Cách các bà các mẹ nhà cháu xưa thường làm (để ăn trong nhà, không phải để bán như dân vùng biển) như sau ạ:
Cá mua loại thuyền vừa về, cá Nục hoặc cá Cơm nhưng cốt nhất là còn tươi, chưa nổ bụng. Chuẩn bị muối, nếu có muối càng để lâu càng tốt vì hình như muối mới sẽ để lại nhiều vị chát, vì sao thì nhà cháu không biết. Chuẩn bị một cái vại sành, một ống tre to giữ 1 mắt lại, dùi 4 lỗ ở gần mắt để xỏ 4 chiếc đũa làm chân giữ thăng bằng sao cho cái ống tre đấy tự đứng được trong lòng vại. Thế xong xếp lần lượt 1 lượt cá 1 lượt muối từ đáy vại lên thôi, tỷ lệ thì cụ tìm hiểu thêm tuỳ theo mặn nhạt ý mình. Thường thì quê cháu sẽ rang cháy ngô hạt làm thính phủ kín mặt trên. Để lấy thành phẩm thì làm một cái gáo cũng bằng ống tre, nhỏ hơn đường kính ống trong vại, cắt khoanh 4/5 chu vi ở đoạn đây có mắt, cách đây khoảng 4-5cm rồi chẻ bỏ phần cắt khoanh đấy đi, để lại phần liền dài đến hết ống làm cán gáo, thò thẳng đứng xuống ống trong vại múc từng gáo một. Xưa kiếm được cái tấm nylon loại bao đựng phân ure của Liên Xô để bịt miệng vại ràng dây xăm xe đạp quanh miệng là yên tâm lắm. Đội nón lá lên rồi mang ra vườn phơi nắng thôi. Lúc gần chín thì nấu nước muối để nguội rót vào, chứ mỗi cá + muối không thì hàng năm chưa có nước mắm ăn đâu ạ.