NHÂN PHẨM VÀ SỰ LỰA CHỌN.
Cách đây chưa lâu, cả đất nước Hàn Quốc rúng động vì xảy ra vụ 2 mẹ con người Bắc Hàn tị nạn chết đói tại nhà họ, ngay giữa thủ đô Seoul hoa lệ. Khám nghiệm hiện trường sau đó cho thấy, thảm cảnh thật đau lòng: Người mẹ chết đói trước, cháu bé loanh quanh bên xác mẹ một thời gian sau đó cũng chết đói theo. Hai mẹ con đáng thương chỉ được phát hiện khá lâu sau đó
Vụ chết đói hiếm hoi này như cú tát vào bộ mặt nhân phẩm của thế giới hiện đại: giầu có nhưng vô tình - nghiệt ngã tới mức tàn độc
Cũng rất gần đây, khi dịch cúm Covid19 đang tàn phá thế giới, đã xảy ra nhiều vụ đau lòng: Một quan chức TQ mất chức vì để xảy ra vụ người con tàn tật chết đói vì bố mẹ bị đưa đi cách ly cưỡng chế. Một gia đình nghèo tại Ấn Độ đã tự tử chết hết cả nhà vì đói khát và túng quẫn.
Tất cả các trường hợp trên đều không có cơ hội thứ 2, đều mà chúng ta thường có, để lựa chọn.
Khi thảm họa diễn biến ở mức độ toàn cầu, đi kèm là các lệnh cấm túc, thiết quân luật, cách ly cục bộ hay giãn cách xã hội, thậm chí cách ly xã hội cả 1 quốc gia…khắp nơi nâng mức báo động liên tục và gay gắt, thì các thành phần yếm thế trong xã hội càng dễ bị tổn thương, các bi kịch đau lòng càng dễ xảy ra.
…
Gần đây, dân cư mạng đua nhau up ảnh và nhục mạ 1 số trường hợp người dân đi xe máy, ăn mặc có vẻ tươm tất cũng dừng xe vào lấy hàng cứu trợ. Những người như vậy chiếm con số rất ít. Một câu hỏi được đưa ra trong sự hoang mang cao độ, rằng, những người này có thật sự cần được cứu giúp không?
Thật khó nói, nhưng hình thức bên ngoài không thể khẳng định những người đó không đáng được cứu trợ khẩn cấp. Vẻ ngoài tươm tất và đi xe máy tay ga, nhưng rất có thể, họ thực sự đã ở hoàn cảnh khốn cùng, cực chẳng đã. Họ có phẩm giá của họ và họ đã lựa chọn làm việc đó, để vượt qua khó khăn.
Quan điểm cá nhân của Huyart đã làm từ thiện thì không sân si, không nên khe khắt và cực đoan kiểu đó. Còn nếu vẫn kỳ thị theo tư duy chủ quan và tâm lý bầy đàn như vậy, thì đừng làm từ thiện làm gì. Từ thiện, lúc đó, đã trở thành làm màu
Hình ảnh minh họa sinh động cho những hoàn cảnh khó khăn, bị đứt bữa, bị đói theo nghĩa đen trong cơn bão cách ly xã hội ở Việt Nam hiện nay, chính là hình ảnh một thầy giáo dạy TA, người nước ngoài, phải cầm bảng xin ăn bên lề đường, gây rúng động mấy hôm nay.
Ông sang VN dạy học từ những năm 2000, sau đó về nước và mới quay trở lại từ năm 2015. Việt Nam, có vẻ như là quê hương thứ 2, khi ông lựa chọn nơi này để kiếm sống và gắn bó lâu dài. Ông hoàn toàn có quyền lựa chọn ở lại VN, trong cơn bão dịch cúm toàn cầu này.
Điều đáng tiếc duy nhất, ông không có người thân tại VN, nhà ở thuê, thu nhập chỉ đủ chi tiêu, các mối quan hệ cá nhân trong phạm vi rất hẹp, đã trở thành vô hiệu hóa trong lệnh cách ly hiện tại. Khi ông mất việc, kèm theo là mất thu nhập hoàn toàn. Ông lập tức phải đối mặt với vô vàn nguy cơ, mà hiện hữu nhất là bị đói. Chưa tính tới việc có thể bị kỳ thị vì là người nước ngoài(chỉ trong giai đoạn nhạy cảm này) với bao nhiêu hệ lụy kèm theo.
Quan điểm xin cứu trợ từ xã hội của người Âu khác người Á. Khi thực sự gặp khó khăn, họ sẵn sàng cầm bảng cầu xin giúp đỡ, coi đó là hành vi bình thường và lương thiện, không vi phạm pháp luật, hay trái với luân thường đạo lý. Lác đác cũng có trường hợp cầm bảng với dụng ý lên tiếng đánh động về 1 thực trạng bất thường nào đó, nhưng không nhiều. Văn hóa Âu Mỹ sinh ra hoàn cảnh ngược đời so với quan niệm người Á: Ông bố ăn xin để mua chất gây nghiện thì được cho tiền. Ông bố mang con ra để ăn xin thì không những không được cho xu nào mà còn bị người dân báo cảnh sát bắt giữ vì tội ngược đãi trẻ em…
MXH ồn ào, không chỉ bởi đây là trường hợp đầu tiên cầu xin chống đói ngoài đường phố. Càng bất ngờ là từ một người nước ngoài, một người có ngoại hình trí thức, làm một nghề được coi là nghề cao quý và được quý trọng tại VN – nghề thầy giáo. Nhưng tất cả mọi yếu tố “bất ngờ” đó, tựu chung lại, càng chứng tỏ một điều rằng, khi có biến và ở một hoàn cảnh thực sự ngặt nghèo, thì bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Dân gian ta có 1 câu vè hý lộng nhưng cũng khá thấm ”Ăn mày là ai? Ăn mày là ta, đói cơm rách áo hóa ra ăn mày…”
Dù MXH VN bị phân cực, cãi nhau như mổ bò, may thay, phần lớn có cái nhìn bao dung, chia sẻ với thầy giáo người nước ngoài. Ngay lập tức, rất nhiều người gửi tiền ủng hộ ông. Và với phẩm chất lương thiện cùng phẩm giá con người chân chính, y như hành động dũng cảm khi ông cầm bảng xin ăn bên đường. Ông chỉ nhận vừa đủ, nhường lại tiền mọi người ủng hộ cho các trường hợp khó khăn khác.
Người thầy giáo già có thân hình gày guộc, y như ông giáo làng nào đó ở VN. Đã chứng minh được phẩm giá lương thiện và sự lựa chọn tuy nghiệt ngã nhưng hiệu quả, lại dạy được bài học nào đó cho nhân tình thế thái của cuộc sống kim tiền ngày nay.
Nhất quyết chịu chết đói chứ không cầu xin trợ giúp từ xã hội của người mẹ Bắc Hàn cũng là một loại phẩm giá, một sự lựa chọn(dù quá cực đoan). Sẵn sàng cầm bảng xin ăn xuống đường phát tín hiệu cần trợ giúp của thày giáo già người Anh cũng là một thứ nhân phẩm, một sự lựa chọn. Những cá nhân chường mặt ra lấy đồ cứu trợ ven đường, chấp nhận ra đường với nhiều nguy cơ, phải xếp hàng giãn cách như chơi cờ người, để lấy 1 suất quà, 1 túi gạo 1,5 kg, chịu cảnh người ta dí điện thoại vào mặt soi từng hành động cũng là một loại phẩm giá, một sự lựa chọn cần được tôn trọng.
Và cách các bạn tỏ thái độ bao dung, cái nhìn tích cực hay thái độ hằn học, cái nhìn tiêu cực, với các câu chuyện này cũng là một loại phẩm giá, một cách lựa chọn, của riêng mỗi người…
Nghĩ nhẹ, sống nhẹ cho trái đất đỡ nặng vòng quay, vượt qua giai đoạn khó khăn này, cùng nhau…