NGƯỜI LÍNH LẶNG THẦM
Vào buổi trưa ngày 30/04/1975, khi xe tăng của ta lao vào Dinh Độc lập, một nhà báo phương Tây, đã chụp được 2 tấm hình, mà cần phải có rất nhiều thời gian, mới có thể bình, giải mật hết những ý nghĩa của 2 tấm hình đó.
Tấm hình thứ nhất, chụp cảnh xe tăng ta đang lao vào Dinh Độc lập – Lúc này, cờ ba sọc của chính quyền VNCH, vẫn còn đang bay phấp phới trên nóc Dinh. Việc bình cho tấm hình này, xin dành cho ‘tút’ sau.
Tấm hình thứ hai, chụp một người lính xe tăng:
-Một người lính xe tăng, với khuôn mặt gầy gò, hốc hác, trên đầu và cánh tay trái còn vết máu
-Đang đứng phía trước chiếc xe tăng của anh đang đậu trước thềm Dinh Độc lập,
-Tay chống nạnh, đang lắng nghe 2 ông chỉ huy chắc chắn là cao cấp hơn mình – đang vung tay chém chém,
-Nét mặt người lính xe tăng, đầy vẻ ưu tư, không hề có nét gì là hân hoan, là sảng khoái, là vỡ òa,
-Người lính xe tăng này, ngoài tấm hình này ra, anh chưa từng xuất hiện ở bất cứ đâu trên các phương tiện thông tin truyền thông của ta,
-Anh là ai? Anh là ai, mà dám đứng chống nạnh, khi các chỉ huy của mình đang chém chém. Anh là ai, khi mà theo như thông lệ, anh phải hò reo, anh phải nhẩy cẫng lên, anh phải cười toe toét, khi mà đã có ‘chiến thắng vĩ đại trong toàn bộ lịch sử của dân tộc’.
-Anh chỉ là một người lính lặng thầm, trong muôn vàn người lính, và anh mãi mãi trôi vào hư vô. Bởi anh chưa từng được nhắc đến, trong bất cứ phương tiện truyền thông của ta.
NHƯNG,
Lịch sử là công bằng. Lịch sử là phải nhắc đến những người như anh – một ‘Người lính lặng thầm’.
Anh chính là Nguyễn Hữu Cử, lúc ấy là Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 203 - Đơn vị chủ lực của Quân đoàn 2 cùng các đơn vị bạn đánh chiếm Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.
Nên biết rằng:
-Từ buổi chiều ngày 26/4/1975, Quân đoàn 2 tổ chức đánh chiếm Căn cứ Nước Trong tại tỉnh Đồng Nai, phòng tuyến của địch ở cửa ngõ Sài Gòn. Đây là Trung tâm Huấn luyện tổng hợp, với lực lượng gần 4.000 tên, có khoảng 40 xe tăng, thiết giáp, hệ thống công sự, vật cản hoàn chỉnh, được hỏa lực pháo binh ở Long Thành, Long Khánh và một trận địa ở Bắc sông Buông, Dốc 47 cùng không quân trực tiếp chi viện. Trận đánh Căn cứ Nước Trong quyết liệt, quân ta tổn thất không ít. Đêm 29/4/1975, xe tăng của đồng chí Nguyễn Hữu Cử sa xuống hố bom. Đồng chí bị thương vào đầu và tay. Bây giờ, trên cánh tay ông vẫn còn hai mảnh đạn từ ngày ấy.
-Ngày 30/4/1975, Tiểu đoàn 1 dẫn đầu đội hình tiến về thành phố Sài Gòn. Ngồi trên xe, qua hệ thống bộ đàm, Chính trị viên Nguyễn Hữu Cử biết tin Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ trúng đạn địch hy sinh khi gần đến cầu Sài Gòn. Chính trị viên Nguyễn Hữu Cử chỉ huy Tiểu đoàn 1, cho triển khai đội hình xe tăng ta sang hai bên đường, bắn chéo lên cầu, diệt 2 xe tăng địch, vì cầu cong, nếu bắn thẳng sẽ vướng. Sau đó, đơn vị vượt cầu Sài Gòn tiến vào Dinh Độc Lập. Khi cả Tiểu đoàn đã vào sân Dinh Độc Lập, Chính trị viên Nguyễn Hữu Cử cho một xe tăng chắn cổng ra vào, vì lúc bấy giờ trong sân Dinh Độc Lập chật cứng các loại xe.
VÀ:
-Trong tấm hình, nét mặt người lính xe tăng, đầy vẻ ưu tư, không hề có nét gì là hân hoan, là sảng khoái, là vỡ òa .
BỞI VÌ:
-Người tiểu đoàn trưởng xe tăng, người đồng cấp ngang chức với anh, vừa mới hy sinh cánh đây vài tiếng đồng hồ, thi thể của liệt sỹ, vẫn còn đang ấm nóng.
-Trên đường tiến công vào Dinh Độc lập sáng nay, rất nhiều chiến sỹ xe tăng trong tiểu đoàn của anh, đã hy sinh, đã bị trọng thương, đang nằm rải rác đâu đó, từ chân cầu Sài Gòn, vào đến tận cửa Dinh.
- Với khuôn mặt gầy gò, hốc hác, trên đầu và cánh tay trái còn vết máu, anh đứng chống một tay - > là đang nghe cụ Tài - Lữ đoàn trưởng, và cụ Tùng-Chính ủy Lữ đoàn – đang dặn dò là phải quay trở lại đường tiến công sáng hôm đó, để thu gom và giải quyết công tác thương binh, liệt sỹ của tiểu đoàn.
HÔM NAY
Người chiến sỹ thầm lặng ấy, sẽ không trôi vào hư vô.
Chúng tôi sẽ nhớ mãi đến anh, mà bây giờ phải gọi là cụ.
Đó là cụ cựu chiến binh Nguyễn Hữu Cử (trong tấm hình thứ 3).
Cụ là Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 203. Tiểu đoàn có ‘đại đội 4 xe tăng anh hùng’, mà bạn của Baoleo tôi, là cụ Nguyễn Khắc Nguyệt –là chiến sỹ lái chiếc xe tăng mang số hiệu 380, đâm vào cổng Dinh trưa ngày 30 tháng 4 năm ấy (ảnh số 4).
Cụ ra quân với quân hàm thiếu tá. Hiện nay đã 83 tuổi. Cụ hiện đang sống ở xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
VÂNG.
Chiến thắng đâu chỉ có: hân hoan, sảng khoái, vỡ òa, hay nhẩy cẫng lên.
Sau chiến thắng với quân địch cụ thể năm 1975, cuộc chiến đấu với cái ác, như là tham nhũng, như là bất công - > Đến hôm nay, vẫn còn đang hiện hữu.