Tháp pháo mũi.
(Chào mừng 50 năm, ngày Truyền thống (Đánh thắng trận đầu) của Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam: 02 & 05/08/1964 – 02 & 05/08/2014)
Câu chuyện này nhà cháu đã kể một lần ở những trang đầu tiên, nhưng hôm nay, đúng ngày giỗ của anh Hoàng, và nhà cháu cũng bổ xung thêm thông tin. Mặt khác, thiết tưởng, các tấm gương anh hùng liệt sỹ, thì nhắc mãi cũng rất nên làm. Nhưng nếu các thủ trưởng Mod, thấy phạm quy và xóa, thì nhà cháu cũng xin vâng.
- - -
Ngày đầu tiên đánh trả máy bay Mỹ tấn công miền Bắc – ngày 05 tháng 08 năm 1964 , hải quân Việt Nam có rất nhiều chiến sỹ hy sinh trong các cuộc đánh trả máy bay giặc.
Trong trận đầu đánh máy bay Mỹ đúng ngày này 50 năm trước đây, hải quân Việt Nam có hai tấm gương tiêu biểu là anh Đặng Đình Lống và anh Ngô Huy Hoàng, pháo thủ tháp pháo mũi 40 ly, trên hai tầu tuần tiễu 79 tấn khác nhau. Cả hai anh đều hy sinh trong trận này. Sau trận đánh, một trong hai anh, được đưa về an nghỉ ở Khe Chè, bên cạnh quân cảng Cái Lân, đất của đơn vị nhà cháu.
Năm 1984, quân chủng tổ chức quy tập lại mộ liệt sỹ, các anh được chuyển đi. Lúc này nhà cháu được tham dự nên xin kể lại một chút hồi ức về các anh.
Đặc biệt trong câu chuyện này, xin kể về anh Ngô Huy Hoàng.
Thưa các bác,
Những người, đã từng qua Hải quân, rồi về sống ở Hà Nội, thì nhiều lắm.
Nhưng, những người con: sinh ra, lớn lên, học trọn 10 năm phổ thông ở Hà Nội, rồi nhập ngũ vào quân chủng Hải quân, thì hiếm lắm bác ạ.
Từ khi thành lập quân chủng Hải quân của ta (năm 1955) đến nay, nhà cháu chửa thấy Bộ Quốc phòng tuyển tân binh Hải quân ở Hà Nội bao giờ cả.
Bởi thế cho nên, nhà cháu mới bẩu, lính Hà Nội gốc, mà nhập ngũ Hải quân, thì hiếm lắm.
Theo nhà cháu biết, lính Hải quân người Hà Nội, thì đâu như chỉ có anh Ngô Huy Hoàng, thêm vài người nữa, và….baoleo nhà cháu mà thôi.
Đến mức, thằng Bình, con của Phó Đô đốc – Tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái của nhà cháu, bạn học cùng với nhà cháu từ thủa mặc quần thủng đ.....ít, dến tận thi tốt nghiệp cấp 3, khi vào lính, cũng là về Viện Kỹ thuật Quân sự ở Nghĩa Đô, chứ không về Hải quân.
Cũng chính vì, những người con: sinh ra, lớn lên, học trọn 10 năm phổ thông ở Hà Nội, rồi nhập ngũ vào quân chủng Hải quân, qúa hiếm. Nên hôm nay, kỷ niệm 50 năm ‘Đánh thắng trận đầu’, người ta chỉ còn nhắc đến anh Phạm Đình Lống, bởi đồng hương Thanh Hóa đông lắm.
Còn anh Hoàng, do lính Hải quân là người Hà Nội ít quá, nên có khi chỉ còn có gia đình anh Hoàng và nhà cháu, là còn nhớ tới ngày anh đã hy sinh, cách đây 50 năm thôi.
Xin các bác, đặc biệt là các bác người Hà Nội, xin hãy đọc lại câu chuyện này, như một nén tâm hương, nhớ tới người liệt sỹ anh hùng, người con của thủ đô, anh Ngô Huy Hoàng.
Thôi, nhà cháu xin được bắt đầu câu chuyện.
Trước hết, xin nói qua một chút về tháp pháo mũi.
Đối với hải quân tất cả các nước và đối với tất cả các loại tầu chiến đấu, tháp pháo mũi hay còn gọi là tháp pháo 1, là tháp pháo có tầm quan trọng bậc nhất. Lý do là ở vị trí đó, pháo hạm có phạm vi xạ giới rộng nhất, gần đạt 360 độ (trừ việc quay nòng bắn vào đài chỉ huy). Vì thế, từ khẩu đội trưởng đến pháo thủ thành viên của tháp pháo mũi đều là những người ưu tú nhất của con tầu. Đại khái các bác cứ hình dung: thành viên tháp pháo mũi giống như lớp chọn trong nhà trường ấy. Đỉnh của đỉnh.
Cả anh Lống và anh Hoàng đều là pháo thủ của tháp pháo mũi, đủ biết là trong lúc bình thường, các anh cũng là những người xuất sắc, nói gì đến trong chiến đấu.
Vì nhà cháu và anh Hoàng đều là đồng hương Hà Nội phố, nên biết nhiều về anh Hoàng.
Anh Hoàng là con trai của Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, một trưởng lão trong làng kiến trúc sư từ thời Tây. Ông chính là người chịu trách nhiệm thiết kết và giám sát thi công Lễ đài Độc Lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945. Sau này, ông là Ủy viên Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước (hàm thứ trưởng). Nói như thế để thấy rằng: với vị thế của 1 gia đình dòng dõi, anh Hoàng hoàn toàn có thể nấp vào một chỗ nào đấy bình yên. Nhưng không, người con trai Hà Nội hào hoa ấy, đã tình nguyện vào Hải quân, mà lại vào vị trí của tháp pháo mũi.
Trận ngày 05/08/1964 diễn ra. Lúc đó, các tầu hải quân của ta còn đang neo trong quân cảng. Khi máy bay Mỹ đến, tầu của ta vừa bắn trả, vừa cơ động ra khỏi cửa Lục (phà Bãi Cháy bây giờ) để ra vịnh Hạ Long, nơi có vùng nước rộng hơn, để dễ cơ động.
Khi ra khỏi cửa Lục thì anh Hoàng đã bị thương rồi. Một mảnh bom cắm vào bụng làm ruột lòi ra. Anh Hoàng đã lột áo buộc ngang bụng, nghiến răng tiếp tục nạp đạn cho khẩu đội. Khi tầu ra đến vịnh, tầu anh Hoàng cùng 2 tầu 79 tấn khác hợp thành một biên đội bắn mãnh liệt. Lúc này, ba tầu 79 tấn của ta có số nòng pháo gần tương đương toàn bộ số nòng pháo cao xạ của mặt trận Điện Biên Phủ (ĐBP là 24 nòng 37 ly, còn 3 tầu là 18 nòng từ 20 đến 40 ly). Hỏa lực mạnh của hải quân làm phi công Mỹ khiếp vía, không dám coi thường, và bọn chúng đã tập chung hỏa lực, để đánh phá các tầu của ta.
Lúc này, anh Hoàng bị thương lần thứ hai. Một loạt đạn 20 ly của máy bay giặc đã bắn trúng tầu và anh Hoàng bị gẫy chân, khụy xuống. Nén đau, anh Hoàng đã tháo thắt lưng hải quân, tự buộc mình vào tháp pháo cho khỏi ngã, và ấn tiếp băng đạn cuối cùng cho đồng đội, rồi mới chịu gục xuống….
Năm 84, lúc bốc mộ anh Hoàng, đơn vị nhà cháu đã tìm thấy chiếc quân hiệu và chiếc khóa thắt lưng của anh Hoàng, vẫn còn sáng chói.
Nhà cháu đã đặt lại chiếc quân hiệu vào chỗ nằm mới của anh, hy vọng ngôi sao sáng ấy, sẽ tiếp tục dẫn đường cho anh. Còn chiếc khóa thắt lưng, cũng có ngôi sao, nhưng được khắc chìm vào mặt khóa, nhà cháu giữ lại. Định bụng sẽ mang về, tìm cái dây thắt lưng nào vừa, sẽ thay vào để dùng nó. Hơi sến một tý nhưng lúc đó nhà cháu coi anh Hoàng là thần tượng và muốn học theo anh.
Tiếc rằng thắt lưng của thời anh Hoàng to bản hơn thời của nhà cháu, nên không dùng được. Sau này, khi nhà cháu ra quân, nhà cháu đã tặng lại cho cậu Vang-trưởng ban chính trị.
Hy vọng, đơn vị nhà cháu vẫn còn kỷ vật này.