[TT Hữu ích] Những hồi ức của một lính Hải quân

Baoleo

Xe tăng
Biển số
OF-320235
Ngày cấp bằng
19/5/14
Số km
1,852
Động cơ
363,765 Mã lực
MẶT TRẬN CAO BẰNG-THÁNG 2 NĂM 1979
(Ký ức chiến tranh của Trọng Bảo, ‘đài trưởng’ điện đài thông tin 2W, tiểu đoàn 3, trung đoàn 246, sư đoàn 346)

Kỳ 9: Phần 6 – NGÀY 19/2: NGÀY THỨ BA CỦA CHIẾN TRANH

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của bọn bành trướng Trung Quốc đã sang ngày thứ ba (19-2). Tiểu đoàn 3 của chúng tôi tuy đã bị thiệt hại nặng và vẫn trụ vững, nhưng lực lượng của Đại đội 11 ở các chốt tiền tiêu phía cửa khẩu Bình Mãng còn rất ít.


Khoảng 5 giờ sáng, bọn địch chiếm được mỏm ĐKZ, đến trưa cùng ngày thì chúng chiếm được phần lớn chốt cây đa thứ nhất của Đại đội 11. Tuy vậy, chúng cũng không thể tiến ngay sang được chốt cây đa thứ hai vì vấp phải sự kháng cự quyết liệt của bộ đội ta. Tại chốt cây đa thứ nhất bộ đội đang đánh giáp la cà với quân địch và khẩn thiết yêu cầu tiểu đoàn cho pháo cối bắn trùm lên trận địa. Khi những người lính cuối cùng đã ngã xuống, hỏa lực cối 82 của Đại đội 12 được lệnh bắn trùm lên chốt cây đa thứ nhất đang lúc nhúc quân bành trướng xâm lược.

Tối ngày 19-2, chỉ huy tiểu đoàn quyết định rút Đại đội 11 về khu trường cấp 1+2 thị trấn Sóc Giang xây dựng trận địa phòng ngự. Như vậy là toàn bộ các tuyến phòng ngự phía trước là các chốt cây đa thứ nhất, chốt cây đa thứ hai và mỏm ĐKZ đã lọt vào tay quân bành trướng xâm lược. Tuy vậy, tại mỏm 1 của chốt cây đa thứ nhất vẫn có tiếng súng bộ binh của quân ta kiên cường kháng cự.
Đến đêm, khi các chiến sĩ trinh sát bò lên kiểm tra mới biết binh nhất, chiến sĩ Lý Mý Sùng, dân tộc H’Mông, quê ở Hà Giang vẫn bám trụ suốt cả ngày giữ vững mỏm 1 chốt cây đa thứ nhất.

Nguyên do là bởi tối hôm trước (tối ngày 18/02-TB), một chiến sĩ khi lên gọi Lý Mý Sùng rút về chốt cây đa thứ hai đã bị trúng đạn hy sinh ngay gần đó. Không nhận được lệnh rút lui, Lý Mý Sùng một mình một khẩu súng máy, dù không được tiếp tế, không thức ăn nước uống gì vẫn cứ trụ lại đến cùng chiến đấu đẩy lui nhiều đợt tấn công của quân địch, giữ vững trận địa suốt ngày 19-2. Đến tối, các chiến sĩ trinh sát phải băng qua làn lửa đạn bò lên kéo chân gọi Lý Mý Sùng mới biết để rút về phía sau theo đơn vị.

Tôi đã gặp Lý Mý Sùng ngay sau đấy, khi Đại đội 11 đã rút về lập tuyến phòng ngự ở trường cấp 1+2 thị trấn Sóc Giang. Đó là một chiến sĩ còn rất trẻ, có lẽ chưa tròn hai mươi tuổi. Khuôn mặt Sùng trắng trẻo, dáng người thấp, vẻ hiền lành, ít nói. Tôi hỏi:
- Hôm trước, khi xung quanh mình không còn đồng đội nào Sùng lại không rút lui về phía sau?
Lý Mý Sùng ngạc nhiên:
- Ơ… Sao lại rút lui! Trung đội trưởng nó đã bảo mình phải chiến đấu, kiên quyết giữ chốt đến cùng cơ mà?
- Thế Sùng bắn nó chết nhiều không?
- Nó chết nhiều, nhưng còn đông lắm…

Với cách trả lời ngắn gọn của Lý Mý sùng, tôi biết chả khai thác được gì thêm ở người chiến sĩ dân tộc H’Mông này nữa.

Theo các chiến sĩ cùng bộ phận với Sùng cho biết:
Hai ngày đêm liền, Lý Mý Sùng bám trụ bảo vệ mỏm chốt, không được tiếp tế cơm cháo gì cả. Với một khẩu đại liên và hai hòm đạn Lý Mý Sùng chờ bọn giặc xông lên là bắn, tiêu diệt được hơn 60 tên địch. Chiến công của Sùng có ý nghĩa là đã chặn được đội hình quân địch, không cho chúng phát triển tấn công sang chốt cây đa thứ hai, đảm bảo cho số chiến sĩ còn lại và các thương binh ở đây rút lui an toàn về phía sau.

Sau chiến tranh, tôi lại gặp Lý Mý Sùng khi vừa ở đại hội liên hoan chiến thắng quân Trung Quốc xâm lược trở về. Tại đại hội, Lý Mý Sùng đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi chuyện. Khi biết Lý Mý Sùng chưa biết chữ, thủ tướng đã rút cây bút máy đang cài ở túi áo của mình, tặng cho Sùng.
(Bản báo cáo thành tích của Lý Mý Sùng là do tôi được chỉ huy tiểu đoàn giao chắp bút và hướng dẫn chiến sĩ này học thuộc lòng trước khi đi dự đại hội vì Sùng chưa biết chữ).

Lý Mý Sùng cho chúng tôi xem cây bút máy của Thủ tướng cho và nói:
- Thủ tướng dặn về phải học cái chữ đấy!
Tôi hỏi: - Thế Sùng đã học được nhiều cái chữ chưa?

Sùng ấp úng: - Khó lắm! Mới học được ít thôi…
Tôi nói:
- Ô! Phải cố gắng nhé. Đáng giặc được thì học chữ cũng phải được đấy nhé!

Lý Mý Sùng gật đầu. Tôi tin Lý Mý Sùng nhất định sẽ học được.

Những chiến sĩ của tiểu đoàn chúng tôi ngày đầu giáp trận đánh quân bành trướng xâm lược là như vậy đó.
Họ chủ yếu mới nhập ngũ năm 1978, mới huấn luyện bắn súng đến bài 2. Có chiến sĩ chưa sử dụng thành thạo các loại súng, chưa hiểu hết tính năng, tác dụng của các loại trang bị vũ khí.

Ngày 20-2 trong trận đánh ở thị trấn Sóc Giang có một chiến sĩ mới người dân tộc H’Mông còn vác khẩu trung liên đuổi theo xe tăng quân địch bắn liền hai loạt. Thấy xe tăng không cháy, buồn thiu ôm súng quay lại quần nhau với bộ binh quân bành trướng trên cánh đồng trồng ngô phía trước bản Nà Nghiềng.

Vậy là hết ngày 19-2, Đại đội 11 đã bị đánh bật khỏi các điểm chốt sát cửa khẩu Bình Mãng. Bọn Trung Quốc đã chiếm được toàn bộ các chốt cây đa thứ nhất, chốt cây đa thứ hai và mỏm ĐKZ. Tình hình cuộc chiến ở khu vực Hà Quảng đã có những thay đổi do nhiều hướng tuyến phòng ngự cũng đã bị quân xâm lược chọc thủng. Tiểu đoàn 3 chúng tôi khẩn trương chuẩn bị cho những trận đánh mới ác liệt hơn... Dưới đây là đoạn nhật ký chiến tranh tôi ghi chép về ngày 19-2-1979:

- Địch: Tổ chức tấn công liên tục cả ngày với lực lượng đông đảo, có xe tăng yểm trợ. Chúng tấn công không thành đợt rõ ràng. 5 giờ sáng, địch chiếm mỏm ĐKZ và một mỏm trên chốt cây đa thứ nhất. Khoảng 1 giờ chiều chiếm nốt chốt cây đa thứ hai.
- Ta: Đại đội 11 chiến đấu rất ngoan cường dũng cảm, tiêu diệt gần 100 tên địch. Đến 1 giờ chiều thì bị đánh bật ra khỏi trận địa. Tối 19-2, lực lượng còn lại của đại đội 11 rút lui về khu vực trường cấp 1+2 thị trấn Sóc Giang tổ chức trận điạ phòng ngự chặn bọn địch từ hướng biên giới tràn xuống.
- Đại đội 12 hoả lực những ngày qua đã sử dụng cối 82 và súng 12ly7 chi viện hiệu quả cho các đơn vị chiến đấu tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Theo đại đội 12 báo cáo, đơn vị đã dùng cối 82 bắn sang bên kia biên giới trúng một kho xăng của địch cháy liên tục hai ngày liền. Hỏa lực 12ly7 bắn kiềm chế các ổ đại liên của quân địch ở khu vực đồi thông và khe núi, ngăn chặn bộ binh của địch từ biên giới tiến sang chốt cây đa thứ nhất của đại đội 11.

Bọn địch đã hình thành thế bao vây xiết chặt Tiểu đoàn 3 chúng tôi. Từ phía cửa khẩu Bình Mãng bộ binh, xe tăng quân giặc lúc nhúc tiến xuống đến gần khu vực bản Cốc Vường. Từ phía Đôn Chương pháo địch bắn dội lên. Bộ binh, xe tăng địch đã xuất hiện ở tuyến đường từ ngã ba Đôn Chương lên thị trấn Sóc Giang.

Bọn địch đã vượt qua được Nậm Lũng, Trường Hà tiến xuống đánh chiếm khu vực ngã ba Đôn Chương.

Đơn vị pháo lựu 122 ở khu vực Cốc Sâu bị bọn địch đánh tập hậu từ ngã ba Đôn Chương lên phải kéo pháo ra mặt đường ngắm bắn xe tăng của chúng. Hết đạn họ đã phá hủy pháo rút lên dãy núi đất cùng bộ binh phòng ngự.

Phía Mỏ Sắt, Thông Nông trinh sát báo về quân địch đang gấp rút hành quân ngược lên thị trấn Sóc Giang mà không gặp bất cứ sự chặn đánh nào.

Sau này tôi mới biết dọc tuyến biên giới bọn địch phá đá làm đường đưa xe tăng lên núi. Khi pháo binh đang bắn dứt, chúng đã thả trôi xe tăng sang đất ta. Xe tăng địch chạy vào thị trấn Thông Nông rồi ta mới biết nhưng không thông báo được cho các đơn vị tuyến sau vì đường dây thông tin bị cắt đứt. Những chiếc xe tăng quân địch che hai chữ “Bát-nhất”, cắm cờ đỏ sao vàng chạy xuống tận huyện lỵ Hòa An. Nhân dân hai bên đường còn tưởng là xe tăng quân ta diễn tập kéo ra xem.

(Chú thích của TB:
Ở cột mốc 108, phía trên hang Pắc-Pó, quân Trung Quốc dùng qoái chiêu là dùng tời-gìm trợ lực, thả xe tăng từ điểm cao có cột mốc 108 xuống ngay đầu quân ta, làm ta hoàn toàn bất ngờ.
Sau đó, đoàn xe tăng Trung Quốc này đã xộc thẳng vào sâu nội địa Cao Bằng)

Đoàn xe tăng địch gặp lực lượng của Sư đoàn 346 phục kích chặn đánh tại Bản Sảy, xã Bế Triều, huyện Hòa An. Trận đánh ở Bản Sảy ta đã tiêu diệt 12 xe tăng, 150 tên địch ngày 18-2. Đây chính là mũi tiến công của quân định thọc sâu vào vị trí chỉ huy của Sư đoàn 346 và tiến về thị xã Cao Bằng.

Tại điểm cao 505 ngay phía trên trận địa của Đại đội 10 xuất hiện lực lượng trinh sát đặc nhiệm sơn cước, thám báo của địch. Vậy là ba bên, bốn phía quân thù đang dồn đến. Thị trấn Sóc Giang như một ốc đảo chơ vơ giữa “biển người” của quân bành trướng xâm lược.

Trong khi đó kể từ ngày 18-2, Tiểu đoàn 3 chúng tôi không còn nhận được bất cứ sự chi viện nào của cấp trên, kể cả về lực lượng, hỏa lực và lương thực, đạn dược.
Việc vận chuyển thương binh về phía sau cũng không thể thực hiện được nữa.
Sở chỉ huy của trung đoàn và các trận địa pháo, các đơn vị ở phía sau đều bị bọn địch chia cắt tấn công dữ dội, phải chịu rất nhiều thiệt hại.
Các đơn vị trực thuộc trung đoàn và phối thuộc đều bị bao vây cô lập phải độc lập chiến đấu rất quyết liệt với bọn giặc đông gấp bội, không thể chi viện được cho nhau được nữa.

Không biết chúng tôi còn giữ được thị trấn Sóc Giang bao lâu nhưng chắc chắn là những ngày tiếp theo sẽ diễn ra những trận đánh vô cùng ác liệt.
Giữa vòng vây trùng trùng lớp lớp của quân thù thế này chúng tôi khó có thể thoát ra, những người còn sống sót sẽ không còn đường rút lui. Nghĩ vậy nhưng tự dưng tôi cảm thấy không còn sợ và lo lắng nhiều như những ngày đầu nữa.
Hình như tất cả mọi người có mặt trong hang đều có cảm nhận và suy nghĩ như vậy. Có lẽ mọi người cũng như tôi đều nghĩ ngày mai nhất định mình sẽ quyết chiến một trận với bọn xâm lược và nhất định sẽ chết ở cái thị trấn miền biên ải này nên không ai còn thấy lo lắng sợ hãi. Chúng tôi nhắc nhau sẽ bắn đến viên đạn cuối cùng nhưng sẽ để lại cho mình một quả lựu đạn cuối cùng.

Tình hình tạm lắng xuống tôi mới có chút thời gian để ghi chép tình hình trong ngày. Chút mực tím trong lọ penexlin sắp hết. May là tôi còn mấy cái bút chì vốn là “học cụ” được cấp để ghi và dịch điện huấn luyện chuyên ngành thông tin vô tuyến.

Ánh sáng trong hang hơi tối nhưng tôi vẫn nhận ra chính trị viên Hoàng Quốc Doanh. Anh đang đi đi lại lại giữa hang vẻ suy tư. Khi tôi đang cắm cúi ghi chép thì có người vỗ nhẹ trên vai. Tôi ngẩng đầu lên nhận ra là chính trị viên Hoàng Quốc Doanh. Theo phản xạ của người lính tôi định đứng dậy trước người chỉ huy thì anh bảo: - Viết gì thì cứ viết đi...
Đoạn, anh đi qua chỗ các thương binh đang nằm ngồi dựa vào vách hang. Anh hỏi chuyện một chiến sĩ bị thương vào tay, căn dặn mấy chiến sĩ vận tải vừa đi chuyển thương về. Giữa lúc đó thì trợ lý tham mưu tiểu đoàn Bùi Đức Thọ đến báo cáo. Chắc là có việc khẩn cấp nên chính trị viên Hoàng Quốc Doanh vội theo trợ lý tham mưu Thọ đi ra phía cửa hang chính.

Đêm 19-2, Tiểu đoàn 3 nhận được bức điện của chỉ huy Trung đoàn 246 qua tổ đài vô tuyến 2W:
-“Trung đoàn lệnh cho Tiểu đoàn 3 cơ động lực lượng, rút lui về phía nam cao điểm 505 tổ chức trận địa phòng ngự”.

Đảng ủy tiểu đoàn lập tức tiến hành họp phiên bất thường ngay sau đó. Tham dự cuộc họp có đại úy Đàm Đình Ngữ, trung đoàn phó, TMT Trung đoàn 246 đang có mặt trực tiếp theo dõi chỉ huy chiến đấu tại Tiểu đoàn 3. Đảng ủy tiểu đoàn ra nghị quyết “xin được tiếp tục ở lại chiến đấu bảo vệ thị trấn Sóc Giang, ngăn chặn bước tiến của quân xâm lược Trung Quốc”. Quyết tâm ấy đã được báo cáo về trung đoàn ngay trong đêm cũng qua mạng thông tin vô tuyến điện 2W. Trung đoàn đồng ý với quyết định của Tiểu đoàn 3. Ngay sau đó liên lạc bằng vô tuyến điện 2W với chỉ huy trung đoàn cũng bị mất hẳn luôn.

Từ vị trí chỉ huy của Tiểu đoàn 3 cũng chỉ còn liên lạc với các đơn vị trực thuộc được bằng các máy vô tuyến điện sóng cực ngắn 884 của tiểu đội tôi là chủ yếu. Các tuyến đường dây lên các trận địa đã bị đạn pháo băm nát không khắc phục được nữa. Các chiến sĩ hữu tuyến và một số anh em tiểu đội truyền đạt được biên chế vào các bộ phận trực tiếp chiến đấu và tăng cường cho các đơn vị. Tổ đài vô tuyến điện đảm bảo thông tin cho Đại đội 11 của chiến sĩ Châu cũng đã được rút về hang huyện ủy.
Do đó, tại sở chỉ huy tiểu đoàn bây giờ có hai máy 884 và ba chiến sĩ thông tin tương đối giỏi nên tôi thấy yên tâm hơn. Trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi giao lại cho tôi ba khối pin dự trữ cuối cùng. Tôi giữ lại một khối cho máy vô tuyến ở sở chỉ huy tiểu đoàn, gửi cho tổ đài ở Đại đội 10 và Đại đội 12mỗi tổ một khối pin dự trữ. Tôi căn dặn anh em phải hết sức tiết kiệm nguồn pin để luôn giữ vững liên lạc phục vụ chiến đấu.

Khi tôi đang ngồi dựa vào thành hang nhắm mắt mong sẽ ngủ được một lát thì Nguyễn Văn Trọng, tiểu đội phó truyền đạt, người vừa tham gia chiến đấu ở chốt của Đại đội 11 về lần đến tìm. Nguyễn Văn Trọng kéo tôi ra gần cửa hang phụ. Hai chúng tôi cùng ngồi bệt xuồng nền hang lạnh giá. Trọng rút từ trong túi ngực ra một cái ví đưa cho tôi và nói:
- Đây là cái ví của anh Đam. Em trao lại để anh giữ. Sau này nếu về được quê hương anh chuyển cho gia đình anh Đam nhé!

Tôi bảo: - Mày cứ giữ lấy không được à?

Trọng trả lời:
- Anh giữ nó thì hơn. Ngày mai, có khả năng em sẽ chuyển sang bộ phận trực tiếp chiến đấu nên… ….
Tôi hiểu nên không nói thêm nữa.

Tôi cầm và run run mở cái ví thấm máu của Nguyễn Văn Đam ra. Cái ví của Đam đựng ảnh bạn bè cùng số tiền là 70 đồng. Trong một ngăn ví còn có mấy mảnh giấy nhỏ gấp làm tư thấm máu. Tôi mở ra xem. Đó là các quyết định chuẩn y kết nạp đoàn cho ba thanh niên thuộc chi đoàn trung đội thông tin mà Nguyễn Văn Đam là bí thư chi đoàn. Đam đã nhận các quyết định này từ tối hôm 16-2. Đam chưa kịp họp ban chấp hành chi đoàn để tổ chức lễ kết nạp cho các đoàn viên mới thì cuộc chiến tranh nổ ra.

Tôi lập tức thông báo ngay cho các anh em trong ban chấp hành chi đoàn và trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi biết. Chúng tôi hội ý nhanh và quyết định sẽ thông báo qua vô tuyến điện việc kết nạp đoàn cho ba chiến sĩ ấy. Để tiết kiệm nguồn nên bức điện tôi gửi cho chiến sĩ Trần Đức Đình thuộc tiểu đội tôi hiện đang ở Đại đội 12 chỉ có một câu ngắn gọn: “Đ/c đã được kết nạp vào đoàn”.

Đêm ngày 19-2, chúng tôi nhiều người không ngủ. Người thì nhận nhiệm vụ vận chuyển, đưa các thương binh nặng lên Lũng Vỉ, Lũng Vài ở trên dãy núi đá, người thì mang xẻng cuốc đi đào huyệt chôn cất các liệt sĩ hoặc củng cố công sự, trận địa chuẩn bị cho trận đánh quyết liệt vào ngày mai.

Không biết bộ phận nuôi quân của tiểu đoàn bộ đã nấu nướng bằng cách nào dưới làn pháo của địch mà đến gần sáng chúng tôi mỗi người được phát một nắm cơm bằng nắm tay và một miếng thịt lợn nhỏ ướp muối. Chúng tôi vừa ăn vừa tiếp tục triển khai công việc chuẩn bị chiến đấu. Số đạn cối 82 ít ỏi còn lại được trung đội vận tải chuyển lên trận địa Đại đội 12 trên dãy núi đá, các loại đạn bộ binh và lựu đạn thì chia hết cho các bộ phận. Kho quân khí của tiểu đoàn trống rỗng kể từ buổi tối ngày hôm đó…

HÌNH MINH HỌA:

TRẬN BẢN SẨY.
(Câu chuyện NHẤT thứ 2 của Cao Bằng)

Đến ngày hôm nay, đã có hàng chục ngàn bài viết của cư dân mạng, cũng như hàng ngàn bài viết trên các tạp chí truyền thông điện tử, kể về trận Bản Sẩy. Trong số các bài viết trên, có bạt ngàn các bài viết với đủ các thể loại ‘vẽ rắn thêm chân’ cho trận Bản Sẩy.
Vì thế, Tuan Bim sẽ không đi vào chi tiết của trận Bản Sẩy này. Mà chỉ tóm tắt tích chuyện này, và môt câu chuyện ‘NHẤT’ số 2, của Cao Bằng, như sau:

1/Tóm tắt trận đánh:
-Bản Sẩy thuộc xã Bế Triều, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng ở về phía đông bắc đường 166 (thị xã Cao Bằng đi Hà Quảng), cách thị xã Cao Bằng 12km về phía tây bắc, cách biên giới Việt-Trung và mốc 113 khoảng 30km về phía đông nam.
-Ngày 18/02/1979, sau khi chiếm Thông Nông, Thạch An, để phối hợp với các hướng Trà Lĩnh, Trùng Khánh, quân Trung Quốc điều 1 sư đoàn tăng cường có 1 phân đội xe tăng phái đi trước, từ Thông Nông tiến theo đường 166 tấn công về thị xã Cao Bằng.
-Tại đây, đoàn xe tăng Trung Quốc không có bộ binh đi cùng, đã bị Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 851, Sư đoàn 346, Quân khu 1 phục kích tiêu diệt.
-Kết quả là: Chúng ta diệt 150 tên địch, bắn cháy 12 xe tăng, thu 1 đại liên, 3 AK cùng một số đạn, khí tài khác.

2/ Hình ảnh minh họa:
Hình chụp ‘Loạt xe tăng quân thù Trung Quốc bị ta tiêu diệt’ ở Bản Sẩy, của phóng viên ảnh Trần Mạnh Thường , là các tấm hình trong bài.

TRƯỢT ANH HÙNG TRUNG QUỐC
(Câu chuyện NHẤT số 3 của Cao bằng, nói về số phận chiếc xe tăng Trung Quốc Type-62, số hiệu 706, theo tài liệu của Trung Quốc - theo tài liệu của Phan Trường Sơn)

Chiều 19-2-1979, Đại đội xe tăng 7, Tiểu đoàn 3 dẫn đầu đội hình Trung đoàn xe tăng của Quân đoàn 42, thuộc Đại quân khu Quảng Châu, tiến công trên hướng từ Đông Khê theo đường số 4 - về thị xã Cao Bằng.

Lúc 13h35, Đại đội 7 tổ chức vượt qua cầu số 9 (theo bản đồ Trung Quốc) - một cây cầu đá đã bị công binh VN đặt mìn phá hủy một phần. Chỉ chiếc đi đầu của Trung đội 1 mang số hiệu 706 qua được trước khi cầu sập, chiếc thứ hai phải dừng lại và bị bắn cháy. Toàn bộ đội hình phía sau phải dừng lại và mất liên lạc với xe 706.

Xe 706 tiếp tục lao thẳng về thị xã Cao Bằng với tốc độ 40km/h. Trên đường chiếc xe này bị trúng đạn làm trưởng xe trung đội trưởng Tạ Vinh Sinh bị thương nặng và pháo hai Dương Bỉnh Nam tử trận. Lái xe Lưu Yên Huy và pháo thủ Trịnh Hải Thạch tiếp tục điều khiển xe vừa chạy vừa bắn trả.

Chiếc xe này chạy vào trong thị xã Cao Bằng, sau đó vượt qua cầu sông Bằng và chạy lên đồi Nà Toòng (điểm cao 316). Tại đây, xe 706 đã bị bộ đội Việt Nam đã bao vây tấn công và bắn cháy xe.

Hai lính tăng Trung Quốc còn lại của kíp xe 4 người, phải trốn vào rừng, sau đó bị bắt làm tù binh chiều 21-2-1979 trong khi đang ra ngoài tìm thức ăn.

Quân Trung Quốc sau đó làm chủ khu vực và tìm thấy xác xe tăng. Cho rằng cả 4 thành viên kíp lái đều đã chết trong chiến đấu, chỉ huy đơn vị xe tăng này, đã viết báo cáo ca ngợi thành tích và đề nghị phong danh hiệu "anh hùng chiến xa" cho xe 706.

Phóng viên của xưởng phim Bát Nhất được điều đến quay phim, chụp ảnh để làm thành phim tài liệu.

Tuy nhiên giữa lúc đấy thì Đài Tiếng nói Việt Nam cho phát thanh lời khai của các tù binh Trung Quốc, trong đó có pháo thủ Trịnh Hải Thạch. Thế là tất cả đều bị hủy bỏ.

Kết thúc đợt chiến đấu tháng 2-1979, các xe 704, 705, 708 của Trung đội 1 đều được phía Trung Quốc tặng huân chương ‘Nhất đẳng công’, chỉ riêng xe 706 được coi như biến mất khỏi lịch sử.


BS 01.jpg
BS 02.jpg
BS 03.jpg
BS 04.jpg
BS 05.jpg
BS 06.jpg
BS 07.jpg
BS 08.jpg
 

Baoleo

Xe tăng
Biển số
OF-320235
Ngày cấp bằng
19/5/14
Số km
1,852
Động cơ
363,765 Mã lực
MẶT TRẬN CAO BẰNG-THÁNG 2 NĂM 1979
(Ký ức chiến tranh của Trọng Bảo, ‘đài trưởng’ điện đài thông tin 2W, tiểu đoàn 3, trung đoàn 246, sư đoàn 346)

Kỳ 10: Phần 7 – NGÀY 20/2:
NGÀY DÀI NHẤT TRONG CHIẾN TRANH
TIỂU ĐOÀN TRƯỞNG NGÃ LÒNG

Buổi sáng ngày 20-2, tự dưng trời hửng nắng. Tiếng đạn pháo, tiếng súng bộ binh cũng lắng đi một lát. Tôi chui ra bên ngoài cửa hang chính quan sát. Thị trấn Sóc Giang bỗng bình yên lạ thường. Bản Nà Nghiềng nằm gần điểm chốt của Đại đội 10 có nhiều cây cổ thụ nên xanh biếc. Mùa xuân đã đến rồi. Tiếng con suối chảy rì rào phía bên kia cánh đồng. Có một tiếng gà gáy từ dưới bản vọng lên...


Thị trấn Sóc Giang nếu không có cảnh đổ nát hoang tàn, cây cối ám khói, những hố đạn pháo lỗ chỗ trên mặt đường thì chẳng ai nghĩ ở nơi này đang xảy ra một cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt. Thị trấn Sóc Giang đã trở thành một “Tọa -độ-lửa” như chúng tôi đã gọi sau mấy ngày chiến tranh. Mọi hỏa lực của quân giặc đều tập trung rót lửa vào Sóc Giang. Không một thân cây, một ngôi nhà trong thị trấn còn nguyên vẹn. Kẻ thù đang bủa vây bốn phía. Mọi nòng súng của chúng đều hướng vào thị trấn Sóc Giang, nơi đang những người lính Tiểu đoàn 3 vẫn kiên cường bám trụ. Lúc trời chưa sáng hẳn, thị trấn có một khoảng thời gian yên hẳn tiếng súng.

Có lẽ bọn địch đang điều động lực lượng, tổ chức hiệp đồng để đánh một trận quyết định vào thị trấn, quyết tiêu diệt gọn tiểu đoàn chúng tôi. Cái khoảng lặng lúc này giống như giữa một vùng tâm bão. Thị trấn Sóc Giang đổ nát, cháy sém, khắp nơi còn vương khói lửa tựa như một người lính bị trọng thương vẫn kiên cường trụ vững và sẵn sàng lao vào một trận đánh mới.

Tôi quay lại chỗ cửa hang phụ, nơi bộ phận thông tin đang đặt máy vô tuyến điện. Hai bên thành hang các chiến sĩ trinh sát, thông tin, vận tải chưa phải đi làm nhiệm vụ và các thương binh đang tranh thủ ngồi dựa vào vách đá ngủ gà ngủ gật. Họ đã quá mệt mỏi, đói khát sau ba ngày chiến đấu ác liệt và suốt đêm đi chuyển thương, đào huyệt mai táng liệt sĩ, củng cố công sự trận địa. Nhìn những người đồng đội súng dựa vào vai ngủ ngồi trong lòng tôi bỗng thấy nôn nao khó tả. Bởi vì, chỉ sau một vài tiếng sau thôi trong số những người đồng đội ấy nhiều người tôi sẽ không bao giờ còn gặp lại nữa. Và có thể chính tôi cũng sẽ không còn được gặp lại họ nữa?

Sau ba ngày đọ sức quyết liệt với quân xâm lược đông đảo, Đại đội 11 bị đánh bật khỏi các chốt cây đa số một và cây đa số hai hướng cửa khẩu Bình Mãng. Ban chỉ huy đại đội hy sinh gần hết. Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 11 bị thương vong quá nhiều phải rút lui về phòng ngự ở trường cấp 1+2 Sóc Giang, gần vị trí hang sở chỉ huy của tiểu đoàn. Đại đội 9 tiếp tục bảo vệ trận địa Kéo Nghìn và khu vực uỷ ban nhân dân huyện Hà Quảng. Đại đội 10 thì vẫn phòng ngự ở mỏm đồi đất bên dưới điểm cao 505 án ngữ con đường từ Ngã ba Đôn Chương, hướng từ thị xã Cao Bằng lên thị trấn huyện lỵ Hà Quảng.

Cả buổi sáng ngày 20-2, bọn địch từ hướng Đôn Chương nống lên tập kết ở phía các bản Cốc Sâu, Kép Ké. Bọn chúng bắn pháo và tổ chức hai đợt tấn công có tính chất thăm dò không ác liệt lắm vào trận địa của Đại đội 10 án ngữ con đường lên thị trấn Sóc Giang. Đài quan sát báo cáo phát hiện có nhiều bộ binh, xe tăng địch từ Đôn Chương đang tiếp tục hành tiến lên tập kết ở khu vực các bản Cốc Sâu, Kép Ké.

Phía cửa khẩu Bình Mãng bộ binh và xe cơ giới Trung Quốc cũng đang tiến xuống. Hướng Mỏ Sắt bộ binh địch đã hành quân qua Quý Quân lên, áp sát bản Nà Cháo. Bọn lính đặc nhiệm sơn cước, thám báo xuất hiện tại điểm cao 505 phía trên các điểm chốt của Đại đội 10. Tại sở chỉ huy tiểu đoàn trong hang huyện uỷ giữa thị trấn Sóc Giang lúc này chỉ còn có thượng uý Hoàng Quốc Doanh, chính trị viên tiểu đoàn là người chỉ huy cao nhất.

Tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thiêm từ đêm hôm trước nói là đi kiểm tra đốc chiến các đơn vị, ĐẪ RỜI KHỎI VỊ TRÍ CHỈ HUY CỦA TIỂU ĐOÀN tại hang huyện ủy, đi lên trận địa của Đại đội 12 hoả lực …..Ở TÍT TRÊN…..Lũng Vỉ.

Lũng Vỉ ở trên dãy núi đá cao, vách núi dựng đứng, hiểm trở, chỉ có một lối mòn độc đạo lên núi, bọn địch chưa thể tấn công lên đấy được. Bọn địch đã hình thành thế bao vây Tiểu đoàn 3 chúng tôi từ bốn phía. Liên lạc từ vị trí chỉ huy của tiểu đoàn với các đơn vị chỉ còn đảm bảo được nhờ các đài sóng cực ngắn 884 của bộ phận thông tin do tôi phụ trách. Mệnh lệnh chiến đấu của chỉ huy tiểu đoàn, báo cáo tình hình của các đơn vị đều được chúng tôi truyền đạt đầy đủ, thông suốt. Có nhiều lúc tôi cũng cuống cả lên vì tình hình khẩn cấp từ các hướng mà tôi trực tiếp nghe qua các máy vô tuyến 884 điện báo về.
Trong khi đó, tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thiêm từ mãi trên đỉnh núi đá cao cũng cứ liên tục điện về chỉ đạo hành động của các cán bộ tại hang huyện ủy.

Tôi phải chạy đi chạy lại từ cửa hàng phụ vào giữa hang để truyền đạt lại ý kiến của tiểu đoàn trưởng với chính trị viên Hoàng Quốc Doanh.

Lúc đầu anh Doanh còn im lặng nghe với vẻ khó chịu. Sau thấy tôi cứ tiếp tục thông báo mãi ý kiến của tiểu đoàn trưởng từ trên núi truyền xuống anh nổi cáu quát:
- Mày không cần phải báo lại nữa! Ở trên núi thì biết mẹ gì tình hình đang diễn ra ở đây mà chỉ đạo... im đi, để tao còn chỉ huy chiến đấu giữ trận địa…

Tôi hơi hoảng vì từ hôm chiến tranh xảy ra đến nay mới thấy chính trị viên Hoàng Quốc Doanh nổi cáu như vậy. Sau đó, hiểu là đã mắng oan tôi, lúc tình hình tạm lắng xuống anh Doanh đi đến vỗ vai tôi và nói nhỏ chỉ đủ cho tôi nghe:
- Lần sau, nghe ông ấy có ra lệnh và chỉ thị gì thì mày không cần phải báo cáo với tao nữa nhé!
Tôi nhìn anh khẽ đáp lại: - Vâng ạ!
Anh Doanh gật đầu rồi bảo tôi:
- Mày lệnh ngay cho Đại đội 12 lấy phần tử chuẩn bị bắn là vị trí tập kết của bọn địch ở khu vực lò sấy thuốc lá bản Kép Ké nhé. Phải dập cho lũ Tàu khựa này mấy quả cối 82 để cảnh cáo bọn chúng!

Tôi lập tức thông báo cho Đại đội 12. Sau khi Đại đội 12 báo cáo chuẩn bị phần tử bắn xong anh Doanh lệnh cấp tập liền năm quả cối 82. Đài quan sát báo về đạn rơi trúng mục tiêu, quân địch nháo nhác, hoảng sợ...

Đến bây giờ mỗi lần tôi hỏi về việc tại sao tiểu đoàn trưởng Thiêm không có mặt ở vị trí chỉ huy tiểu đoàn trong trận đánh ác liệt nhất ở “Tọa-độ-lửa” Sóc Giang ngày 20-2-1979, anh Doanh vẫn không trả lời một cách rõ ràng.
Có lẽ anh không muốn nói ra một điều không hay về người đồng cấp của mình? Anh Doanh không nói nhưng tôi hiểu, chiến tranh sắt thép cũng còn phải chảy ra thành nước nữa là...

Buổi chiều 20-2, bọn địch từ hướng Đôn Chương nống lên tập kết ở các bản Cốc Sâu, Kép Ké bắt đầu tổ chức các đợt tấn công vô cùng ác liệt vào trận địa của Đại đội 10, bọn chúng quyết mở thông con đường tiến vào đánh chiếm thị trấn Sóc Giang. Bộ binh và những xe tăng “Bát-nhất” lúc nhúc trên cánh đồng trồng cây thuốc lá tiến thẳng vào chân chốt của Đại đội 10.

Chỉ huy Đại đội 10 xin hỏa lực bắn chi viện chặn địch. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh bảo tôi:
- Hỏi xem Đại đội 12 còn bao nhiêu đạn cối 82?
Tôi lập tức điện hỏi. Đại đội 12 báo cáo chỉ còn chưa đầy ba mươi quả đạn cối 82. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh chỉ thị cho tôi điện khẩn cho Đại đội 12:
- Bảo “nó” không được tự ý bắn! Khi nào có lệnh mới được bắn hiểu không?
- Vâng ạ! Tôi đáp.

Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh đi ra phía cửa chính của hang huyện ủy quan sát. Đại đội 10 đã nổ súng khi bọn địch tiến đến đoạn đường vòng chỗ bụi tre sát dưới chân điểm chốt. Trận địa mịt mù khói lửa. Tiếng quân giặc hô hét ầm ĩ: “Tả… tả… tả…”. Tiếng kèn đồng thúc quân xung trận của bọn chúng nghe rất rõ cùng tiếng đạn súng bộ binh râm ran. Đại đội 10 xin hoả lực cối 82 của tiểu đoàn bắn vào đội hình tấn công của địch để chi viện đơn vị chiến đấu bảo vệ chốt. Tôi báo cáo với chính trị viên Hoàng Quốc Doanh các nội dung điện khẩn cấp của Đại đội 10. Anh bảo hạ lệnh:
- Lệnh cho Đại đội 12 bắn năm quả cối 82 vào đội hình quân địch trên cánh đồng trồng thuốc lá để chi viện cho Đại đội 10. Chỉ bắn đúng năm quả thôi nhé!

Tôi lập tức thông báo ngay cho Đại đội 12. Trung uý Nông Đình Bào, đại đội trưởng Đại đội 12 ngứa mắt thấy quân giặc vào đông lúc nhúc đã cho rót liền mười lăm quả đạn cối 82 vào đội hình xung phong của chúng. Mặc dù bị bắn trả quyết liêt, bị thương vong nhiều nhưng bọn địch cũng đã áp sát trận địa của Đại đội 10.

Lũ bành trướng xâm lược này cũng lạ, bộ binh chúng chết và bị thương nằm đầy cánh đồng, đầy mặt đường mà xe tăng chúng từ phía sau lên cứ nghiến qua xác bọn lính của chúng để tiến vào thị trấn. Có tên bị thương còn đang giơ tay kêu cứu khóc lóc mà xe tăng của chúng vẫn đè qua. Xích sắt những chiếc xe tăng nhuộm đỏ màu máu. Vẫn là chiến thuật xe tăng đi sau bộ binh như tấn công vào trận địa của Đại đội 11 mấy hôm trước. Bọn Tàu khựa này quý trọng xe tăng và vũ khí hơn máu của quân sĩ.

Gần chục chiếc xe tăng đã tiến sát chỗ bụi tre dưới chân chốt Đại đội 10, mấy chiếc đã vượt qua con suối cạn sang phía cửa hàng thực phẩm, thọc một mũi tiến công vào khu vực trụ sở ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng. Có ba chiếc khác đã lao được sang khu ruộng trồng ngô phía trước bản Nà Nghiềng tiến sát đến gần nhà bưu điện thị trấn hướng nòng pháo lên cửa hang huyện uỷ. Chỉ huy đại đội 10 liên tục xin hoả lực chi viện. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh bảo tôi:
- Lệnh cho Đại đội 10 cử hai tổ xuống bắn xe tăng địch ngay!
Tôi vội điện cho chỉ huy đại đội 10. Anh Doanh hạ lệnh tiếp:
- Lệnh cho bộ phận của Đại đội 9 kiên quyết chặn đánh quân địch đang tiến vào khu vực trụ sở uỷ ban nhân dân huyện!

Tôi đang truyền đạt các mệnh lệnh của chỉ huy tiểu đoàn thì có nhiều tiếng nổ dữ dội ở phía cửa hang chính. Những chiếc xe tăng của bọn địch trên cánh đồng bản Nà Nghiềng đã xác định được vị trí cửa hang huyện uỷ. Pháo trên xe tăng địch căn chỉnh khá chuẩn xác nhằm bắn thẳng vào cửa hang. Khói bụi xộc vào trong hang mù mịt. Lực lượng phòng ngự bên ngoài cửa hang chính không ngẩng đầu lên được vì pháo trên xe tăng địch bắn dữ dội và đạn của bộ binh chúng xối xả. Nguy hiểm nữa là những tảng đá trên sườn núi đá bị đạn pháo bắn vỡ lăn ầm ầm qua trước cửa hang. Không cẩn thận thì chả chết vì đạn địch lại chết vì đá lăn. Bọn bộ binh địch đã tiến vào khu vực chợ Sóc Giang và cánh đồng ngô non phía trước bản Nà Nghiềng.

Tình huống sẽ vô cùng nguy hiểm nếu lực lượng bộ binh địch đông đặc xông lên bám vào được chân núi hang huyện ủy. Lúc ấy bộ phận bảo vệ cửa hang với một số chiến sĩ ít ỏi sẽ rất khó mà đẩy lui được bọn địch vì sườn núi có nhiều mô đá, khe rãnh để chúng ẩn nấp. Các chiến sĩ phòng ngự ngoài cửa hang đã nổ súng. Trong âm thanh hỗn loạn của tiếng súng pháo các loại tôi vẫn nghe rõ tiếng chính trị viên Hoàng Quốc Doanh bình tĩnh nói:
- Thương binh nặng ở lại! Còn tất cả ra vị trí chiến đấu bảo vệ hang!

Tôi vội giao tổ hợp máy vô tuyến điện cho một chiến sĩ thông tin xách súng lao ra cửa hang chính. Ở cửa hang chính tiểu đoàn phó Trần Quang Cương và trợ lý tham mưu Bùi Đức Thọ đang tổ chức cho các chiến sĩ cơ quan tiểu đoàn bộ và một chiến sĩ của Đại đội 11 rút về tăng cường phòng ngự bảo vệ cửa hang.

Hang huyện ủy ở trên cao nên quan sát được toàn bộ thị trấn Sóc Giang và trận địa của Đại đội 10 cho đến tận các bản Cốc Sâu, Kép Ké là nơi bọn giặc tập kết trước khi tổ chức tấn công vào Sóc Giang. Tôi chui ra bên ngoài cửa hang tìm vị trí chiến đấu. Tôi nhìn thấy những chiếc xe tăng địch lổm ngổm trên cánh đồng phía trước bản Nà Nghiềng đang rê chỉnh nòng pháo để bắn thẳng vào cửa hang.

Bọn địch cũng đã chiếm được khu đồn công an vũ trang đối diện với hang huyện ủy. Chúng dùng ĐKZ ngắm bắn thẳng sang cửa hang. Đất đá văng rào rào, khói bụi mù mịt. Một tảng đá lớn từ sườn núi phía trên lao xuống bay qua sát mặt chúng tôi. Có ai đó hét to: “Cẩn thận đá lăn đấy!”. Tôi cố thu người nép sau gộp đá và nghĩ: “Mả mẹ thằng Tàu khựa bắn ghê quá! Không khéo chả chết vì đạn pháo mà chết vì đá lăn...”. Khi tôi đang nấp sau gộp đá ngắm bắn về phía chợ Sóc Giang, nơi bọn giặc đang lố nhố hô hét xung phong thì có tiếng gọi vào trong hang ngay. Tôi vội xách súng bò trở vào trong hang.
Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh vừa nhìn thấy tôi đã bực bội hỏi:
- Mày ra ngoài đấy làm gì hả?
Tôi ấp úng:
- Thủ trưởng vừa lệnh tất cả ra chiến đấu...

Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh giằn giọng:
- Nhiệm vụ của mày là đảm bảo thông tin liên lạc cho chỉ huy chiến đấu. Mất liên lạc với các hướng lúc này là mất trận địa, là chết hết đấy hiểu không?
-Vâng... vâng ạ!

Tôi lập cập đáp. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh vẫn còn rất bực:
- Mày mà... để mất liên lạc lúc này là... là... tao… bắn...

Anh dọa. Tôi tái mặt đi khi nhìn thấy trên tay anh đang lăm lăm khẩu súng ngắn. Anh cũng đang chỉ huy bộ phận chiến đấu ở ngoài cửa hang. Thấy tôi run lập cập, anh hạ giọng:
- Cầm máy đảm bảo liên lạc ngay! Nhanh lên!

Tôi vội lao về vị trí đặt máy vô tuyến điện. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh nổi cáu quát tôi vì lúc nãy khi tôi không có mặt trong hang, người chiến sĩ thông tin vô tuyết điện do hơi hoảng nên xử lý không tốt một mệnh lệnh chiến đấu khiến anh rất bực. Tổ đài vô tuyến điện 884 lúc này đã được đưa vào phía trong cửa hang phụ để đảm bảo an toàn. Khi vừa cầm tổ hợp máy vô tuyến áp vào tai nghe các đơn vị báo cáo tình hình tôi đã bật reo lên thật to:
- Đại đội 10 báo cáo đã bắn cháy hai xe tăng quân địch!
- Lại hai chiếc nữa bị bắn cháy…

Tôi tiếp tục gào lên. Gần như cùng lúc với báo cáo của tôi anh em phía ngoài cửa hang cũng reo lên vui mừng. Từ trên cửa hang họ nhìn thấy rất rõ những chiếc xe tăng bốc cháy ngay trên đoạn đường quanh dưới chân chốt của Đại đội 10. Có một chiếc xe tăng nằm sát bản Nà Nghiềng bốc cháy và phát nổ rất dữ dội. Có lẽ là do đạn pháo trong xe bị kích hoạt.

Sau đó, Đại đội 10 mới báo cáo cụ thể hơn: “Chiến sĩ Nguyễn Xuân Quý bắn cháy bốn xe tăng địch, Hạ sĩ, tiểu đội trưởng Nguyễn Công Tâm bắn cháy một chiếc xe tăng và hy sinh. Chính trị viên đại đội, trung úy Trần Xuân Tương chỉ huy các tổ xuống chân điểm chốt bắn xe tăng cũng đã hy sinh… Hạ sĩ Nguyễn Công Tâm là người đã xuống sát bụi tre ở chân điểm chốt để lập ổ đề kháng bắn thẳng vào đội hình quân địch, tiêu diệt được rất nhiều tên giặc. Bọn địch ném lựu đạn lên công sự, Nguyễn Công Tâm nhặt lựu đạn địch ném lại, bị một quả nổ trên tay”.

Hạ sĩ Nguyễn Công Tâm quê ở Thái Bình, nhập ngũ đầu năm 1975. Tâm lấy vợ đã lâu mới có con. Hôm trước cuộc chiến tranh, gặp tôi Tâm còn vui mừng khoe: - “Con mình vừa mới sinh, vợ bảo sau khi đầy tháng mới bế con đi chụp ảnh gửi cho mình. Mình mong được thấy mặt thằng bé quá”. Vậy mà anh đã đi vào lòng đất khi chưa biết mặt đứa con vừa mới ra đời. Cả sở chỉ huy tiểu đoàn lặng đi trước những thong tin tổn thất của Đại đội 10 báo cáo về. Mấy chiếc xe tăng địch ở đám ruộng trước bản Nà Nghiềng vẫn liên tục nã pháo vào cửa hang của chỉ huy tiểu đoàn chúng tôi. Một chiến sĩ mang súng B41 lao ra tìm cách tiếp cận xe tăng địch. Anh bị trúng đạn gục xuống rãnh ngô non.

Từ vị trí phòng ngự ở chân núi Nguyễn Văn Trọng, tiểu đội phó truyền đạt và Nguyễn Đình Tuất ở trung đội vận tải cùng mấy chiến sĩ nhanh chóng lao ra. Họ bò lê trên mặt ruộng dưới làn đạn giặc cố tìm cách tiếp cận vị trí người lính B41 hy sinh để lấy khẩu súng bắn xe tăng địch. Giữa lúc đó tôi nhận được điện của Đại đội 9: “Hướng ủy ban nhân dân huyện, trung đội trưởng Trần Quang Tuyến đã chỉ huy trung đội bắn cháy một xe tăng và tiêu diệt nhiều bộ binh quân địch ở khu vực cửa hàng thực phẩm và sân uỷ ban nhân dân huyện Hà Quảng”.

Tôi vừa báo cáo với chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh xong thì nhận được điện của Đại đội 10 đề nghị hoả lực của tiểu đoàn bắn trực tiếp trùm lên trận địa của đơn vị mình. Bộ binh địch từ hướng Đôn Chương đã tràn lên, lực lượng tinh nhuệ của chúng từ điểm cao 505 đã đánh ập xuống trận địa của Đại đội 10. Tình hình Đại đội 10 vô cùng nguy cấp. Bộ đội đang đánh giáp la cà với bọn địch. Tiếng lựu đạn nổ lục bục trong chiến hào. Đại đội 10 xin cối 82 của tiểu đoàn bắn trùm lên trận địa của đơn vị, sẵn sàng chết chung cùng bọn giặc.

Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh nghe xong mím môi vẻ mặt căng thẳng. Đoạn anh bảo tôi: - Điện lệnh cho Đại đội 10 bất cứ giá nào cũng phải “kiên quyết chiến đấu giữ vững trận địa”. Tôi vừa truyền đạt xong mệnh lệnh thì mất liên lạc với Đại đội 10. Hướng biên giới Đại đội 9 và Đại đội 11 báo cáo bọn địch từ biên giới hành quân xuống đã áp sát trận địa. Phía con đường mòn từ Mỏ Sắt lên phía bên phải có tiếng súng nổ trong bản Nà Nghiềng. Bọn địch đã chạm súng với bộ phận chốt chặn ở đây.

Như vậy là cả bốn phía quân địch đang khép chặt vòng vây xông vào thị trấn Sóc Giang. Trong khi đó thì cuộc chiến đấu trước cửa ngõ thị trấn Sóc Giang vẫn vô cùng ác liệt. Trận địa của Đại đội 10 mịt mù khói lửa, râm ran tiếng súng, chả còn phân biệt đâu là tiếng súng của quân ta, đâu là tiếng súng của quân địch nữa. Đạn pháo của địch thì không ngừng nã vào vị trí cửa hang chỉ huy tiểu đoàn. Hang đá rung chuyển chao đảo như một con thuyền nhỏ nhoi trên sóng lớn. Tiếng súng bộ binh đã ran lên khắp thị trấn Sóc Giang. Những tên giặc lố nhố trong khu chợ thị trấn bên trái cửa hang huyện ủy lại hò hét xông lên phía cửa hang…

Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh vẫn bình tĩnh nghe và xử lý các tình huống chiến đấu. Tôi cố giữ bình tĩnh để truyền đạt đầy đủ, rõ ràng nhất các mệnh lệnh của người chỉ huy cho các bộ phận qua mạng máy vô tuyến điện. Vòng vây quân thù tiếp tục khép chặt. Trong hang huyện ủy lúc này chỉ còn liên lạc được với các hướng bằng máy vô tuyến điện. Tôi là người đầu tiên nhận được tin chiến thắng cũng như tin thất thiệt của các đại đội báo cáo về chỉ huy tiểu đoàn. Các đơn vị liên tục thông báo tình hình của ta và của địch. Đơn vị nào cũng xin chi viện hoả lực và đạn dược. Nhưng làm gì còn đạn dược nữa mà chi viện? Có bộ phận báo cáo thiệt hại nặng khó có thể giữ được trận địa, xin rút lui... Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh lặng người đi mỗi khi nhận tin nhiều cán bộ, chiến sĩ hi sinh.

Anh hạ lệnh cho Đại đội 9 và Đại đội 11 chiến đấu ngăn chặn bộ binh, cơ giới quân địch từ hướng biên giới tràn xuống, lệnh cho Đại đội 10 bằng mọi giá phải giữ được trận địa… Lại có tiếng quân ta hò reo ở ngoài cửa hang. Thêm hai chiếc xe tăng của quân địch bị bắn cháy ngay trên đám ruộng trồng ngô phía trước bản Nà Nghiềng, gần nhà bưu điện thị trấn. Có lẽ đã hơn ba giờ chiều… Thị trấn Sóc Giang ngùn ngụt lửa cháy. Bốn phía bộ binh, xe tăng quân địch vẫn đang ào ạt xông đến áp sát vị trí chỉ huy của Tiểu đoàn 3 chúng tôi. Tình huống vô cùng nguy ngập. Từ phía cửa hang chính, nơi đang bị hỏa lực và bộ binh quân địch chế áp, tấn công ác liệt, chính trị viên Hoàng Quốc Doanh đi vào giữa hang, tay anh vẫn cầm khẩu súng ngắn chỉ huy chiến đấu. Anh mím môi nhìn số người ít ỏi còn lại trong hang rồi nói:
- Bây giờ, đã đến lúc chúng ta sẽ quyết một trận sống chết với quân thù!

Nghe chưa hết mệnh lệnh của chính trị viên tiểu đoàn, tất cả chúng tôi, những người làm nhiệm vụ đảm bảo cho công tác chỉ huy chiến đấu và cả các anh em thương binh nhẹ trong hang lập tức bật dậy vớ lấy súng và lựu đạn lao ra phía cửa hang chính đang mịt mù khói lửa. Tiếng súng đạn gầm vang râm ran bốn phía. Thị trấn “Tọa-độ-lửa” Sóc Giang vẫn đang bốc cháy rừng rực. Khói lửa chiến tranh che khuất cả một khoảng trời biên giới... Dưới đây là trang nhật ký chiến tranh tôi ghi lại về ngày 20-2-1979:
- Địch: Có khoảng 2 tiểu đoàn đánh từ phía Đôn Chương tiến lên thị trấn Sóc Giang. Chúng chia làm 3 đợt tấn công. Buổi sáng từ 9 đến 10 giờ, chiều từ 3 đến 5 giờ, có 16 xe tăng trong đội hình tấn công.
- Ta: Đại đội 10 cùng 1 tiểu đội của đại đội 11 tăng cường chiến đấu giữ vững chốt, bẻ gãy các đợt tấn công của địch, tiêu diệt hơn 400 tên địch, 6 xe tăng. Bộ phận của đại đội 9 chốt chặn ở hướng UBND huyện Hà Quảng chiến đấu tiêu diệt 1 xe tăng và 50 tên địch.
- Sơ đồ trận đánh ngày 20-2-79.
- Một số gương chiến đấu dũng cảm trong ngày 20-2:
+ Binh nhất Trần Xuân Quý, 20 tuổi, bắn 5 viên đạn B41 tiêu diệt 4 xe tăng và diệt nhiều tên địch.
+ Hạ sĩ, tiểu đội trưởng Nguyễn Công Tâm dũng cảm xuống tận bụi tre sát mặt đường quốc lộ để đặt súng bắn thẳng, tiêu diệt được 1 xe tăng và nhiều bộ binh địch, hy sinh do lựu đạn địch ném lên tuyến công sự thứ nhất.
+ Trung uý Trần Xuân Tương, học viên Trường sĩ quan Chính trị thực tập làm chính trị viên tại Đại đội 10, vừa chỉ huy bộ đội vừa trực tiếp chiến đấu, bị thương gãy một tay và một chân vẫn kiên quyết ở lại trận địa chỉ huy bộ đội chiến đấu và hy sinh...
+ Thượng sĩ Trần Quang Tuyến, trung đội trưởng thuộc đại đội 9, bắn cháy 1 xe tăng địch. Binh nhất Hồ Sào Liền, dân tộc H’Mông, quê Hà Giang tiêu diệt được 12 tên địch, trước đó khi đi lấy gạo gặp địch còn diệt được 2 tên…

Hơn 5 giờ chiều ngày 20-2, tất cả các mũi tấn công của quân xâm lược Trung Quốc vào thị trấn Sóc Giang đều bị bẻ gãy. Chốt của Đại đội 10 vẫn được giữ vững, khu vực phòng ngự của Đại đội 9 và Đại đội 11 bọn địch không thể vượt qua. Bóng đêm và sương mù dần buông xuống nhưng bầu trời thị trấn biên giới vẫn rực sáng bởi lửa cháy và đạn nổ từ những chiếc xe tăng mang nhãn hiệu “Bát - nhất” dưới chân điểm chốt của Tiểu đoàn 3 anh hùng…

Viết thêm: Năm 2018, khi về Hà Nội dự buổi gặp mặt truyền thống của Trung đoàn 677 tổ chức, anh Hoàng Quốc Doanh đến nhà tôi chơi. Tôi bảo các con ra chợ mua chút thức ăn về làm cơm, nhớ mua ít lòng lợn vì tôi nhớ là anh rất thích món này. Lúc rượu vào vui vẻ, tôi nhắc lại chuyện bị anh “dọa bắn” hôm chiến đấu ở thị trấn Sóc Giang. Anh cười to và bảo: “Lúc ấy, tao chỉ dọa thế thôi. Mày mà chết thì lấy ai tổ chức thông tin liên lạc cho tiểu đoàn. Mất liên lạc trong lúc ấy không chỉ mất trận địa mà tất cả chúng ta sẽ mất mạng hết đấy, hiểu không?”. Rồi anh giải thích thêm: “Lúc ấy mà mất liên lạc, các bộ phận sẽ tưởng là chỉ huy tiểu đoàn đã bị bọn Tàu tiêu diệt hết rồi, họ sẽ hoang mang, bỏ trận địa để rút lui, bọn địch sẽ ào lên hang huyện ủy và tất cả chúng ta sẽ chết”.

Sau chiến tranh biên giới phía Bắc, từ một cán bộ chính trị anh Doanh được bổ nhiệm làm trung đoàn trưởng. Khi anh làm trung đoàn trưởng Trung đoàn 677, Sư đoàn 346 thì Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch là phó chủ nhiệm chính trị của trung đoàn này. Sau này khi về làm báo ở Hà Nội, lần nào gặp tôi, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng hỏi thăm anh Doanh.

Trận đánh quyết liệt buổi chiều ngày 20-2, các đơn vị của Tiểu đoàn 3 đã đẩy lui tất cả các cuộc tấn công của bọn bành trướng vào thị trấn Sóc Giang và các trận địa phòng ngự của mình. Các đơn vị trong tiểu đoàn đã thể hiện được quyết tâm: - Chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, người lính cuối cùng, kiên quyết không rời trận địa khi chưa có lệnh!


Đại đội 10 sau cuộc cận chiến bằng lưỡi lê, báng súng tuy chịu rất nhiều tổn thất song đã đánh bật bọn địch xuống mặt đường, đẩy lui lượng lượng đặc nhiệm của chúng trở ngược lên điểm cao 505, cơ bản lấy lại được trận địa. Đại đội 9 vẫn giữ vững được trận địa Kéo Nghìn và khu vực ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng, Bộ phận chốt chặn của Đại đội 11 vẫn bảo vệ được đoạn đường hẹp cổ chai phía dưới trường cấp 1+2 ngăn chặn quân địch từ hướng cửa khẩu Bình Mãng tràn xuống thị trấn Sóc Giang. Trong ngày, sáu chiếc xe tăng địch bị bắn cháy, bắn hỏng, hơn bốn trăm tên địch bị tiêu diệt. Xác xe tăng, xác bộ binh chúng nằm rải rác khắp thị trấn Sóc Giang, trên cánh đồng bản Nà Nghiềng.

Bọn địch từ hướng Mỏ Sắt, Thông Nông nống lên phải co cụm lại. Không một tên địch nào bám được vào chân núi đá lên hang huyện ủy, sở chỉ huy của Tiểu đoàn 3. Bọn chúng bị chặn đứng ở ngay phía trước nhà bưu điện và trong khu chợ thị trấn. Những khẩu súng trên tay xác những tên giặc chết nằm trên đám ruộng ngô non bản Nà Nghiềng, khu chợ thị trấn và nòng pháo trên những chiếc xe tăng bị bắn cháy vẫn hướng về phía cửa hang huyện ủy, nơi chúng không thể đến và là nơi chúng tôi đang trụ vững.

Khi các hướng tiếng súng tạm lắng thì màn đêm buông xuống. Trừ bộ phận cảnh giới, chúng tôi rút vào trong hang tránh đạn pháo của bọn địch. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh ngồi dựa vào thành hang. Trông anh có vẻ mệt mỏi. Chúng tôi ngồi nằm ngổn ngang xung quanh, nhiều người quần áo còn bê bết bùn đất, dính máu thương binh.

Trợ lý tham mưu Bùi Đức Thọ tranh thủ báo cáo tình hình địch, sau đó tôi tổng hợp điện của các đơn vị báo cáo về quân số thương vong, về trang bị vũ khí đạn dược. Nét mặt của chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh thêm tối đi mỗi khi tôi đọc số lượng, tên người hy sinh, mất tích, bị thương. Anh em trong hang cũng lặng đi khi nghe thấy tên các đồng đội, bạn bè của mình vừa ngã xuống. Không khí trong hang trầm lắng hẳn đi...

Hồi lâu, chính trị viên Hoàng Quốc Doanh mới lên tiếng: - Chúng ta đã chịu nhiều tổn thất, hy sinh. Nhưng hôm nay chúng ta đã đánh một trận làm cho quân thù phải khiếp sợ. Thị trấn Sóc Giang hôm nay đúng là một tọa - độ - lửa các đồng chí ạ. Nhiều người đã hy sinh nhưng chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ được trận địa. Hôm nay, các đồng chí ấy anh dũng ngã xuống để cho chúng ta còn sống ngồi đây... không ai được quên điều ấy... Lặng đi một lát anh nói thêm, giọng nhỏ hơn:
- Nếu buổi chiều hôm nay chúng ta không giữ vững được trận địa, hoặc có một đơn vị, một bộ phận nào rút lui tháo chạy thì tất cả chúng ta sẽ bị tiêu diệt không ai còn sống đâu. Bọn địch đã quây đặc kín xung quanh cái thị trấn nhỏ bé này rồi... Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh biểu dương tình thần chiến đấu của các đơn vị trong tiểu đoàn. Anh bảo tôi điện báo khen ngợi các đơn vị. Anh cũng không quên nhắc đến sự chi viện của một khẩu đội 12ly7 thuộc Đại đội 16 của trung đoàn. Khẩu đội này bố trí trên mỏm núi đá bên phải các bản Cốc Sâu, Kép Ké, ngay giữa đội hình xuất phát của quân địch khi tấn công vào chốt của Đại đội 10 sáng nay.

Các chiến sĩ khẩu đội 12ly7 này đã dũng cảm nằm im giữa đội hình của bọn giặc chờ đợi. Bọn giặc sẽ không phát hiện ra nếu họ vẫn nằm im hoặc lặng lẽ trèo lên núi cao theo đường mòn rút đi. Nhưng các chiến sĩ khẩu đội 12ly7 này đã không làm thế. Họ nằm im khi quân địch tập trung quân xung quanh ngay dưới chân mình. Khi bọn địch bắt đầu tấn công vào thị trấn thì họ lập tức nhả đạn xối xả vào lưng, vào gáy bọn chúng để chi viện cho Đại đội 10 giữ chốt. Bọn địch bị bất ngờ. Sau phút hoảng loạn chúng tổ chức một lực lượng quay lại bao vây tấn công lên mỏm núi tiêu diệt khẩu đội 12ly7 ngay sau lưng đội hình của chúng. Sau này chúng tôi được biết, các chiến sĩ khẩu đội 12ly7 này đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Họ phá hỏng khẩu 12ly7 trước khi bọn địch xông đến rồi dùng lựu đạn và súng bộ binh quyết tử với chúng.

Tôi xúc động khi nghe những lời chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh vừa nói. Là người phụ trách thông tin liên lạc, nhận những bức điện trong những tình huống cam go nhất nên tôi hiểu. Có bộ phận bị đánh ác liệt, bị thương vong thiệt hại nặng nề xin rút lui, có đơn vị chết gần hết chỉ huy, có đại đội không còn đạn dược. Tình huống dồn dập, cấp bách, bọn địch tấn công khắp nơi có lúc tôi nghe điện đã hoang mang vậy mà chính trị viên Hoàng Quốc Doanh vẫn bình tĩnh xử lý. Anh còn luôn động viên, căn dặn tôi bình tĩnh giữ vững thông tin liên lạc. Tôi đã cố gắng xử lý được tất cả các tình huống để đảm bảo liên lạc thông suốt trong các trận đánh, nhất là khi bị bọn giặc phá sóng.

Nhiều lần cứ mở máy liên lạc là bọn giặc xen vào làm nhiễu sóng và nghe lén thông tin. Loại máy vô tuyến 884 chúng tôi đang sử dụng là do Trung Quốc sản xuất viện trợ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vì thế chúng rất hiểu khi gây nhiễu, phá hoại. Để chuẩn bị cho các trận đánh ngày hôm sau, cơ quan tiểu đoàn bộ tổ chức một trung đội sang tăng cường cho Đại đội 10. Tiểu đội trưởng hữu tuyến Hà Trung Lợi được bổ nhiệm giữ chức vụ trung đội trưởng. Lực lượng của trung đội này gồm hơn chục chiến sĩ thuộc các ở các bộ phận thông tin, vận tải, nuôi quân. Sau khi nhận đủ người, Hà Trung Lợi liền dẫn bộ đội đi ngay. Ngày 21-2, Hà Trung Lợi đã cùng bộ phận của mình chiến đấu rất dũng cảm cùng anh em Đại đội 10 giữ vững trận địa. Trung đội trưởng thông tin Phạm Hoa Mùi cũng được giao phụ trách một bộ phận chiến đấu.

Thấy tôi cứ nhấp nhỏm vì chưa biết mình sẽ được giao nhiệm vụ gì, đi tăng cường cho bộ phận nào thì chính trị viên Hoàng Quốc Doanh hỏi: - Có chuyện gì thế! Có đơn vị nào điện khẩn về à? Tôi đứng dậy nói: - Báo cáo thủ trưởng không ạ! Em chỉ muốn biết mình sẽ được tăng cường về đơn vị chiến đấu nào thôi ạ?

Anh Doanh lừ lừ nhìn tôi rồi bảo: - Mày vẫn phải ở lại cơ quan tiểu đoàn bộ lo việc bảo thông tin cho chỉ huy, hiểu không? Ngày mai tình hình sẽ còn căng thẳng ác liệt đấy! Tôi ngồi xuống ôm súng tựa vào vách hang. Nhiều người trong cơ quan tiểu đoàn bộ đã lên đường tăng cường cho đơn vị chiến đấu, tại hang huyện ủy còn rất ít, chủ yếu là thương binh và một số chiến sĩ trinh sát, thông tin, hậu cần, vận tải làm nhiệm vụ đảm bảo cho chỉ huy tiểu đoàn. Đến khoảng hơn tám giờ tối thì chúng tôi nhận được lệnh rút lui khỏi thị trấn Sóc Giang.

Chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh lập tức họp cùng các cán bộ bàn phương án rút lui. Một tấm bản đồ địa hình trải xuống ngay nền hang đá. Ánh đèn pin mờ ảo soi không rõ những đường bình độ trên bản đồ. Các chỉ huy đang bàn kế hoạch rút khỏi thị trấn. Những cái đầu bù xù. Những khuôn mặt hốc hác vì gần tuần nay chiến đấu ác liệt, đấu trí, đấu sức với quân giặc và chứng kiến bao sự hy sinh rồi mất ngủ, đói khát.

Với một đơn vị đã thiệt hại nặng, gần như kiệt sức chiến đấu cùng rất nhiều thương binh nặng việc tìm một phương án rút lui làm sao cho đỡ tổn thất thêm sinh lực quả là không đơn giản. Vị trí hang chỉ huy của tiểu đoàn đã bị lộ. Bọn địch bao vây chặt thị trấn. Lực lượng của chúng ở điểm cao 505 và đồn công an vũ trang trên mỏm đồi đối diện hang huyện ủy và ở bản Nà Nghiềng khống chế chặt chẽ mọi hành động của tiểu đoàn. Chúng bắn không tiếc đạn vào cửa chính của hang và các vị trí phòng ngự của tiểu đoàn ở khu vực thị trấn Sóc Giang.

Sau một lúc trao đổi, chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh đi đến một quyết định táo bạo: - Chúng ta sẽ rút lui theo hướng cửa hang chính xuống phía trước nhà bưu điện rồi qua con mương nước phía bên trái bản Nà Nghiềng, sau đó băng qua cánh đồng sang dãy núi đá vượt lên trên Lũng Vỉ. Nếu bị bọn địch phát hiện ngăn chặn thì chúng ta sẽ nổ súng mở đường máu rút quân… Có nhiều tiếng xì xào. Bởi nếu rút lui theo hướng cửa hang chính thì đúng là một cuộc phá vây, mở đường máu thực sự.

Bọn địch đã chiếm bản Nà Nghiềng, xe tăng chúng nằm lổm ngổm chặn khắp các ngõ ngách thị trấn Sóc Giang. Con đường rút lui của đơn vị sẽ đi qua giữa đội hình quân địch. Biết thế nhưng không ai có ý kiến phản đối. Bởi vì ai cũng hiểu đường rút qua cửa hang phụ an toàn hơn, bọn địch khó phát hiện được. Nhưng cửa hang phụ hẹp, vách núi đá dựng đứng, người khoẻ leo lên, leo xuống đã khó đừng nói là khênh cáng thương binh.

Tiếp theo, trợ lý tham mưu tiểu đoàn Bùi Đức Thọ bắt đầu trình bày kế hoạch cụ thể cho tất cả cán bộ, chiến sĩ đang có mặt trong hang nghe. Theo kế hoạch, các bộ phận sẽ chia nhỏ thành từng tổ ba bốn người, vũ khí, trang bị, khiêng cáng thương binh thật gọn gàng, để có thể trong vòng hai đến ba phút, là khoảng cách thời gian giữa hai đợt pháo địch bắn cầm canh vào cửa hang, phải vượt được một quãng đường gần hai trăm mét từ cửa hang xuống đến con mương nước bên phải bản Nà Nghiềng rồi thoát ra cánh đồng.

Tiểu đội trinh sát đi trước ém quân dọc theo con mương sẽ bảo vệ cho đội hình rút lui. Tốp rút ra trước yểm hộ cho tốp đi sau. Khi bị địch phát hiện thì từng bộ phận sẽ tổ chức đánh địch, vừa đánh vừa rút dần sang phía bên kia cánh đồng, bám vào chân núi đá để chiến đấu. Đại đội 12 sẽ cử người xuống chi viện chặn địch khi cần thiết và đón cơ quan tiểu đoàn bộ và thương binh lên núi. Tôi hiểu, việc chia nhỏ ra như thế nếu bị trúng đạn pháo hoặc quân địch phát hiện truy kích thì tổn thất sẽ ít hơn. Bộ phận mở đường do trợ lý tham mưu Bùi Đức Thọ và các chiến sĩ trinh sát nắm tình hình địch, công binh để phát hiện mìn, xử lý vật cản...

Đêm đã về khuya. Trời lạnh buốt da, buốt thịt. Chúng tôi tranh thủ gặm nắm cơm đã khô cong cho đỡ đói chờ lệnh xuất phát. Trợ lý tham mưu Bùi Đức Thọ nhìn đồng hồ. Đã gần một giờ sáng. Khi một đợt pháo và ĐKZ của bọn địch bắn vào cửa hang vừa dứt, khói bụi còn mù mịt chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh hạ lệnh cho bộ phận đi trước: - Xuất phát!


Các tốp lần lượt xuất phát sau mỗi lần pháo địch vừa dứt. Tôi đi vào tốp gần cuối đội hình rút lui. Khi vừa có lệnh chúng tôi lập tức lao ra ngoài cửa hang. Đá núi ở bên ngoài cửa hang bị pháo băm vụn, nghiền nát, thậm chí sức nóng của lửa đạn đã nung chín thành vôi bột cả con đường lát bằng đá từ chân dốc lên hang. Chúng tôi không thể bước đi như bình thường được. Tất cả mọi người liền ngồi bệt xuống, súng quàng trước ngực, ba lô sau lưng, người hơi ngả về phía sau, hai tay dang ra hai bên giữ thăng bằng tụt xuôi nhanh xuống dốc như trẻ con chơi tụt máng trượt trong công viên.

Khi chúng tôi đến được đầu nhà bưu điện thị trấn thì pháo địch bắt đầu bắn loạt tiếp theo. Mọi người nhảy ào xuống mương nước. Quên cả cái giá lạnh, chúng tôi lội trong mương nước bám sát nhau về phía bản Nà Nghiềng. Trong bản có lực lượng của địch co cụm chốt giữ. May mà lòng mương sâu gần hai mét so với mặt đường, nước lại chảy rào rào, lau lách rậm rạp nên bọn địch không phát hiện được.

Theo kế hoạch, đến cuối bản Nà Nghiềng tốp đi đầu dừng lại lập thành một điểm chốt sẵn sàng đánh chặn địch và chờ để đón các bộ phận tiếp theo rút qua. Các bộ phận cứ thế thay thế nhau, tốp trước cảnh giới cho tốp sau vượt qua. Tôi dừng lại áp ngực vào bờ mương cho đỡ rét. Tôi vừa căng mắt quan sát, canh chừng con đường từ bản Nà Nghiềng ra vừa hồi hộp chờ tốp tiếp theo rút qua chỗ mình. Đội hình của tiểu đoàn bộ cùng các cán bộ, chiến sĩ Đại đội 11, Đại đội 9 đã vượt ra được cánh đồng băng sang phía chân núi đá. Không ngờ, cuộc rút lui của chúng tôi lại an toàn tuyệt đối. Bọn địch không phát hiện được khi gần một trămcon người, có nhiều thương binh cùng vũ khí đi qua ngay dưới chân đồn công an vũ trang và sát bản Nà Nghiềng là nơi bọn chúng đang chốt giữ. Có lẽ vì chúng còn đang choáng váng vì thất bại trận đánh lúc chiều và không ngờ chúng ta lại liều lĩnh, táo bạo đến thế.

Trời đã gần sáng. tôi cùng mấy anh em trong tiểu đội vô tuyến khẩn trương chạy đến chân núi đá. Chúng tôi băng qua cánh đồng đang cày dở. Những luống cày căn ngang rất khó chạy. Đến giữa đồng, tôi gặp mấy thương binh nhẹ đang dìu nhau đi. Tôi giục: - Anh em hãy nhanh nhanh lên! Trời sắp sáng rồi. Cố gắng đến chân dãy núi bên kia hãy dừng lại nghỉ kẻo bọn địch phát hiện ra đấy!
- Vâng… vâng…

Vừa định chạy đi cho kịp anh em trong tiểu đội nhưng thấy mấy thương binh dìu nhau tập tễnh mãi không qua được một bờ ruộng cao, tôi lộn quay lại đỡ từng người vượt qua và chạy đến gần chân núi đá. Khi tôi đến được chân dãy núi đá có lối mòn dẫn lên Lũng Vỉ thì trời đã tang tảng sáng. Tốp đi đầu đã vượt lên lưng chừng núi. Tại chân dốc núi chúng tôi gặp tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thiêm và các chiến sĩ của Đại đội 12 đang chờ đón ở đây. Các chiến sĩ Đại đội 12 giúp các bộ phận khiêng cáng thương binh nặng, mang vác vũ khí leo lên dốc.

Chúng tôi nhanh chóng theo con đường độc đạo, trơ trụi trèo ngược lên đỉnh núi. Bọn địch không phát hiện ra. Nếu bọn chúng phát hiện được thì chỉ cần một lực lượng hỏa lực rất nhỏ là còn đường lên dốc núi sẽ bị chặn đứng một cách rất dễ ràng. Lên đến lưng chừng núi tôi ngoảnh lại nhìn. Thị trấn Sóc Giang vẫn đang ầm ầm tiếng nổ, rừng rực lửa cháy... Khi chỉ huy tiểu đoàn và các lực lượng Đại đội 9, Đại đội 11 rút đã lên Lũng Vỉ thì các cán bộ, chiến sĩ Đại đội 10 cùng một tiểu đội của Đại đội 11 và trung đội tăng cường của cơ quan tiểu đoàn bộ vẫn tiếp tục củng cố trận địa tại điểm chốt trước cửa ngõ thị trấn Sóc Giang. Họ cầm cự chiến đấu với bọn giặc suốt ngày hôm sau. Buổi tối ngày 21-2, lực lượng cán bộ, chiến sĩ bộ phận chiến đấu ở chốt của Đại đội 10 đã tổ chức thành công một cuộc phá vây rút lui lên núi về lại với đội hình chiến đấu của Tiểu đoàn 3...

HÌNH MINH HỌA

Những hình ảnh khốc liệt của cuộc chiến.




01.jpg
02.jpg
03.jpg
04.jpg
05.jpg
06.jpg
481217_424811600897684_1866707321_n.jpg
545088_424811550897689_1551413021_n.jpg
149506188_4087435994602646_9120422811240178555_n.jpg
150140856_4087435601269352_7685645619301608940_n.jpg
151574402_4087435904602655_1935090732166283171_o.jpg
a07.jpg
 

tuanva06

Xe buýt
Biển số
OF-165316
Ngày cấp bằng
6/11/12
Số km
501
Động cơ
348,935 Mã lực
Nơi ở
Hà nội
"chính trị viên Hoàng Quốc Doanh đi vào giữa hang, tay anh vẫn cầm khẩu súng ngắn chỉ huy chiến đấu. Anh mím môi nhìn số người ít ỏi còn lại trong hang rồi nói:
- Bây giờ, đã đến lúc chúng ta sẽ quyết một trận sống chết với quân thù!"
Em như được xem những cảnh tượng chỉ có trên phim về Chủ nghĩa Anh Hùng. Người chỉ huy thật dũng cảm và đáng kính trọng cùng với những người lính của anh!
 

heroesdaubu

Xe điện
Biển số
OF-34649
Ngày cấp bằng
5/5/09
Số km
4,969
Động cơ
519,665 Mã lực
Nơi ở
Thiên đường
Hay quá, trước em nghe sự kiện VBB nhưng không hiểu thực hư ra sao.
Anh trai em hiện vẫn đang là sỹ quan Lữ 146 HQ, giờ già nên chỉ đi công tác theo tàu tiếp tế ra đảo chứ không đi cả năm như hồi trẻ.
Đọc bài cụ hiểu thêm về lực lượng HQVN.
 

Baoleo

Xe tăng
Biển số
OF-320235
Ngày cấp bằng
19/5/14
Số km
1,852
Động cơ
363,765 Mã lực
MẶT TRẬN CAO BẰNG-THÁNG 2 NĂM 1979
(Ký ức chiến tranh của Trọng Bảo, ‘đài trưởng’ điện đài thông tin 2W, tiểu đoàn 3, trung đoàn 246, sư đoàn 346)

Kỳ 11: Phần 8 – NHỮNG NGÀY TRONG VÒNG VÂY

Những ngày chúng tôi ở Lũng Vỉ thật là khốn khổ. Thiếu lương thực, thiếu nước. Vách núi đá vôi khô khốc. Chỗ khe đá có nhiều cây nhất dòng nước ri rỉ ra chảy cả ngày cũng chỉ được độ vài xô nước. Khi bộ đội chưa rút lên bà con ở đây thường dùng nước mưa là chủ yếu. Nước mưa được hứng cho chảy vào các bể xây bằng xi măng. Bể nào to lắm cũng chỉ chứa được khoảng một hai, ba mét khối. Bây giờ bộ đội và dân chạy loạn kéo lên cả trăm người thì lượng nước dự trữ của dân bản trên núi cũng cạn dần.
Bộ đội ẩn náu trong các khe đá, hoặc giữa các mô đá mồ côi nhấp nhô khắp thung lũng. Một anh thương binh nằm trong khe đá tỉ mẩn quan sát những cây dương xỉ bám trên đá. Anh thấy những cái rễ loà xoà trùm lên hòn đá có những nốt phồng to như hạt lạc. Anh rứt nhấm thử, thấy có nước và vị ngọt. Thì ra những cây dương xỉ trên núi đá vôi khác hẳn những cây dương xỉ sống ở khu vực núi đất và trong khe suối ẩm ướt. Những nốt sần treo lủng lẳng trên rễ của cây dương xỉ trên núi đá vôi quanh năm khô cằn chính là cái túi dự chữ nước.
Thiên nhiên khắc nghiệt đã bắt buộc sinh vật phải có cách thích nghi để sinh tồn và phát triển. Người lính ấy sung sướng gào lên: - Nước… có nước rồi chúng bay ơi… ha… ha…!
- Thôi chết! Thằng này đau quá mê sảng rồi!
Mọi người xúm lại vì ai cũng nghĩ anh ta mệt và khát quá nên mê sảng. Anh thương binh đưa ra một nắm những cái hạt sùi từ rễ của cây dương xỉ bảo mọi người nếm thử. Và, thế là thật tình cờ, chúng tôi phát hiện ra một nguồn nước tuy không thể nấu cơm, rửa vết thương cho thương binh nhưng lại có thể giải khát. Chúng tôi bứt những cái nốt sần rễ của cây dương xỉ nhai cho đỡ khát. Quả là một nguồn nước vô tận của người lính trong vòng vây quân thù. Một nguồn nước nhỏ nhoi nhưng thật vô cùng quý giá. Trong túi cóc ba lô ngoài nắm ngô rang còn có thêm những hạt nước của cây dương xỉ mọc trên núi đá vôi khô cằn.

Những ngày ở Lũng Vỉ chúng tôi chủ yếu là ăn gạo sấy. Đó là loại gạo đã được rang chín đóng trong túi ni-lông. Lẽ ra có nước sôi đổ vào thì ăn sẽ ngon hơn. Nhưng chúng tôi không đun được nước sôi vì khói bốc lên sẽ lộ vị trí giấu quân. Vì thế, gạo sấy chủ yếu pha bằng nước lã. Ăn thứ gạo sấy này giống hệt như cơm nguội ném vào nước lạnh cho trương lên, hoặc tựa như những hạt cơm còn sót lại trong chậu sau khi rửa bát. Nó nhạt nhẽo. Nhưng trong vòng vây của kẻ thù có được một chút gạo sấy để ăn cho đỡ đói là đã may lắm rồi. Nhiều bộ phận không còn một gói gạo sấy nào nữa. Lương thực cạn dần, gạo sấy rồi cũng hết. Bộ đội cả ngày cũng chỉ có vài hạt ngô hoặc hạt đậu tương rang khô khốc.

Nhiều lúc hành quân leo núi mệt thời không ra hơi vẫn phải cố nhai ngô, đậu tương rang cho đỡ đói. Từ ngày 22-2-1979 trở đi bọn địch, nhất là lực lượng đặc nhiệm sơn cước của chúng bắt đầu truy kích theo dấu vết của Tiểu đoàn 3 chúng tôi. Vị trí tiểu đoàn chúng tôi ém quân ở Lũng Vài, Lũng Vỉ bị lộ do một số chiến sĩ công an vũ trang và thanh niên xung phong tự ý xuống bản tìm lương thực bị bọn địch phát hiện, mấy người bị chúng bắn thương vong. Bọn chúng truy đuổi theo số chiến sĩ này lên núi...

Tình hình trên Lũng Vỉ, Lũng Vài ngày càng khó khăn do lượng người tăng lên. Một số cán bộ, chiến sĩ các đơn vị của trung đoàn cũng rút lui lên khu vực của Tiểu đoàn 3. Vấn đề lương thực và nước uống rất nan giải. Có những vị trí đảm bảo phòng ngự rất tốt nhưng do không có nước uống chúng tôi lại phải rời đi.

Các bộ phận ban ngày thì ém quân trong các hang hốc, khe đá để tránh bị địch phát hiện, ban đêm thì cơ động xuống bản, xuống suối để tìm lương thực và nước uống. Bọn xâm lược tràn ngập khắp nơi nên việc xuống núi phải rất thận trọng. Một buổi sáng, cơ quan tiểu đoàn bộ tổ chức lực lượng từ Lũng Vỉ sang Lũng Mật để lấy nước và lương thực. Chúng tôi hành quân sang Lũng Mật từ hơn ba giờ sáng. Lũng Mật có một bản người Dao với độ chục nóc nhà. Trong bản có một cái bể xây bằng xi măng rất to để chứa nước mưa dùng cho cả bản. Đến Lũng Mật thì trời đã sáng hẳn.

Tôi lấy đầy một bi-đông nước, nhận một ít gạo trong kho dự trữ của Đại đội 12, bà con dân bản cho mấy bắp ngô. Khi chúng tôi đang chuẩn bị quay trở về thì bị bọn địch tập kích bất ngờ. Sương mù trên núi chưa tan hẳn thì tiếng súng đã nổ chát chúa khắp Lũng Mật. Đó là tiếng súng 12ly7 và tiếng đạn cối 60. Cả thung lũng mù mịt lửa khói. Tiếng kêu hoảng loạn của nhiều người dân trong bản vang lên. Chúng tôi vội vớ lấy súng đạn nhưng chưa biết quân địch ở phía nào mà bắn. Mọi người phải nằm ép người vào các khe đá, hốc núi để tránh đạn.

Khi xác định được hướng bắn của bọn địch chúng tôi càng lo lắng, sợ hãi. Bọn địch đã vác được súng 12ly7, đại liên và cối 60 lên một mỏm núi cheo leo dốc đứng ở phía đầu Lũng Mật. Từ đây chúng có thể khống chế toàn bộ thung lũng. Bọn này chắc chắn phải là lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ của quân địch. Chúng chính là bọn lính sơn cước. Bọn này leo vách núi rất giỏi giống như một lũ tắc kè, kỳ nhông sống hoang dã trên núi.

Chúng tôi lợi dụng các các mô đá, khe núi để ẩn nấp và chống trả quân địch. Nhưng có nhiều người nấp sau mô đá vẫn bị trúng đạn của bọn địch đang ở trên cao. Những viên đạn bắn tỉa của chúng xỉa xuống khá chính xác. Cầm cự đến khoảng gần chín giờ sáng bộ phận chúng tôi được lệnh nhanh chóng cơ động vượt qua đoạn dốc giống như sợi dây diều căng trên sườn núi để rút sang hướng Lũng Vài, Lũng Vỉ. Đoạn đường phải vượt qua rất dốc và trống trải. Nếu không khống chế được hoả lực địch trên mỏm núi ở phía đầu Lũng Mật thì đội hình chúng tôi leo lên con dốc lưng chừng núi sẽ làm những tấm bia sống cho bọn giặc thử súng.

Khi Đại đội 12 tổ chức được hỏa lực 12ly7 bắn trả, khống chế quân địch thì chúng tôi mới bắt đầu vượt qua con dốc dây diều để quay trở về Lũng Vỉ. Chúng tôi chạy gằn trên đoạn dốc trống trải, vừa chạy vừa tránh đạn địch. Đó đúng là một cuộc chạy đua với cái chết thực sự. Cứ chạy một đoạn chúng tôi lại phải nằm sấp xuống mặt đường tránh đạn. Đạn địch vẫn bắn xối xả, khói bụi mù mịt, lá cây rừng ven con đường mòn rụng xuống tơi tả. Có những người bị trúng đạn chới với ngã gục xuống mặt đường hoặc lăn nhào xuống sườn núi.

Tôi đeo ba lô gạo, xách súng chạy ngược lên dốc. Linh tính hay là sự may mắn đã giúp tôi thoát khỏi những loạt đạn bắn đuổi của bọn địch. Cứ chạy được một đoạn tôi lại nhao người lên rồi nằm úp mặt xuống đường. Mấy lần khi tôi vừa đổ người nằm ép xuống mặt đường thì đạn địch lại bắn chiu chíu ngay sát trên lưng, đất đá, lá cây bên phía trên vách núi rơi xuống lả tả. Thật may, lần nào tôi cũng thoát cả. Nguyễn Xuân Hòa, nhân viên thống kê chính trị tiểu đoàn chạy ngay phía trước tôi. Hai thằng vừa chạy vừa nằm, vừa bò ngược lên đỉnh dốc.

Thằng Hòa lao đã lên nấp được sau một mô đá to khá an toàn trên đầu dốc núi. Nhìn xuống dốc, thấy tôi lúc chạy gằn, lúc nằm bẹp xuống mặt đường để tránh đạn thằng Hòa bèn gọi to:
- Bảo ơi! Cứ bình tĩnh mà chạy lên đây nhé. Tao sẽ yểm hộ cho…

Nó cầm khẩu M79 giơ giơ lên để động viên tôi. Nghe tiếng nó gọi tôi vừa ngước lên nhìn thì bỗng oành một tiếng. Quả đạn cối 60 nổ trên vách núi ngay trên đầu dốc ở gần chỗ thằng Hoà đang ẩn nấp. Mảnh đá vụn văng rào rào, khói bụi mù mịt, lá cây bay tả tơi. Tôi hốt hoảng nghĩ: “Thôi chết! Không khéo thằng này tan tành thành từng mảnh mất rồi!”. Tình hình thế này phải vượt được sang phía bên kia dốc núi càng nhanh càng tốt. Lợi dụng khi đạn địch vừa ngớt, tôi nhỏm ngay dậy bật người lao lên.

Khi tôi chưa kịp đổ người nằm xuống thì một quả cối 60 và một loạt đạn địch bắn trùm lên cả đoạn đường. Tôi đạp vào một hòn đá bị trượt chân ngã nhào vào phía vách núi. Tôi cố gượng lật người nằm úp xuống mặt đường, cố gắng thu thân hình nhỏ nhất để tránh đạn bắn tỉa của bọn địch. Chợt thấy bụng mình ướt sũng tôi hoảng quá nghĩ: Thôi chết! Mình bị thương rồi! Máu chảy nhiều quá. Nhưng tại sao lại không thấy đau và choáng nhỉ?. Tôi vội thò tay xuống bụng rồi đưa lên nhìn. Bàn tay tôi đỏ quạch. Nhưng đó không phải là máu mà là màu đất đỏ trên mặt đường. Hóa ra một viên đạn địch đã bắn trúng làm thủng cái bi-đông để trong cóc ba lô, nước chảy ra ướt sũng quần áo khiến tôi tưởng là máu.

Lúc vượt lên tới đỉnh dốc, tôi lăn được sang phía bên kia sườn núi, khuất hẳn tầm bắn của bọn địch. Tôi xốc lại ba lô xách sung lần theo lối mòn đi được vài bước thì tôi gặp thằng Hòa. Nó đang ôm súng ngồi thu lu trong một hốc đá ngay sát bên lối đi. Thấy nó không bị sây sát gì tôi mừng lắm. Nó cũng rất mừng khi tôi thoát lên được. Tôi bảo nó: - Chờ mày yểm hộ thì tao đã toi mạng từ tám hoánh nào rồi? Nó cười hề hề tuy mặt thì vẫn còn tái đi:
- Nói thế để cho mày yên tâm thôi. Khẩu M79 của tao chỉ còn mỗi một viên đạn thì yểm hộ cái cóc khô gì được nữa chứ? Tôi ngồi phịch xuống cạnh nó. Tôi vừa thở dốc vì mệt vừa nói: - Thảo nào nó mới choang cho một quả cối cách xa đến cả trăm mét mà mày đã chuồn nhanh thế?

Thằng Hòa cười bảo: - Hì… Suýt nữa thì tao tan xác vì quả cối ấy đấy! Mà này, mày đói chưa? Tôi nhăn mặt: - Đang đói run người lên đây! Từ tối hôm qua đến giờ đã kiếm được cái gì cho vào bụng đâu? Thằng Hòa lục cóc ba lô lôi ra nửa con gà luộc. Nó xé đưa cho tôi cái đùi gà và bảo: - Mày ăn đi cho đỡ đói. Bà con trong bản Lũng Mật cho đấy!

Hai thằng vừa lau mặt vừa ăn. Thịt gà ăn vã, không muối, nhạt bã ra trong miệng. Giá mà có mấy hạt muối thì tốt quá. Sau này, khi cùng về học tại Trường sĩ quan Chính trị, mỗi lần gặp nhau tôi và Nguyễn Xuân Hòa hay nhắc lại kỷ niệm của lần suýt chết ở Lũng Mật buổi sáng hôm ấy và càng xót thương cho biết bao đồng đội cùng lên biên cương nhưng không có ngày trở về như chúng tôi... Tôi không bao giờ quên bản Lũng Mật với những người dân thật thà, chất phác, hết lòng thương yêu bộ đội. Vậy mà đến nay sau bao nhiêu năm chiến tranh người dân ở đây vẫn còn chịu cảnh nghèo khó.

Bọn địch bắt đầu tiến lên dãy núi đá truy kích tiểu đoàn chúng tôi. Chúng nó đánh chỗ này chúng tôi lại cơ động sang nơi khác, vòng vèo đuổi nhau qua từng thung lũng. Nhiều lúc bị bọn chúng truy đuổi tôi chỉ ước gì còn thật nhiều đạn, nhiều quân để quyết tử với chúng một trận. Tôi không thành thạo địa hình khu vực núi đá này nên không biết là đang đi đâu, đang ở đâu.

Có lệnh là đi, bảo dừng lại nghỉ là dừng lại cho anh em tìm chỗ mắc võng hay rải lá làm nơi nằm nghỉ. Trong bao lô của tôi chỉ còn một cái tăng và cái võng. Ở núi đá trơ trụi khó mà căng tăng võng. Khi trời tạnh thì rải tăng xuống đất làm chiếu, võng đắp làm chăn. Khi trời mưa hay sương mù ẩm thấp thì rải võng xuống đắp tăng cho đỡ ướt. Khi mới lên núi còn tấm vải liệm liệt sĩ đắp thêm nên cũng đỡ lạnh. Sau đó tấm vải liệm phải dùng đến, tôi trao cho anh em đem đi mai táng liệt sĩ. Nhiều đêm lạnh quá không tài nào mà ngủ được. Nếu như ở đồng bằng vài anh em nằm gần nhau có hơi người cũng đỡ rét. Nhưng trên sườn núi, khe đá chả có chỗ nào rộng để hai người trải tăng cùng nằm chung được với nhau cả.

Một bữa tôi đang ngồi ở trong một hốc đá ghi chép thì thằng Châu đi đâu về tìm đến thông báo:
- Anh Hà Trung Lợi, tiểu đội trưởng hữu tuyến đã tìm được về với đơn vị rồi đấy anh ạ!
- Anh ấy đang ở đâu?

Tôi hỏi và nhét cây bút chì cùng cuốn sổ vào cóc ba lô đứng ngay dậy. Thằng Châu nói tiếp:
- Anh ấy đang gặp chỉ huy tiểu đoàn để cáo cáo tình hình, lát anh sẽ về với trung đội thông tin.

Thằng Châu chưa nói dứt câu đã thấy Hà Trung Lợi lù lù đeo sung mò đến. Tôi hỏi ngay:
- Hôm trước anh em Đại đội 10 rút lên đây nghe nói bộ phận do mày chỉ huy bị “cắt đuôi”, lạc mất đội hình, không biết sống chết ra sao làm bọn tao lo quá.

Hà Trung Lợi cười hiền lành:
- Thì đến gần sáng ngày 22-2, Đại đội 10 cùng số anh em của tiểu đoàn bộ và của Đại đội 11 được lệnh rút lên núi đá. Bộ phận tao đi sau, lúc qua bản Nà Nghiềng bị bọn chúng phát hiện chặn đánh. Tao phải dẫn một số anh em chạy xuống hướng bản Nà Cháo rồi mới vượt qua cánh đồng sang dãy núi đá...
- Mọi người an toàn cả chứ?

Thằng Lợi có vẻ buồn bã nói:
- Một số anh em không rõ địa hình và tình hình đich nên cứ thẳng đường từ Nà Cháo chạy xuống phía xã Quý Quân bị lọt vào ổ phục kích bị chúng nó bắn chết hết... chúng nó còn mổ bụng, băm xác họ ra nữa... Từ trên sườn núi tao nhìn thấy mà thương anh em quá...

Lúc này tôi mới nhìn kỹ mặt thằng Lợi và kêu lên:
- Tại sao mặt mũi mày sước rách bươm hết thế? Bị mảnh lựu đạn à?
- Không... chuyện này dài lắm... Có nước cho tao một hớp?

Thằng Châu vội đưa cho Lợi cái bi đông. Thằng Lợi uống một ngụm nước rồi ngồi xuống phiến đá cạnh tôi. Nó gác khẩu AK vào vách núi rồi kể vì sao mặt mũi nó sước rách be bét như thế:
---- ----
Câu chuyện của Lợi:
- Buổi chiều hôm cuối cùng trên chốt của Đại đội 10 ở thị trấn Sóc Giang, bọn địch chỉ bắn cầm chừng. Hình như chúng đang củng cố lại đội hình chuẩn bị cho một đợt tấn công quyết liệt hơn. Tao quan sát phía các bản Kép Ké, Cốc Sâu cẩn thận rồi gọi một chiến sĩ trong trung đội đang ôm súng ngồi dưới chiến hào: “Hùng ơi! tao với mày xuống đoạn đường bọn địch nằm chết ngổn ngang chỗ bụi tre kia kiếm một ít đạn và xem bọn chúng có lương khô, lương khiếc gì không. Đói lắm rồi mà không thấy nuôi quân đem cơm lên gì cả. Kiểu này tất cả tập trung đánh nhau với bọn Tàu rồi chắc chả còn ai nấu nướng cơm nước gì nữa đâu. Mà mấy hôm nay nó đánh ác liệt thế không hiểu Đại đội 10 họ nấu ăn thế nào được nhỉ?”
- Chắc là anh em Đại đội 10 họ chỉ ăn toàn gạo sấy thôi!
Tao bảo:
- Thế nên tao với mày xuống chỗ bọn giặc chết kiếm ít đạn và xem chúng nó có lương khô hay cái gì ăn được không nhé? Thời đánh Mỹ, Trung Quốc có các loại lương khô 701 và 702 viện trợ cho ta, ăn ngon lắm!

Thằng Hùng ôm cái bụng đói nói:
- Thế thì tuyệt quá! Để em đi trước.
Thằng Hùng nói và xách súng toài xuống chân dốc. Tao cũng lập tức chuội người theo sát phía sau. Hai anh em mò xuống mặt đường ngổn ngang xác những tên giặc bành trướng xâm lược. Cả hai lom khom nhặt mấy khẩu súng, gỡ lấy bao đạn và ba lô của bọn địch. Tao vừa định gỡ cái ba lô trên lưng một tên địch đang nằm úp mặt vào thành ta-luy đường thì cái “xác” ấy quay ngoắt lại ngồi bật dậy.
Hóa ra là nó giả vờ chết. Tay phải nó vung lên. Tao hét to:
- Lựu đạn đấy! Nằm xuống!
Nhanh như cắt, tao nhào người lăn về phía ta-luy âm. Trước khi phóng người lao xuống đám cây xấu hổ đầy gai góc um tùm tao còn kịp xiết cò găm một loạt đạn AK vào tên giặc giả chết. Cánh tay của thằng giặc vừa vung lên liền rũ xuống. Quả lựu đạn tuột khỏi bàn tay nó rơi xuống mặt đường lăn ngược trở lại chỗ nó đang nằm. Một tiếng nổ vang lên. Khói bụi đất cát văng mù mịt. Tao lồm cồm nhổm dậy hốt hoảng gọi:
- Hùng ơi… Hùng ơi…
- Em đây… em vẫn an toàn. Anh... anh có việc gì không?

Thằng Hùng cũng đang chui ra từ trong bụi cây xấu hổ dưới mép đường. May quá nó cũng không việc gì. Cả hai chỉ bị gai xấu hổ cào sướt hết mặt mũi, máu chảy túa ra. Tao vội bảo nó:
- Tao không việc gì! Mẹ cha thằng Tàu khựa khốn kiếp… Suýt nữa thì chúng mình toi mạng oan với nó… Thôi, rút ngay!

Tao và thằng Hùng xách mấy thứ thu được vội vàng leo trở lại công sự. Có tiếng nổ đầu nòng và tiếng đạn pháo bay rít trên đầu. Vừa chui vào trong hầm, thằng Hùng đã vội mở hai cái ba lô lấy được của bọn địch. Chả có cái gì ngoài mấy bộ quần áo cũ và cái bi đông cạn khô. Nó dốc ngược một chiếc ba lô. Mấy củ khoai lang sống từ túi cóc ba lô lăn ra nền đất. Có một củ đang ăn dở. Chắc thằng giặc đói này vừa mới cướp được ở bản Kép Ké. Thằng Hùng bực bội chửi đổng:
- Mẹ kiếp! Cái đồ nghèo kiết xác, chết đói, chết khát thế này mà cũng đòi đi xâm lược!
Tao phì cười bảo: - Thôi lại đành nhai tạm chút gạo sấy cho đỡ đói vậy!

Tao mở ba lô của mình lấy ra một túi ni-lông còn chút ít gạo sấy. Từng người lần lượt thò tay vốc một nhúm ngậm vào trong miệng. Rồi họ chuyền tay nhau cái bi đông đựng nước suối, mỗi người tợp một ngụm. Ngậm nước suối và gạo sấy trong miệng một lúc chờ cho hạt gạo trương lên, mềm đi rồi bắt đầu nhai cho đỡ đói.

(Nếu bạn đọc muốn biết thứ gạo sấy mà những người lính chúng tôi đã được cấp phát để ăn trong chiến tranh ngày ấy như thế nào thì có thể tự mình làm thử. Bạn hãy lấy một ít cơm nguội để từ hôm trước ném vào nước lạnh ngâm cho nó trương lên, hoặc vớt một ít cơm còn lại trong chậu sau khi rửa bát ăn thử là biết. Gạo sấy của người lính biên cương ngày ấy giống hệt như vậy. Nó nhạt nhẽo vô cùng, nhưng ngày ấy chúng tôi cũng chả có đủ mà ăn lấy sức trong những ngày đánh nhau với bọn Tàu khựa).

Buổi chiều 21-2, bọn địch tổ chức thêm một đợt tấn công nhưng có vẻ không quyết liệt lắm. Thêm mấy chục tên địch nữa bị tiêu diệt. Cuối buổi chiều xuất hiện một chiếc xe tăng địch tiến vào trận địa của ta. Có điều lạ là chiếc xe tăng này không bắn. Nòng pháo trên xe quay ngang. Bọn bộ binh địch hình như không phải là sẽ tấn công lên trận địa của quân ta. Chúng tiến chậm chạp sau xe tăng là để lôi xác đồng bọn bị chết từ đợt tấn công buổi sáng và đầu buổi chiều về phía sau.

Nhận ra hành động này của bọn địch, đại đội trưởng Đại đội 10 Nông Xuân Bổng hạ lệnh cho toàn đại đội ngừng bắn để cho bọn giặc đem xác chết đồng bọn ra khỏi trận địa. Lũ giặc thấy hoả lực của ta lắng đi vội lao vào lôi xác đồng bọn chạy ra xa. Chúng xếp những xác chết thành hàng lối như một đội hình thẳng hàng trên con đường phía trước thị trấn. Quan sát hành động của chúng, tất cả các chiến sĩ trên trận ai cũng ngạc nhiên thắc mắc, không hiểu vì sao. Họ nhao nhao gọi hỏi nhau: - Chúng nó định làm cái gì thế?

Từ nãy đến giờ đại đội trưởng Nông Xuân Bổng vẫn chú ý quan sát mọi hành động của bọn địch. Nghe mọi người í ới gọi hỏi nhau, anh thủng thẳng bảo:
- Chắc là bọn chúng quyết tâm tiến vào thị trấn Sóc Giang bằng con đường của những xác chết đấy! Chúng nó sẽ được toại nguyện....

Nghe câu chuyện của thằng Lợi kể tôi (Bảo) thốt lên:
- Ngày cuối cùng chúng mày ở lại Sóc Giang đúng là nguy hiểm quá?
Thằng Lợi bảo:
- Lúc đánh nhau không sợ. Lúc vượt vây tao bị một tình huống còn nguy hiểm và sợ hơn nhiều... Đấy là lúc bò qua cánh đồng bản Nà Cháo sang chân núi đá. Bọn bộ binh địch đi đầu trên con đường từ thị trấn Sóc Giang xuống phía bản Nà Cháo. Tao đang nép vào một bờ ruộng để bò lê đi thì có tiếng lịch bịch phía sau. Tao ngoái cổ nhìn lại. Một con trâu mẹ và một con nghé đang đi theo ngay phía sau tao. Đó là trâu của bà con trong các bản nghe pháo bắn phá chuồng chạy ra cánh đồng. Con trâu mẹ vừa cúi đầu gặm cỏ giật mình ngóc đầu lên nhìn. Khi thấy tao đang nằm ép mình bên bờ ruộng chắc là nó ngạc nhiên không hiểu vì sao. Khi tao bò đi hai mẹ con con trâu cũng lững thững đi theo. Con nghe lại còn tiến lại gần ghé mũi khịt... khịt... vào người tao nữa chứ.

Tình huống nguy hiểm quá. Tao nhìn chằm chằm vào mắt con trâu mẹ như muốn bảo nó hãy dẫn con chạy đi. Tao khẽ: “Xuỳ… xuỳ…xuỳ…” mấy tiếng để xua đuổi nó. Nhưng mẹ con con trâu vẫn không hiểu cứ đứng sững nhìn tao nằm ép người xuống mặt ruộng. Tao lo quá. Bọn địch đang hành quân trên đường trông thấy hai con trâu ngứa mắt lia cho một loạt đạn thì nguy to. Tao vừa định đưa nòng súng ra để dọa hai con trâu thì bỗng đất đá tới tấp ném đến. Một người dân binh Trung Quốc đang đứng trên đường ném xuống để lùa hai con trâu đi theo đàn trâu mà chúng vừa ăn cướp được trong các làng bản của chúng ta. Một hòn đá ném trúng lưng tao. Đau quá tao khẽ vặn người. Hai con trâu lồng lên chạy thẳng sang phía chân núi đá. Bọn địch cũng không phát hiện ra tao đang nằm khuất sau bờ ruộng thấp...
------ ------ ------- (hết chuyện của Lợi) -------- -----
Câu chuyện của thằng Lợi đang hấp dẫn thì có lệnh hành quân. Trinh sát báo về bọn địch đang tiến đến đầu Lũng Vỉ. Tôi và thằng Lợi vội vàng khoác ba lô lên vai, xách súng chạy theo anh em. Mỗi thằng đi một hướng. Mãi đến sau khi chiến tranh kết thúc tôi mới gặp lại thằng Lợi.

Hà Trung Lợi đã ra quân, hiện sinh sống ở Thanh Sơn, Phú Thọ, lấy vợ là gái Thái Bình lên khai hoang. Gần bốn mươi năm sau mãi gần đây tôi mới liên lạc được với Lợi, thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm về cuộc sống của nhau.

Tình hình ngày càng căng thẳng, bọn địch bám theo dấu vết của tiểu đoàn chúng tôi dai như đỉa đói. Kể từ khi phát hiện ra và tập kích vào đội hình tiểu đoàn tôi ở Lũng Mật thì hình như bọn chúng theo sát bước chân chúng tôi từng ngày.

Chúng là lực lượng đặc nhiệm rất thiện chiến và liều lĩnh. Có khi chỉ với một lực lượng nhỏ mà bọn chúng dám đánh thẳng vào giữa đội hình đóng quân của tiểu đoàn tôi. Với một đội hình đói khát, mỏi mệt và nhiều người bị thương, chúng tôi nhiều khi phải rất khó khăn mới ngăn chặn được sức tiến công mạnh mẽ của chúng để cho thương binh, nhân dân và các bộ phận có thời gian rút đi. Sau trận đánh ở Lũng Mật đơn vị cứ phải rút lui liên tục.

Đơn vị chúng tôi lang thang lẩn tránh trên các triền núi. Con đường chúng tôi đi là những vách đá chênh vênh trên lưng chừng núi đá, qua những thung lũng bản làng của người HMông lưa thưa vài nóc nhà trình tường thấp lè tè, ám khói và ướt sũng sương mù. Những người lính đi phía trước tôi quần áo bê bết màu đất đỏ, có người còn ba lô, có người mất hết tư trang khi chiến đấu, khi phá vây. Nhiều người đeo chiếc quần dài ngược trên lưng làm ba lô để đựng đạn, đựng chút lương thực và nhét tăng võng vào trông như đang đeo một nửa thân người.

Một đoàn quân đã mệt mỏi, hết đạn, hết lương thực nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng đối diện với bọn xâm lược một trận quyết tử trên dãy núi đá này. Nhưng với những người chỉ huy như chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh không bao giờ anh chấp nhận một trận đánh kiểu tự sát như thế. Anh yêu cầu các bộ phận phải chấp hành nghiêm kỷ luật chiến trường, bảo toàn lực lượng khi có lệnh phản công sẽ giáng trả lại bọn xâm lược một trận thích đáng.

Một buổi tối chúng tôi đến một thung lũng nhỏ có mấy ngôi nhà đất của người HMông. Tiểu đội tôi chui vào một ngôi nhà lẻ loi tận cuối bản. Anh chủ nhà là một người bé nhỏ. Anh ta có đôi mắt sùm sụp, luôn nhìn xuống đất. Người HMông suốt ngày leo vách núi đá tai mèo nên mắt thường quen nhìn xuống chân mình như thế. Thằng Châu thì thào bảo tôi:
- Tên chủ nhà này hai mắt trông có vẻ gian xảo lắm anh ạ! Có khi nó là gián điệp của bọn Tàu khựa. Nó mà báo cho bọn giặc biết là chúng ta trú quân ở đây thì nguy hiểm quá anh ạ!
- Đừng có nghi ngờ bậy bạ?

Tôi nhắc nó nhưng trong lòng cũng thấy băn khoăn lo lắng. Những ngày qua việc kẻ thù rất nhanh chóng phát hiện ra nơi đơn vị vừa dừng chân khiến chúng tôi phải hết sức cảnh giác. Nhất định là có bọn chỉ điểm. Trời đã tối hẳn. Anh chủ nhà đang lúi húi nhóm bếp. Theo anh ta cho biết vợ và hai đứa con đã phải đi trốn vào hang đá trên núi cao tránh giặc, chỉ có một mình anh ta ở lại trông coi nhà. Khi bếp lửa vừa nhen lên thì anh ta lặng lẽ rút con dao nhọn gài trên vách lần ra cái máng nước phía sau nhà ngồi mài. Thằng Châu lập tức bám theo ngay.

Giữa lúc tôi đang tìm chỗ mắc võng phía ngoài thì nghe tiếng quát tháo ồn ào ở trong nhà. Tôi vội lao vào nhà xem có chuyện gì xảy ra. Thằng Châu, thằng Đình đang túm giữ chặt tay anh chủ nhà. Hai thằng lôi anh từ phía sau vào trong nhà. Thằng Đình đang tra hỏi, giọng vẻ gay gắt, đầy sự nghi ngờ:
- Tại sao mày dám làm như vậy?
- Tao không biết…

Anh chủ nhà gãi đầu. Trông anh ta nhỏ bé gầy gò. Nét mặt anh ta khắc khổ. Bộ quần áo đen anh đang mặc cũ rách, bạc phếch. Tay phải anh ta vẫn còn đang cầm một con dao chọc tiết lợn nhọn hoắt, sáng loáng.
- Mày không biết hay là nói dối hả?
- Tao không biết chữ thật mà!

Lúc này tôi mới để ý nhìn theo tay thằng Đình đang chỉ. Đó là một bức tranh treo trên tường. Bức tranh có ghi câu khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” in trên nền một đóa hoa sen. Bức tranh được treo trên tường rất cẩn thận. Chỉcó điều khác thường là nó bị treo lộn ngược.

Thằng Châu cũng có vẻ giận dữ hỏi:
- Mày đúng là một thằng ********* nên mới treo dòng chữ có lời dạy của Bác Hồ lộn ngược như thế này?

Anh chủ nhà cố phân trần:
- Ô… ô… tao không biết chữ đâu! Tao xuống chợ, vào hiệu sách thấy nó đẹp thì mua về để treo thôi mà.
Thằng Châu tiếp tục cật vấn:
- Có đúng là mày không biết chữ chứ?
Anh chủ nhà gật đầu:
- Đúng mà! Tao có được đi học bao giờ đâu mà biết cái chữ chứ!
Thằng Đình hỏi tiếp:
- Thế mày không nhìn thấy cái gì đây à? Đây là bông hoa sen. Mày không biết chữ thì cũng phải biết đó bông hoa sen chứ. Mày treo bông hoa sen lộn ngược cuống hoa lên thế này hả?
- Tao… tao… cũng không biết đó là bông hoa… hoa… Tao chưa nhìn thấy loại hoa này bao giờ đâu?

Tôi gạt thằng Châu và thằng Đình ra bảo:
- Thôi đi! Nó quanh năm sống trên đỉnh núi cao, xuống đến chợ thị trấn là cùng, có về xuôi bao giờ đâu mà biết hoa sen là thế nào mà chúng mày bảo nó treo ngược cuống hoa lên trời! Đừng nghi oan cho đồng bào hiểu không?

Thằng Châu vẫn chưa chịu. Nó tiếp tục vặn vẹo:
- Thế tại sao đang đêm mày lấy dao lén đi mài để làm gì hả! Định chờ chúng tao ngủ say để ra tay à?

Anh chủ nhà luống cuống:
- Không… không phải đâu! Tao mài dao để làm thịt con lợn lấy thịt cho bộ đội ăn đấy mà!
Thằng Đình quát luôn:
- Chuồng lợn nhà mày trống trơn trống trọi, làm gì có con lợn nào đâu mà thịt! Đừng có mà trí trá?
- Thật mà… cái bộ đội đi theo tao!
Nói đoạn, anh ta rút một mảnh gỗ nghiến đang cháy rừng rực ở bếp làm đuốc soi đường dẫn chúng tôi ra phía bìa rừng. Chúng tôi xách súng bám theo sát anh ta. Thằng Châu cảnh giác, nó mở khóa nòng khẩu súng AK lên đạn và vượt lên trước chú ý quan sát xung quanh. Nó sợ bị dẫn vào ổ phục kích của bọn giặc. Chúng tôi đi theo anh chủ nhà đến chỗ lùm cây trong một hốc đá thì nghe có tiếng ủn ỉn. Tôi rọi đèn pin soi. Một chú lợn béo múp độ gần hai chục cân được buộc ở một gốc cây. Anh chủ nhà bảo:
- Tao giấu nó ở đây mấy ngày rồi đấy! Cả nhà tao chỉ có mỗi một con lợn này nuôi thôi!

Nói xong, anh ta túm hai chân sau con lợn nhỏ vác lên vai quay về nhà. Trở lại bếp, anh chủ nhà chọc tiết con lợn. Nồi nước trên bếp cũng đã sôi. Anh chủ nhà và mấy chiến sĩ nhanh chóng cạo lông con lợn. Bữa tối hôm ấy thật ngon. Có ít gạo nấu một nồi cơm vơi mỗi người được hai sét bát. Lại có nồi thịt lợn tươi của chủ nhà thật hấp dẫn. Khi cắn miếng thịt lợn ngọt, ngậy mỡ tôi chợt nhớ đến anh chủ nhà. Từ lúc làm thịt xong con lợn thì không nhìn thấy anh ta đâu nữa. Tôi vội đặt bát xuống đảo ra phía sau nhà. Bên đống lửa đã tàn anh chủ nhà đang ngồi ăn. Trên cái bát loa mẻ chỉ có một chút mèn mén đồ bằng bột ngô rời rạc, khô cứng.

Tôi ngồi xuống bên anh ta và hỏi:
- Sao anh không vào nhà ăn cùng với bộ đội?

Anh chủ nhà cười hiền lành:
- Bộ đội ăn nhiều đi, lấy sức mà đánh nhau với bọn giặc. Nhất định đừng để chúng nó cướp mất nước ta nhé! Mình ăn thế này là được rồi.

Tôi nhúm một ít mèn mén đưa lên miệng. Miếng mèn mén bột ngô khô khốc ăn như nhai bột sống và nhạt thếch, tắc nghẹn trong cổ. Tôi kéo anh chủ nhà đứng dậy mời anh vào nhà cùng ăn cơm với bộ đội. Anh dứt khoát không chịu. Giữa lúc hai chúng tôi còn đang co kéo thì có mệnh lệnh tiếp tục hành quân. Mọi người nhanh chóng đeo ba lô rời khỏi ngôi nhà. Nồi cơm, nồi thịt ăn dở khênh đi theo luôn.

Tôi gọi thằng Đình lại bảo nó đưa cho tôi gói muối dự trữ của tiểu đội. Tôi vốc một vốc muối gói vào mảnh lá chuối đưa cho anh chủ nhà. Anh chủ nhà chụm cả hai bàn tay chìa ra nhận món quà quý giá mà tôi cho. Chúng tôi nhanh chóng nhập vào đội hình hành quân của tiểu đoàn. Đi được một đoạn, ngoảnh lại nhìn ngôi nhà mình vừa trú quân, trong ánh sáng chập chờn của ngọn lửa tôi thấy bóng anh chủ nhà vẫn đứng ở cửa bếp trông theo đoàn quân đi qua trong thung lũng...

HÌNH MINH HỌA

TẤM HÌNH ĐÃ TRỞ NÊN NỔI TIẾNG
(Câu chuyện NHẤT thứ 4 của Cao Bằng)

Trong cuộc chiến đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tháng 2 năm 1979, nữ chiến sỹ Bùi Thị Mùi thuộc biên chế đại đội 3, Tiểu đoàn 19 vận tải, trực thuộc Sư đoàn 346, Quân khu 1.
Khi quân Trung Quốc tấn công vào sư đoàn bộ đang đóng quân tại Nam Tuấn (Hòa An, Cao Bằng), Mùi cùng đơn vị kiên cường bám từng mỏm đá, góc rừng đánh trả.
Khi cấp trên ra lệnh cho đơn vị rút lui, Mùi đã ném hết lựu đạn, ôm khẩu AK còn băng đạn cuối cùng, rút cùng tiểu đội nữ vận tải, sau khi chôn vội mấy đồng chí hy sinh. Những ngày ấy, Mùi đã ôm khẩu AK báng sờn bên mình, bảo vệ người dân sơ tán đi cùng.

Trên đường mòn gần Bản Tấn, sáng 23.2.1979, thấy 1 em bé – bơ vơ bên người mẹ bị quân Tầu bắn trọng thương, không 1 chút chần chừ, Mùi đã ôm xốc bé lên, cùng tốp trinh sát đưa bà mẹ bị thương về phía sau.
Sau một ngày luồn rừng, cả tốp chiến sĩ đã đến được cầu Tài Hồ Sìn (Hòa An, Cao Bằng) và gập xe Gaz 69 đang chờ đón thương binh về bệnh xá tiền phương, Mùi đã bế em bé lên xe, và khoảng khắc này đã được nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường ghi vào lịch sử.

Hỡi các em, những nữ chiến binh trong cuộc chiến đánh quân Trung Quốc xâm lăng, các em không vòng cổ Blvgari, các em chỉ có mái tóc tết trái đào làm duyên.
Các em không có túi Louis Vuitton, các em chỉ có khẩu AK và chiếc ba lô sờn mòn theo năm tháng cùng trái tim nhân hậu bên mình.
Nhưng các anh, những người lính Cụ Hồ năm xưa, các anh luôn nhớ về các em.

HÌNH ẢNH:
Tấm hình nổi tiếng và ảnh Chiến sỹ Bùi Thị Mùi cùng đồng đội sau chiến tranh.

08.jpg
09.jpg
 

tuannbb

Xe điện
Biển số
OF-157076
Ngày cấp bằng
17/9/12
Số km
4,109
Động cơ
-7,870 Mã lực
Nơi ở
Linh Đàm thôn
Thật trân trọng một thời hào hùng, nếu không được xem cụ kể thì em không hình dung ra trận chiến lại khắc nghiệt như vậy!
 

Baoleo

Xe tăng
Biển số
OF-320235
Ngày cấp bằng
19/5/14
Số km
1,852
Động cơ
363,765 Mã lực
MẶT TRẬN CAO BẰNG-THÁNG 2 NĂM 1979
(Ký ức chiến tranh của Trọng Bảo, ‘đài trưởng’ điện đài thông tin 2W, tiểu đoàn 3, trung đoàn 246, sư đoàn 346)

Kỳ 12: Phần 9 – MẤT DẤU TIỂU ĐOÀN, CÔ ĐƠN TRONG VÒNG VÂY QUÂN THÙ

Sau khi trinh sát chuẩn bị thật cẩn thận cho việc vượt vòng vây sang huyện Nguyên Bình, chỉ huy tiểu đoàn quyết định kế hoạch hành quân. Để đảm bảo bí mật, chúng tôi được lệnh tiêu hủy tất cả các loại giấy tờ, sổ sách ghi chép, chỉ giữ lại mảnh giấy ghi mã số riêng của từng người. Toàn tiểu đoàn đã xuống núi áp sát con đường giao thông chính từ thị xã Cao Bằng lên huyện lỵ Thông Nông.


Trên con đường này, ngay sáng ngày 17-2, hàng chục xe tăng, xe cơ giới của quân xâm lược bành trướng đã rầm rộ đi qua, tràn xuống tận Hòa An. Khi vượt vòng vây sang Nguyên Bình tôi và một số chiến sĩ đi cuối đội hình cơ quan tiểu đoàn bộ. Lúc chạy qua đường quốc lộ thì bị “cắt đuôi”. Do trời tối, sương mù dày đặc, lúc đó pháo địch lại bắn sang nên bộ phận đi phía sau không bám được đội hình của tiểu đoàn. Chúng tôi phải nằm lại bên này đường khá lâu.

Phía biên giới có tiếng xe cơ giới của bọn địch ầm ì. Tôi và mấy anh em liều mạng chạy qua đường quốc lộ bám vào chân núi phía bên kia. Khi chúng tôi lên được sườn núi thì trên đoạn đường vừa vượt sang xuất hiện lực lượng của địch hành quân qua. Vậy là tôi và gần chục chiến sĩ bị tách khỏi đội hình của tiểu đoàn. Tôi thấy vô cùng hoang mang, lo lắng khi xung quanh mình chỉ còn rất ít chiến sĩ, súng đã hết đạn, ba lô không còn lương thực...
Lên tới đỉnh dốc thì chúng tôi gặp trung úy Tuân (đây là ông đại đội trưởng vừa mới bị cách chức đó – TB chú thích), đại đội trưởng và một số chiến sĩ Đại đội 11 đi phía sau cũng vừa lên tới đến nơi. Chúng tôi cụm lại ở đầu dốc để xác định hướng đi tiếp. Trung úy Tuân lập tức gọi tôi đến để bàn việc làm thế nào để đuổi theo kịp đội hình của tiểu đoàn.

Theo điều lệnh chiến đấu của quân đội thì từ giờ phút này trở đi trung úy Tuân là người chỉ huy cao nhất của chúng tôi. Tôi sẽ phải phục tùng mọi mệnh lệnh của trung úy Tuân.

Tuy vậy, tôi vẫn là người phụ trách bộ phận của tiểu đoàn bộ. Tôi cấp bậc là hạ sĩ, quân hàm cao nhất trong số các chiến sĩ của cơ quan tiểu đoàn.

Theo lệnh của trung úy Tuân chúng tôi tiếp tục hành quân. Trung úy Tuân giao cho tôi phụ trách một tốp đi trước trinh sát, dò đường. Chúng tôi không theo kịp đội hình của tiểu đoàn. Khi tiểu đoàn đã vượt qua vòng vây của quân địch sang huyện Nguyên Bình tham gia chiến đấu ngăn chặn quân Trung Quốc xâm lược, bảo vệ khu mỏ thiếc Tĩnh Túc thì bộ phận của tôi vẫn trong vòng vây quân thù không thoát ra được. Sau khi tiểu đoàn vượt qua dãy núi ngăn cách giữa huyện Thông Nông và huyện Nguyên Bình thì bị bọn địch phát hiện. Bọn chúng tổ chức một lực lượng chốt chặn ở trên đỉnh dốc yên ngựa nơi tiếp giáp giữa hai huyện. Khi hành quân đến gần chân dốc may mà nhờ nhân dân mà bộ phận chúng tôi không bị lọt vào ổ phục kích của chúng.

Hôm đó, chúng tôi dự định sẽ vượt qua dốc yên ngựa để sang Nguyên Bình. Khi bộ phận đi trước của tôi vừa đến chân dốc thì có tiếng một người dân hối hả gọi và từ trong hẻm núi chạy ra. Ông xua xua tay và nói bằng tiếng dân tộc. Tôi vội bảo thằng Mông là người dân tộc H’Mông:
- Mày có biết ông ấy đang nói gì không?
Thằng Mông lập cập nói:
- Ông ấy nói trên đỉnh dốc yên ngựa kia có bọn Tàu phục kích đấy!

Mọi người lập tức tản ra nấp vào các khe, hốc đã xung quanh lối mòn.
Tôi bảo thằng Châu quay lại báo ngay cho trung úy Tuân biết. Lúc quay lại nhìn thì ông già người dân tộc vừa báo tin cũng đã lẩn vào sườn núi lô nhô những gộp đá từ lúc nào rồi. Tôi và thằng Tuất ở trung đội vận tải tìm vị trí quan sát. Đúng là trên đỉnh dốc yên ngựa có bóng người thật. Vậy là thông tin của ông già có lực lượng quân địch phục kích trên đó là chính xác. Trung úy Tuân quyết định quay lại tìm con đường khác để vượt qua núi.
Nhưng sang huyện Nguyên Bình chỉ có con đường này là độc đạo, các tuyến đường khác đều cách rất xa nơi chúng tôi đang có mặt. Tôi lại dẫn đầu bộ phận đi trước tìm đường. Chúng tôi rẽ theo lối đi vào thung lũng Táp Ná. Đến đầu thung lũng, chúng tôi đã gặp được anh em trong tiểu đội dân quân Táp Ná đang trụ lại bảo vệ bản. Một chiến sĩ dân quân dẫn chúng tôi vào bản. Suốt một ngày đêm leo trèo vật vã trên vách núi chân tay tôi mỏi nhừ.

Vào đến gần ngôi nhà sàn ở cuối bản chúng tôi dừng lại nghỉ. Tôi ngồi dựa vào một mô đá chân núi. Thằng Tuất cảnh giác quan sát xung quanh. Bản Táp Ná nằm trong một thung lũng khá rộng thuộc huyện Thông Nông. Có một con đường nhỏ chạy ngang qua bản và ngược lên vách núi ở phía cuối bản. Nếu tình hình không có gì đặc biệt, bọn địch chưa đánh đến đây thì bộ phận của chúng tôi sẽ ở lại bản vài ngày nghỉ lấy lại sức rồi tiếp tục tìm đường rút sang Nguyên Bình trở về với đội hình của tiểu đoàn.

Anh em dân quân cho biết, bọn địch chỉ bắn pháo vào phía đầu thung lũng chứ chưa đánh vào khu vực Táp Ná. Dân quân đã bắt được một tên nghi là thám báo trinh sát của chúng. Hiện trung đội dân quân của bản vẫn chốt chặn ở đầu lối vào thung lũng. Có một số chiến sĩ các đơn vị quân đội khi rút lui thất lạc qua đây cũng ở lại tham gia chốt chặn đánh địch. Anh em dân quân đề nghị bộ phận của chúng tôi ở lại cùng lực lượng dân quân của bản chiến đấu. Tôi đồng ý nhưng nói với anh em dân quân việc này phải xin ý kiến của trung úy Tuân vì tôi không thể quyết định được.

Tôi bảo thằng Tuất quay lại phía sau thông báo và đón bộ phận của trung uý Tuân di chuyển vào bản Táp Ná. Đến khoảng tám giờ tối thì tất cả chúng tôi đã tập trung đầy đủ ở khu bản nhỏ cuối thung lũng. Anh em dân quân mời chúng tôi ăn cơm. Hai mâm cơm khá thịnh soạn. Cơm trắng. Có thịt lợn luộc, bí ngô nấu canh, rau cải đắng xào gừng và cả một chai rượu ngô nữa. Chúng tôi mỗi người làm một chén cho khí thế. Bao nhiêu ngày rồi chúng tôi mới lại được ăn một bữa no và ngon đến thế. Ánh lửa bập bùng soi không rõ mâm cơm. Nhưng tôi vẫn nhận thấy rõ những khuôn mặt bộ đội, dân quân hốc hác vì đói ăn, đói ngủ bao ngày. Đêm biên giới âm u. Những người lính, người dân ngồi sát bên nhau bên mâm cơm, chia nhau từng miếng cháy đáy nồi.

Trận chiến đấu ngày mai ai trong số những người đang ngồi quanh mâm cơm hôm nay đây sẽ nằm xuống. Chiến tranh thật là không thể biết trước điều gì. Tôi thấy nghèn nghẹn trong cổ họng khi nhớ đến những người đồng đội đã hy sinh…

Ăn xong chúng tôi tranh thủ bàn việc phòng ngự chặn quân giặc tấn công vào Táp Ná.
Trung uý Tuân có vẻ hơi bực. Anh không bằng lòng vì tôi đã vượt quyền khi tỏ ý nhận lời ở lại chiến đấu cùng với dân quân ở đây. Anh muốn tiếp tục hành quân đi tìm tiểu đoàn ngay. Tuy vậy, anh cũng cùng chúng tôi bàn phương án chiến đấu.

Theo anh em dân quân thì đường vào bản Táp Ná rất dễ phòng thủ nhưng cũng lại rất khó rút lui. Nếu để bọn địch chiếm được vị trí chốt phòng ngự đầu bản thì chúng có thể khống chế toàn bộ thung lũng, dùng hoả lực bắn chặn bít ngay con đường rút lên núi ở phía cuối bản. Lúc ấy toàn bộ bộ đội và dân quân sẽ như là nằm trong lòng bàn tay quân giặc.

Ngày thứ hai khi chúng tôi dừng chân ở đây, bản Táp Ná vẫn bình yên. Tuy vậy để đề phòng tình huống bất ngờ quân địch tấn công, chúng tôi tản ra ẩn nấp ở các khe hõm đá sát chân núi đá. Tiếng pháo của địch bắn lúc xa, lúc gần, không tới được thung lũng này. Anh Tuân nóng ruột với việc đi tìm đường sang Nguyên Bình. Anh em dân quân Táp Ná thông báo lại bọn địch vẫn chốt chặn con đường sang huyện Nguyên Bình chưa thể vượt qua dốc yên ngựa.

Buổi chiều, vừa nhai một miếng cơm nắm xong thì bụng tôi bỗng quặn đau dữ dội. Sau đó, tôi bị tào tháo đuổi, đi ngoài ra toàn nước. Chắc chắn nguyên nhân là do ăn cơm cháo ôi thiu, uống nước đọng ở những hốc đá lâu ngày mất vệ sinh. Tôi đau bụng và đi ngoài liên tục không ngừng lại được. Người tôi mệt bã ra vì đau và mất nước. May mà bọn địch chưa tấn công vào Táp Ná nên tôi không phải vận động chiến đấu. Tôi nằm rũ người trong một khe đá. Mệt đến nỗi chân tay không nhấc lên nổi. Cứ thế này thì nguy hiểm quá. Đêm đến, theo kế hoạch của trung úy Tuân chúng tôi sẽ leo qua vách đá tìm lối để vượt sang phía bên kia dãy núi.

Có một dân quân thông thạo địa hình sẽ dẫn đường. Với sức khoẻ suy kiệt thế này chắc chắn tôi không thể nào đi theo đội hình được. Tôi đã nghĩ đến phương án phải ở lại bản Táp Ná với một anh em dân quân. Thằng Châu và thằng Tuất đang rất lo lắng thì một anh dân dân quân cùng một người đàn ông vẻ gầy gò là dân trong bản đến. Sau khi hỏi han tình hình của tôi, người đàn ông gầy gò nói:
- Chú phải uống một liều thuốc phiện thôi.
- Không được! Lỡ anh ấy bị sốc hay bị nghiện thuốc phiện luôn thì làm thế nào?

Thằng Châu lập tức phản đối. Nó lo lắng cho tôi. Anh dân quân cũng đắn đo mãi mới nói:
- Có lẽ không việc gì đâu!

Tôi vừa nghe họ bàn đến đấy đã phải ngồi dậy ôm bụng lần ngay ra phía sau gộp đá. Cơn đau vẫn quằn lên làm tôi chỉ muốn gục xuống. Người tôi hình như đã bị rút kiệt hết nước rồi. Mệt quá, tôi phải bám vào vách đá mới đứng vững và lảo đảo vào. Quay về đến chỗ khe đá nơi mọi người đang ngồi, thì có tiếng súng phía đầu thung lũng rộ lên. Tôi quyết định luôn:
- Đưa... thuốc phiện cho tôi!

Thằng Châu lo lắng. Nó cứ năn nỉ can ngăn tôi không nên uống thuốc phiện. Tôi nói với nó và mọi người, cũng là tự trấn an mình:
- Điều quan trọng nhất bây giờ là khỏi bệnh thật nhanh để còn tiếp tục chiến đấu và hành quân theo anh em. Sống sót, thoát được ra khỏi vòng vây của bọn giặc rồi mọi chuyện tính sau!

Có lẽ mọi người đều hiểu đó là cách tốt nhật trong lúc này khi mà quân thù đang tiến đến rất gần, những người lính, người dân quân chỉ có rất ít đạn, không có một cuộn băng cứu thương, không một viên thuốc chữa bệnh.

Người đàn ông gầy gò - vừa trông đã biết ngay là một con nghiện nặng – thò tay vào túi áo lôi ra một gói nhỏ. Ông ta mở cái gói lấy ra một cục nhựa đen đen véo một mẩu nhỏ vê vê một lúc rồi đưa cho anh dân quân. Anh dân quân xiên mẩu thuốc phiện vào một cái que rồi bật lửa đốt. Mẩu thuốc phiện nhỏ bằng hạt đậu xanh bắt đầu cháy và toả khói xanh có mùi thơm rất lạ. Khi mẩu thuốc phiện đã phồng lên nở to bằng hạt ngô anh dân quân thả nó vào bát nước còn nóng rót từ trong bi-đông ra. Anh dùng cái que khoắng cho mẩu thuốc phiện tan hết rồi đưa cho tôi. Tôi run run bưng bát nước thuốc phiện đưa lên miệng rồi ngửa cổ uống một hơi hết sạch. Mọi người bảo tôi nằm xuống khe đá nghỉ một lát để lấy lại sức. Quả là một bài thuốc công hiệu. Tôi ngừng hẳn việc tiêu chảy.

Bụng tôi sôi ùng ục lên nhưng đã giảm và rồi hết hẳn những cơn đau quặn gan, quặn ruột. Không biết bằng cách nào mà chập tối thằng Tuất đem đến cho tôi một bi- đông cháo còn nóng ấm. Ăn được chút cháo nóng tôi thấy mình như khoẻ lại. Tôi mong đến nửa đêm là mình có thể đeo khẩu súng đi theo đội hình hành quân.

Sau này, khi hành quân qua những triền núi toàn đá khô cằn gặp những dải đất hiếm hoi trồng loài cây anh túc đang trổ hoa lung linh huyền ảo tôi lại nhớ đến bát nước pha thuốc phiện mà mình đã uống hôm ở thung lũng Táp Ná giữa vòng vây trùng điệp của quân thù.

Chúng tôi chưa thể rời khỏi thung lũng Táp Ná như kế hoạch đã định. Buổi tối, chúng tôi nhận được thông tin chiến sự ở huyện Nguyên Bình đang diễn ra ác liệt, bọn địch đang tấn công vào khu công nghiệp mỏ thiếc Tĩnh Túc, các trận đánh ác liệt đang diễn ra ở Hoàng Tung, Minh Tâm.

Tin này do một dân quân vừa ở Nguyên Bình về thông báo lại. Do vậy, trung úy Tuân quyết định bộ phận của chúng tôi vẫn ở lại Táp Ná chưa vượt núi sang Nguyên Bình. Vậy là chúng tôi đã ở Táp Ná một tuần rồi. Đã gần giữa tháng 3, nhưng cây đào trong thung lũng Táp Ná đã tàn hoa đang lên lộc mới. Cây gạo già ở bản Táp Ná lác đác đã có những bông hoa nở đỏ trên cành như những giọt máu rưng rưng. Tiếng súng vẫn vang vọng đâu đây. Chúng tôi không hiểu diễn biến của cuộc chiến tranh hiện tại như thế nào rồi. Tôi nóng lòng mong trở lại đội hình của tiểu đoàn.

Một buổi sáng, trung úy Tuân tập hợp tất cả chúng tôi ở trong khe đá phía sau bản Táp Ná. Anh nhắc nhở, nghiêm khắc phê bình một số chiến sĩ tự ý đi lại lung tung trong thung lũng, sang cả các bản làng ở thung lũng bên cạnh và nhà dân trên sườn núi để tìm kiếm lương thực, thực phẩm, săn bắt chim thú, tự ý cùng dân quân xuống núi bám địch. Trong các chuyện này, anh phê phán khá gay gắt số anh em cơ quan tiểu đoàn bộ chúng tôi. Anh yêu cầu mọi người phải chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, kỷ luật chiến trường.
Sau khi nhắc nhở các chiến sĩ, trung úy Tuân quyết định:
- Ngay sáng hôm nay, đồng chí Bảo sẽ chỉ huy một tổ đi làm nhiệm vụ chiến đấu. Rõ chưa?

Tôi vội đứng bật dậy đáp:
- Báo cáo rõ!

Trung úy Tuân giải thích rõ thêm:
- Đồng chí chọn lấy hai chiến sĩ đi cùng. Nhiệm vụ là tìm đường sang huyện Nguyên Bình, tìm vị trí trú quân hiện nay của Tiểu đoàn 3, sau đó quay lại đón bộ phận ở Táp Ná. Rõ nhiệm vụ chưa?
- Rõ rồi ạ!

Trung úy Tuân nói thêm vì còn chưa thật yên tâm:
- Các đồng chí đi làm nhiệm vụ lần này phải nhớ là khi tìm thấy tiểu đoàn thì phải nhanh chóng quay lại Táp Ná, tất cả anh em còn lại đang chờ ở đây.

Tôi hiểu vì sao trung úy Tuân lại nói như vậy. Những ngày qua, anh đã cử hai tổ đi trinh sát đường và tìm vị trí của tiểu đoàn hiện nay sau đó quay lại đón bộ phận ở Táp Ná. Nhưng cả hai tổ đã đi quá thời gian quy định không thấy ai quay trở lại.

Trung úy Tuân nghi ngờ họ thoát ra khỏi vòng vây quân địch rồi thì sợ không dám quay trở lại nữa. Sau này chúng tôi mới biết là một tổ bị lọt vào ổ phục kích của quân địch bị thương vong, tổ còn lại thì đúng như trung úy Tuân đã nghĩ. Thấy trung úy Tuân cứ vong vo ám chỉ mãi và có vẻ không tin tưởng tôi. Tôi liền nói rất cương quyết để trung úy Tuân và mọi người ở lại yên tâm:
- Nếu lần này vượt qua được núi mà còn sống nhất định chúng tôi sẽ quay lại đón anh em ở đây!

Trung úy Tuân nghe vậy dịu giọng bảo:
- Thôi được rồi! Lựa chọn người và lên đường ngay đi!

Tôi nhìn số anh em cơ quan tiểu đoàn bộ và Đại đội 11 đang đứng ngồi trong khe đá. Mọi người đều chăm chăm nhìn tôi. Ai cũng muốn được tôi chọn đi cùng. Tôi suy nghĩ một lát và quyết định chọn người thứ nhất là thằng Mông là người dân tộc, quê quán lại ở đây, nó biết tiếng dân địa phương lại thông thạo địa hình, đường đi lối lại khu vực rừng núi này. Người thứ hai là thằng Tuất, tiểu đội trưởng vận tải của tiểu đoàn. Thằng Tuất rất nhanh nhẹn, dũng cảm. Các anh em còn lại ồn ào. Họ nhìn tôi với ánh mắt trách móc vì đã không chọn mình. Khi ba chúng tôi khoác súng, đeo ba lô lên đường thì thằng Châu và mấy chiến sĩ cơ quan tiểu đoàn bộ đèo ba lô, xách súng chạy ra. Thằng Châu nói:
- Bọn chúng em đều là chiến sĩ cơ quan tiểu đoàn bộ, anh là người chỉ huy trực tiếp. Anh đi đâu thì chúng em đi theo đấy.

Tôi bảo:
- Tổ chức bộ phận đi làm nhiệm vụ lần này là mệnh lệnh của trung úy Tuân, một sĩ quan, người chỉ huy cao nhất ở đây. nhiệm vụ sẽ rất khó khăn, nguy hiểm. Vì thế tất cả mọi người đều phải chấp hành nghiêm mệnh lệnh của ông ấy...

Một chiến sĩ nói:
- Khó khăn nguy hiểm em không sợ, chỉ sợ người chỉ huy không...

Tôi biết người lính ấy định nói tiếp điều gì. Tôi khoát tay, nó im không nói tiếp nữa. Dùng dằng mãi các chiến sĩ chưa chịu quay lại, tôi nghiêm giọng nói tiếp:
- Chúng mày phải hiểu đây không chỉ là mệnh lệnh của ông Tuân, mà chính là kỷ luật chiến đấu của quân đội. Không chấp hành nghiêm là sẽ bị xử lý kỷ luật rất nặng đấy, hiểu không?

Thấy anh em vẫn chưa thông, tôi an ủi:
- Bọn tao đi rồi sẽ quay lại ngay. Bọn chúng mày cứ yên tâm ở Táp Ná thêm vài ngày nữa nhé!

Số anh em tiểu đoàn bộ biết là không thể kỳ kèo đòi đi cùng bộ phận của tôi đành quay lại. Thằng Châu đưa cho tôi thêm nửa băng đạn AK, mấy chiến sĩ vận tải thì đưa cho thằng Tuấn ít ngô rang làm lương khô ăn đường.

HÌNH MINH HỌA

Quân thù Trung Quốc tàn phá bản làng nơi biên cương của tổ quốc, nhưng quân thù cũng bị trừng trị đích đáng.

46306_134656049913242_3944449_n.jpg



1618570_716943931684448_237540670_n.jpg



10600374_916249748420531_7144581725615075506_n.jpg





a08.jpg


a15.jpg



a18.jpg
 

Baoleo

Xe tăng
Biển số
OF-320235
Ngày cấp bằng
19/5/14
Số km
1,852
Động cơ
363,765 Mã lực
MẶT TRẬN CAO BẰNG-THÁNG 2 NĂM 1979
(Ký ức chiến tranh của Trọng Bảo, ‘đài trưởng’ điện đài thông tin 2W, tiểu đoàn 3, trung đoàn 246, sư đoàn 346)

Kỳ 13: Phần 10 – QUÂN TA ĐÂY RỒI, TIỂU ĐOÀN ĐÂY RỒI
(Lý do mà Bảo không hề biết quân thù tuyên bố rút quân. Cũng như trong thời gian đó, quân ta ở Cao Bằng đã đánh cho Trung Quốc 2 trận, để chúng nhớ ngàn đời).

Chúng tôi rời thung lũng Táp Ná hướng về huyện Nguyên Bình. Thằng Mông đi trước một đoạn ngắn để dò đường, tôi đi giữa, thằng Tuất đi ở phía sau cảnh giới đề phòng bọn địch phát hiện đuổi theo, sẵn sàng lao lên phía trước chi viện cho tôi và thằng Mông. Dọc đường chúng tôi phải ẩn nấp khá lâu tránh một đoàn lính Trung Quốc đang hành quân. Đến quá trưa mới đến chân dãy núi ngăn cách giữa hai huyện Thông Nông và Nguyên Bình. Chúng tôi thận trọng tiến lên phía đỉnh dốc con đường độc đạo qua dãy núi. Không còn lực lượng quân địch chốt chặn. Dấu vết của bọn chúng để lại trên đỉnh dốc rất rõ.

Tôi bảo anh em dừng lại nghỉ. Chúng tôi ngồi nép vào các hốc đá, mô đá bên đường. Qua phía bên kia dốc núi đã là huyện Nguyên Bình rồi. Vậy là chúng tôi sắp gặp lại anh em đơn vị cũ. Giữa lúc tôi đang định bảo anh em đi tiếp thì thằng Mông đang làm nhiệm vụ cảnh giới kêu lên:
- Có một đoàn quân đông lắm từ phía Nguyên Bình đang đi lên dốc!

Tôi vội quờ khẩu súng ngồi bật ngay dậy. Ba chúng tôi hồi hộp nhô đầu lên quan sát đoàn quân đang theo con đường mòn độc đạo tiến lên đỉnh núi. Trong đầu tôi nghĩ ngay đến phương án xử lý khi chạm địch. Thằng Tuất chợt khẽ reo lên vui mừng:
- Không phải bọn địch... đó là quân ta...

Đúng là quân ta rồi. Tuy còn rất xa nhưng tôi đã nhận ra cái dáng đi luôn chúi người về phía trước của trợ lý tham mưu Bùi Đức Thọ và những bước đi khoan thai của chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh ở tốp đầu hàng quân. Thằng Tuất định đứng dậy chạy ra mặt đường để giơ tay vẫy, tôi vội ấn đầu nó xuống bảo:
- Không được đột ngột chạy ra giữa đường, anh em ngỡ là bọn địch nổ súng bắn lên rất nguy hiểm. Mày bò ra nấp sau mỏm đá ven đường kia, chờ khi đơn vị đến gần thì gọi to tên các chỉ huy và kêu lên chúng ta là lính của Tiểu đoàn 3 để khỏi bị bắn nhầm.

Thằng Tuất lập tức làm theo lời tôi dặn. Khi bộ phận đi phía của tiểu đoàn đến khá gần nó mới gào to:

- Anh Thọ ơi... chính trị viên Doanh ơi! Chúng em là lính của Tiểu đoàn 3 đây...

Nghe tiếng thằng Tuất kêu, đoàn quân đang lên dốc lập tức dừng lại. Thằng Tuất giơ khẩu súng lên bước ra giữa đường chắp chéo hai tay lại làm hiệu. Tôi và thằng Mông cũng từ sau các mô đá bước ra. Gần như ngay lúc đó các chiến sĩ trinh sát của tiểu đoàn đi tiền trạm phía trước đội hình hành quân đã áp sát ba chúng tôi. Nhận ra nhau mọi người đều vui mừng khôn xiết.

Bộ phận hành quân phía trước của tiểu đoàn, chính trị viên Hoàng Quốc Doanh, tiểu đoàn trưởng Thiêm, trợ lý tham mưu Bùi Thế Thọ cũng đã lên đến đỉnh dốc núi. Mọi người xúm xít lại hỏi chuyện ba chúng tôi. Tôi báo cáo với chỉ huy tiểu đoàn tình hình số anh em bị thất lạc đang ở Táp Ná rồi hỏi lại:
- Tiểu đoàn ta hành quân trở về phản công đánh chiếm lại Sóc Giang ạ?

Trợ lý tham mưu Bùi thế Thọ ngạc nhiên:

- Thế bọn mày không biết à? Trung Quốc tuyên bố rút quân khỏi nước ta rồi. Tiểu đoàn ta được lệnh quay về chiếm lĩnh lại thị trấn Sóc Giang tổ chức xây dựng lại trận địa phòng ngự đấy!

Tôi ngơ ngác:
- Thế ạ! Bọn chúng tôi ở trong vòng vây có đài điện gì đâu mà biết!

Thật buồn và đau quá! Bọn địch đang rút lui thế mà không hay biết. Mấy hôm trước gặp một toán giặc đang hành quân trở về phía biên giới, anh em bộ đội và dân quân còn tổ chức chặn đánh nên thêm mấy người bị thương vong. Biết thế thôi đừng đánh nữa có phải bây giờ họ vẫn còn sống không?

Tôi ngậm ngùi khi nghĩ tới những người chiến sĩ, những người dân quân vừa ngã xuống mấy hôm trước. Anh Thọ vỗ vỗ vào vai tôi an ủi:
- Chiến tranh ai biết thế nào mà nói trước…

Tôi cũng nhớn nhác nhìn mọi người. Vắng bóng mấy thằng bạn thân. Tiểu đoàn khi rút sang Nguyên Bình tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ khu mỏ thiếc Tĩnh Túc. Vì thế có thêm nhiều đồng đội của tôi bị thương hoặc đã ngã xuống ở Minh Tâm, Hoàng Tung để chặn con đường quân xâm lược tiến vào khu mỏ…

Tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thiêm giao nhiệm vụ cho bộ phận của tôi quay lại cùng các chiến sĩ trinh sát đi phía trước đảm bảo cho toàn tiểu đoàn tiếp tục hành quân về hướng thị trấn Sóc Giang. Lúc qua gần thung lũng Táp Ná tôi bảo một chiến sĩ chạy vào báo cho trung úy Tuân và anh em cơ động ra để đi cùng đội hình của toàn tiểu đoàn trở lại Sóc Giang.

HÌNH MINH HỌA

Câu chuyện NHẤT thứ 5 của Cao Bằng:

TRẬN NÀ CÁP – MỘT ĐÒN CHẾT…BA TRĂM.

1/TÌNH HÌNH ĐỊCH


Cuối tháng 2-1979, sau khi chiếm Khâu Đồn (cách thị xã 7km về phía tây) và thị xã, địch bị tiêu hao lực lượng phải dừng lại củng cố, đồng thời đưa thê đội 2 vào để phát triển về phía đông và đông bắc đánh chiếm Trùng Khánh, Quảng Hoà, Trà Lĩnh.

Hàng ngày địch dùng xe tải chở quân, để tiếp tế từ phía biên giới theo đường 166 vào Cao Bằng và đồ vơ vét của ta chở về Trung Quốc. Xe đi theo đoàn từ 30-40 chiếc, có xe cảnh giới, tuần tiễu đi trước, mỗi xe cách nhau 50-70m, tốc độ không lớn vì đường ngoằn ngoèo, không tổ chức chốt đường, chưa bị đánh nên rất chủ quan.

Khi bị phục kích có khả năng địch từ thị xã ra tăng viện theo hai đường nam và bắc sông, từ Khâu Đồn tới ít khả năng hơn. Ngoài ra còn dùng pháo cối bắn chặn khi ta lui quân.

2/TÌNH HÌNH TA


Tiểu đoàn đặc công 45 của Bộ biên chế, trang bị chưa đầy đủ đã chiến đấu một số trận từ tháng 2-1979, đạt hiệu suất cao. Tiểu đoàn đang chuẩn bị đánh địch ở thị xã Cao Bằng, Nguyên Bình và trên trục đường 3B Cao Bằng-Nguyên Bình.

Ngày 8-3-1979 : tiểu đoàn được giao nhiệm vụ đến Bản Sắng cách Nà Cáp 8km về phía tây nam, bắt liên lạc với dân quân, nắm tình hình tổ chức đánh địch.

Ngày 9-3-1979 : tiểu đoàn tiến hành cho bộ đội chuẩn bị ở vị trí tập kết còn cán bộ đi nghiên cứu địa hình gồm tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng đại đội 1 và 3, 10 chiến sĩ, bảo vệ, thông tin.

12h00 : bộ binh đi trinh sát đến Nà Tòng, liên lạc với dân quân, nắm tình hình.

17h00 : lợi dụng trên đường không có địch, bộ phận trinh sát xuống đường nghiên cứu, xác định kế hoạch chiến đấu đồng thời giao nhiệm vụ cho đại đội 3 (thiếu 1 trung đội) thực hiện trận đánh.

19h00 : bộ phận trinh sát về Nà Tòng, tiểu đoàn trưởng điện cho đơn vị hành quân từ Bản Sắng lên Nà Tòng (6km).

Đại đội 3 thiếu 1 trung đội được giao nhiệm vụ phục kích cơ động trên đường số 3 từ km3 (tây ngã ba Gia Cung) đến km4 (đông Nà Cá). Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cơ động về Bản Sắng nhận nhiệm vụ chiến đấu tiếp. Khi chiến đấu được hoả lực của 1 trung đội cối 82mm của tiểu đoàn (bố trí ở điểm cao 313) bắn kiềm chế địch ở đồi Thiên Văn phía tây thị xã.

Trận địa phục kích : từ tây ngã ba Gia Cung đến trạm máy kéo, dài khoảng 1.000m đánh xe và bộ binh địch cơ động trên đường 3 từ Khâu Đồn về Cao Bằng và ngược lại. Đoạn phục kích chủ yếu từ đông công ty cầu đường đến tây nam trạm lâm nghiệp (700m). Chặn đầu ỏ ngã ba Gia Cung, khoá đuôi ở đông trạm máy kéo.

Đội hình chiến đấu :

- Bộ phận chặn đầu : 1 tiểu đội do một trung đội phó chỉ huy bố trí ở bắc đường 3 (cách đường 10-15m).

- Bộ phận khoá đuôi : 1 tiểu đội do một trung đội phó chỉ huy bố trí ở bắc và nam đường 3.

- Bộ phận chủ yếu : 4 tiểu đội do đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy bố trí ở bắc đường 3.

- Bộ phận đối diện : không tổ chức riêng mà do tổ bố trí phía nam đường của tiểu đội khoá đuôi phụ trách.

- Chặn viện do 2 tiểu đội chặn đầu, khoá đuôi phụ trách.

3/DIỄN BIẾN
Ngày 10-3-1979

03h00 - 04h30 : đại đội 3 cơ động từ Nà Tòng vào triển khai chiếm lĩnh trận địa thuận lợi, giữ được bí mật, an toàn. Sau khi vào vị trí, các bộ phận không đào công sự vì gần đường sợ lộ bí mật, mà chỉ lợi dụng địa hình, địa vật làm vị trí bắn và ngụy trang kín đáo chờ địch.

Liên lạc giữa các bộ phận và với tiểu đoàn thông suốt (dùng VTĐ phát tín hiệu theo quy ước).

07h15 : 1 xe vận tải bịt kín mui từ Cao Bằng đi về hướng Khâu Đồn chạy qua trận địa không phát hiện được ta bố trí.

08h30 : 8 xe vận tải từ phía Khâu Đồn chạy về Cao Bằng, trong đó có 3 xe chở mỗi xe 1 khẩu 14,5mm và 10 tên lính.

Ta không nổ súng vì lúc đó trời rất nhiều sương mù và VTĐ phát nhầm mật hiệu. Số xe trên chạy thoát. Ta vẫn giữ được bí mật.

08h50 : nhiều tiếng động cơ từ phía Khâu Đồn tới, ít phút sau có 1 xe tải chở 14 tên lính chạy vào, dừng lại kho của ta bên phía nam đường khuân đồ đạc. Sau đó 16 xe vận tải nữa tiến vào trận địa. Mỗi xe cách nhau khoảng 60m, trong số đó có 10 xe chở đầy lính (khoảng hơn 200 tên), 2 xe chở 2 dàn H12, 1 xe thông tin và 3 xe chở đạn (tổng cộng 17 xe).

Sau khi báo cáo tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng lệnh cho các bộ phận giữ bí mật, sẵn sàng nổ súng.

08h55 : toàn bộ đoàn xe địch lọt vào trận địa, xe đầu đã tới gần ngã ba Gia Cung, đại đội trưởng phát lệnh tấn công.

Các bộ phận đồng loạt nổ súng áp đảo quân địch. Ngay từ loạt đạn đầu, B40, B41 của ta bắn cháy một số xe trong đó có xe đi đầu, đi cuối. Đoàn xe ùn lại, số bộ binh sống sót nhảy từ trên xe xuống lúng túng tìm chỗ ẩn nấp, đội hình rối loạn không đối phó được.

Nắm thời cơ, đại đội trưởng ra lệnh dùng lựu đạn, thủ pháo và các loại hoả lực khác từ trên cao bắn xuống lòng đường, nhiều xe bốc cháy, nhiều tên địch bị chết, bị thương.

Cùng thời gian trên, trung đội cối 82mm bố trí ở 313 bắn 150 phát kiềm chế quân địch ở đồi Thiên Văn, diệt nhiều tên.

09h25 : ta xung phong xuống đường, phá huỷ nốt những xe còn lại và tiêu diệt những tên còn chống cự. Sau 30 phút trận đánh kết thúc.

09h40 : đại đội 3 nhanh chóng rời khỏi trận địa về Nà Tòng, sau đó về Nà Sắng an toàn.

4/KẾT QUẢ CHIẾN ĐẤU

Ta diệt 300 tên địch (tính cả kết quả cối bắn vào đồi Thiên Văn), phá hủy 17 xe vận tải, 2 dàn H12 cùng nhiều thiết bị thông tin, vũ khí bộ binh, đạn dược..., thu 1 khẩu AK.

Bên ta bị thương 2 đồng chí.

Tiêu thụ đạn dược : 17 viên đạn B40, B41; 320 quả lựu đạn và thủ pháo; 150 quả đạn cối 82mm; 1.500 viên đạn K56.



5/THÔNG TIN TỪ PHÍA TRUNG QUỐC


Theo phía TQ thì đơn vị bị phục kích là 1 tiểu đoàn gồm 212 người thuộc Trung đoàn 484, Sư đoàn 162, Quân đoàn 54 của Đại quân khu Vũ Hán. Khi bị phục kích, viên sĩ quan chỉ huy TQ đã hoảng loạn, thay vì chỉ huy đơn vị đánh trả hay rút lui có tổ chức thì đã ra lệnh cho binh sĩ tự lo và bỏ chạy. Kết quả là đơn vị này vỡ trận và thương vong 1/2 quân số.

6/ BỔ XUNG CỦA BAOLEO:

6.1/ Trong số các xe tải bị phá hủy trong trận đánh này, có 1 xe tải Giải Phóng là của ta. Cụ thể:

-Ngày 17/02/1979, xe tải Giải Phóng của ta này, bị quân Trung Quốc tịch thu.

-Hôm 10/03/1979, xe tải Giải Phóng của ta này (chính là “…1 xe tải chở 14 tên lính chạy vào, dừng lại kho của ta bên phía nam đường khuân đồ đạc..” như đã nói trong chiến lệ) ->> bị quân Trung Quốc sử dụng vào việc chở gạo ăn cướp của ta ở kho gạo ngay gần trận địa phục kích.

-Khi trận chiến ngày 10/03/1979 nổ ra, tiểu đoàn đặc công 45 tiện tay bắn phá hủy nốt. Và con xe Giải Phóng vốn là của ta này, được tính gộp vào thành tích: ‘phá hủy phương tiện chiến tranh của địch' 😎.

6.2/ Mặt khác, trong chiến lệ, D đặc công 45 này còn bị phê bình là: tiêu thụ số thủ pháo-lựu đạn và đạn nhọn: nhiều quá mức cần thiết😎.

6.3/ Với thành tích chiến đấu ở Cao Bằng năm 1979, Tiểu đoàn đặc công 45 được tặng Huân chương Quân công hạng 3 và danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVTND ngày 20-12-1979. Đại đội trưởng Đào Văn Quân được tặng Huân chương Chiến công hạng 3 và danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 20-12-1979 và sau này trở thành Trung tướng, Chính ủy Binh chủng Đặc công.



7/ẢNH MINH HỌA:

Rất tiếc là không có một tấm ảnh nào được chụp ở trận đánh này. Chỉ có cảnh đồ trận đánh minh họa như trong hình số 1.

Ghi chú: con xe tải ở đường vào kho gạo, chính là con xe Giải Phóng vốn là của ta đấy.

Nà Cáp.jpg
 

pain

Xe ngựa
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
26,590
Động cơ
128,535 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
"........Hôm trước, khi xung quanh mình không còn đồng đội nào Sùng lại không rút lui về phía sau?
Lý Mý Sùng ngạc nhiên:
- Ơ… Sao lại rút lui! Trung đội trưởng nó đã bảo mình phải chiến đấu, kiên quyết giữ chốt đến cùng cơ mà?
- Thế Sùng bắn nó chết nhiều không?

- Nó chết nhiều, nhưng còn đông lắm…"

Đấy, chất lính Việt phải thế!

Em chúc mừng anh Baoleo quay lại với hồi ký của anh Bảo. Sừng sỏ và mùi thuốc súng kiểu đặc sệt chất thép đối trọng với " nắm đấm bọc nhung" của anh Tùng.

Hai đầu Tổ quốc gian nan và bi hùng quá!
 

Baoleo

Xe tăng
Biển số
OF-320235
Ngày cấp bằng
19/5/14
Số km
1,852
Động cơ
363,765 Mã lực
"........Hôm trước, khi xung quanh mình không còn đồng đội nào Sùng lại không rút lui về phía sau?
Lý Mý Sùng ngạc nhiên:
- Ơ… Sao lại rút lui! Trung đội trưởng nó đã bảo mình phải chiến đấu, kiên quyết giữ chốt đến cùng cơ mà?
- Thế Sùng bắn nó chết nhiều không?

- Nó chết nhiều, nhưng còn đông lắm…"

Đấy, chất lính Việt phải thế!

Em chúc mừng anh Baoleo quay lại với hồi ký của anh Bảo. Sừng sỏ và mùi thuốc súng kiểu đặc sệt chất thép đối trọng với " nắm đấm bọc nhung" của anh Tùng.

Hai đầu Tổ quốc gian nan và bi hùng quá!
Cảm ơn Pain đã đồng hành cùng các chiến sỹ nơi biên thùy phía Bắc - qua câu chuyện của Bảo, và biên giới Tây Nam - qua câu chuyện của Tùng.
Có một điều thú vị là: cả hai tác giả đều là chiến sỹ thông tin, và đều viết hay cả.
Tất nhiên, bút pháp của mỗi người một khác, khác hoàn toàn với nhau.
Nhưng, đọc cả 2, thì mới thấy hết được các góc độ của chiến tranh.

Cảm ơn Pain và chúc khỏe nhé. Cũng đã lâu rồi, anh em mình chưa có dịp gập nhau.
 

Baoleo

Xe tăng
Biển số
OF-320235
Ngày cấp bằng
19/5/14
Số km
1,852
Động cơ
363,765 Mã lực
MẶT TRẬN CAO BẰNG-THÁNG 2 NĂM 1979
(Ký ức chiến tranh của Trọng Bảo, ‘đài trưởng’ điện đài thông tin 2W, tiểu đoàn 3, trung đoàn 246, sư đoàn 346)

Kỳ 14: Phần 11 – NHỮNG NGÀY THÁNG 3 NĂM 1979

Chúng tôi quay trở lại thị trấn Sóc Giang. Thị trấn Sóc Giang đổ nát hoang tàn. Một tháng trước, nơi đây chính là “tọa độ lửa”, là nơi bao nhiêu đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống. Máu của họ vẫn như còn đọng trên mặt đất rưng rưng.

Cũng chính tại nơi đây Tiểu đoàn 3 chúng tôi đã bẻ gãy bao nhiêu đợt tấn công vô cùng ác liệt của kẻ thù xâm lược, tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắn cháy gần chục chiếc xe tăng của chúng. Nhưng rồi, đơn vị chúng tôi đã phải rút lui để không bị tiêu diệt hoàn toàn trước sức tấn công ác liệt, liên tục của quân xâm lược với chiến thuật biển người.
Một cuộc rút lui còn gian lao, nguy hiểm hơn là một trận đánh mặt đối mặt với quân thù. Bây giờ chúng tôi, những người còn sống quay trở lại thị trấn biên giới Sóc Giang.

Kẻ thù đã bị đánh lui, những tên bành trướng đã phải kéo nhau tả tơi tháo chạy về nước. Nhưng cái cảm giác chiến thắng, cảm giác tự hào trong những người lính chúng tôi rất mờ nhạt, hầu như không có.
Không có cái niềm vui háo hức, tưng bừng của ngày 30-4 năm nào, chỉ có nỗi bàng hoàng, xót xa về sự tàn phá khủng khiếp, về sự mất mát quá lớn của chiến tranh. Một vùng biên giới hoang tàn. Chẳng còn một bóng người dân nào trong thị trấn, chẳng còn một tiếng gà gáy, chó sủa trong những bản làng dọc đường hành quân.

Chúng tôi là những người đầu tiên trở về thị trấn Sóc Giang sau chiến tranh. Đoàn quân súng luôn cầm trong tay, cảnh giác, lầm lũi bước đi trong sự hoang vắng lạnh lẽo, thê lương. Sau trận chiến, một đội hình cán binh quần áo tả tơi, bẩn thỉu. Nhiều người băng còn quấn trên đầu loang lổ màu máu, cánh tay bị thương gãy còn treo lên cổ.
Dọc con đường từ Quý Quân qua bản Nà Nghiềng vào thị trấn Sóc Giang còn in đậm những dấu vết khốc liệt của những trận đánh. Mùi xác chết của người và động vật thối rữa khăn khẳn khắp nơi.

Chỗ nào cũng gặp những quả mìn bọn địch gài lại trước khi rút chạy về nước. Bộ phận công binh đi trước mở đường. Chúng tôi phải rất thận trọng đặt bước chân theo dấu đã vạch sẵn trên đường của công binh. Người đi sau bước đúng dấu chân của người đi trước để tránh dẫm vào bẫy mìn, vật nổ. Vậy mà vẫn có người bị vướng vào mìn do bọn giặc gài lại. Loại mìn bộ binh của Trung Quốc rất lợi hại. Khi người đạp mìn nổ xé nát hết bắp chân, tháo khớp gối hoặc khớp đùi vẫn không cứu được vì da thịt cứ tiếp tục hoại tử thối dần lên đến bụng, đến nội tạng là chết. Thượng sĩ Trần Quang Tuyến, trung đội trưởng ở Đại đội 9 đã bị vướng vào loại mìn này được cấp cứu và đưa về tuyến sau, không biết tính mạng ra sao?

Đội hình hành quân một hàng dọc chậm chạp vừa đi vừa quan sát xung quanh. Không ai nói một câu nào chỉ nghe tiếng thở dốc của những người mang vác nặng ở bộ phận hoả lực, tiếng thì thào truyền đạt mệnh lệnh theo dọc hàng quân.

Các đơn vị về đến vị trí trú quân. Đại đội 11 lên khu vực bản Cốc Vường, chuẩn bị triển khai việc khôi phục lại trận địa phòng ngự trên các chốt cây đa đối diện cửa khẩu Bình Mãng. Đại đội 9 ở bản Cốc Nghịu, Đại đội 10 ở bản Nà Nghiềng, Đại đội 12 tiếp tục trở lại các trận địa hỏa lực trên Lũng Mật, Lũng Vỉ. Chỉ huy và cơ quan tiểu đoàn về tại các bản Kép Ké, Cốc Sâu là nơi ngày 20-2 bọn địch tập kết để tấn công vào chốt của Đại đội 10, hang huyện ủy và thị trấn Sóc Giang.

Tại bản Kép Ké dấu vết chiến tranh vẫn còn hiện hữu. Tôi đã trèo lên vị trí khẩu 12ly7 của Đại đội 16 ở mỏm núi đá gần bản Kép Ké. Khẩu đội 12ly7 này đã bắn xối xả vào lưng, vào gáy bọn bành trướng để chi viện cho Đại đội 10 bảo vệ trận địa. Tôi cũng đã mò lên hang huyện ủy giữa thị trấn Sóc Giang. Hang đá đã bị bọn địch dùng một lượng thuốc nổ lớn để phá. Cửa hang bị vỡ toang hoác như miệng một con cá sấu.

Tất cả nhà cửa, công trình khu vực thị trấn Sóc Giang, xã Sóc Hà còn sót lại sau các trận pháo kích đều bị bọn địch phá hoại trước khi rút lui. Cột điện cao thế, điện thoại bị ép thuốc nổ đánh gãy ngổn ngang khắp cánh đồng. Bọn chúng dùng thuốc nổ phá hết các loại cầu cống to nhỏ, các công trình dân sinh. Bọn chúng còn đang tâm phá sập cả cửa hang Pác Bó, nơi Chủ tịch Hồ Chí Mình đã ở năm 1941. Thị trấn Sóc Giang, xã Sóc Hà giống như vừa qua một trận B52 của Mỹ và còn tan nát hơn nhiều. Bọn giặc ở dưới mặt đất chúng có điều kiện để tàn phá kỹ hơn, triệt để hơn. Nhìn cảnh đổ nát, tan hoang ở Sóc Giang đến mức ghê gớm như này, anh Doanh đã phải thốt lên bảo tôi:
- Bọn giặc bành trướng Trung Quốc đúng là “những B52 mặt đất” đấy mày ạ!.
- Đúng là như vậy anh ạ!

Tôi thấy điều anh nhận xét thật sâu sắc và chuẩn xác. Bởi tôi cũng đã được chứng kiến cảnh thành phố Việt Trì sau trận bom B52 của đế quốc Mỹ rải thảm tháng 12 năm 1972.

Đoạn đường từ ngã ba Đôn Chương lên thị trấn Sóc Giang chưa thông. Các loại mìn của ta và của địch gài trên đường lực lượng công binh chưa dò gỡ hết. Mặt đường bị băm nát bởi các hố đạn pháo. Chúng tôi phải cuốc bộ về ngã ba Đôn Chương, về Nà Giàng nhận vũ khí, trang bị và lương thực, thực phẩm. Đường đi phải theo sự chỉ dẫn của công binh để tránh vướng mìn.

Khi đi lấy vũ khí, quân trang, gạo ở ngã ba Đôn Chương tôi gặp các anh em, bạn bè ở Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 1 và cơ quan trung đoàn bộ mới biết nhiều người quen thân đã hy sinh như Thiếu tá Nguyễn Khắc Đễ, Phó chính ủy Trung đoàn 246, Thượng úy Nguyễn Văn Bính, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1. Ở cơ quan trung đoàn là hai nữ văn thư bảo mật... Tôi cũng đã nghe và ghi chép lại được nhiều câu chuyện về cuộc chiến tranh vừa xảy ra.

Một buổi sáng khi chúng tôi đang đào công sự, xây dựng trận địa trên chốt thì có một chiếc máy bay trực thăng từ phía Đôn Chương bay lên. Đó là chiếc trực thăng chở tướng Đàm Quang Trung, tư lệnh và các cán bộ quân khu lên thị sát biên giới. Bay đến khu vực thị trấn Sóc Giang chiếc trực thăng lượn một vòng rồi bay tiếp lên phía cửa khẩu Bình Mãng. Cả tiểu đoàn tôi nhốn nháo khi chiếc trực thăng có hình quốc kỳ Việt Nam trên thân cứ phành phạch bay thẳng sang hướng Trung Quốc.

Các đơn vị của Tiểu đoàn 3 lập tức báo động. Bên kia biên giới bọn địch cũng vội vã báo động chạy lên trận địa. Bay lên đến sát đường biên giới chỗ cửa khẩu Bình Mãng thì chiếc trực thăng đột ngột quay ngoặt lại vòng lên hướng Lũng Mật rồi bay về đáp xuống sân ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng, nơi chúng tôi đã dọn dẹp, cắm cờ đỏ xung quanh làm tín hiệu bãi hạ cánh cho trực thăng.

Khi trực thăng hạ cánh tướng Đàm Quang Trung chui ra mặt vẫn còn vã mồ hôi. Ông bảo mình tự tin thuộc địa hình, địa vật khu vực quê hương Sóc Giang như lòng bàn tay, không cần phải bản đồ. Ông nói với phi công cứ bay lên, lúc nào ông bảo hạ cánh thì hạ. Nhưng khi bay qua Sóc Giang ông đã không nhận ra vì thị trấn đã bị bọn giặc san phẳng rồi. Ông nói phi công cứ tiếp tục bay. Khi nhìn thấy thị trấn Bình Mãng với các khu nhà cao tầng không bị ảnh hưởng gì của cuộc chiến tranh vừa qua ông mới giật mình vội hô phi công bay lộn lại ngay.
Suýt nữa thì xảy ra một tình huống xấu.

Khi đi bộ qua thị trấn Sóc Giang, tướng Đàm Quang Trung càng kinh ngạc hơn bởi sự tàn phá ghê gớm của quân xâm lược. Sau khi ổn định vị trí trú quân các bộ phận bắt đầu lên các vị trí chiến đấu đào bới tìm kiếm liệt sĩ. Khắp nơi mùi thối rữa của tử thi, xác động vật bốc lên thật là kinh khủng. Việc xác định, phân biệt hài cốt đâu là quân ta, đâu là địch, đâu là dân cũng thật khó khăn. Mặc dù trước khi chiến tranh xảy ra mỗi người đều có mã số riêng của mình in trong một mảnh bìa cứng để sẵn trong túi áo phòng khi hy sinh thì chôn theo sau này còn biết danh tính.

Nhưng đánh nhau cả tháng trời nhiều người đã không giữ nổi mảnh bìa ghi mã số riêng của mình. Mà chớ trêu thay là người giữ được thì vẫn sống, người chết thì lại chẳng còn giữ được cái mã số để đánh dấu mộ chí của mình.

Mấy ngày sau, con đường xuôi về ngã ba Đôn Chương, về thị xã Cao Bằng đã được khai thông. Chuyến xe chở hàng đầu tiên đã lên tới thị trấn Sóc Giang. Đơn vị chúng tôi được tiếp tế lương thực, thực phẩm. Có một chút thịt lợn kho ướp muối. Mỗi thằng chúng tôi còn được phát một bộ quần áo mới, một đôi giày vải mới. Thằng nào cũng diện ngay quần áo mới, giày mới. Ăn uống tuy còn độn ngô, độn mỳ song cũng no hơn nên trông dáng vẻ lính tráng khoẻ khoắn hơn. Nhiều thằng trông hai má đỡ hóp hơn, mặt mũi đỡ bơ phờ hốc hác như những hôm đầu mới về thị trấn song chưa hết vẻ nhợt nhạt, hậu quả của dài ngày đói khát, gian khổ.

Song chúng tôi chưa kịp mừng thì xảy ra một chuyện. Đó là, khi tiểu đoàn bộ mới chuyển về vị trí bản Kép Ké Ná này trú quân, tiểu đoàn trưởng cho quân y kiểm tra nguồn nước. Nguồn nước mà các máng dẫn về bản từ rất xa trên núi. Dân bản thường đắp các đập trên núi rồi bắc máng dẫn nước tự chảy về bản. Y sĩ đơn vị chỉ đi đến chân núi rồi quay lại vì sợ lên núi vướng phải mìn hoặc gặp bọn thám báo của địch. Do đó, quân y tiểu đoàn không phát hiện là trong đập nước có mấy xác người chết đang thối rữa. Khi trời mưa xuống đã gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước.

Thế là cả đơn vị chúng tôi gần một tháng nấu ăn, lấy uống đã dùng nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng ấy. Thảo nào mà nước cứ có mùi hôi hôi. Bọn lính tráng chúng tôi lại toàn uống nước lã mới ghê chứ. Một số anh em trong đơn vị vì thế nên ngã nước, mặt bị sưng phù thũng lên chứ không phải là do sau chiến tranh tưởng bộ đội được ăn no nên béo khoẻ.

HÌNH MINH HỌA
CÂU CHUYỆN NHẤT THỨ 6 CỦA CAO BẰNG

Trong giai đoạn đầu tháng 3 năm 1979 này, ở Mặt trận Cao Bằng có một cái NHẤT CỦA NHẤT. Đó là sự tích: độc nhất - vô nhị, chưa từng có trong toàn bộ lịch sử chiến tranh thế giới, là chuyện ra hàng với Nghị quyết Đảng của quân Trung Quốc.

1/ Tình thế tác chiến:
Như mọi người đã biết, 5 giờ sáng ngày 17/02/1979, quân Trung Quốc đồng loạt nổ súng tấn công trên toàn bộ 6 tỉnh biên giới phía Bắc của ta. Sau nhiều ngày bị quân ta đánh trả quyết liệt, ngày 05/03/1979, Bắc Kinh phải công khai hạ lệnh: Bắt đầu rút quân về lại đất Trung Quốc.

Tại mặt trận Cao Bằng, hai ngày sau khi Bắc Kinh tuyên bố rút quân, ngày 7-3 quân Trung Quốc bắt đầu rút khỏi Thông Nông, Trà Lĩnh.

Theo đúng binh pháp của Tôn Tử, quân đoàn 50 của quân khu Thành Đô quyết định điều động một đơn vị đặc biệt tinh nhuệ thực hiện nhiệm vụ làm hậu quân, chốt chặn phía sau đại quân Trung Quốc đang rút lui, nhằm ngăn chặn và cản phá các lực lượng truy tiễu của quân đội nhân dân Việt Nam.

Đây là nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm, khốc liệt. Đòi hỏi tinh thần cảm tử của đơn vị được giao nhiệm vụ. Bởi làm nhiệm vụ chốt chặn nơi hậu quân, thì 10 phần là chắc chết 11. Bởi vây, đơn vị được chọn, phải là đơn vị đặc biệt tinh nhuệ, có kỹ năng chiến đấu điêu luyện, tinh thần kỷ luật thép, và lòng trung thành vô hạn (nói cho công bằng, chọn người cho việc này thì quân đội nào cũng thế cả).

Và sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Đảng ủy và Tư lệnh quân khu Thành Đô đã quyết định -> đơn vị được chọn là: đại đội thám báo sơn cước (kiểu như đặc công quân khu của ta) do Lý Hòa Bình-người Tứ Xuyên làm đại đội trưởng; Phùng Tăng Mẫn-cũng là người Tứ Xuyên-bí danh ‘Hồng Trị’, tức ‘chính trị viên Đỏ???’ làm chính trị viên.

Đây là đại đội thám báo sơn cước thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn bộ binh 448, sư đoàn 150, quân đoàn 50, quân khu Thành Đô – để đảm trách nhiệm vụ chiến đấu nặng nề này.

Để đảm bảo thắng lợi cho quyết tâm chiến thuật này, giúp phối hợp với đơn vị bạn và tăng cường chỉ huy, Quân đoàn 50 đã cử hai Phó tư lệnh quân đoàn là Quan Khoát Minh, Lâm Trung Hòa và Phó chính ủy quân đoàn Hầu Bồi Tụ lập thành tổ công tác về nằm vùng tại Sư đoàn 150.

Còn Bộ tư lệnh sư đoàn 150 quyết định tăng cường cán bộ chỉ huy cho đại đội sơn cước luồn sâu. Vậy nên, sư đoàn 150 -quân đoàn 50- quân khu Thành Đô quyết định cử thêm một tham mưu phó trung đoàn 448 là Phó Bồi Đức – một người có trình độ giỏi về binh pháp và chỉ huy, kèm thêm một phó chính ủy trung đoàn 448 là Long Đức Xương – một người có trên 20 năm tuổi Đảng, dầy dạn kinh nghiệm về công tác Đảng-công tác chính trị -> vào ban chỉ huy đại đội. Một điều đặc biệt hiếm thấy, khi một đại đội có tới 2 cán bộ lãnh đạo giỏi- cấp trung đoàn tham gia chỉ huy.

Ngày 07/03/1979, đại quân Trung Quốc bắt đầu rút khỏi Cao Bằng thì đến ngày 10/03/1979, công tác chuẩn bị và điều động đại đội thám báo sơn cước mới xong. Đại đội sơn cước bắt đầu thâm nhập lãnh thổ Việt Nam từ chiều hôm đó.

Không hổ danh là đơn vị đặc biệt tinh nhuệ, sau 4 ngày luồn rừng mà không chạm trán và phải đánh nhau với bất cứ một đơn vị nào của ta, đến đêm ngày 13/03/1979, đại đội thám báo sơn cước đã luồn vào đến xã Minh Tâm , huyện Nguyên Bình, Cao Bằng và tạm trú qua đêm trong một hang núi đá.

Cũng phải khen cho đại đội sơn cước này, là chúng đã luồn vào đến được xã Minh Tâm, tức là ở phía sau, cách thị xã Cao Bằng theo đường chim bay (theo quốc lộ 34) những 24 km, nằm sâu trong hậu phương của ta.

Luồn sâu, không phải đánh nhau, nên không mất một người nào và còn nguyên vẹn toàn bộ vũ khí, khí tài chiến đấu và điện đài liên lạc, đến đây, những tưởng đã là hoàn thành thắng lợi những 90% nhiệm vụ được giao. Hỡi ôi, trời đất không dung tha những tên Trung Quốc xâm lược.

Bởi qua những ngày luồn sâu, mặc dù không phải đánh nhau, nhưng đại đội sơn cước này đã tận mắt thấy lực lượng hùng hậu và tinh nhuệ của ta đang dồn lên mặt trận để chuẩn bị cho một trận đánh tổng phản công.
(Nói thêm là bản thân tôi – Baoleo – người viết bài này, lúc ấy, cũng đang nằm trong đội hình chuẩn bị được tung vào trận đánh ‘trúc chẻ- tro bay’ với quân xâm lược Trung Quốc).

Mặt khác, do luồn quá sâu, nên điện đài 2w đã mất liên lạc hoàn toàn.
Đến sáng hôm sau, ngày 14/03/1979, nhìn xung quanh, thấy đâu đâu cũng có quân ta, và đối chiếu với bản đồ, ban chỉ huy đại đội sơn cước biết rằng, đánh để mở đường về là vô vọng. Và ý định đầu hàng xuất phát từ đấy.

2/ Ra Nghị quyết Đảng để đầu hàng:
Trên thế giới, chuyện ra hàng của cả đơn vị - không phải là điều hiếm gập.
Thời thế chiến hai, tại mặt trận Xít-ta-lin-gờ-rát, sau khi bị bao vây, thống chế Pau-lốt của phát xít Đức đã quyết định đem cả một tập đoàn quân ra đầu hàng Hồng quân Liên xô, chả cần quyết nghị gì hết.
Tại Việt Nam, thời Điện Biên, tướng Đờ Cát cũng đem nguyên một binh đoàn ra đầu hàng quân đội ta, cũng chả cần nghị quyết.
Gần đấy nhất, là năm 1972, tại căn cứ hỏa lực Ca-rôn, còn gọi là căn cứ Tân Lâm hay đồi 244, trung tá Đính của VNCH cũng đem nguyên một trung đoàn ra đầu hàng Quân giải phóng, chỉ bằng một quyết định đầy tính chịu trách nhiệm của bản thân người chỉ huy.

Ấy thế nhưng, nơi nào mà có chế độ ‘đảng lãnh đạo toàn diện và triệt để - còn quần chúng, quân nhân thì làm…chủ’ như Trung Quốc, và…ở đấy đấy, thì lại khác.
Đầu tiên là họp chi ủy (có thêm 2 lãnh đạo trung đoàn tham gia) để ra nghị quyết. Có nghị quyết của chi ủy rồi, thì chi ủy và ban chỉ huy đại đội sơn cước này mới cử 3 tên mang cờ trắng, lò dò đi xuống chân núi, xin gập chỉ huy của ta để thương thảo đầu hàng.
(Nói cho công bằng, tại thời điểm ấy, quân ta cũng…’giật cả nẩy mình’ vì bất ngờ. Đột ngột từ đâu xuất hiện một tốp thám báo sơn cước trang bị đầy mình ở giữa trận địa của ta thì cũng ..khá là bàng hoàng).

Bên ta đồng ý nhưng vẫn bố trí hỏa lực canh chừng. Ba tên trở lên hang núi nơi chúng cố thủ. Ta chờ mãi không thấy chúng xuống liền bắn một phát ĐK 82 cảnh cáo. Rồi sau thì cũng thấy chúng lũ lượt kéo xuống. Toàn bộ đại đội sơn cước, gồm cả 2 cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn tăng cường, là tròn 104 tên.
Lý do quân Trung Quốc lâu không xuống hàng, thì té ra là, các ‘tồng chí’ Trung Quốc hết sức tuân thủ nguyên tắc lãnh đạo của Đảng.
Tức là, sau khi ra nghị quyết của chi ủy và cử 3 tên đi đi thương thuyết, biết chắc là được việc rồi, thì chúng còn phải họp chi bộ để ra nghị quyết bằng văn bản. Tiếp đó họp Chi đoàn Thanh niên để quán triệt nghị quyết của chi bộ. Rồi chi đoàn cũng ra nghị quyết bằng văn bản. Tiếp đến và sau rốt là họp Hội đồng quân nhân để cho các ‘tồng chí’ không phải là đảng viên-Đoàn viên quán triệt nốt. Nên mới lâu thế.
Khi ra hàng, đại đội này trình ta cả bản Nghị quyết.

Trong Nghị quyết ra hàng, có ghi rõ thế này:
-‘….Tuân theo lời dậy của lãnh tụ Lê-Nin, là: “Hãy làm việc cụ thể - trong từng giai đoạn cụ thể”. Vậy nay quyết nghị ra hàng, để bảo toàn lực lượng, đặng còn về với Tổ quốc….’

Xin nói thêm. Qua việc đại đội sơn cước này ra hàng, ta đã thu được nguyên vẹn toàn bộ trang bị của một đại đội sơn cước, từ trang bị vũ khí cho đến cả giày chuyên dùng để leo núi đá.
Toàn bộ đồ trưng bầy triển lãm ở Bảo tàng Quân đội ta ở Hà Nội, hồi chiến tranh đánh quân Trung Quốc xâm lược, về lực lượng sơn cước Trung Quốc, đều là lấy từ đại đội này.
Do không cần hô: ‘Thấu xéng chiu sâu khoan tai’ mà đã bắt được đại đội sơn cước này, nên Cao Bằng đã ghi dấu có nhiều cái ‘nhất’. Đó là:
1-Bắt nhiều tù binh quân bành trướng Bắc Kinh trong 1 trận đánh nhất;
2- Bắt được sỹ quan cao cấp nhất của quân bành trướng Bắc Kinh trong toàn bộ cuộc chiến 17/02/1979;
3- Thu được nguyên vẹn trang bị chiến đấu của quân bành trướng Bắc Kinh nhiều nhất. Và nhiều cái nhất , như đã bốt và sẽ bốt.

3/ Nỗi đau ngàn đời của Trung Quốc:

Từ tháng 5 đến tháng 6.1979, hai nước Trung – Việt tiến hành 5 đợt trao trả tù binh tại cửa khẩu Hữu Nghị nằm giữa Lạng Sơn và Quảng Tây. Đến ngày 22.6.1979, TOÀN BỘ tù binh Trung Quốc, gồm 239 người (thực ra là 238 người và hài cốt 1 tù binh bị chết trong trại do bị thương), đã được Việt Nam trao cho phía Trung Quốc. Tất cả họ bị đưa về “Lớp học tập” ở sân bay Ngô Vu ở ngoại ô Nam Ninh để thẩm tra.

Trong thời gian đó, Dương Dũng, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đích thân dẫn đoàn cán bộ xuống Quân đoàn 50 điều tra, tổng kết, xử lý vụ việc được coi là “ô nhục chưa từng có trong lịch sử quân đội” (câu chuyện đang kể bên trên).

Kết quả sử lý kỷ luật của quân đội Trung Quốc như sau:
3.1/ Phó tư lệnh quân đoàn 50 là Quan Khoát Minh (trong tổ công tác nằm vùng của quân đoàn 50) bị kỷ luật cách chức, giáng cấp xuống cấp sư đoàn, trong quyết định kỷ luật ghi rõ: “tham sống sợ chết”.
3.2/ Phó tư lệnh quân đoàn 50 là Lâm Trung Hòa (trong tổ công tác nằm vùng của quân đoàn 50) bị giáng chức.
3.3/ Phó chính ủy quân đoàn 50 là Hầu Bồi Tụ (trong tổ công tác nằm vùng của quân đoàn 50) bị cảnh cáo trong đảng.
3.5/ Các cán bộ chỉ huy sư đoàn 150 là: Sư đoàn trưởng là Lưu Đồng Sinh, Chính ủy Dương Chấn Đạo -> bị kỷ luật.
3.6/ Các cán bộ chỉ huy của trung đoàn 448 gồm: trung đoàn trưởng Lý Thiệu Văn, Chính ủy Lý Triệu Bích, 3 trung đoàn phó: Hồ Khánh Trung, Lan Văn Bân, Vương Bảo Nhân, 3 phó chính ủy: Long Đức Xương, Điền Văn Siêu, Vương Khiêm Trí và Tham mưu trưởng Cao Lập Hoa, Tham mưu phó Phó Bồi Đức cũng bị kỷ luật hoặc điều chỉnh.
3.7/ Còn các cán bộ chỉ huy có trách nhiệm chính trong vụ đầu hàng tập thể của Trung đoàn 448 bị xử lý kỷ luật và chuyển cho tòa án quân sự trừng phạt. Cụ thể:
Lý Hòa Bình, đại đội trưởng và Phùng Tăng Mẫn, chính trị viên Đại đội 8 đặc nhiệm thuộc Tiểu đoàn 2 bị nhận án 10 năm tù giam vì tội “phản bội đầu hàng”.
3.8/ Vụ việc được đưa thành giáo trình phản diện - điển hình của việc tăng cường chỉ huy trong quân đội.

Về biên chế tổ chức, trong đợt điều chỉnh biên chế quân đội năm 1985, Quân đoàn 50 và Sư đoàn 150 với 4 trung đoàn trực thuộc cũng bị xóa phiên hiệu, vĩnh viễn không tồn tại trong biên chế của quân đội Trung Quốc nữa.

3.9/ Chưa hết, nỗi đau ô nhục này, với quân đội Trung Quốc là quá lớn. Nên bài học này thường xuyên được giới truyền thông Trung Quốc nhắc lại để làm bài học. Cụ thể:
-Trận chiến nhục nhã nhất” là nhan đề bài báo đăng trên mạng “Chiến lược” Trung Quốc (Chinaiiss.com) ngày 12.11.2013. Bài báo cho rằng đây là vết nhơ, sự kiện ô nhục trong lịch sử quân đội Trung Quốc.
-Trang Sohu.com ngày 6.9.2018 cũng chạy tiêu đề “Trận nhục nhã nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh, sau khi về nước Trung đoàn trưởng bị tống giam, Phó tư lệnh quân đoàn bị bãi chức”.

4/ ẢNH:

-Ảnh 1: Vị trí xã Minh Tâm, nơi quân thù xin hàng.

1 Minh Tâm.jpg


-Ảnh 2: Đây là tấm hình được nhiều người biết nhất. Tấm hình miêu tả một cô dân quân người dân tộc, cầm súng áp giải đại đội sơn cước tù binh. Đây là một tấm hình được tuyên huấn chỉ đạo theo tích chuyện ngày xưa.

Ngày xưa thời đánh Pháp, có tấm hình đẹp chụp đội quân Đờ-Cát đi ngoằn nghèo trên một khúc quanh.

Rồi thời chống Mỹ là tấm hình một cô dân quân nhỏ bé giương cao súng bắt thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu.

Kết hợp hai tích ấy, nên tuyên huấn chọn một cô cán bộ tỉnh đoàn Cao Bằng có họ Bế, khá xinh xắn, mặc quần áo dân tộc Tầy, cầm khẩu súng trường K44 cổ lỗ sỹ, đứng tạo dáng dẫn giải tù binh.

Có điều hơi tiếc là tay phóng viên nhiếp ảnh non tay, nên đáng nhẽ lấy gương mặt non tơ xinh xắn của cô cán bộ đoàn họ Bế làm tiền cảnh, còn hậu cảnh là bọn xâm lược Trung Quốc đi ngoằn nghèo, thì tay phóng viên nhiếp ảnh non tay lại làm ngược lại, và tay ‘mơ’ này bấm có đúng 2 kiểu. Thành ra bức ảnh không đạt hiệu quả tuyên huấn.

Chứ đại đội sơn cước võ thuật cận chiến cao cường này, thì bộ đội chính quy của ta đi dẫn giải, cũng phải là một trung đội trang bị hỏa lực mạnh, như trong các tấm hình sau, các bác sẽ thấy.

2.jpg



-Ảnh 3: Lúc chưa dàn cảnh, ảnh tuy ‘có diễn’, nhưng nom khác ngay.

3.png


-Ảnh 4: Ảnh của báo Quân đội về vũ khí của đại đội sơn cước tù binh.

4.jpg


-Ảnh 5-6: Ảnh vũ khí của đại đội sơn cước, lúc chụp ảnh vẫn còn để trong hang đá, nơi đại đội sơn cước Trung Quốc tạm trú qua đêm.
05.jpg


06.jpg


-Ảnh 7: Đại đội sơn cước tù binh trên đường dẫn giải về Thái Nguyên - do trung đội đặc công thuộc tiểu đoàn đặc công 31 – Quân khu 1 (do đại úy Thái trực tiếp chỉ huy)- trang bị hỏa lực mạnh áp tải.
7.jpg



-Ảnh 8: Đại đội sơn cước tù binh tại sân vận động thị xã Thái Nguyên
9.jpg


10.jpg


-Ảnh 9 và 10: Tài liệu của Bộ Tổng Tham mưu, nói về sự kiện này.



NOTE:

Phải nói ngay rằng, bài viết về đại đội thám báo Trung Quốc ra hàng này, được Tuan Bim đưa lên ở nhiều trang mạng mà TB là thành viên từ hồi 2002. Còn trên FB cá nhân, lần đầu là vào năm 2014. Hồi đó, cõi mạng, cũng như FB, còn ở thời kỳ ‘hồng hoang’, sơ khởi lắm.



Bài đang Hôm nay, TB đăng minh họa cho ‘Ký ức chiến tranh’ của Bảo ở đây, chỉ là một phần của câu chuyện hoàn chỉnh.

Do câu chuyện này là độc đáo, nên ‘nó’ đã được vô vàn các trang mạng, kể cả các báo điện tử ‘nhà nước’, cũng như các độc giả = > cóp nhặt về và chia sẻ. Những việc ‘cóp’ và ‘dán’ này, TB không hề được1 lời thông báo.

Việc này dẫn đến câu chuyện: nó bị trích dẫn rồi thêm bớt đi, mà tôi là tác giả cũng không hề biết, dẫn đến câu chuyện bị tam sao thất bản.



Vậy nên, nếu các bạn tôi, thấy câu chuyện này ‘na ná’ ở đâu, thì xin hiểu rằng: đó là một câu chuyện ‘vẽ rắn thêm chân’ từ câu chuyện gốc, như hôm nay biên ở đây mà thôi.
 

tuanva06

Xe buýt
Biển số
OF-165316
Ngày cấp bằng
6/11/12
Số km
501
Động cơ
348,935 Mã lực
Nơi ở
Hà nội
Chỗ nào cũng gặp những quả mìn bọn địch gài lại trước khi rút chạy về nước. Bộ phận công binh đi trước mở đường. Chúng tôi phải rất thận trọng đặt bước chân theo dấu đã vạch sẵn trên đường của công binh. Người đi sau bước đúng dấu chân của người đi trước để tránh dẫm vào bẫy mìn, vật nổ.
Đoạn này chú Bảo như tự trả lời cho sự thương tiếc xót xa cho những đồng đội đã hy sinh trong những trận đánh cuối cùng theo vết rút chạy của quân bành trướng (do ko biết). Kẻ địch khi rút chạy, còn tiếp tục gây thêm nhiều đau thương mất mát, mà người VN khi đó, chắc chỉ mong gặp chúng để trả thù.
 

Baoleo

Xe tăng
Biển số
OF-320235
Ngày cấp bằng
19/5/14
Số km
1,852
Động cơ
363,765 Mã lực
MẶT TRẬN CAO BẰNG-THÁNG 2 NĂM 1979
(Ký ức chiến tranh của Trọng Bảo, ‘đài trưởng’ điện đài thông tin 2W, tiểu đoàn 3, trung đoàn 246, sư đoàn 346)

Kỳ 15: Phần 12 – KHEN THƯỞNG

Sau chiến tranh là việc thu dọn chiến trường, khôi phục trận địa, làm công tác thương binh, liệt sĩ. Cùng với đó là việc khen thưởng cho những người lập công trong chiến đấu. Những người lính có lẽ chẳng ai mong sẽ được nhận huân chương hay các danh hiệu này nọ nhờ có chiến tranh. Ai cũng mong chiến tranh đừng xảy ra, hòa bình vẫn tốt hơn.

Nhưng khi chiến tranh đã xảy ra rồi, kẻ thù xâm lược đã đến thì những tấm huân chương, những danh hiệu cao quý luôn là niềm tự hào của những người đã chiến đấu, hi sinh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Nhưng tấm huân chương nào thì cũng có hai mặt.

Một buổi trưa, đi đào công sự về mệt quá, ăn cơm xong tôi lăn ra ngủ. Vừa chợp mắt được một lát thì có người lay gọi:
- Dậy… dậy… ngay…
Tôi càu nhàu:
- Dậy làm gì, đào công sự cả buổi mệt đứt hơi chưa kịp ngủ đã gọi... gọi cái gì…?.
- Dậy đi, có việc gấp đây!

Khi đã nghe rõ tiếng chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh, tôi liền ngồi bật ngay dậy. Vốn lính chiến, quen những tình huống chiến đấu bất ngờ nên nghe tiếng của cấp trên gọi là tôi tỉnh ngay. Tôi vội quờ tay vớ luôn khẩu súng để trên đầu giường, nhảy xuống đất vội vàng đeo giày để phóng đi luôn. Anh Doanh phì cười:
- Mày định đi đâu đấy?
Tôi ngơ ngác hỏi:
- Chắc lại có bọn thám báo nó mò sang ạ?
- Thám báo nào? Cất súng đi ra đây tao bảo...

Lúc này tôi mới nhìn kỹ chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh. Anh ăn mặc khá chỉnh tề, tay đang cầm một cuộn giấy, nét mặt vui vẻ. Anh cười vì cái tính hấp tấp của tôi, cứ có ai gọi thì việc đầu tiên là tìm ngay khẩu súng. Âu đó cũng là tác phong của những người lính ở nơi đối diện với quân thù hằng ngày. Chúng tôi đã có mặt ở biên giới từ những ngày còn cùng nhau mặc quần áo dân thường đi rào biên giới, giành lại từng tấc đất, ném đá, đánh nhau bằng tay chân và gậy gộc với bọn lấn chiếm đất đai cho đến lúc nổ ra chiến tranh đấu súng, đấu pháo với chúng cho nên ai cũng có cái tác phong luôn luôn sẵn sàng ấy.

Anh Doanh bảo:
- Đem ngay cuốn sổ ghi chép của mày ra đây!
Tôi ấp úng:
- Cuốn sổ nào ạ?
- Cuốn nhật ký mà mày vẫn ghi chép tình hình chiến sự hằng ngày trong thời gian đánh nhau ấy!

Tôi vội chối ngay:
- Cuốn sổ ấy em đã đốt nó cùng các loại giấy tờ để đảm bảo bí mật theo lệnh của chỉ huy tiểu đoàn cái hôm trước khi vượt vòng vây quân địch ở Thông Nông sang Nguyên Bình rồi, còn đâu nữa ạ?

Anh Doanh trừng mắt:
- Mày đừng có nói dối! Tao biết, hôm ấy, mày chỉ đốt mỗi cuốn sổ ghi các sáng tác văn thơ thôi. Còn cuốn nhật ký ghi chép về tình hình chiến sự thì mày vẫn lén giấu trong người đem đi. Mang nó ra đây ngay…

Tôi cười hì hì:
- Làm sao anh lại biết ạ?
- Tao biết! Có chết, mày không bao giờ đốt cuốn sổ ấy đâu. Đem nó ra đây ngay! Có việc cần đấy!
- Có việc gì mà lại liên quan đến cuốn nhật ký của em ạ?

Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh vừa đặt tập giấy xuống cái bàn ghép bằng mấy miếng ván kê giữa nhà vừa nói:
- Tiểu đoàn 3 chúng ta được đề nghị nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng. Do đó, phải chuẩn bị một bản báo cáo thành tích trong cuộc chiến đấu vừa qua. Mày văn hay, chữ tốt, lại chỉ huy mạng thông tin vô tuyến, nắm được toàn bộ diễn biến của các trận đánh nên chiều nay không phải đi đào công sự nữa mà ở nhà giúp chỉ huy tiểu đoàn viết bản báo cáo thành tích trong chiến đấu vừa qua, hiểu không?

Tôi đã hiểu rồi. Tôi rút trong túi cóc ba lô ra một cuốn sổ nhỏ tự đóng bằng loại giấy đen mặt nhẵn, mặt trơn lấm lem bùn đất. Ngồi xuống bên cạnh anh Doanh, tôi đặt lên bàn trước mặt anh cuốn nhật ký của mình. Tay tôi run run lật từng trang ghi chép trong chiến đấu. Anh Doanh cùng tôi đọc lại những trang viết vội vàng, mỗi ngày vài dòng tóm tắt tình hình trong những ngày gian khổ ác liệt ấy. Mấy ngày đầu còn ít mực tím thì tôi ghi rất rõ ràng, những ngày sau ghi bằng bút chì, ở trên núi đá nhiều sương mù, mưa ẩm nên nhòe mờ, rất khó đọc.

Chính trị viên Hoàng Quốc doanh lặng người đi khi đọc những câu văn cộc lốc, những con số ghi chép trần trụi trong cuốn nhật ký của tôi về những chiến công về sự hi sinh của đồng đội. Những thông tin này trong khi chỉ huy chiến đấu chúng tôi cũng đã biết rất rõ, nhưng bây giờ đọc lại vẫn thấy nhói lên trong tim...

Chúng tôi hoàn thành bản báo cáo thành tích trong cuộc chiến đấu để cấp trên đề nghị xét phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng cho Tiểu đoàn 3. Rồi đây Tiểu đoàn 3 chúng tôi trở thành một đơn vị anh hùng, nhưng tự dưng tôi lại không thấy vui mừng mà chỉ thấy man mác một nỗi buồn, một nỗi buồn sau thẳm trong lòng khi biết bao nhiêu anh em, đồng đội, bạn bè thân thiết đã không còn nữa để đón nhận sự vinh quang này.

Chính trị viên tiểu đoàn dặn tôi không được bép xép chuyện tiểu đoàn trưởng không có mặt tại vị trí chỉ huy chiến đấu hôm 20-2, ngày mà bọn giặc tấn công ác liệt nhất vào thị trấn Sóc Giang.

Anh không giải thích gì thêm nhưng tôi hiểu nếu chuyện này lộ ra thì tiểu đoàn tôi sẽ không được phong tặng danh hiệu anh hùng.
Không ai phong anh hùng cho một đơn vị mà người chỉ huy cao nhất của đơn vị ấy lại bỏ vị trí của mình khi tình huống chiến đấu cam go.

Sau này tôi càng hiểu thêm, một người chỉ huy dũng cảm, mưu trí như chính trị viên Hoàng Quốc Doanh cũng không thể được phong tặng danh hiệu anh hùng. Bởi vì nếu đề nghị tặng danh hiệu anh hùng cho anh Doanh thì anh sẽ phải báo cáo về trận đánh mà anh chỉ huy chiến thắng bọn Trung quốc xâm lược vang dội nhất ở thị trấn Sóc Giang ngày 20-2-1979.

Lúc ấy, cấp trên, cơ quan thi đua khen thưởng khi xem xét người ta sẽ đặt câu hỏi:
-“Hôm đó tiểu đoàn trưởng đi đâu mà chính trị viên tiểu đoàn phải trực tiếp chỉ huy chiến đấu?”.
Như vậy sẽ lộ ra chuyện tiểu đoàn trưởng rời vị trí chỉ huy khi ác liệt nhất. Và không khéo thì tất cả sẽ xôi hỏng, bỏng không...

(Chú thích của Baoleo: Trên thực tế, cụ Doanh đã quyết định “quên mình”, chỉ khiêm tốn nhận huân chương chiến công hạng ba, để tiểu đoàn 3 được phong anh hùng, bởi đó là xương máu của 39 cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc).

Sau khi hoàn thành bản báo cáo thành tích chính trị viên Hoàng Quốc Doanh còn dặn tôi:
-“Mày phải giữ cuốn sổ ghi chép này thật cẩn thận nhé!”.

(Năm 2018, khi về Trung đoàn 246 hội thảo về cuốn lịch sử của trung đoàn, đồng chí trung đoàn trưởng ngỏ ý muốn xin tôi tặng lại cuốn sổ ghi chép này để đưa vào phòng truyền thống của đơn vị nhưng tôi từ chối. Đây chỉ là một cuốn sổ ghi chép trong chiến tranh của riêng tôi, một người lính bình thường không nên trưng bày làm hiện vật lịch sử gì trong phòng truyền thống của Trung đoàn 246).

Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh đi rồi, anh em trong tiểu đội vẫn chưa đi đào công sự về, chỉ còn một mình tôi. Tự dưng nỗi buồn sâu thẳm ấy cứ lâng dâng lên mãi trong tôi. Tôi bước ra khỏi lán ngước nhìn lên bầu trời. Có một cơn giông gió đang cuồn cuộn dâng lên từ phía Bắc. Mây đen vần vũ trên những đỉnh núi đá lởm chởm nơi biên thùy. Nơi mảnh đất cuối cùng Tổ quốc này tiếng súng vẫn chưa một ngày lắng im…

Sau chiến tranh nhiều việc phải làm. Tình hình biên giới vẫn căng như sợi dây đàn. Bọn địch vẫn liên tục tung thám báo sang đất ta trinh sát. Thỉnh thoảng hai bên lại xảy ra những vụ xung đột nổ súng lẻ tẻ. Vẫn có những người ngã xuống vì chạm súng hoặc vướng phải mìn bọn địch gài lại. Phía biên giới Hà Giang vẫn tiếp tục xảy ra những trận đánh lớn ở Vị Xuyên. Quân xâm lược phương Bắc hôm nay giống như cha ông chúng ngày xưa chưa bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính, đô hộ nước ta.

Tiểu đoàn 3 chúng tôi dần ổn định vị trí đóng quân. Những ngôi nhà nửa chìm nửa nổi trên chốt vừa là chỗ ăn nghỉ, vừa làm công sự chiến đấu khi cần thiết. Cùng với việc xây dựng trận địa, ổn định nơi ăn ở, các đơn vị bắt đầu việc bình xét, khen thưởng những người có thành tích trong chiến đấu. Nhiều người được tăng huân chương chiến công, được thăng quân hàm vượt cấp nhờ những thành tích, chiến công đã lập được. Một số cán bộ cũng được bổ nhiệm chức vụ mới. Phần lớn là lên một chức. Anh em trong cơ quan tiểu đoàn bộ và các đại đội đều được thăng quân hàm, bổ nhiệm chức vụ, được xem xét bồi dưỡng để kết nạp vào đảng, được cử đi học tập, đào tạo để làm cán bộ...
Duy chỉ có mình tôi là không được phong quân hàm, đề bạt chức vụ và khen thưởng gì. Thằng Lợi, tiểu đội trưởng hữu tuyến có vẻ thắc mắc cho tôi. Nó nói:

- Tại sao mày trong chiến đấu nhiệm vụ nào cũng hoàn thành tốt mà lại chả được khen thưởng, thăng quân hàm, cất nhắc chức vụ gì nhỉ? Nói thật với mày, cũng là lính thông tin, tao biết nếu không có mày cùng anh em tiểu đội vô tuyến giữ vững được liên lạc trong mọi tình huống thì đơn vị ta không thể đánh và chiến thắng được. Đường dây của tiểu đội tao đứt liên tục, nối không kịp, khi nó bao vây kín xung quanh thị trấn Sóc Giang thì chịu hẳn, truyền đạt cũng không thể kịp với các tình huống chiến đấu rất khẩn trương...

Tôi bảo:
- Thôi mày ạ! Sau chiến tranh còn giữ được cái chỗ đội nón để trở về quê quán là tốt lắm rồi.
Thằng Lợi vẫn không chịu. Nó băn khoăn:
- Tao vẫn không hiểu nguyên nhân gì mà sau chiến tranh mày chả được cái gì nhỉ?

Tôi lắc đầu bảo nó:
- Quên chuyện khen thưởng của tao đi. Thế còn mày, nhận huân chương rồi, thăng quân hàm vượt cấp, lên chức mới rồi có khao tao gì không?
Thằng Lợi gật đầu:
- Hôm nào tao đi nhận nhiệm vụ ở đơn vị mới tao với mày phải chén một bữa, uống cho đã để chia tay nhé?

Thằng Lợi nói mà vẻ mặt nó vẫn không vui. Tôi biết nó đang rất băn khoăn, trăn trở, thắc mắc về chuyện của tôi. Tôi cũng thấy hơi buồn. Tôi nghĩ công lao của mình trong cuộc chiến đấu vừa qua cũng chỉ là một hạt cát trên sa mạc bao la, là một giọt nước giữa đại dương mênh mông. Nhưng thôi, mình chẳng được tặng thưởng cái gì thật to tát thì cũng không sao. Tôi chỉ ước mong mình được thăng lên một cấp quân hàm, từ hạ sĩ lên trung sĩ thôi cũng được? Để sau này khi xuất ngũ quân về quê làm ruộng, mỗi lần bạn bè cùng trang lứa hỏi tôi sẽ nói: “Trong cuộc chiến tranh biên giới tao cũng có công lao, được phong quân hàm từ hạ sĩ lên trung sĩ!”. Mặc dù nếu xét về niên hạn thì tôi cũng đeo quân hàm hạ sĩ cũng đã gần bốn năm rồi, nhưng gắn chút lửa khói chiến tranh vào cũng thấy lòng mình đôi chút thanh thản.

Chuyện không được khen thưởng, thăng cấp, đề bạt chức vụ như các anh em khác khiến tôi cũng buồn đôi chút. Nhưng việc tôi quan tâm hơn sau chiến tranh là bắt đầu thu thập các tư liệu về cuộc chiến đấu vừa qua để hoàn thành tập ghi chép về chiến tranh của mình. Một cuộc chiến tranh theo tôi nghĩ nó sẽ được ghi dấu vào lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc ta. Tôi đã ghi chép được rất nhiều tư liệu quý. Lao động, huấn luyện, công tác mệt mỏi nhưng ngày nào tôi cũng cố giành thời gian để ghi lại những gì mình nghe được. Nhiều anh em, chiến hữu đã cung cấp cho tôi nhiều những tư liệu, tình tiết rất có giá trị, hấp dẫn trong cuộc chiến đấu vừa qua...

Câu chuyện về bản thành tích của tiểu đoàn 3 mà tôi được tham gia chắp bút và câu chuyện của riêng tôi là một góc khuất trong chiến tranh. Sau hơn bốn mươi năm, tôi không còn ngại khi đề cập đến. Bây giờ thì mọi việc đã qua lâu rồi, buồn vui cũng chỉ là quá khứ, dù sương khói và hồn liệt sĩ vẫn còn quẩn quanh nơi biên ải xa xôi.

(CÒN TIẾP …..)

HÌNH MINH HỌA

Khen thưởng đúng - Tuyên truyền đúng = > thì tác dụng rất tốt.
Khen thưởng sai – Tuyên truyền sai = > thì chỉ có hại.

1/ Câu chuyện của Việt Nam ta:
Những người lính như cụ Doanh thì phải nhịn anh hùng. Như ‘đài trưởng’ Bảo thì bị cách chức và suýt ăn kỷ luật.
Còn như thế này, thì lại được nhất loạt tung hô.

DÙNG DAO PHAY – THIẾU NHI TOAN HẠ CHIẾN XA
(Câu chuyện NHẤT thứ 7 của Cao Bằng)

Việc tuyên truyền, thổi phồng qúa mức của địch quân, thì đã gây ra nhiều trò cười cho thiên hạ.
Thiết nghĩ, cũng nên biên, câu chuyện tuyên truyền của ta, xem sao.
a/ Tích chuyện 1:
Thứ ba, ngày 27/2/1979, báo Nhân dân số 9029, viết về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, có đoạn viết thế này:
-“…. Một em tên là Đàm Văn Đức, 14 tuổi, ở xã Hoàng Tung, huyện Hòa An thấy xe tăng địch xuất hiện, bèn cầm dao nhảy lên xe tăng, định mở nắp xe chém tên lái. Bọn địch quay nắp xe định gạt em. Đức vội lao xuống, vừa lúc đó một chiến sĩ ta vác khẩu B.40 đến, nhưng anh bị thương không bắn được, anh chiến sĩ chỉ cho Đức bắn cháy ngay chiếc đó….”

b/ Tích chuyện 2:
Tiếp theo báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam đẩy câu chuyện đi xa hơn:
-“……Thế là mới 2 ngày chiến đấu, em Đức đã hạ gục 1 xe tăng, diệt hơn 50 tên Trung Quốc, thu 1 AK, 4 súng ngắn và nhiều đạn…”.

c/ Tích chuyện 3:
Báo Quân đội thì chi tiết hơn:
-“……. em Đức dùng B-41 phụt cháy xe tăng, đoạn nhẩy lên cướp AK, bắn chết kíp lái…..”.

d/ Chính sử:
Bấy lâu nay, nhà cháu có ý tìm xem, trong tài liệu của Bộ Tổng tham mưu có đề cập đến vấn đề này không, thì kết quả là đến hôm nay, năm 2022, vẫn chưa tìm thấy.
Nhà cháu cũng có ý, dò tìm trong các tài liệu tổng kết chiến tranh, thì trong danh sách các chiến sỹ được tặng Huân chương Chiến công, cũng như danh sách các chiến sỹ được tặng Bằng khen về Chiến công -> thời kỳ chiến tranh đánh quân Trung Quốc xâm lược năm 1979, thì kết quả là đến hôm nay, năm 2021, cũng không thấy tên em Đàm Văn Đức cùng chiến công lẫy lừng kia.
Vậy nên, nhà cháu chỉ dám …rụt rè, đăng tích chuyện ‘dân gian’ và ‘liêu trai’ này lên, để các bác ‘nghe thế - biết thế’ mà thôi.

Có thể, ngày 27/02/1979, trong không khí ra sức cổ động phong chào thi đua giết giặc, câu chuyện ‘liêu trai’ kiểu như ‘cầm dao phay để chém xe tăng’ này, thì có thể …. “châm trước’. Nhưng nay đã có độ lùi về thời gian, thì nhà cháu chỉ muốn đăng những thông tin có kiểm chứng xác thực thôi ạ.

e/ Ảnh minh họa:
-Hình 1 là áp phích cổ động về tích chuyện trên.

01.jpg


-Hình 2 là bài trên báo Nhân dân số 9029, ra thứ ba, ngày 27/02/1979, nói về tích chuyện 1.

02.jpg



-Hình 3 là bài của TTXVN, nói về tích chuyện 2.
03.jpg


-Hình 4 là bài của báo Quân đội nhân dân, kể về em Đức dùng B-41 phụt cháy xe tăng, đoạn nhẩy lên cướp AK bắn chết kíp lái.

04.jpg



-Hình 5 là: trích Tài liệu ‘MẬT’ của Bộ Tổng tham mưu, để cho thấy, quân thù Trung Quốc có phải là lũ ‘gà rù’, chỉ chờ ta dội nước sôi, rồi tụi ‘gà rù Trung Quốc’ tự vặt lông và nhẩy vào nồi canh hầm = = > hay không.
05.jpg


2/ Câu chuyện của quân thù Trung Quốc:
a/ Hết nước, y tá cho thương binh bú tí.
(hình 6)
06.jpg

b/ Bành Lệ Viên, là vợ của Tập Cận Bình, ra hát múa để mua vui, cho binh lính Trung Quốc trên trận địa đánh phá Việt Nam.
(hình 7 – 8 và 9)

07.jpg
08.png
09.jpg
 

pain

Xe ngựa
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
26,590
Động cơ
128,535 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Cảm ơn Pain đã đồng hành cùng các chiến sỹ nơi biên thùy phía Bắc - qua câu chuyện của Bảo, và biên giới Tây Nam - qua câu chuyện của Tùng.
Có một điều thú vị là: cả hai tác giả đều là chiến sỹ thông tin, và đều viết hay cả.
Tất nhiên, bút pháp của mỗi người một khác, khác hoàn toàn với nhau.
Nhưng, đọc cả 2, thì mới thấy hết được các góc độ của chiến tranh.

Cảm ơn Pain và chúc khỏe nhé. Cũng đã lâu rồi, anh em mình chưa có dịp gập nhau.
Dịch dã quá, hôm 22/12 vừa rồi em cũng đã định alo anh và một số anh khác nhưng lại có việc bất khả kháng.

Thôi thì qua Tết, ta khai xuân anh nhá.
 

Baoleo

Xe tăng
Biển số
OF-320235
Ngày cấp bằng
19/5/14
Số km
1,852
Động cơ
363,765 Mã lực
MẶT TRẬN CAO BẰNG-THÁNG 2 NĂM 1979
(Ký ức chiến tranh của Trọng Bảo, ‘đài trưởng’ điện đài thông tin 2W, tiểu đoàn 3, trung đoàn 246, sư đoàn 346)

Kỳ 16: Phần 13 – NỐT VĨ THANH


Các cơ quan huyện lui về phía sau đề phòng một cuộc chiến tranh mới xảy ra trong tương lai? Nhưng riêng tôi thì nghĩ lẽ ra sau chiến tranh các cơ quan của huyện Hà Quảng trở lại Sóc Giang thì hay hơn. Nhưng thôi, đó là việc của địa phương. Nhân dân các bản biên giới và thị trấn Sóc Giang cũng đã trở về dọn dẹp, xây dựng lại nhà cửa, đường xá, các công trình dân sinh và tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống.

Lán của trung đội thông tin chúng tôi làm ngay dưới chân hang huyện ủy, đối diện với nhà bưu điện thị trấn cũ. Chúng tôi nhặt nhạnh các thanh xà, cột kèo trong các căn nhà bị bắn đổ, cháy dở của trụ sở huyện ủy để làm lán trại theo kiểu một mái, lợp bằng ngói máng cũng nhặt nhạnh tại các khu nhà cơ quan của thị trấn.

Cùng với việc ổn định nơi ở, chúng tôi tiếp tục xây dựng trận địa phòng ngư, chuẩn bị đón nhận và huấn luyện chiến sĩ mới. Các anh em cán bộ được thăng quân hàm, bổ nhiệm chức vụ cao hơn lần lượt lên đường đến đơn vị mới nhận nhiệm vụ. Trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi và tiểu đội trưởng Hà Trung Lợi cũng chuẩn bị đi nhậm chức. Bốn người đồng ngũ chúng tôi thì trong chiến tranh đã mất Nguyễn Văn Đam, sắp tới Mùi và Lợi đi nốt thì trung đội thông tin chỉ còn một mình tôi là lính 1975.

Một buổi chiều chủ nhật, tôi, Phạm Hoa Mùi và Hà Trung Lợi ngồi bên nhau nói đủ thứ chuyện. Cả ba đều biết sẽ chẳng còn được ở cùng nhau lâu nữa. Ba thằng nói đủ thứ chuyện kể từ khi mới nhập ngũ cùng ở đại đội thông tin trung đoàn tại Đại Từ, Bắc Thái, đến những năm tháng cuốc đất làm đường trên Hà Giang và về cuộc chiến tranh vừa qua. Nói chuyện lan man cuối cùng lại quay về chuyện của tôi là tại sao trong cuộc chiến đấu vừa qua lại không được khen thưởng, lên quân hàm, bổ nhiệm chức tước gì cả? Tôi liền gạt đi:
- Thôi chúng mày ạ! Tao chán chuyện này lắm rồi. Hai thằng chúng mày đi rồi chắc họ cũng sẽ cho tao ra quân thôi. Đời lính của tao chắc sắp chấm dứt rồi. Còn nguyên nhân tại sao thì ai mà biết được và cần gì phải biết nữa?
- Có nguyên nhân cả đấy!

Trợ lý tham mưu Bùi Đức Thọ vừa bước vào cửa nghe rõ câu chuyện của ba chúng tôi liền lên tiếng. Chúng tôi cùng quay ra cửa. Anh Thọ đang đeo ba lô trên vai. Anh được bổ nhiệm làm cán bộ đại đội. Anh cũng đến chào, chia tay chúng tôi để về nhận nhiệm vụ tại đơn vị mới.

Đặt cái ba lô xuống sạp, anh Thọ chìa tay nắm tay tôi bóp chặt khiến tôi nhăn mặt. Đoạn, anh ngật ngừng nói tiếp:
- Mày bị tố cáo là trong lúc bị thất lạc, tách khỏi đội hình của tiểu đoàn rất vô kỷ luật, không chấp hành mệnh lệnh chỉ huy chung của người có quân hàm cao nhất, tự ý đưa bộ đội phối hợp cùng dân quân ở Táp Ná... Rồi còn nhiều chuyện khác nữa như để chiến sĩ dưới quyền vào bản tự ý lấy ngô, lúa của dân…
- Ơ…

Tôi há hốc mồm ngỡ ngàng vì những điều mà anh Thọ nói. Trong lúc bị thất lạc, lang thang trong vòng vây của quân thù bộ phận nào chả phải xuống các bản làng để kiếm tìm lương thực, nhặt củ khoai, củ sắn, bắp ngô của dân để lại mà ăn để có sức mà chiến đấu, mà tìm về đơn vị cũ. Vì lúc đó có được tiếp tế gì đâu. Nhưng nếu nói như thế này thì quả tôi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng thật rồi. Tôi chợt thấy lo lắng hoang mang.

Anh Thọ ngần ngừ một lát rồi nói thêm:
- Nghiêm trọng nhất là... là mày còn bị tố cáo trong lúc đang bị quân địch bao vây còn sử dụng cả thuốc phiện nữa đấy!

Tôi càng thêm kinh ngạc khi anh Thọ cho biết là những sai phạm của tôi đã được đưa ra thảo luận tại một cuộc họp của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy tiểu đoàn đánh giá, bình xét công lao, thành tích của tập thể, cá nhân trong chiến đấu vừa qua. Anh Thọ không nói rõ nhưng tôi hiểu rồi. Người nêu ra những khuyết điểm của tôi chắc chắn không ai khác chính là trung úy Tuân. Tôi cũng chợt hiểu là vì sao mọi chuyện anh ấy đều đổ hết cho tôi?

Tôi cũng không thể giải thích được. Vì có ai hỏi lại tôi xem những chuyện ấy sai, đúng thế nào đâu mà phân bua sai đúng. Mọi việc cứ âm thầm diễn ra ở đâu đó thế thôi.

Đại đội trưởng Tuân cũng đã được thăng quân hàm thượng uý và bổ nhiệm giữ chức vụ tiểu đoàn phó. Hiện giờ thì anh ấy cũng đã đi nhận nhiệm vụ tại một đơn vị huấn luyện ở tuyến sau, mãi dưới tận dưới Hoà An, gần thị xã Cao Bằng.

Lúc tạm biệt để lên đường anh Thọ cũng vẫn có vẻ còn ái ngại và băn khoăn cho tôi. Tôi cố gượng cười bảo:
- Thôi, chuyện đã qua rồi, chả việc gì phải suy nghĩ mãi nữa. Chúc anh lên đường nhận nhiệm vụ mới tiếp tục công thành danh toại, thăng quan tiến chức đều đều như diều gặp gió nhé.

Anh Thọ đi rồi câu chuyện giữa tôi với Lợi và Mùi cũng tạm dừng vì sắp đến giờ sinh hoạt điểm danh buổi tối. Tôi chợt thấy lòng mình trống trải và buồn quá. Tôi đi bộ một lát qua nhà bưu điện cũ ra phía con đường vào bản Nà Nghiềng. Bất ngờ tôi gặp chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh từ phía Nà Cháo đi lên. Tôi chào anh. Anh Doanh nhìn tôi định nói điều gì song lại thôi. Nghe nói chính trị viên Hoàng Quốc Doanh đã được thăng quân hàm và bổ nhiệm giữ chức vụ cấp chỉ huy trung đoàn. Nhưng anh chưa đi vì còn một số công việc chưa bàn giao xong. Tôi muốn chúc mừng anh được thăng cấp, lên chức nhưng cũng ngại lại thôi.

Tôi cũng đoán anh Doanh định động viên, an ủi tôi nhưng gặp giữa đường thế này không tiện nói. Còn tôi hiểu mọi sự đã an bài. Tôi chỉ lo lắng diễn tiếp không hay sẽ xảy ra. Bởi vì có những chuyện chả bao giờ phân định sai đúng một cách thật rõ ràng được đâu. Chiến tranh bản chất vốn dĩ đã hàm chứa sự phi lý thì những người tham chiến đừng nên bao giờ đòi hỏi sẽ có một sự hợp lý tuyệt đối? Nếu nâng quan điểm lên thì là tôi sai phạm rất rõ ràng. Sai ở chỗ là đã không chấp hành nghiêm túc mọi mệnh lệnh của người chỉ huy cao nhất theo điều lệnh chiến đấu của quân đội. Khi bọn địch bao vây ở Táp Ná tôi không chịu rút lui ngay còn cố tìm cách ở lại tham gia chiến đấu cùng dân quân.
Sai nhất là ở chỗ để cho bộ đội tự ý lấy ngô lúa, bắt cá của dân. Bây giờ bà con dân bản có bỏ qua thì cũng vẫn là vi phạm kỷ luật dân vận. Nên nếu điều tra xác minh rõ ràng thì mình có khi mình lại nặng tội thêm. Tự suy luận tôi lại càng thấy lo lắng nhiều hơn. Thời gian này ở hướng Lạng Sơn đã có chiến sĩ phải ra toà án binh vì đã dùng súng bắn một con bò của nhân dân lấy thịt ăn. Chuyện của tôi chắc chả đến nỗi phải ra tòa án binh đâu, nhưng mà lỡ bị cảnh cáo, khiển trách hay phê bình (thời ấy chưa có hình thức “phê bình nghiêm khắc” như hiện nay) thì cũng là rất dở. Vào quân ngũ, người ta được khen thưởng mà mình bị kỷ luật thì còn ra làm sao nữa? Nỗi lo lắng ấy khiến tôi cứ thấp thỏm hằng ngày.

Chỉ huy tiểu đoàn chỉ thị cho tôi bàn giao chức vụ tiểu đội trưởng tiểu đội thông tin vô tuyến điện cho trung sĩ Vũ Văn Tự. Sau chiến tranh Vũ Văn Tự được thăng quân hàm hạ sĩ quan và bổ nhiệm giữ chức vụ tiểu đội trưởng tiểu đội vô tuyến điện thay tôi.

Các anh em chiến hữu khác trong trung đội thông tin cũng được lên một cấp hoặc vượt cấp quân hàm. Thế là sau gần bốn năm giữ chức vụ tiểu đội trưởng hết ở đơn vị bộ binh lại đơn vị binh chủng bây giờ tôi trở lại làm “chiến sĩ”. Tôi hơi lo lắng, không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Cấp trên cũng không nói sắp tới tôi sẽ làm gì, về đơn vị nào? Tôi mong không phải là do bị “xử lý” chuyện ở Táp Ná mà bị mất chức tiểu đội trưởng?

Thời gian này toàn tiểu đoàn vẫn tiếp tục công tác xây dựng trận địa, củng cố doanh trại chờ đón chiến sĩ mới. Trung đội thông tin tiến hành kéo đường dây trần lên Lũng Mật là trận địa của Đại đội hỏa lực 12. Chúng tôi nhặt các đoạn dây điện cao thế bị đạn pháo, bị lính Trung quốc đánh gãy cột đứt rơi đầy trên cánh đồng đem về gỡ ra từng sợi nhỏ làm dây thông tin. Mỗi sợi dây điện cao thế gỡ ra được sáu dây nhôm nhỏ và một dây lõi bằng thép. Tôi đề nghị trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi cho tôi tham gia làm đường dây với tiểu đội hữu tuyến.

Tôi vẫn nuôi hy vọng trở lại Lũng Mật, Lũng Vài, Lũng Vỉ để tìm lại cuốn sổ ghi chép các sáng tác của mình. Hôm chuẩn bị vượt vòng vây qua huyện Thông Nông tôi đã không đốt cuốn sổ ấy theo lệnh của tiểu đoàn. Tôi cho cuốn sổ vào cái túi ni-lông đựng gạo sấy rồi hơ lửa dán kín lại và giấu trong một hốc đá ở Lũng Vỉ. Song việc tìm lại cuốn sổ không thực hiện được vì địa hình trên núi tôi không thông thuộc và cũng chẳng nhớ là đã nhét vào hốc đá nào. Phạm Hoa Mùi cũng gàn tôi nói tình hình còn căng thẳng lỡ khi sang Lũng Vỉ gặp bọn thám báo hoặc vướng phải mìn...

Tuyến đường dây trần lên Lũng Mật làm xong chúng tôi lại tiếp tục đi đào giao thông hào. Tiểu đoàn 3 tiến hành đào một tuyến hào giao thông từ hang Ma Gà qua bản Cốc Vường lên chốt cây đa của Đại đội 11. Đây là đường cơ động khi chiến sự xảy ra. Bộ đội cơ động lên chi viện cho Đại đội 11 hoặc tải thương từ chốt tiền tiêu về phía sau không phải băng qua cánh đồng đầy lửa đạn nữa. Chiến tranh đã cho chúng ta những bài học xương máu. Như tại chốt của Đại đội 10 cũng vậy.

Khi xây dựng các lô cốt ta chỉ mở các lỗ châu mai hướng lên phía biên giới. Khi bọn địch từ sau lưng đánh lên lô cốt không có lỗ châu mai để bắn về phía sau. Bộ đội phải chạy ra bên ngoài lô cốt phơi mình trên mặt chiến hào để bắn ngược lên đỉnh cao 505 rất dễ bị thương vong. Trận địa của đơn vị lựu pháo tại Cốc Sâu cũng vậy, các hầm đặt pháo đều hướng lên phía biên giới. Khi địch từ ngã ba Đôn Chương tấn công tập hậu. Bộ đội phải kéo pháo ra mặt đường để bắn thẳng xe tăng phía sau lao đến.

Một buổi sáng, tôi đang hì hục đào công sự ở khu vực bản Cốc Vường thì liên lạc chạy lên gọi về gặp chỉ huy tiểu đoàn có việc gấp ngay. Tôi hơi hoảng nghĩ: “Hay là cấp trên họ điều tra ra những vi phạm của mình trong chiến đấu nên triệu về để thi hành kỷ luật?”. Tuy vậy, tôi cũng tự động viên mình chắc đây chỉ là thuyên chuyển công tác bình thường thôi, chả có chuyện gì đâu.
Đến nhà chỉ huy của tiểu đoàn tôi đang ngó nghiêng xung quanh tìm nhà chỉ huy thì có tiếng gọi:
- Thằng Bảo phải không? Vào đây đi!

Tôi bước vào gian phòng đang mở cửa có tiếng người vừa gọi. Chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh đang ngồi sau bàn làm việc chăm chú ghi chép gì đó. Trời mùa hè nóng bức nên anh mở phanh cả cúc áo ngực. Tôi đứng nghiêm báo cáo:
- Tôi, hạ sĩ, nguyên tiểu đội trưởng...

Anh Doanh vội xua tay cắt ngang lời tôi:
- Thôi... không phải báo cáo, báo mèo gì nữa! Đây có phải huấn luyện điều lệnh gì đâu mà báo cáo?

Anh Doanh bảo tôi ngồi xuống ghế. Anh rót một ca nước đưa cho tôi rồi hỏi:
- Chú mày vẫn khoẻ chứ?

Tôi đáp:
- Vâng ạ! Thì em vẫn thế thôi ạ... Anh chưa lên trung đoàn nhậm chức vụ mới ạ?
- Chưa! Vài ngày nữa tao mới đi... Mà mày vẫn còn bất mãn vì chuyện sau chiến tranh không được thăng quân hàm và khen thưởng chứ?

Tôi ậm ừ:
- Em là hạ sĩ quan chiến sĩ, hết nghĩa vụ quân sự thì về phục viên theo con trâu đi cày ruộng, quân hàm, quân hiệu có là cái gì đâu mà bất mãn ạ?
- Nhưng cùng nhập ngũ với mày nhiều thằng sau chiến tranh được phong cấp uý, lên đến đại đội phó rồi đấy!
- Thì họ có số làm quan, số em chỉ được làm lính thì mãi mãi cũng chỉ là lính tráng thôi anh ạ!

Anh Doanh bật cười:
- Mày cũng lý luận gớm nhỉ?
- Thì em chỉ nói thật thế thôi chứ lý luận gì đâu ạ!

Anh Doanh im lặng một lát rồi đột nhiên chuyển sang chuyện khác:
- Việc của mày coi như đã xong rồi!
Tôi chột dạ và thấy hơi lo:
- Tiểu đoàn đã cho người đi Táp Ná thẩm tra rồi ạ?
- Không… chả cần thẩm tra làm gì nữa?
- Sao lại thế ạ! - Tôi hỏi lại, giọng hơi run run lo lắng:
- Vậy em phải chịu hình thức kỷ luật thế nào ạ?
- Kỷ luật cái gì?
- Thế em cứ tưởng…

Anh Doanh bật cười:
- Tưởng cái gì? Sao chưa chi mặt mũi của mày đã tái mét đi thế? Lính chiến mà lại thế à? Mày chả phải kỷ luật, kỷ liếc gì cả đâu, yên tâm đi.
- Vậy là ông tiểu đoàn phó (tức là nguyên trung úy Tuân đó)... Ông ấy đã nói lại việc của em rồi ạ?

Anh Hoàng ngần ngừ một lát rồi nói vẻ mặt buồn bực:
- Nói cái gì? Ông ấy đã… đã… sắp rời khỏi quân ngũ rồi!

Tôi vô cùng ngạc nhiên. Tưởng là tai mình nghe nhầm, tôi liền hỏi lại:
- Em nghe nói ông ấy được thăng chức, bổ nhiệm làm cán bộ tiểu đoàn cơ mà?
- Nhưng ông ấy được nghỉ về nhà đã mấy tháng nay rồi không quay lại đơn vị... Có khả năng trên sẽ cho ông ấy ra quân, về phục viên... dù sao ông ấy cũng là một người lính từ thời chống Mỹ...

Tôi vẫn không thể hiểu. Hay là có chuyện gì đã xảy ra đối với anh Tuân. Anh ấy vừa được bổ nhiệm lên chức vụ tiểu đoàn phó, lại chuyển về tuyến sau huấn luyện chiến sĩ mới. Hơn nữa, bây giờ chiến tranh đã kết thúc rồi, làm gì còn nguy hiểm, ác liệt, chết chóc nữa mà anh ấy lại rời quân ngũ nhỉ? Tương lai của anh ấy rất triển vọng cơ mà... Tôi thấy hoang mang và băn khoăn về chuyện này quá. Tôi hỏi lại anh Doanh:
- Hay là hoàn cảnh gia đình ông ấy đang có vấn đề gì khó khăn hả anh?

Anh Doanh lắc đầu:
- Chả có vấn đề gì đâu! Thôi không nói chuyện ông Tuân nữa mà là chuyện của mày đây... Hôm nay, chỉ huy tiểu đoàn gọi mày lên để thông báo là đã đề nghị cho mày về trường văn hóa của quân khu để ôn tập và thi vào đại học...

Tôi thở phào nhưng trong lòng không thấy nhẹ nhõm hơn chút nào. Tôi cứ bị ám ảnh mãi về việc anh Tuân sẽ ra quân. Thấy tôi lặng im suy nghĩ, biết tôi con trăn trở về chuyện của anh Tuân, anh Doanh cũng im lặng. Một lát sau đột nhiên anh nói với tôi như nói với chính mình. Giọng anh chùng hẳn xuống:
-“Bản chất của người lính chiến là thế! Sự hèn nhát không thể giấu kín mãi được đâu! Mày hiểu không? Vượt qua được chính mình không dễ”.

Anh Doanh chợt có vẻ suy tư, rồi anh bảo:
- Tao biết mày thiệt thòi... Tao sẽ cố gắng đề nghị lên trên xem xét lại xem có được gì không... Nhưng mọi việc đã qua rồi, không biết có...
Lúc tiễn tôi ra về anh vỗ vai tôi ân cần bảo:
- Cố lên em nhé! Đường dài vẫn ở phía trước...

Hóa ra anh Doanh vẫn còn đang suy nghĩ về tôi. Còn tôi lúc này lại không còn nghĩ đến chuyện của mình nữa... Tôi nghĩ về những người lính ở nơi biên giới hôm nay, về anh Doanh - một người chỉ huy dũng cảm, quyết đoán của chúng tôi, nghĩ về những người lính chiến kiên cường ở Tiểu đoàn 3 và cả những người đã ngã xuống mảnh đất biên cương này. Chia tay anh Doanh tôi ra đi không biết bao giờ mới gặp lại, nhưng tôi sẽ mãi mãi không quên những ngày được chiến đấu bên anh. Tôi cũng mong những điều tốt lành sẽ đến với anh Tuân khi anh ấy rời khỏi quân ngũ.

Nhận được quyết định đi học tôi chuẩn bị lên đường. Đó là một ngày cuối tháng 6-1979. Hôm trước ngày tôi về xuôi anh em trong tiểu đội vô tuyến điện cố tìm cách tổ chức một bữa liên hoan chia tay nhưng không thành.
Không thể kiếm nổi một chút thực phẩm gì khác ngoài mớ rau thập cẩm cùng mấy quả cà chua xanh hái lượm được ở ngoài đồng.

Đêm ấy, tôi thao thức mãi không sao ngủ được. Tôi nhớ đến những ngày chiến tranh ác liệt, gian khổ, nghĩ đến những vui buồn trong thời gian ở biên giới. Vậy là từ lúc chúng tôi hành quân lên chiếm lĩnh trận địa nơi tuyến trước đến khi rời biên cương về xuôi vừa đúng tròn một năm. Một năm đáng nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ với những vui buồn day dứt khôn nguôi. Buổi sáng hôm sau, tôi chào tạm biệt anh em trong trung đội thông tin để lên đường.

Mọi người lưu luyến tiễn tôi ra tận con đường nhỏ trước cửa bưu điện thị trấn cũ. Tôi đi qua cái thị trấn đổ nát còn hằn sâu vết dấu của cuộc chiến tranh tàn khốc. Tôi cảm thấy bàn chân mình như vẫn còn đang dẫm trên đất bỏng. Lúc qua chỗ bụi tre dưới chân điểm chốt Đại đội 10, nơi trung úy Trần Xuân Tương và hạ sĩ Nguyễn Công Tâm hy sinh tôi dừng lại một lát. Chợt nghe thoảng trong gió vẫn như có tiếng thằng Tâm đang gọi và vui mừng khoe với tôi: “Bảo ơi! Tao có con trai rồi!”...

Đến đầu bản Kép Ké tôi quay đầu lại nhìn thị trấn Sóc Giang lần cuối. Biết đến bao giờ mới lại có điều kiện quay trở lại mảnh đất nơi biên giới xa xôi này. Tôi nhìn lên trận địa của Đại đội 10, điểm cao 505, ngọn núi có hang huyện ủy và phía xa xanh phía sau là dãy núi có Lũng Mật, Lũng Vài, Lũng Vỉ... Toàn những nơi mà tôi đã có những kỉ niệm không thể quên.

Bất giác, tôi đứng nghiêm, đưa tay lên vành mũ!

HÌNH MINH HỌA
1/ Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh thứ 3 hàng sau (từ trái sang) và cán bộ tiểu đoàn 3 dự lễ mừng công sau chiến tranh.

01.jpg


2/ Trọng Bảo và người chính trị viên tiểu đoàn của mình, nguyên đại tá, trung đoàn trưởng trung đoàn 677, sư đoàn 346 Hoàng Quốc Doanh - > khi cả hai đều đã là những ông già.

Huân chương - danh hiệu, có hay không, bây giờ cũng đã thành hư vô.

02.jpg


3/ Các bạn bè của Tuan Bim, nguyên là lính cùng trung đoàn 677 với cụ Hoàng Quốc Doanh. Tên của từng người, có trong hình ảnh.

03.jpg


4/ Chợ Sóc Giang sau chiến tranh.

04.jpg


NOTE:
Ký ức chiến tranh của Bảo sẽ tạm dừng ở đây.

Xin được thay Bảo, để có lời cảm ơn các cụ, những người đã đọc đến những dòng này, và đã nhớ về cuộc chiến tranh 10 năm đánh quân Trung Quốc xâm lăng, để bảo vệ biên cương Bắc ải của đất Việt.
Cảm ơn các cụ, và mong các cụ, thỉnh thoảng nhớ đến, toàn thể các chiến sỹ, tất cả những ai, đã đứng trong đội ngũ lính Cụ Hồ, trong cuộc chiến 10 năm đánh Trung Quốc quân thù.

Sau này, có thể, TB nhà cháu, sẽ biên đôi dòng về cuộc đời sau chiến tranh của Bảo, ở một dịp nào đấy.
 

Baoleo

Xe tăng
Biển số
OF-320235
Ngày cấp bằng
19/5/14
Số km
1,852
Động cơ
363,765 Mã lực
THÁNG 2 – MÙA HOA ĐÀO

Bây giờ là tháng 2 năm Nhâm Dần 2022.
Tháng 2 dương lịch, thường là tháng Tết, tháng có hoa đào và bánh chưng xanh.
Tháng 2 dương lịch đến, tháng của các đôi tình nhân, với hoa hồng đỏ, được bọc gói trong giấy mầu xanh.
Nhưng tháng 2 đến, kể từ khi đeo quân hàm thiếu úy vào năm 1979, Baoleo/Tuan Bim tôi, chỉ luôn nhớ đến hình ảnh ‘hoa đào vương trên báng súng’, đến cuộc chiến tháng 2 năm 1979 đánh Trung Quốc quân thù, đến dòng máu đỏ của người lính-ẩn dấu trong bộ quân phục xanh mầu lá rừng.
Trong cuộc chiến đấu đánh quân thù Trung Quốc ấy, cũng có những tình yêu rất đẹp, cháy hết mình vì nhau.

Đồng đội Trọng Bảo (nguyên ‘đài trưởng’ điện đài sóng cực ngắn 884, tiểu đoàn 3, trung đoàn 246, sư đoàn 346) ở trong ‘Ký ức Cao Bằng tháng 2/1979’, đã kể rằng:
-“Trước khi chiến tranh đánh quân Trung Quốc nổ ra, tại tiền duyên mặt trận, có một nữ chiến sĩ thông tin yêu một anh lính công binh.
Ngày 16-2 -1979, họ gặp nhau bên bờ suối. Họ đều có linh cảm một cuộc chiến tranh tàn khốc sắp nổ ra. Trong lúc chia tay cô gái đã cầm bàn tay anh lính công binh đặt lên ngực mình. Chàng lính trẻ lần đầu tiên trong đời biết thế nào là bầu vú thanh tân của người con gái. Sau phút bàng hoàng run rẩy chàng lính trẻ muốn lấn tới. Nhưng đó lại là ngày cô gái thấy tháng. Vì thế mà cô gái đã hẹn: - Ngày mai em sẽ tìm anh!
Cái ngày mai ấy cô gái - người nữ chiến sĩ thông tin sẽ trao cho anh tất cả. Nhưng ngày mai ấy cuộc chiến tranh biên giới đã nổ ra. Chàng lính công binh và cô gái đều đã hi sinh”.
Họ đã để lại một tình yêu, một lời hứa, một niềm ao ước mãi dở dang...
Nhưng Baoleo/TB tin rằng, ở trên bầu trời xanh thẳm, họ vẫn tìm và hiến dâng cho nhau.
-“Không có hương nhang, không có hoa, chắc là chỉ có những cành lá xanh cắm lên nấm đất ướt đẫm sương đêm ở nơi biên thùy xa xôi này. Họ đã nằm lại với mảnh đất nơi tuyến đầu đang cuồn cuộn lửa cháy ngút trời.
Những người lính ấy đã ngã xuống giữa một mùa Xuân.
Đó là một mùa Xuân lạnh lẽo, đau thương, cánh hoa đào rừng vương trên báng súng của những người lính trong một cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, không cân sức với quân xâm lược bành trướng tàn bạo để bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc thân yêu”.

NOTE:

-Hình 1 là:
Binh nhất, chiến sĩ Lý Mý Sùng thuộc đại đội 11, dân tộc H’Mông, quê ở Hà Giang đã bám trụ suốt các ngày 17 – 18 – 19/02/1979 ở mỏm 1, chốt cây đa thứ nhất, ở cửa khẩu Bình Mã.
Không nhận được lệnh rút lui, Lý Mý Sùng một mình một khẩu súng máy, dù không được tiếp tế, không thức ăn nước uống gì vẫn cứ trụ lại đến cùng chiến đấu đẩy lui nhiều đợt tấn công của quân địch, giữ vững trận địa suốt ngày 19-2. Đến tối, các chiến sĩ trinh sát phải băng qua làn lửa đạn bò lên kéo chân gọi Lý Mý Sùng mới biết để rút về phía sau theo đơn vị.

Lý Mí Sùng.jpg

-Hình 2 là:
Nguyên hạ sỹ Trọng Bảo, ‘đài trưởng’ điện đài sóng cực ngắn 884, tiểu đoàn 3, trung đoàn 246, sư đoàn 346 – tấm hình chụp đúng 25 năm, sau khi cuộc chiến tháng 2 năm 1979 kết thúc.

Trọng Bảo sau 25 năm.jpg
 
Chỉnh sửa cuối:
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top