Hội chợ hàng Việt Nam
Ở đây hơn 10 năm, chứng kiến biết bao nhiêu câu chuyện đơn lẻ về sự thành công của nhiều người rất trẻ, sự thất bại của nhiều kẻ lão làng song song với đó là dấu ấn của cộng đồng người Việt tôi dần dà giải đáp được thắc mắc của cá nhân mình ngay từ những ngày đầu biết đến họ - vì sao dù là một trong những cộng đồng đầu tiên khai phá trị trường nước Nga, nhất là sau những tháng ngày đầy giông bão của chính họ, mà sao cái cộng đồng này mãi chỉ là đứa trẻ trong cuộc chơi!
Mấy hôm rồi có đi xem hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao. Ngày đầu đi thấy khá tốt, đài báo quay phim, quan chức đọc lễ khai mạc, các nhãn hàng Việt Nam đầy khắp các hành lang và cửa hiệu trong khu hội chợ.
Hội chợ được tổ chức ở khu HaNoi-Moscow, khu tổ hợp chung cư và siêu thị mới xây dựng của người Việt, nghe bảo vốn là của ngân hàng gì to lắm ở VN.
Cũng phải công nhận riêng việc tổ chức hội chợ thì khu thương mại này làm tốt, rất nhiều ưu đãi cho các công ty từ VN sang. Từ chỗ ở, phí thuê chỗ trưng bày, hỗ trợ tìm phiên dịch,… đều rất tốt và giá thì cực ưu đãi. Nói chung mọi thứ đều tốt trừ các doanh nghiệp từ VN sang.
Ngoại trừ hai hang lớn là VINAMILK và THMILK rất bài bản trong khâu tổ chức khi họ chuẩn bị cửa hàng cực kì quy củ, hàng hóa mang sang đủ nhiều để cung ứng cho hội chợ, chỉ có điều mặt hàng sữa thì Nga nói thực là chất lượng hơn nhiều và cũng khá khó cho họ để xâm nhập vào đây.
Còn phần lớn những nhãn hàng khác hình như họ không có ý thức về khái niệm “hội chợ”. Tôi nói ví dụ như mặt hàng sợi bún, phở khô, hay các loại sản phẩm đặc trưng của ẩm thực Việt. Thực sự mà nói tôi khá bất ngờ khi thấy những sản phẩm này được chào đón nồng nhiệt đến như thế. Ẩm thực VN đã đi vào thị trường Nga kha khá lâu nhưng khá thiếu quy củ và đắt. Tuy nhiên sau những chuyến du lịch VN thì người Nga có lẽ đã mê đắm cái nền ẩm thực đa dạng, cân bằng và đầy hương vị này. Nhất là các món Phở Bún (mà dân Nga nó coi là Sup hết). Ngay hôm đầu tiên tôi đi, họ đã nườm nượp chen vào các gian hàng bán các loại sợi phở, bún, hay nem cuốn, hay phồng tôm (Lũ Nga tôi mời ăn Phồng tôm trước giờ đứa nào cũng khoái, nem thì khỏi bàn). Hôm khai trương ấy, giá các mặt hàng này khá rẻ, tôi cũng mua 1-2 gói gọi là ủng hộ. Nhưng những người chủ thì có vẻ như quá vui mừng trước sự nồng nhiệt này. Chỉ 2 hôm sau tôi trở lại, giá đã bị tăng lên khoảng 2-40% tùy loại mặt hàng. Ghé vào một gian hàng bán bánh phở khô, cô bé người miền Tây bán hàng hồ hởi lắm, bảo em bán sắp hết rồi 3 hôm nữa tụi em về! Tôi cũng cười cười với cô cho lịch sự! Ghé và các gian hàng khác, tình trạng cũng tương tự, họ đang cố bán nhanh để về. Tôi thực sự ngán ngẩm!
Thời hạn của hội chợ là 1 tháng, là 30 ngày thế mà các vị sang chỉ làm đúng 1 tuần rồi về? Thế thì sang làm gì? Trong một tuần, các vị bán lẻ được bao nhiêu gói bún, bao nhiêu đồ mĩ nghệ? Có đủ bù tiền vé máy bay không? Các vị định bán xong là phủi đít về à?
Tôi cứ nghĩ đã là hội chợ, các ông chủ phải ít ra cũng tìm cách ở lại càng nhiều, càng lâu càng tốt chứ, các vị sang đâu phải để bán mấy món lẻ tẻ, các vị sang tìm bạn hàng mà!
Và rồi tôi cũng có lẽ tìm ra lời giải đáp, đơn giản họ chả biết làm sao để tìm bạn hàng. Họ sang đây mà không có sự chuẩn bị có tính khoa học, phiên dịch thì sang đây mới thuê vội. Thuê ai, thuê sinh viên! May mắn lắm có vài gian hàng thuê được mấy đứa nhỏ lớn lên ở bên này, chúng nó tiếng Nga siêu quần nhưng lại quá xì tin, cũng không hợp lắm với cung cách của nhữn người bán hàng nghiêm túc cần có.
Những phiên dịch này, góp phần không nhỏ làm hỏng kế hoạch cũng như hình ảnh công ty của họ. Vì sao? Tôi có thể đơn cử ra vài ví dụ như: Họ đứng bán nước tương, có vài loại, nhưng khi khách hàng hỏi có gì khác nhau giữa những loại tương này thì họ ú ớ. Có một gian hàng sau khi bị hỏi nhiều mấy chú phiên dịch này còn đưa ra sang kiến là mở mỗi loại một chai cho người ta nếm thử. Cũng hay đấy nếu như trong các chai ấy các chú cất hộ chai mắm tôm đi. Đến người VN mà mút mắm tôm sống có khi còn ói huống gì Tây! Thế là ai lỡ nêm món mắm tôm ấy chắc chắn một đi không trở lại.
Những phiên dịch này hầu hết đều không có sự trò chuyện cũng như thảo luận trước về nội dung hàng hóa của gian hàng mình, thậm chí nhiều người không có đủ từ chuyên môn về mặt hàng mình đứng giới thiệu, như kiểu thực phẩm chức năng giúp đầu gối, xương khớp như thế nào thì họ đến cả mấy từ như “khớp” cũng không chuẩn bị sẵn. Có vài gian hàng đưa người nói tiếng Anh sang, nhưng người Nga không phải giỏi tiếng Anh lắm nên cũng phải thuê thêm người phiên dịch tạm thời.
Ngoại trừ các doanh nghiệp may mặc của người Việt tại Nga, như Milton là một ví dụ, có sự bài bản hơn hẳn trong khâu tổ chức thì các doanh nghiệp trong nước sang hỏng ngay từ khâu chuẩn bị, họ thiếu tiền trạm, dường như là vậy!
Quả thật, sau khoảng 1 tuần trở lại, tôi thấy tiếc cho nỗ lực của phía nhà tổ chức. Nhưng cũng khá là buồn vì họ thiếu khâu kiểm tra và cũng góp phần không nhỏ làm uy tín của doanh nghiệp VN đi xuống. Ví dụ, sau mấy hôm bán được quá, kha khá tiểu thương thuê ngay một quầy mới, chuyển hàng chợ vào bán. Nguồn gốc số hàng này là Rubak, vào hội chợ lại thành hàng VN chất lượng cao, trà xanh, cà phê pha sẵn 3 trong 1 cứ thế tuồn vào bán cật lực. Một vài gian hàng nhập khăn trung quốc về bán bảo là khăn lụa… và rõ rang, đó không phải là gian hàng của bất cứ doanh nghiệp nào trong nước cả. Họ đang biến cái hội chợ, nơi để chúng ta tự hào giới thiệu hàng Việt Nam, thành một cái chợ tạm để kiếm chác. Không thấy ai kiểm tra hay xử phạt, họ thậm chí còn tiếp tay! Tôi buồn! Cuối cùng thì tôi hiểu vì sao chúng ta mãi không thể ra biển lớn!