xuyên suốt hơn 150 năm qua. Trải qua nhiều thế hệ, lượng rượu sản xuất tăng lên, quy trình quản lý và tổ chức sản xuất khoa học hơn nhiều so với năm 1843, nhưng chất lượng của mọi chai rượu Glenmorangie đều được kiểm soát bởi 16 con người này.
Em nghĩ để hiểu được vai trò của “16 người đàn ông” huyền thoại này, có lẽ cần phải tìm hiểu thêm một chút về Nhà Glenmorangie và cách họ làm rượu.
Glenmorangie, theo cách hiểu của những người Scotland thì nó có nghĩa là The Glen of Tranquility (Thung lũng bình yên). Nhà rượu nằm ở thị trấn Tain này vốn khởi đầu là một lò nấu beer từ những năm 1700s, rồi sau đó chính thức chuyển thành Nhà rượu từ năm 1843. Đa số các nhà xưởng của họ hiện nay đều được xây dựng từ năm 1887.
Cho tới bây giờ, Nhà Glenmorangie vẫn sử dụng các nồi chưng cất có cổ cao nhất tại Scotland (xấp xỉ 17 feet = 5,14m – có tài liệu nói cao 7,9m) – gọi là nồi “cổ thiên nga”. Lý do là bởi từ năm 1843, Nhà rượu này được xây dựng từ nền tảng của các nồi chưng cất Gin đã qua sử dụng, được mua của London Gin (hình như đây cũng lại là một loại Gin rất nổi tiếng?). Kể từ đó, đây trở thành một đặc thù của các nồi chưng nhà Glenmorangie, và các nồi mới sau này đều được chế tạo giống hệt những chiếc nồi đầu tiên. Chiều cao đặc biệt này cho phép chưng cất những giọt rượu tinh khiết nhất, trong trẻo nhất.
Loại nồi chưng này là một phần trong phương pháp chưng cất đúp rất kỹ lưỡng mà Nhà Glenmorangie lựa chọn: sau lần chưng cất thứ 2, lượng rượu chỉ còn lại chừng 1/3 so với sau lần chưng cất đầu tiên, và sẽ được mang đi ủ. Chỗ còn lại sẽ được tiếp tục cho trở lại nồi chưng để tiếp tục chưng cất.
Ngoài việc lựa chọn barley grain (mà em không tìm ra tài liệu, một số có nói họ sử dụng barley grain được trồng ngay trong vùng, cung cấp bởi công ty Highland Grain), chìa khóa thành công của Nhà Glenmorangie nằm ở nguồn nước. Quá trình chưng cất mọi chai rượu của Nhà này từ xưa đến nay đều chỉ sử dụng nước từ suối Tarlogie – một con suối nằm trên The Hill of Tain, cao khoảng 1 dặm so với lò rượu. Lý do khiến nước từ dòng suối này trở nên đặc biệt quý hiếm là bởi các cơn mưa sau khi rơi xuống, các giọt nước phải mất đến khoảng 100 năm để thấm qua các lớp đá vôi và sa thạch, trước khi chảy trở lại ra dòng suối Tarlogie. Sự thẩm thấu cực chậm này giúp dòng nước trở nên rất giàu các loại khoáng tự nhiên. Ngoài ra, nghe đồn rằng dòng nước từ con suối đặc biệt này luôn ổn định ở mức 7°C – quanh năm!
Nhờ vào suối Tarlorie, Nhà Glenmorangie cũng trở thành Nhà rượu Highland duy nhất sử dụng nước cứng (thực ra là rất cứng) để chưng cất rượu. Nguồn nước này quý giá và đặc biệt đến nỗi vào năm 1980 (có tài liệu nói năm 1989), Nhà Glenmorangie đã quyết định mua đứt 650 acres đất (khoảng 263 hecta) xung quanh nguồn nước để bảo vệ nó.
Cuối cùng là thùng ủ rượu. Đây cũng là một trong số các bí quyết rất quan trọng của Nhà Glenmorangie. Nghe nói họ đã phải mất tới hơn 1/4 thế kỷ nghiên cứu các loại gỗ để cho ra được bí quyết về các thùng rượu này.
Nhà Glenmorangie phần lớn chỉ sử dụng loại thùng làm từ gỗ sồi trắng của Mỹ (một số tài liệu nói họ chỉ dùng gỗ sồi trắng mọc trên núi Ozark, bang Missouri) để ủ rượu. Những thùng này phải từng được dùng để ủ (đựng?) rượu bourbon trong khoảng 4 năm, cũng như chưa từng đựng hay ủ Scotch whisky. Nghe nói Glenmorangie lựa chọn Jack Daniel’s và Heaven Hill để cho các Nhà này ủ bourbon, trước khi họ lấy thùng để ủ rượu cho riêng mình.
Điều quan trọng là trước khi đóng thùng, loại gỗ sồi trắng này – sau khi được chọn lựa kỹ càng và cắt xén cẩn thận – sẽ được phơi khô tự nhiên ngoài trời trong ít nhất là 2 năm trước khi mang đi đóng thành thùng rượu.
Với các thùng rượu đặc biệt lâu năm, Nhà Glenmorangie sẽ lựa chọn kỹ từng thùng rượu sherry hoặc rượu vang đã qua sử dụng, từ các vineyard và chateaux hàng đầu của châu Âu để ủ. Nghe nói đó là các thùng của Oloroso (sherry), Ruby (port) và Sauterne (wine).
Tùy theo từng loại rượu, mà master blender của Glenmorangie sẽ quyết định pha trộn rượu giữa các loại thùng với tỷ lệ khác nhau.
Nhà Glenmorangie có tổng cộng khoảng 400 nhân công, nhưng đa số họ làm việc tại nhà máy đóng chai ở Broxburn, West Lothian, ngoại ô Edinburgh, Scotland. Chỉ có 28 người làm việc tại lò chưng cất – trong đó bao gồm cả các tour guide và người bán hàng.
Trở lại với chuyện “The sixteen men of Tain”. Em vẫn không thể tìm ra được tài liệu nào nói rõ 16 người này đảm nhận chính xác những công việc gì. Vì thế dựa theo hiểu biết nông cạn mà em vừa học được trong khoảng 3 tuần qua, em tạm chia ra các bộ phận như sau, mỗi bộ phận có thể có một hoặc nhiều người phụ trách:
1. Barley Grain
2. Malt
3. Water
4. Pot Still
5. Distilling
6. Wood
7. Cask
8. Maturing
9. Blending
10. Tasting
11. Bottling
Có một câu chuyện vui nói rằng hệ thống làm việc của Nhà Glenmorangie giờ khoa học lắm rồi, họ bày vẽ chuyện “the sixteen men” chỉ để làm marketing thôi. Thực ra chỉ cần 1 người đàn ông với 1 con chó là đủ bảo đảm công việc: Người đàn ông cho con chó ăn, còn con chó bảo đảm là ông này không bấm sai nút
Thực tế thì câu chuyện của Nhà Glenmorangie giờ đã thành huyền thoại trong giới mê rượu. Đến nỗi vào đầu tháng 1/2009, tạp chí chuyên dành cho triệu phú và tỷ phú là Robb Report đã đưa ra một offer đặc biệt: 17th Man of Tain, với cái giá trọn gói là 6 triệu USD (!!!)
Khách hàng của gói dịch vụ đặc biệt này sẽ được mời đến Tain để trải nghiệm toàn bộ công việc của “sixteen men of Tain”: được học các nguyên tắc cơ bản để sản xuất rượu single malt, đi chọn barley, làm malt, chọn gỗ, học cách đóng thùng, chưng cất, tự mình pha chế lấy 5 loại single malt của riêng mình. Được chọn 20 thùng trong số rượu do chính mình làm ra, được ủ tại Tain trong tối đa 25 năm. Mẻ đầu tiên sẽ được lấy vào năm 2019, khi rượu đủ 10 tuổi, và mẻ cuối cùng có thể chờ tới năm 2034, khi rượu đã 25 tuổi. Ngoài ra mỗi năm được đến nghỉ tại Glenmorangie House để kiểm tra chất lượng rượu đang ủ… (
Mợ Hoài Hương có biết ai là người đã mua gói dịch vụ này không ạ?)
Một chuyện thú vị nữa em đọc được trong khi tìm kiếm, là vào năm 1999, một guitarist mê rượu khá nổi tiếng người Anh tên là Allan Holdsworth đã cho ra đời một album có tên The Sixteen Men of Tain. Album được thu âm trong phòng thu riêng của anh này, phòng thu có tên The Brewery
Hương vị đặc trưng của Nhà Glenmor là nhẹ nhàng, thanh lịch, nhã nhặn với hương vị chủ đạo là chanh, cam, mật ong, vani, hạnh nhân. Điều này có được là do Nhà Glenmor chủ yếu sử dụng các thùng gỗ sồi first-fill ex-Bourbon, những thùng được họ tuyển lựa rất kỹ và mang về từ Mỹ.
Muốn có hương vị nồng ấm, thậm chí ấm như mùi hương vị của quế, của gừng tươi và gừng nướng…, thì phải nghĩ đến thùng ex-Sherry, (nếu là loại first-fill thì càng tốt), loại thùng gỗ sồi Châu Âu đắt tiền, có sắc đậm, giúp cho rượu whisky có hương vị đậm đà và tăng “chiều sâu” do đã từng được dùng để ủ rượu Sherry của Tây Ban Nha.
Hiểu sâu hơn chút nữa về các loại thùng gỗ, bác sẽ định vị và nhận biết dễ hơn về style hương vị của từng Nhà làm rượu, của từng chai rượu. Ví như nhìn mấy chai có màu rượu đậm đà như Macallan 12yo, 18yo, 25yo, 30yo, Balvenie 12yo, 17yo, 21yo và 30yo, Balblair 1975…, bác sẽ nghĩ ngay đến rượu ex-Sherry Single Malt. Nhìn màu rượu vàng sáng, vàng chanh, vàng rơm hoặc màu như màu của vang trắng của những chai như Glenmor Original 10yo, Glenmor Nectar D’or (12yo), Old Pulteney 17yo, Balblair 2000…, bác sẽ nghĩ ngay đến ex-Bourbon Single Malt. Tất nhiên, cảm nhận rượu thông qua quan sát màu sắc sẽ chỉ đúng với những chai rượu có màu tự nhiên, màu ‘nguyên bản’ được khui trực tiếp từ thùng gỗ (natural colour), chứ chưa được đánh màu caramel cho đẹp (caramel coloring) như nhiều sản phẩm đang có trên thị trường.
Tìm một chai có hương vị cực thanh nhã, nhẹ nhàng, bác nên ‘bỏ qua’ Extremly Rare 18yo mà quay lại dòng ‘rẻ tiền’ hơn là Glenmor Original 10yo. Đặc biệt, một dòng theo style nhẹ nhàng như thế, nhưng có rất nhiều hương vị ‘lạ’, có mùi vị chanh cam, nhưng là hương vị của nhiều loại chanh và nhiều loại cam, đó là chai Glenmor Nectar D’or 12yo (thuộc serie Extra Mature). Có được những hương vị lạ như thế là do, sau khi được ủ tròn 10 năm trong thùng ex-Bourbon (lúc này hương vị sẽ giống chai Original 10yo), rượu sẽ được đưa vào ủ thêm 02 năm nữa trong thùng gỗ nhập về từ Pháp, loại thùng đã được dùng để ủ rượu Sauternes, một loại vang trắng cực ngon, đắt tiền và có nhiều hương vị lạ do được làm từ những trái nho chín ‘lạ lùng’ theo phương pháp đặc biệt. Cả hai chai vừa kể trên đều có màu khá ‘lạt’, nhìn như màu rượu chanh của Nhà máy rượu HN khi xưa. Nhưng đó mới là natural colour. Riêng chai Nectar D’or thì còn là một dòng Non-chill filtered với độ cồn tiêu chuẩn cho dòng này là 46%.