Bản gốc bức thư cụ Nguyễn Hoàng gửi cho Tokugawa Ieyasu ( chữ Hán: 徳川 家康 Đức Xuyên Gia Khang), năm 1601, lúc này là người mở đầu chế độ Mạc Phủ của Nhật Bản, giống y như chúa Trịnh ở Vn.
Cần nói rõ thêm là khi viết thư này, năm 1593, cụ Nguyễn Hoàng đang ở ngoài Bắc,ra yết kiến vua Lê, đồng thời dâng nộp bản đồ những vùng đất đã khai phá thêm, thời điểm trong thư là năm Hoằng Định thứ 2, 1601, nhưng trong thư cụ có nói:
“Tôi ở Đông Kinh nghe được tin ấy, thương tiếc khôn xiết. Năm trước ta vâng mệnh triều đình, lại về trấn lớn ( nguyên văn:大鎮 Đại Trấn, tức vùng Thuận-Quảng), thấy Hiển Quý (Kenki) vẫn còn ở nước tôi”
( Đông Kinh tức là Thăng Long, tên gọi ngày ấy).
Trong bức thư này, cụ Nguyễn Hoàng xưng là: 安南國天下統兵都元帥瑞國公 An Nam Thiên hạ thống binh Đô Nguyên súy Thụy quốc công
Tạm dịch:
Nay nhiều lần đội ơn Gia Khang công có ý tốt đã sai Bạch Tân Hiển Quý (tên Nhật : Shirahama Kenki) mang thuyền tới buôn- bán, thông- thương kết hiếu, lại đội ơn ban cho thư trát, đó là việc qua lại với quan Đô đường trước kia. Nay tôi vừa giữ chức Đô thống Nguyên soái, muốn theo việc trước hai nước giao thông, không may đến tháng 4 năm trước Hiển Quý đỗ thuyền ở cửa biển Thuận Hóa bị sóng gió làm hỏng thuyền, không nơi nương tựa. Quan Đại Đô đường ở Thuận Hóa không biết Hiển Quý là thương nhân lương- thiện, tranh cãi với người trên thuyền, không ngờ quan Đô đường lỡ việc qua đời, các tướng súy đem quân báo oán, vả lại ngày ngày đều muốn giết chết Hiển Quý. Tôi ở Đông Kinh nghe được tin ấy, thương tiếc khôn- xiết. Năm trước ta vâng mệnh triều đình, lại về trấn lớn, thấy Hiển Quý vẫn còn ở nước tôi, tôi vốn muốn phát thuyền đưa về, nhưng tiết trời chưa thuận nên kéo dài đến hôm nay. May thấy thương thuyền của quý quốc lại tới, Hiển Quý am- hiểu mọi việc, tôi đều ưng ý. Nên kính cẩn chuẩn bị lễ bạc, tạm biểu lộ ý mọn, ngõ hầu nhận cho. Ngoài ra còn có một phong thư riêng, làm phiền dâng lên thượng vị. Sau này Hiển Quý về nước, hai nước kết làm anh em, hợp đạo trời đất. Nếu thật như thế, xin giúp cho quân khí như thuốc súng, sơn cùng khí giới để dùng vào việc nước, thì tôi vô cùng cảm tạ ơn đức, ngày sau sẽ cố sức báo ơn, hết lòng chúc tụng.
Nay thư.
Ngày 5 tháng 5 năm Hoằng Định thứ 2 ( năm 1601, năm Khánh Trường thứ 6 của Nhật Bản)
Ngoài ra còn có bảng kê riêng 5 món tặng vật
1.Kỳ nam hương một phiến (ba cân mười lượng).
2. Lụa mịn trắng ba tấm.
3. Mật trắng mười hũ.
4. Gỗ lôi (檑木)một trăm súc.
5. Chim công năm con.
Có lẽ đây là thư giải -quyết vụ việc rắc- rối gây ra án mạng giữa đội tàu buôn của Shirahama Kenki và Đàng Trong, nguyên do là đội tàu buôn này vừa đi buôn kiêm cướp biển, bị bão và hỏng thuyền, dạt vào cửa biển Thuận Hóa, xảy ra cãi vã và nhóm thủy thủ Nhật đã giết chết viên quan gọi là Đô đường của Đàng Trong. Thời điểm này cụ Nguyễn Hoàng đang ở Đàng Ngoài, tức khoảng từ 1593-1599.
Đáp lại sự việc này, Tokugawa Ieyasu có thư như sau:
Vua Nhật coi mình cửa trên Nguyễn Hoàng nên xưng: 神君復賜安南國大都統瑞國公御書: Thần quân phục tứ An Nam quốc đại đô thống Thụy quốc công ngự thư ( Thư của Vua thần ban cho An Nam quốc đại đô thống Thụy quốc công)
Minamoto Ieyasu nước Nhật Bản trả lời An Nam Thống binh Nguyên súy Thụy quốc công( 安南國統兵元帥瑞國).
Thư tín tới tay, đọc đi đọc lại mấy lần. Thương thuyền đi từ Nagasaki ( chữ Hán: 長岐) nước Nhật đến đất ấy gặp gió ngược đắm thuyền, bị hung đồ giết chết, người trong nước nên răn bảo nhau. Đến nay túc hạ vỗ- về nuôi nấng người trên thuyền, nhân từ ơn -huệ rất sâu. Những sản vật hiếm của quý quốc đã theo mục lục thu- nhận, phàm vật vì là từ xa tới ít thấy nên quý. Nay nước tôi bốn bên vô- sự, các xứ thanh- bình. Thương nhân tới lui buôn bán dưới biển trên bờ không thể gặp chính sự bạo- ngược, xin cứ an -tâm. Ngày sau thuyền của nước tôi tới đất ấy, cứ lấy dấu ấn trên thư này làm chứng cứ,những thuyền không có dấu ấn thì không nên cho buôn bán. Binh khí của tệ bang gửi tặng, quả thật là lông ngỗng từ ngàn dặm. Đang lúc tháng 10, xin giữ gìn trân- trọng.
Ngày tháng Tiểu Xuân năm Tân Sửu Khánh Trường thứ 6 (1601)