Thực ra thì những người có thể đang lo lắng nhất về thùng ủ rượu có lẽ là người Mỹ chứ không phải ở đâu khác.
Theo Luật về Whiskey của Mỹ thì rượu Bourbon và Tennessee Whiskey bắt buộc phải được ủ thùng gỗ sồi mới (new oak, virgin oak), chứ không được dùng lại thùng đã từng ủ rượu, cho dù đó là thùng đã từng ủ rượu của chính nhà đó. Nếu nhìn vào ngành công nghiệp rượu Whiskey Mỹ, thì quy định này có vẻ như không được thực dụng như tính cách Mỹ. Những ý kiến phê phán thì cho rằng đây là một sự lãng phí lớn.
Quả vậy, rượu Whisky Mỹ thì có rất ít chai rượu nhiều tuổi. Đa phần những chai Jim Beam, Jack Daniel, Wild Turkey, Four Roses, Buffalo Trace, Makers Mark... đều có tuổi rượu khá trẻ, 2 tuổi, 3 tuổi, 4 tuổi, 8 tuổi, 10 tuổi... Với vòng đời của 1 chiếc thùng sồi, ngần ấy thời gian mới chỉ là "khúc dạo đầu" trong cuộc chơi miên man của nó. Ủ xong 1 mẻ rượu, phải loại ngay thùng sồi và trở thành nguồn cung cấp thùng ủ quý giá cho các nhà làm Scotch Whisky, Irish Whisky, Japanese Whisky, Indian Whisky, Ron...
Đã từng có khá nhiều ý kiến phản biện trong nội bộ người Mỹ, rằng họ cần sửa Luật để cho phép các nhà làm rượu Mỹ tái sử dụng thùng ủ sau những lần ủ đầu tiên. Tranh luận hồi lâu, cuối cùng phái truyền thống (hơi lãng tử và cowboy) vẫn thắng thế. Không, không thể dùng lại thùng. Giờ chưa phải lúc! Chỉ có chất tannin chát xít và ngào ngạt hương vani, mật ong, maple syrup, wood smoke... của thùng sồi mới được nướng kỹ mới phù hợp với hưong vị ngọt mềm, sâu và đậm của thứ Whiskey ngô Mỹ và cho ra thứ rượu vừa thơm, vừa ngọt, vừa giàu chất chát mà họ đã yêu mến, say mê từ hồi di cư sang đây lập quốc đến bây giờ. Cho dù cách ủ này không đem lại được những hương vị ẩn sâu, tinh tế, nhiều tầng, nhiều lớp như Scotch Whisky, nhưng chính nó lại đem lại sự sảng khoái, đã đời và đặc biệt phù hợp với tính cách đơn giản, mạnh mẽ, quyết đoán và phóng khoáng của họ.