Nửa năm trong Sài Gòn của em cứ trôi đi như vậy, có đêm ngủ ngon, có đêm có "khách" vào chơi. Riết, em cũng quen, và cũng chẳng thắc mắc với ai. Chỉ đến một ngày, do tình cờ mà em mới lần ra được cơn cớ và hiểu rõ hơn về mảnh đất em ở.
Bữa đó, nhằm ngày Chúa Nhựt, như thường lệ, em vẫn ở lại cơ quan, đọc sách, nghe nhạc. Bống có điện thoại của ông chú, hỏi địa chỉ và muốn tới thăm, tiện mang cho em mấy chiếc bánh Trung Thu do bà cô làm, để em có chút hương vị Bắc, đỡ tủi nơi đất khách. Một lát sau, thấy bảo vệ điện lên nói em xuống đón người quen tới thăm.
Vừa bước vào trong sảnh lễ tân dưới tầng 1, chú nói ngay:"Chú biết khu này. Cháu ở bấy lâu vẫn ổn chứ?" Em cũng thành thật kể lại những gì trải qua ở đây. Nghe xong chú bảo: "Con dọn về ở với cô chú, ở vậy kỳ quá." Nhưng tính em vốn ngại làm phiền người khác, nên dứt khoát không chịu dọn về nhà cô chú, chỉ xin chú nói kỹ về khu đất nơi em ở, ít nhất mình còn biết mình đang ở trên cái gì, ngoài mình ra, còn những ai, họ là người thế nào?
Yên lặng một lát, chú nói chậm rãi với cái giọng nửa hồi tưởng, nửa tiếc nuối: "Nền đất nơi con đang ở, vài chục năm trước chính là CLB Không quân của chế độ cũ. Nơi đây từng là tụ điểm sôi động hằng đêm. Ở đây thường xuyên có party, có tạp kỹ... Những gì thuộc về thời thượng nhất của Sài Gòn thuở ấy, đều tập trung ở đây. Xe hơi đời mới, đầm tân thời, kiểu tóc modern, những tay lính chiến hào hoa với lối ăn vận bụi bặm như tài tử xi-nê đã trở thành hình mẫu của đám thanh niên thời đó... tất cả đều xuất phát từ nơi này. Làm gì có lính nào hào hoa, lịch thiệp hơn cánh phi công? Cũng chính tài năng của Sĩ Phú được phát hiện, nảy nở và thăng hoa ở đây. Chỗ này, nó cũng gắn với một thời tuổi trẻ của chú. Cho đến giờ, chú vẫn nhớ như in những buổi chiều hẹn hò với đám bạn phi công (chú không phải là lính), chỉ mong trời mau tối để đóng bộ, xức nước hoa, chải đầu bóng rồi cưỡi chiếc Vespa tới CLB, hòa mình vào không khí tiệc tùng, nghe nhạc tình, trò chuyện về cuốn Buồn ơi chào mi, hay tranh luận về trường phái hiện sinh..." Phải nói, hồi ấy họ sống văn minh thật
Nghỉ một lát, chú kể tiếp:"Nhưng rồi tới hồi 75, nơi đây lại thành một trong những chiến trường khốc liệt nhất. Nằm sát bên này là kho chứa vũ khí, kéo xuống dưới kia một chút là sân bay. Bao nhiêu pháo kích, bao nhiêu đạn tăng, bao nhiêu đạn cối đều dồn cả vào đây. Nồi da xáo thịt. Đây là tử địa. Không biết bao nhiêu người bỏ mạng ở cái ngã ba này. Binh lính 2 bên, rồi cả dân thường không kịp chạy, cả người ta lẫn người tây, chết vì tên rơi, đạn lạc... Sau này, chẳng riêng gì nơi chú cháu mình đang ngồi, mà trong vòng bán kính cả vài ba cây số quanh đây, hầu như nhà nào muốn yên cũng phải mời thầy. Cũng còn tùy vận số, phúc đức từng nhà mà họ được yên tới đâu. Nhưng dân ở riết rồi cũng quen con ạ."
Cùng một mảnh đất, nhưng ở các thời điểm khác nhau, lúc hoan lạc, khi bi ai. Có lẽ không chỉ các vong chết trận chưa siêu thoát, mà cả những vong luyến tiếc một quãng đời đẹp, ở một không gian đẹp tràn đầy không khí tiệc tùng quyến rũ cũng không dứt khỏi nơi này.