Em lượm được bài này từ fb Chung Nguyen
Viết về Bác - một góc nhìn khác mà có lẽ nhiều người trong chúng ta chưa thấy hết được ạ. Mời các cụ thẩm ạ.
------
Trung Việt chi giao - Di sản vĩ đại của Cụ Cả.
Nhân tang lễ của một chính khách thiên tài hiếm có trong lịch sử, thì ngoài việc nói về nhân cách, quá trình cống hiến tới hơi thở cuối cùng, ta cũng cần bàn về tầm nhìn chính trị quốc tế vô cùng chuẩn xác của Cụ, khi đã khéo léo xử lý mối quan hệ ngoại giao giữa các siêu cường, đặc biệt là mối quan hệ với Trung Hoa, để đem lại vô vàn lợi ích cũng như sự đảm bảo an ninh quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế những năm qua. Điều này có ý nghĩa lớn hơn tất cả các FTAs mà chúng ta ký từ trước tới nay đem cộng lại và nhân với mười lần.
Trái ngược với các chính khách truyền thống, những người được đào tạo bằng phương pháp chính trị thủ đoạn của tầng lớp tinh hoa, luôn luôn lợi dụng các thăng trầm trong bang giao quốc tế để xử lý vấn đề đối nội, mà dễ thấy nhất, là lãnh đạo các cường quốc thường dùng xung đột, thậm chí chiến tranh để đẩy mâu thuẫn nội bộ ra bên ngoài, hoặc tranh thủ nó để thanh trừng đối thủ chính trị. Cụ Cả đã đi theo một con đường khác hoàn toàn, chậm rãi nhưng chắc chắn, đó là tập trung vào đối nội, làm trong sạch hệ thống và xây dựng nền chính trị hình mẫu trước, rồi tự nó sẽ trở thành sức mạnh ngoại giao về sau.
Trong thời kỳ lãnh đạo của mình, Cụ Cả đã từng bước lấy lại được niềm tin của người dân vào Đảng một cách hoàn toàn tự nguyện, và đặc biệt hơn cả, nhóm người tin tưởng thần tượng Cụ nhất, lại chính là thế hệ trẻ được tiếp xúc rộng rãi với thông tin. Về mặt cá nhân, Cụ được sự yêu mến và tin tưởng của quảng đại quần chúng, về mặt quốc tế, vị thế đất nước được nâng cao nhờ một nền nội chính cực kỳ sạch sẽ và hiệu quả, cùng chính sách ngoại giao nhất quán, không lật lọng. Thay vì phải đi la liếm để kết thân, các cường quốc đã lần lượt chủ động bay sang tận nơi, xếp lốt để chờ được giao hảo.
Mối quan hệ từng nhạy cảm nhất, nhưng nay lại trở nên thân thiết và thực chất nhất, chính là quan hệ Việt - Trung. Những tranh chấp lãnh hải đã từng một thời khiến nhiều người tin rằng không thể xử lý, thì hiện nay đều đã êm đẹp và không còn gây ảnh hưởng tới các hợp tác song phương khác. Điều này giống như trong gia đình thôi, khi có cãi nhau với hàng xóm, bọn trẻ thường xắn tay lên muốn khô máu, nhưng chỉ cần có người lớn đứng ra nói khó, thì mọi chuyện lại êm đẹp bình thường. Vấn đề ở chỗ, người lớn đó có đủ uy tín và ân đức hay không. Rất may, thời đại đã trao cho đất nước chúng ta một con người như vậy, và nó đã mở ra một thời kỳ hàng chục năm ổn định chưa từng có bất chấp các biến động lớn trên toàn thế giới.
Cụ Cả thực sự đã có được sự nể trọng cá nhân của Tập Cận Bình, điều này thể hiện ở khuôn mặt, cử chỉ, thái độ và từ những chi tiết nhỏ nhất của ông Tập mỗi khi tiếp đón Cụ, vì ở vị trí của mình, ông Tập không cần diễn hay nịnh nọt bất kỳ ai cả. Trong lễ viếng, người đàn ông quyền lực nhất thế giới cùng toàn bộ nội các gồm những nhân vật hàng đầu Bộ Chính Trị Trung Quốc, đã phải cúi đầu ba lần trước di ảnh của Cụ - một nghi thức chưa từng có trong ngoại giao của nước Trung Quốc hiện đại, cũng như trong lịch sử của nền văn minh Trung Hoa, vì với Thiên Tử, nó là hành động thành kính có lẽ chỉ thua với cha mẹ, mà thôi.
Không chỉ dừng lại ở đó, người được Tập Cận Bình cử sang điếu tang Cụ chính là nhân vật kiệt xuất Vương Hỗ Ninh - chủ tịch Chính Hiệp - một chức danh không có ở nước ta, và là nhân vật số 3 của Bộ Chính Trị. Ninh người gốc Sơn Đông, hậu duệ của Thanh Hà Vũ Hầu Vương Mãnh, là công thần ba đời, được coi là trí nang của Trung Nam Hải, tác giả của cả 3 học thuyết phát triển của Trung Hoa hiện đại được tiếp nhận bởi ba lãnh đạo liên tiếp là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình. Nếu Dân là Tề Hoàn, thì Ninh chính là Quản Trọng, nếu Đào là Thủy Hoàng, thì Ninh đáng làm Lý Tư, nếu Tập Đế là Tào Công, thì Ninh xếp cùng với Quách Gia, Trình Dục. Nếu Trung Quốc ngày nay là một ngôi nhà, thì người vừa thiết kế cho tới giám sát thi công, chính là Ninh vậy.
Việc Tập Cận Bình hành lễ ở mức trọng thị nhất, cũng như việc Vương Hỗ Ninh được cử sang điếu tang, tương đương với việc Trung Hoa thừa nhận trong hệ thống XHCN thế kỷ 21, cũng như với các quốc gia đang phát triển, Cụ Cả đóng vai trò là bậc tiền bối hàng đầu, một biểu tượng để các lãnh đạo khác kính trọng và noi theo. Việc đồng nhất hình ảnh cá nhân của Cụ Cả với đất nước, chính là sự khéo léo trong ngoại giao để nâng tầm quốc gia, vì dù các nước có bất đồng trong vấn đề gì chăng nữa, thì khi nhắc tới nhân cách, đạo đức và sự nghiệp của Cụ, chẳng thể tìm được bất kỳ lời gì để chê trách cả.
Có lẽ, khi đánh giá tầm cao của một đời người, chẳng cần phải xuýt xoa công nghiệp lừng lẫy ra sao, mà chỉ cần xem những cái cúi đầu thành kính trong tang lễ, là của những người nào, mà thôi.