Mọi chuyện về phân chia và thừa kế di sản thông thường (trừ phần [thờ] tự sản) liên quan đến cách hiểu chữ tử (子) trong luật thời Nguyễn, bộ luật dù sau đó bị thay thế bằng Dân luật Bắc Kỳ và Dân luật Trung Kỳ trong giai đoạn Liên bang Đông Dương, nhưng ảnh hưởng của nó thì ít nhất là kéo dài cho tới năm 1949 và trong ý thức của dân chúng thì tới này có lẽ vẫn chưa chấm dứt. Các học giả như Philastre, Sicé khi dịch và diễn giải điều 83 Hoàng Việt luật lệ, như trong sách tiếng Pháp Le Code Annamite đã coi chữ tử chỉ là các nam tử (con trai, enfants mâles). Các học giả khác như Camille, Gabriel, Vũ Văn Mẫu lại coi chữ tử là con cái nói chung (enfants, nam tử + nữ tử). Ngay trong giới học giả còn có sự không thống nhất trong cách hiểu thì khó trách quan viên, dân chúng trong việc hiểu và thực thi luật.
Trước đây nhiều gia đình sinh sống kiểu tam, tứ đại đồng đường và việc phân chia di sản chỉ được tiến hành sau khi mãn tang người chết có di sản để lại và nếu vợ người đó còn sống thì phần di sản đó vẫn chưa được chia mà giao cho người vợ quản lý, như thế thì chỉ sau khi mãn tang cả cha và mẹ thì mới được chia di sản. Con gái khi đi lấy chồng thì đóng góp công sức lao động vào khối tài sản chung của nhà chồng, ngoại trừ phần của hồi môn có thể giữ riêng hoặc nhập vào khối tài sản chung của nhà chồng, tùy theo ý định của người đó hoặc tùy theo gia quy, nhưng nếu ly hôn thì phần của hồi môn này phải trả lại cho người đó. Phần đóng góp vào khối tài sản chung của một gia đình nào đó sau khi người con gái/cháu gái đi lấy chồng không chỉ là của mỗi cha mẹ/ông bà nội mà còn là của các con trai, con dâu, cháu trai, cháu dâu hay thậm chí cả chắt trai, chắt dâu nếu cụ ông/cụ bà sống rất thọ. Phân định phần tài sản chung nào là công sức của cha mẹ, phần nào là công sức của con trai con dâu, phần nào là của cháu trai cháu dâu v.v. là việc không dễ dàng, trừ khi cha mẹ cho con một phần tài sản sau khi chúng lấy vợ lấy chồng và không buộc họ phải đóng góp thêm gì nữa vào khối tài sản của cha mẹ sau khi con cái ra ở riêng. Vì thế, luật phải có sự phân định nhất định để đảm bảo sự công bằng tương đối trong phân chia di sản, không chỉ đối với con trai con gái mà còn đối với con dâu, các hàng cháu chắt nội v.v., với việc chỉ chia thừa kế cho hàng thừa kế thứ nhất + thừa kế thế vị của hàng thừa kế này trước khi xem xét chia thừa kế cho hàng thừa kế thứ 2, thứ 3 v.v.. Với trường hợp cha mẹ sống độc lập với các con sau khi cho chúng ra ở riêng thì người con gái còn có cơ sở để yêu cầu được nhận thừa kế di sản là tài sản riêng của cha mẹ để lại, còn trong các trường hợp khác thì nó không có cơ sở bởi người này đang tranh giành cái là đóng góp của những người khác (các anh em trai, các chị em dâu, các cháu trai cháu dâu v.v.). Vì thế, cách hiểu chữ tử chỉ là con trai không hẳn là không chính xác, khi xét trong ngữ cảnh của kiểu gia đình tam, tứ đại đồng đường phổ biến thời phong kiến và ảnh hưởng của nó còn kéo dài tới nay, cho dù xu thế tam, tứ đại đồng đường không còn là phổ biến.
Ngày nay xu hướng chủ đạo có lẽ là con cái sống độc lập với cha mẹ sau khi lập gia đình, vì thế việc xác định tài sản nào là của cha mẹ và tài sản nào là của con cái dễ dàng hơn (nhưng vẫn là khó khi cha mẹ ở cùng một con nào đó). Tất nhiên là luật pháp vẫn ưu tiên cho ý nguyện của người có tài sản trước khi cần can thiệp.