Một năm nhà em cũng lo nhiều dịp lễ lạt, cúng giỗ: Giao thừa, Mùng 1 Tết, Mùng 2 Tết, Mùng 3 Tết, Hóa vàng (thường vào mùng 4), Rằm tháng Giêng, Rằm tháng 7 (cúng chúng sinh), Rằm tháng Tám, cúng Tất niên và giỗ ông bà nội chồng, giỗ các cụ là anh của ông nội chồng (không có gia đình hoặc không có con cái), giỗ cụ tổ ông, cụ tổ bà.
Năm nào cũng vậy, các dịp này là tay em chuẩn bị mâm cỗ mặn (hai hoặc nhiều, tùy theo bố em có mời khách không). Về cơ bản, các mâm cỗ đều có xôi (xôi gấc, xôi trắng, xôi đỗ, bánh chưng), gà (100% gà luộc, trừ mùng 1,2,3, hóa vàng mùng 4 là không có gà), canh măng (canh bóng), nem, củ quả luộc chấm muối vừng, 1 đĩa xào; còn lại tùy dịp mà có các món khác hợp lí kèm theo, trong đó phải có 1 món thủy hải sản. Theo tiêu chuẩn của bố chồng em thì đếm cả cơm trắng, hoa quả tráng miệng, phải có 12 món. Có lần bố em cho em chuẩn bị tới 29 mâm cỗ lận, hihi. Và với một người chậm chạp như em, em phải chuẩn bị trước cả tuần. Tối hôm trước, em phải đứng đến 2h sáng hôm sau là bình thường, và 5h30 phải dậy rồi. Gần đây thì em được đặt cỗ, vì đã tìm ra mối làm cỗ hợp ý bố em. Làm em thành ra lại nhàn quá, hihi...
Chuyện cúng kiếng cũng tùy quan điểm. Em giống bố chồng em. Ban thờ lúc nào cũng phải sạch sẽ xum xuê, cỗ phải ngon, đẹp mắt, đầy đặn. Em hay hỏi bố mẹ em sinh thời các cụ thích ăn gì là em cũng cố gắng nấu ngon món đó. Và mỗi đám giỗ, đông con nhiều cháu, nhưng thật là chỉ có một mình em hếch mũi lên nghe bố em kể chuyện về các cụ. Mãi cũng không chán. Nên bố em quý em lắm. Ở nhà em, mỗi góc nhà, góc vườn, em đều tưởng tượng ra từng bước chân các cụ đã từng đặt lên đây, bàn tay đã sờ vào góc này. Nhiều đến nỗi, có thể có những dấu chân em đặt nguyên khuôn lên dấu chân các cụ cũng không chừng.
Nhưng mẹ chồng em thì thích đơn giản, mẹ em tiết kiệm tiền cho tụi em. Nên rằm, mùng Một hàng tháng, em để mẹ em thích gì mua nấy. Thường cụ chỉ mua 3 bông hoa với một đĩa nhỏ quả. Dù trong lòng em thích khác, nhưng em vẫn muốn mẹ chồng em vui, nên khen bà suốt, hihi. Vì thực ra, làm mẹ vui ngay thời gian này, quan trọng hơn gấp nhiều lần để một ngày nào đó, em nghĩ vậy. Còn các dịp giỗ tết lớn, chắc có khách tới nên em có bày biện cũng không thấy bà cằn nhằn gì.
Chồng em thì bảo: mai sau anh sẽ học tập thầy Thích Nhất Hạnh, đi thiêu và cho rắc vườn, không thể cản cái sự tiếp nối của nắm xương tàn ấy được. Để cho nó làm cho hoa thắm, trái ngọt. Không cần cúng kiếng rùm beng gì cả. Em mí bảo: anh làm thế đố ai dám hít hà hương thơm của hoa, dám chén cái trái ngọt ấy đấy, hihi. Còn cúng kiếng, không phải là cho anh, mà là cho chính các con anh, nó như được sống nhiều hơn qua cuộc đời của anh ý. Chồng em chả ư cũng chả hừ, nên không hiểu có nhất trí không, hihi