CHUYỆN KỂ VỀ LÍNH SAM 3 .
NOTE:
-Đây là bài viết của các cụ, nguyên là lính của 2 trung đoàn tên lửa Sam 3 đầu tiên, là các trung đoàn 276 và 277, trong đó có đại tá Trần Danh Bảng, Phóng viên báo Văn nghệ quân đội,Nguyên Trắc thủ Rada P12 D164. E 276. Sư đoàn phòng không Thủ đô. (Cụ Bảng là bạn lính của nhà cháu).
-Cá nhân Baoleo, năm 1974, sau khi rời mái nhà ở làng Kim Liên để nhập ngũ và băng mình vào gió bụi, đã từng được thừa hưởng 01 chiếc áo quân phục Nga, của đoàn Sam 3, hồi họ đi học ở Ba-Cu. Đó là một chiếc áo mầu vàng rơm, kiểu bờ-lu-dông, có 2 vòng kim loại ở gấu áo, gắn ở 2 bên sườn của quân phục. Và nổi bật là hàng khuy đồng sáng bóng. Tiếc rằng, do thói bồng bột của tuổi trẻ, chiếc áo ấy đã được quy đổi thành vài bó hoa, tặng 1 bóng hồng, mà rồi kết quả chẳng đi đến đâu. Tiếc cái áo quá.
Thồi, đi vào câu chuyên chính.
(Tút này khá dài, nhưng đầy ắp tư liệu, kính các cụ).
--- ---- --------
Cuộc hành trình không thể quên.
Đầu tháng 6 năm 1972 sau hơn một tháng tập tành ở các đơn vi huấn luyện tân binh chúng tôi được tập trung về sân bay Bạch mai để thành lập 2 Trung đoàn tên lửa mới, E276 và E277, theo Quyết định ngày 22.6.1972 của Bộ Tư lệnh PKKQ Việt nam.
Trừ các cán bộ khung, những người đã từng tham gia chiến đấu, số còn lại là tân binh từ các trường Đại học Bách khoa, Tổng hợp, Ngoại ngữ và một số từ trường Y. Hình như có điều gì đó khác biệt ở cái đơn vị sắp thành lập này nhưng tôi không bận tâm lắm vì còn mải làm quen với mấy anh bạn mới.
Tiểu đoàn tôi được phân công ở tạm trong các ngôi nhà một tầng rộng rãi nhưng trống trải gần đường băng. Từ sáng sớm cán bộ đại đội đã đi nhắc mọi người dọn sạch đoạn hào giao thông và các hầm cá nhân để đề phòng máy bay địch có thể đến bắn phá song mấy anh lính trẻ chỉ dọn qua loa chiếu lệ rồi quay về nằm tán gẫu hoặc viết nhật ký.
Gần trưa máy bay Mỹ vào đánh phá Hà nội thật. Trời trong xanh không một gợn mây. Dứt tiếng còi báo động chúng tôi vừa chạy ra khỏi nhà đã thấy tiếng đạn cao xạ nổ ầm ầm xung quanh. Trên bầu trời xuất hiện những chấm đen của những tốp máy bay Mỹ nổi bật trên nền mây trắng. Ngay lập tức một tiếng nổ gầm lên dữ dội từ phía ngoại ô lấn át cả tiếng pháo cao xạ. Một quả tên lửa vút lên kéo theo dải khói trắng sau đuôi lao thẳng vào tốp quạ đen. Nó gần như cắt ngang phía trước đội hình bốn chiếc máy bay đầu tiên khiến chúng cuống quít tản ra. Chậm rồi. Một tiếng nổ trầm đặc vọng vang từ trong cụm khói trắng hình tròn vừa xuất hiện trên không trung. Chiếc máy bay phía ngoài đột ngột chúi đầu, phụt khói đen, lao nhanh xuống đất. Phía sau nó một chiếc dù bung ra. “Cháy rồi. Đẹp quá chúng mày ơi !” Cả đám lính mới nhảy lên mặt đất gào thét, háo hức với chiến công của binh chúng mà mình sắp được tham gia.
Anh đại đội trưởng vừa vẫy tay vừa cố quát to một cách bất lực :“Xuống hầm ngay mấy thằng kia. Nó ném bom thì chết cả lũ bây giờ !” Quả nhiên những tiếng rít rợn người lập tức dội tới cùng những tiếng nổ kinh hoàng liên tiếp của tên lửa đối đất phóng xuống sân bay. Khói lửa mù mịt . Tiếng kêu thét sợ hãi vang lên khắp nơi. Lần đầu tiên các chàng tân binh mơ mộng nếm mùi bom đạn.
Tôi định lao xuống đoạn giao thông hào cạnh cửa thì sững lại vì nó ngập nước. Có tiếng người ới gọi tôi từ chiếc hầm cá nhân gần đấy. Tôi nhảy đại xuống. Thì ra là cậu bạn cùng khoa nhưng nó mới học năm thứ nhất. Tôi cũng run lắm nhưng dẫu sao cũng hơn nó 3 tuổi nên phải làm ra vẻ đàn anh cứng cỏi. Nó rên rỉ :“Chết mất anh ơi. Em sợ lắm.” Tôi trấn an :“ Không sao đâu. Ngồi dưới này là an toàn rồi.” Nó bảo tôi đậy nắp hầm lại. Tôi nhìn quanh nhưng không thấy cái nắp bê tông đâu mà chỉ có một tấm liếp mỏng vất bên miệng hố nên lại ngồi thụp xuống. Những chiếc máy bay Mỹ bắt đầu vòng lại thả bom. Nhìn những quả bom đen chùi chũi lạnh lùng rơi xuống phía trên đầu tôi buốt hết cả sống lưng. Cậu bạn trẻ mặt tái mét, giọng run rẩy nhắc lại :“ Đậy nắp lại đi anh ơi !”Tôi bực quá quát lên :“Cái liếp này thì ăn thua mẹ gì. Bỏ ra cho thoáng. Có chết thì cũng phải thoáng mát chứ.” Nghe tôi nói thế nó lấy hai tay ôm đầu, cúi gục xuống không dám nhìn lên nữa.
Khoảng 15 phút sau tiếng bom dứt. Có ai đó gào to trong lớp khói bụi mù mịt trên sân bay :“Các đồng chí nhanh chóng rút ra qua phía đường băng .” Chúng tôi bật khỏi hầm như cái máy rồi hớt hải chạy theo những bóng đen lờ mờ mà chẳng biết mình chạy đi đâu. Vượt qua đường băng tới được một thửa ruộng trồng dưa phía ngoài sân bay cả lũ nằm vật xuống thở dốc.
Bầu trời đã trong xanh yên tĩnh trở lại. Nỗi sợ hãi cũng tan dần. Để xả hơi chúng tôi vặt đại mấy quả dưa gang dưới chân vừa gặm vừa tí tởn trêu nhau. Thấy một chiếc mũ cối méo mó vất bên cạnh tôi cầm lên lẩm bẩm :“ Mũ thằng nào mà bẹp dúm thế này.” Ông bạn nằm bên giật mình sờ lên đầu, tái mặt thốt lên :“Bỏ mẹ. Mũ của tớ. May quá. Tí nữa thì no đòn với cái tường đổ.” Thế mà vừa thở mạnh một hơi để trút hết nỗi sợ hãi nó đã toét miệng cười nhăn nhở :"Sống chết có số. Sợ đếch gì.”
Chật vật lắm Đại đội trưởng mới tập hợp đủ đám tân binh hoảng loạn để đi ăn trưa. Bữa ăn chỉ còn cơm với vài miếng thịt. Ông đầu bếp cứ lầm bầm chửi rủa lũ phi công vì làm đổ hết cả chảo nước canh.
Chiều hôm đó chúng tôi chuyển về trạm xá Bộ tư lệnh PKKQ ở Định công. Đây là nơi các phi công chiến đấu kiểm tra sức khỏe và an dưỡng nên tiêu chuẩn ăn uống rất tốt. Mấy ngày ở đây bọn tôi cũng được ăn ké theo. Chờ lệnh mới nên nhàn rỗi lính ta tha hồ tán phét. Mấy đứa người Hà nội kể đủ chuyện về những món ăn nổi tiếng và hứa sẽ chiêu đãi cả bọn sau ngày chiến thắng món “Bún ốc ngã tư Sở“. Các “Hãng tin vỉa hè ” thì đua nhau đưa ra những phỏng đoán ly kỳ về tương lai của đơn vị. Khi được lệnh chụp ảnh mấy vị con nhà quan to tỏ ra thành thạo rỉ tai cả bọn là đơn vị này sắp “xuất ngoại”. Thật hồi hộp. Chưa đứa nào trong chúng tôi được ra nước ngoài bao giờ.
Một tuần sau toàn đơn vị được lệnh đi bộ hành quân sang sân bay Gia lâm. Chiều muộn. Trời không trăng. Đường phố im lìm dưới ánh đèn đường vàng nhạt, yếu ớt. Đoàn quân lặng lẽ kéo dài thành một hàng suốt dãy phố vắng tanh ẩn dưới những tán cây um tùm. Vậy mà đến cuối con phố bỗng nhiên rất nhiều người đổ ra đường líu ríu vẫy gọi, chào hỏi chúng tôi. Những ngày này chiến sự đang xảy ra rất ác liệt ở Quảng trị mà nhà nào cũng có người thân trong quân đội nên ai cũng lo cho những anh lính mới. Thật xúc động khi nghe giọng run run như cầu khấn của mấy bà mẹ :“ Lạy phật. Các con đi rồi mau trở về mạnh khỏe nhé.” Tim tôi se lại khi thấy các bà kín đáo lau những giọt nước mắt trên khuôn mặt gìà nua, khắc khổ. Họ cũng giống mẹ tôi và chắc cũng có con đi bộ đội. Hẳn nỗi lo sợ bất an ấy luôn đau đáu trong lòng các mẹ khi nhìn những anh lính trẻ ra trận.
Trong suốt hơn hai tuần ở đây chúng tôi vẫn chẳng biết mình sẽ đi đâu. Cánh lính mới chỉ biết thì thầm, đoán già đoán non còn mấy ông lính cũ, cán bộ khung, thì cứ lầm lì không nói gì.
Rồi lại có lệnh chuyển quân. Hàng quân lặng lẽ kéo dài gần hết con đường băng bê tông lạnh lẽo, vắng ngắt trong bóng chiều. Bất chợt trên sân bay vang lên một tiếng gọi thất thanh. Tôi kịp nhận ra bóng thằng bạn cùng học bứt khỏi hàng quân lao về phía một cô gái. Cô gái trẻ cũng hớt hải quẳng chiếc xe đạp xuống bãi cỏ cạnh đường băng chạy về phía nó. Ông bạn tôi ôm chặt cô gái, hôn say đắm lên môi người yêu. Cả bọn ồ lên xúc động nhưng lo lắng cho nó khi thấy một ông chỉ huy đang cắm cổ chạy tới. Thấy hai đứa đầm đìa nước ông ấy nén giận quát lên :“Chia tay nhanh lên để nó còn đi. Nó có vào chỗ chết *** đâu mà cũng khóc .” Tôi thấy nhẹ cả người. Thì ra ẩn dưới cái vẻ mặt lạnh lùng, khô khan của những con người dày dạn chiến trận vẫn có sự rung động, đồng cảm của trái tim.
Hôm sau từ một địa điểm tập trung ở ngoại ô Hà nội chúng tôi được lệnh lên xe hành quân lên phía bắc tới ga Đồng đăng. Ở đây toàn đơn vị đổi sang trang phục dân sự rồi lên tàu hỏa liên vận vượt biên giới. Đến lúc ấy mấy ông lính cũ mới tủm tỉm cười bảo cả bọn :“Trung đoàn mình sang Liên xô học khóa tên lửa mới.” Và cũng ngay lập tức một mệnh lệnh được ban ra :“Tuyệt đối không để lộ hành trình. Hạn chế tiếp xúc với người ngoài. Cấm viết thư, chụp ảnh.”
Nói thật lòng ai cũng thấy nhẹ người.Thay vì hành quân ra mặt trận khốc liệt thì lại được “xuất ngoại”. Tuy vậy chúng tôi cũng thấy ngượng với những người anh em đồng trang lứa đang tiến về phía Nam nên thầm bảo :“ Chúng tôi sẽ quay lại nhanh thôi để chia lửa với các bạn .”
Còn chưa hết xốn xang với những suy nghĩ trong đầu thì con tàu đã rú một hồi còi dài, lao nhanh giữa những vách núi đá lạnh lẽo ,đen xì đưa chúng tôi vượt qua biên giới Việt trung. Tôi nhoài ra cửa toa, ngoái đầu về phía những rặng tre xanh cuối cùng của Tổ quốc thầm nói :“Tạm biệt đất mẹ. Chúng con đi đây nhưng chúng con sẽ nhanh chóng trở lại .”
Chúng tôi được tiếp đón nồng nhiệt tại ga Bằng tường Trung quốc. Cả đoàn được đưa đi xem buổi biểu diễn của các “Hồng vệ binh ” tí hon với các tiết mục kinh kịch hiện đại ầm ì trong tiếng kèn, tiếng trống trận. Nhìn các cô bé, cậu bé chỉ khoảng 11,12 tuổi, nét mặt tỏ ra rắn rỏi, cố nhảy thật cao, phất thật mạnh lá cờ đỏ trong tay tôi thấy thương chúng nó. Chúng làm gì đã hiểu nổi thế nào là “Cách mạng .” Những thanh niên trưởng thành như chúng tôi mà cũng còn chẳng hào hứng gì với những bài hát “gào thét” ấy nữa là mấy đứa trẻ. Cả buổi biểu diễn chỉ có mỗi bài hát “Giải phóng miền nam” vào những phút cuối là làm chúng tôi xúc động mà thôi.
Tàu Trung quốc chạy đường ray rộng hơn nên khá êm. Giường nằm cũng to hơn. Mỗi toa có hai nữ phục vụ viên rất trẻ. Họ vốn là sinh viên đại học nay xuống thực tế lao động theo phong trào “Đại cách mạng văn hóa ”. Cũng như mọi cán bộ, nhân viên khác họ mặc bộ đồng phục màu xanh công nhân và đội chiếc mũ vải mềm rộng có lưỡi trai nên trông già đi rất nhiều. Ai cũng đeo một chiếc huy hiệu “Mao trạch đông ” to đùng trên ngực. Hình ảnh này thì chúng tôi đã quen gặp trong các quyển họa báo Trung quốc bán ở Việt nam rồi. Dẫu sao các cô cũng là những người trẻ, lại là sinh viên như chúng tôi nên dễ làm quen với nhau. Các anh lính Việt cố nặn óc nhớ một vài từ Trung quốc học từ thời phổ thông để bắt chuyện. Một ông còn khoe giọng với bàì “Tung pháng hùng.”( Đông phương hồng ), ”Công xã là hoa hướng dương”. Hồi ấy mới có bài hát “Việt nam Trung hoa, núi liền núi sông liền sông…” của Đỗ Nhuận nên cả bọn cũng hào hứng đồng ca. Chả biết hai cô gái có hiểu gì không nhưng không khí trong toa rất vui nhộn. Dù vậy mỗi lần bà quản lý già với vẻ mặt lạnh“như kem que" xuất hiện là các cô ấy lại tái mặt xua tay về phía chúng tôi, luống cuống cầm khăn, cầm chổi lau quét lung tung như đang làm việc chăm chỉ. Bọn tôi ghét bà này lắm nên thường kiếm cớ chặn bà ta ở cửa toa để báo động cho các cô bạn. Phải công nhận các nhân viên Trung quốc chăm sóc chúng tôi rất tận tình, chu đáo nhưng chắc chỉ vì nhiệm vụ được giao. Khi chúng tôi cám ơn họ đều đáp lại như cái máy :“Chúng tôi luôn sẵn sàng vì các đồng chí Việt nam, những người trên tuyến đầu chống đế quốc Mỹ.” Dù gì thì đây cũng là những ngày bình yên, no đủ đầu tiên, không có bóng dáng chiến tranh của chúng tôi.
Suốt bốn ngày đêm trên con tàu chạy xuyên qua Trung quốc ấn tượng để lại trong tôi là một không khí trầm lắng, ảm đạm bao trùm lên các khu dân cư, vẻ lo lắng, thấp thỏm của người dân và sắc mặt “đanh thép ” của những anh lính hồng vệ binh trẻ đứng gác trên cầu Trường giang.
Ở ga biên giới” Zabaikal” của Nga rất dễ nhận ra sự thiếu thiện cảm của các sĩ quan Nga với người Trung quốc. Chúng tôi được lệnh im lặng, không tham gia vào các cuộc tranh cãi của họ. Mỗi toa tàu trên đất Nga ngoài một ông sĩ quan phụ trách cũng có hai phục vụ viên. Họ cũng là sinh viên nhưng đi làm thêm trong dịp hè. Bây giờ thì các chàng lính trẻ trong toa của tôi lại lục tìm trong trí nhớ các câu tiếng Nga để tán cô Tania xinh đẹp. Khả năng nói tiếng Nga khá hơn vì nó có trong chương trình Đại học. Lúc nào trong toa cũng rộn lên cái ngôn ngữ nặng màu sắc kỹ thuật, chắp vá kèm những cái vung tay liên hồi . Thế mà nó làm cả toa đầy ắp tiếng cười. Vui nhất là lúc các chàng hả hê, đắc ý khi cô gái Nga, sau một hồi lâu lắng nghe, suy đoán, hiểu được ý của mình. Một dịp thể hiện kiến thức ngoại ngữ tuyệt vời. Có vẻ cách nói chuyện đó còn thú vị hơn, lôi cuốn hơn cuộc đối thoại trôi chảy với tôi, một sinh viên đã học tiếng Nga bốn năm. Họ chỉ gọi tôi khi cả hai bên đã nói đến mỏi mồm, ra hiệu đến mỏi tay mà vẫn không sao biết được người kia muốn nói gì.
Tính cách của người Nga tự nhiên, cởi mở nên không ai phải dè chừng. Họ cư xử với chúng tôi như những người bạn cùng trang lứa. Họ cũng rất hứng thú khi được biết về một đất nước,về những con người đang được cả thế giới quan tâm. Ông sĩ quan Nga không ngăn cản những cuộc trò chuyện mà chỉ yêu cầu mọi người làm tốt việc của mình và giữ nghiêm kỷ luật, giờ giấc quân đội. Cứ thế, nước Nga mùa hè với những cánh rừng thông xanh biếc, những hàng bạch dương thướt tha, những thảo nguyên bao la, những thị trấn, những nông trang yên bình, xinh đẹp lần lượt lướt qua ô cửa toa tàu khiến chúng tôi bỏ quên lại phía sau những tháng ngày chiến tranh ác liệt.
Sau một tuần chạy xuyên miền nam nước Nga đoàn tàu vượt sang nước cộng hòa XHCN Azerbaizan. Ở sân ga cuối cùng một đoàn xe quân sự đã chờ sẵn. Toàn đơn vị nhanh chóng lên xe chạy về Trung tâm huấn luyện tên lửa Shitentrai Bacu. Nó nằm trên một ngọn đồi lớn có bờ dốc chạy thoai thoải xuống biển Caspian. Trường nằm không xa thành phố Bacu nhưng cách biệt với các khu dân cư. Chỉ có một “Làng sĩ quan ” bên cạnh là nơi trú ngụ của các gia đình sĩ quan-giáo viên của trường. Ra vào Trung tâm phải qua một chiếc cổng lớn được canh gác nghiêm ngặt suốt ngày đêm. Một con đường nhựa chạy song song ngay bên cạnh trường nhưng nó được ngăn cách bằng một lớp hàng rào dây thép gai. Ngay phía bên trong có một vườn cây Ôliu. Vẻ mềm mại của nó làm dịu đi phần nào nét khô khan của một Trung tâm huấn luyện quân sự vốn chỉ trơ trụi với những tòa nhà ba tầng, vuông vức như những chiếc hộp khổng lồ đơn điệu.
Trên đỉnh đồi có một bãi phẳng với những dãy ghế dài bằng gỗ thông. Đây là nơi chiếu phim hoặc ngồi nghỉ giải lao của học viên. Thấp xuống dưới một chút là sân trường, địa điểm tập hợp toàn trường chào cờ buổi sáng và nhận những mệnh lệnh công tác của Ban chỉ huy nhà trường. Mặt sân trường được trải thảm nhựa asphal khá dày nên ngày nắng rất nóng và ngày mưa rất trơn. Dù chúng tôi đi những đôi giầy lính dã chiến có lớp đế cao su dày song vẫn hay bị trượt ngã. Dưới cùng, giáp vườn cây, là bãi tập thể thao. Ở đây có đủ những dụng cụ để rèn sức khỏe cho binh lính. Ngoài những xà ngang, xà dọc quen thuộc còn có những dãy cầu thang mái nhà và những khung sắt có dây thừng leo to tướng để luyện tập cơ tay. Sau mỗi lần thực hiện những bài tập nặng này cơ bắp tay của chúng tôi rắn lên như đá. Điều đó lý giải vì sao chỉ sau vài tháng ăn tập ở đây những anh lính Việt nam đã tăng cân rất nhanh và trông rắn rỏi, mạnh mẽ .
Ngay sau khi chúng tôi đến nhà trường đã ra lệnh thu toàn bộ quân phục, tư trang, quần áo lính Việt nam để tẩy trùng. Họ phát cho mỗi người một bộ quần áo lính Nga vải dầy, màu vàng. Lính đại đội 1 ( đại đội kỹ thuật) được phát thêm một chiếc áo shinel. Lính đại đội 2 ( Đại đội bệ phóng ) nhận áo bông dày để chống rét. Khi hậu vùng này ngày nóng nhưng đêm rất lạnh. Chúng tôi cũng được phát những chiếc mũ lông màu tím gắn huy hiệu xô viết.
Nhưng sau đó ban chỉ huy Trung đoàn đã cho chúng tôi đổi sang huy hiệu quân đội nhân dân Việt nam.
Sau một ngày nghỉ ngơi toàn đơn vị được tập họp tại sân trường nghe ông Đại tá Nadyrshin, Hiệu trưởng phổ biến quy định và chương trình khóa huấn luyện. Kể từ hôm ấy sáng nào chúng tôi cũng phải tập trung chào cờ, nghe quốc ca Liên xô và đồng thanh hô to chào ông Hiệu trưởng bằng câu “ Chúc Đại tá khỏe ” trước khi nhận mệnh lệnh công tác trong ngày.
Như để nhắc nhở chiến sĩ không quên mình là người lính của quân đội nhân dân Việt nam Ban chỉ huy trung đoàn yêu cầu các tiểu đoàn tập thêm về đội ngũ, hát quốc ca Việt nam và các bài hành khúc vào một số buổi tối. Quả thật chưa bao giờ chúng tôi thấy xúc động mạnh mẽ như thế khi hát quốc ca. Lời bài hát thực sự làm rung động trái tim những người lính xa quê hương. Nó làm chúng tôi nhớ tổ quốc, nhớ gia đình và bạn bè của mình. Việc này có vẻ chưa có tiền lệ với các khóa học viên nước ngoài khác nên gây tò mò cho lính Nga. Họ thường hỏi tôi sao nghe các hát bài Việt nam có vẻ “hiếu chiến” thế. Tôi cười bảo họ xem lại các bộ phim nói về “Cuộc chiến tranh vệ quốc”của Liên xô thì sẽ hiểu. Anh bạn nào nghe nói vậy cũng gật gù, đồng cảm.
Giai đoạn đầu học lý thuyết. Lính được chia theo các lớp chuyên môn. Trong phòng học treo đầy các sơ đồ nguyên lý, sơ đồ kỹ thuật, ảnh chụp từng khối máy ( block ). Tài liệu học bằng tiếng Nga được in trên những trang giấy dày màu hồng nhạt, kẹp trong lớp bìa carton cứng đúng kiểu hồ sơ. Đầu giờ học chúng được phát cho học viên và được thu lại toàn bộ ngay sau khi hết giờ. Dù vậy chúng tôi cũng chẳng mấy khó khăn khi đọc, hiểu và thuộc hết nội dung vì chúng thường lặp đi lặp lại như những công thức chứ không phức tạp như truyện văn học.
Việc học lý thuyết diễn ra trôi chảy, nhanh đến nỗi các giáo viên bắt đầu nghi ngờ “Trình độ học vấn phổ thông”cuả các học viên. Nó kết thúc trong vòng chưa đầy 3 tháng thay cho chương trình năm tháng. Kết quả kiểm tra lý thuyết hầu như toàn điểm giỏi nên chúng tôi được chuyển ngay sang phần thực hành trên máy.
Với trình độ của sinh viên đại học kỹ thuật thì việc đọc các khối máy, các mạch điện tử chẳng có gì lạ lẫm. Chúng tôi rất tự tin đo đạc, điều chỉnh tham số. Việc thao tác, sửa chữa các hỏng hóc theo bài tập được giao diễn ra trơn tru, chóng vánh. Sự thành thạo, tự tin của lính Việt khiến các giáo viên của trường rất ngạc nhiên. Cảm giác nhàn nhã trong việc hướng dẫn các học viên“quá thông minh ” đã động chạm tới lòng tự ái của họ. Vì thế họ sẵn sàng vui lòng truyền đạt những kiến thức tốt nhất, những phương pháp hiệu nghiệm nhất, những kinh nghiệm thực tế mới nhất để thể hiện vai trò của một ông thầy. Điều này làm các lãnh đạo trung đoàn chúng tôi rất hài lòng. Các anh ấy thường nửa đùa nửa thật nói :“Các cậu cứ mạnh dạn chọc ngoáy đi. Ở đây có sẵn linh kiện thay thế, lại có thầy giỏi, đừng ngại. Về nước không có được điều kiện như thế này đâu.” Vậy là những anh lính trẻ càng ham, càng mạnh bạo thực hành, thậm chí chúng tôi còn tự tạo ra các hỏng hóc rồi tiến hành sửa tại chỗ dưới sự theo dõi của giảng viên người Nga. Quả thật những kỹ sư tương lai này mà lại làm lính trơn thì hơi phí.
Hàng tuần vào chủ nhật chúng tôi được phép thay phiên nhau vào thành phố Bacu theo chương trình của ban chính trị nhà trường. Họ cũng muốn giới thiệu về truyền thống cách mạng địa phương cho hoc viên. Nhưng những anh lính Việt có tâm trí đâu mà nghe nhưng chuyện ấy. Hiểu và thông cảm với điều đó nên cứ đến bảo tàng thành phố là ông thiếu tá người Nga lại cho mọi người xuống xe, căn dặn giờ tập trung quay về trường rồi thả chúng tôi đi phố theo từng tốp nhỏ. Dần dần những người dân ở đây cũng quen với sự xuất hiện của những anh bạn trẻ Việt nam. Không khó để họ nhận ra chúng tôi chẳng “dân sự” chút nào vì ai cũng mặc đồng phục áo sơ mi màu mỡ gà, quần đen, giầy đen như nhau. Mọi người chỉ không thích chiếc mũ kepi có kiểu từ thời ông Lê nin vì đội vào trông rất "nhà quê".
Gọi là đi chơi nhưng đứa nào cũng vội vã vào các cửa hàng mua đồ bằng những "đồng tiền sinh hoạt hàng tháng” ít ỏi. Các nhân viên bán hàng cũng rất nhanh quen mặt những anh chàng ngoại quốc nhỏ nhắn nói líu díu như chim, lại hay cười. Chưa vào tới quầy hàng họ đã biết chúng tôi muốn mua gì. Đó là những chiếc đài bán dẫn bé xíu nhãn hiệu “Vega“ hay “Alpinist “. Hồi ấy gia đình nào ở Việt nam, nhất là vùng nông thôn, đều mong có một cái đài bán dẫn chạy pin để nghe tin tức thời sự. Tiếp theo là “Quạt tai voi” nổi tiếng và bàn là điện. Anh nào khá hơn thì cố mua một chiếc khung xe đạp “Sputnik “hay một cái đầu máy khâu. Chẳng hiểu sao mọi người lại còn rỉ tai bảo nhau mua “Vitamin B“ hay “Dầu cá Nga.”Thật buồn, vì ít tiền nên lúc đó chẳng mấy ai nghĩ tới việc mua “Souvenir ”( Quà kỷ niệm ) cho bạn gái ở nhà.
Người Azerbaizan mắt đen, tóc đen như người Việt. Họ nói tiếng Nga lơ lớ đúng âm hưởng của người nước ngoài. Những cô gái ở đây có đôi mắt dài, đen thẫm, huyền bí với cái nhìn sắc như dao cau. Họ mà chăm chú nhìn ai thì người đó như bị thôi miên. Tuy nhiên họ không thích bắt chuyện như cánh đàn ông mà thường chỉ ném cái nhìn sắc lẹm vào anh chàng nào mà họ thấy thích. Nói thế thôi chứ những anh lính trơn chúng tôi chẳng có điều kiện tiếp xúc với họ. Mà nếu có anh chàng mơ mộng nào rung động bởi sắc đẹp mê hoặc của các cô nàng giống như trong truyện “Một nghìn một đêm lẻ ” thì cũng chỉ dám dốc bầu tâm sự trong giấc mơ mà thôi. Thành Bacu nằm trên những quả đồi lớn. Các dãy phố chạy song song nhau, cao dần lên tận đỉnh. Những con đường nối các phố khá dốc nên khi đi bộ lên cao ai cũng thở hổn hển. Đẹp nhất là con phố trên cùng. Nó vừa rộng vừa hiện đại với những tòa nhà cao, sang trọng khác hẳn khu phố phía dưới. Tôi thường ngắm những bức tường thành cổ còn được lưu giữ lại ngay trên những con phố hiện đại. Chúng như minh chứng cho lịch sử hào hùng của người Azerbaizan, đất nước của những chàng kỵ mã miền Kavkaz kiêu hãnh. Tôi đã nhiều lần thấy họ trong sắc phục miền núi với chiếc mũ lông dày đội lệch, mang khẩu súng dài và dắt con dao sắc nhọn cạnh sườn, phi như bay trên những chú tuấn mã giữa những dãy núi đá trùng điệp trong những bộ phim Liên xô về miền đất Trung Á.
Trên những đường phố lớn có những hàng cây lâu năm thẳng tắp, cao vút, rợp tán lá. Nhưng ra khỏi khu trung tâm lại rất ít bóng cây. Những con đường đột nhiên trở lên trống trải, buồn tẻ và bụi bậm như đường về thị xã. Ngay phía sau thành phố là khu khai thác dầu lửa. Những chiếc cần múc dầu giống như mỏ những con cò khổng lồ, cần mẫn quay suốt ngày đêm. Mặt đất quanh chúng mấp mô, lổn nhổn sỏi đá với những vũng nước đen xì, loang lổ. Không khí nồng nặc, khó thở. Ngay bên dưới, nước mặt Vịnh Caspian cũng không trong mà đen thẫm, lấp lánh váng dầu. Phía xa nổi bật trên mặt biển là ngọn lửa từ tháp phun khí cháy rừng rực suốt ngày đêm. Nó không ngừng nhả cột khói đen đặc lên cao khiến bầu trời phía trên luôn phủ một lớp mây đen dày như sắp có giông bão. Chỉ khi rời xa hẳn tới các vùng ngoại ô lẩn khuất sau những dãy núi cao mới bắt gặp một vài đàn cừu trắng tha thẩn kiếm ăn trên những bãi cỏ hiếm hoi nằm xen giữa những vách đá sừng sững. Lúc ấy người ta mới tìm lại được cảm giác phóng khoáng, tự do của những người chăn cừu đơn độc giữa không gian bao la, trong lành, tĩnh lặng.
Sau ba tháng học lý thuyết chúng tôi bắt đầu hành quân dã ngoại tới những trận địa nằm trên bãi biển Caspian. Đêm ở đây khá lạnh. Giường dã chiến có đệm dày nhưng không có chăn. Chúng tôi chui vào trong chiếc túi ngủ và đắp thêm lên mình chiếc áo Shinel. Hàng ngày, lúc 5.30 sáng, các đơn vị đã phải dậy chạy một vòng theo đội hình trên quãng đường dài tới 5 km dọc bãi biển. Bãi ở đây rất nhiều vỏ sò, vỏ ốc. Chúng phủ kín bờ đến chục mét. Có hôm tôi bị vỏ một con sò rơi vào trong giầy mà vẫn phải khập khiễng chạy vì không được rời đội hình. Về đến lều bỏ giầy ra thì cả bàn chân đầy máu.
Thực ra Caspian không phải là biển. Nó là cái hồ rộng nhất thế giới nằm trong đất liền nên nước của nó trong xanh nhưng không mặn. Bờ biển nông. Đi ra xa hàng trăm mét nước vẫn chưa ngập quá đầu gối. Những ngày dã ngoại quả là quãng thời gian thư giãn ngắn ngủi nhưng quý báu đối với chúng tôi. Tôi hay bơi thật xa bờ, vùng vẫy trong làn nước trong xanh với niềm tự hào vì đã được tới một vùng biển nổi tiếng trên thế giới. Vào ngày trời nắng tôi theo những anh bạn người Nga đi bắt cá, làm sạch rồi phơi chúng trên những sợi dây thép dưới ánh mặt trời chói chang.
Biển ở đây rộng bao la nhưng rất ít tàu bè đi lại, chỉ thấy bóng những tháp khoan dầu mờ mờ, ẩn hiện. Quay đầu nhìn về thành phố phía xa thì nó hiện lên như những đồ chơi xếp hình, nhỏ xíu chót vót trên những vách đá cao sừng sững bên bờ biển. Thành Bacu khi đó mang dáng vẻ của một pháo đài hùng vĩ thời Trung cổ mà tôi thấy trong các cuốn tiểu thuyết thế kỷ trước. Khóa học của chúng tôi được lệnh rút ngắn nữa khi ở Việt nam đang dần xuất hiện dấu hiệu về khả năng sắp có những cuộc đối đầu với máy bay B52 trên bầu trời Hà nội, Hải phòng. Chúng tôi từ biệt trung tâm Shitentrai sang trường bắn tên lửa Astrakhan liên bang Nga. Không hiểu sao khi chiếc xe chở chúng tôi rời khỏi cổng trường huấn luyện tôi cứ vẩn vơ với câu nói của một anh bạn cùng đại đội :“Sẽ có ngày có đứa trong bọn mình quay lại đây.” Câu nói ấy sau này đeo đẳng mãi trong tôi như một câu đố chưa tìm được lời giải .
Trường bắn nằm gần biên giới Nga và Kazakhstan, cách ga Ashuluc khoảng 50-60km. Đây là địa điểm chính để bắn tập đạn thật cho lính tên lửa Liên xô và các nước thuộc khối quân sự Varsava. Trường bắn rộng tới 20.650 ha đủ để thử tất cả các loại tên lửa. Tại đây có một một lữ đoàn phòng không Nga thường trú. Từ nhà ga Ashuluk chúng tôi vào trường bắn bằng xe tải quân sự. Chỉ có hai làn đường bê tông chạy giữa một vùng cát mênh mông, hoang vắng. Xung quanh là thảo nguyên mờ mờ một màu cỏ úa với những bụi cây lá nhọn lúp xúp luôn oằn mình trong những cơn gió đầy cát bụi. Trong căn cứ ngoài những dãy nhà một tầng xây thành hàng cho lính ở cũng có đủ Nhà ăn, câu lạc bộ, Hội trường và phòng trưng bày truyền thống. Lính các nước khác cũng đến đây bắn đạn thật. Thỉnh thoáng chúng tôi còn gặp mấy anh phi công trẻ lái Mig17 ở căn cứ không quân bên cạnh. Họ rất ngạc nhiên và tò mò khi thấy những người lính Việt . Nếu không vì những chiến tích bắn rơi máy bay Mỹ của bộ đội phòng không Việt nam thì chắc họ cũng chẳng để ý đến những anh lính dáng vóc bé nhỏ này. Họ thú thật với chúng tôi là rất ngại đối đầu với máy bay Mỹ. Ngay cả một giáo viên Nga khi giảng bài cũng nói thẳng :“Tên lửa của chúng ta hiện đại nhưng máy bay “Thần sấm”, “Con ma ” của Mỹ cũng rất hiện đại nên việc bắn hạ chúng phụ thuộc vào sự khéo léo và lòng dũng cảm của người lính tên lửa.”
Thực tế đã chứng minh người lính Việt nam làm được việc đó. Chúng tôi chưa chiến đấu nhưng có những “Người hùng” của mình trong trung đoàn. Đó là các sĩ quan SAM 2 đã từng hạ máy bay Mỹ. Điều này giúp chúng tôi dễ ăn nói hơn với những anh lính đồng nghiệp nước ngoài.
Bắn đạn thật là bước đầu tiên chúng tôi thể hiện mình.Kết quả của tất cả các tiểu đoàn hỏa lực đạt “Xuất sắc”. Cả 6 tiểu đoàn đều bắn hạ các máy bay không người lái với các độ cao khác nhau từ mức thấp 300m đến độ cao trung bình 5000m, 7000m và cả 10.000 m với các cự ly 13km đến 27km. Điều đặc biệt là mục tiêu bị bắn hạ ở độ cao 300m theo chế độ MV là điều mà SAM 2 không làm được. Và thật thú vị. Có tọa độ bắn của SAM 3 rất phù hợp với đường bay của B52 khi vào khu vực ném bom.
Vừa ngạc nhiên, vừa tự hào lãnh đạo nhà trường phê chuẩn tốt nghiệp loại ưu tú cho lính Trung đoàn chúng tôi. Họ cũng không dấu diếm sự cảm phục đối với những anh lính Việt nhỏ người mà rất thông minh khi so sánh với kết quả của lính Ai cập vừa tốt nghiệp khóa trước :“ Chỉ cần họ bằng 40% lính Việt nam thì cũng may cho chúng tôi lắm rồi.”
Thế là chúng tôi được về nước vượt xa trước thời hạn đào tạo. Những chàng trai lính sinh viên đã không làm hổ danh quân đội nhân dân Việt nam. Có điều chúng tôi cũng thấy ngượng khi người ta khen mình ghê quá.
Con đường trở về ngập trong tuyết trắng mùa đông. Chẳng còn đầu óc đâu mà ngắm cảnh nữa vì quá sốt ruột. Chúng tôi rất muốn chứng tỏ mình, muốn có những chiến công góp vào cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc. Chúng tôi rất tự tin bởi vì vào thời điểm ấy hai trung đoàn SAM 3 đầu tiên này chính là biểu tượng sức mạnh, là vũ khí át chủ chưa lộ diện trong cuộc chiến chống máy bay Mỹ.
Trung đoàn 276 của tôi về đúng ngày Mỹ bắt đầu chiến dịch “Linebacker 2”, đánh phá bằng B52 ra Hà nội. ( Trung đoàn 277 đã về trước đó hơn một tuần ). Trong màn đêm, trên đoàn xe về các trận địa phòng không chờ sẵn quanh Hà nội chúng tôi thấy những vầng lửa rực đỏ cả một vùng trời sân bay Kép, Nội bài, ở Cầu Đuống, Đông anh. Chúng tôi thấy cả máy bay B52 cháy sáng trên bầu trời Phủ lỗ. Lửa trong lòng chúng tôi càng nóng .
Các tiểu đoàn hỏa lực của cả hai trung đoàn SAM 3 đã không kịp tham gia đánh một trận nào. Không kịp phóng một quả tên lửa nào. Khí tài chiến đấu đã sẵn sàng nhưng chúng chỉ là những đống máy móc bất lực khi không có đạn tên lửa. Số đạn đó chỉ được phía Trung quốc bàn giao sau ngày chấm dứt chiến dịch đánh phá Hà nội.
Ban chỉ huy trung đoàn đã vô cùng thất vọng. Mọi người cay đắng trước một sự cố không ngờ tới. Nỗi đau ấy sau này cứ day dứt và được nhắc đi nhắc lại trong mỗi lần kỷ niệm ngày thành lập trung đoàn. Nó lưu lại mãi trong tâm trí những người cựu chiến binh tóc bạc như một kỷ niệm buồn, một nỗi thất vọng, một mong muốn dở dang .
Chúng tôi đã tham gia canh giữ bầu trời Hà nội cho đến khi đất nước được thống nhất. Cuối năm 1975 lính sinh viên được xuất ngũ về học tiếp. Chỉ có một số ít được giữ lại làm nòng cốt cho các đơn vị chiến đấu hoặc làm việc trong các học viện phòng không.
--- ---- ----
Hình minh hoạ 1 trận địa tên lửa Sam 3