Biên phòng kể chuyện đẩy đuổi tàu Trung Quốc xâm phạm
(Tin tức thời sự) - Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cho biết, tàu quân sự Trung Quốc xua đuổi tàu cá Việt Nam, còn tàu cá Trung Quốc thường xuyên xâm nhập đánh bắt trộm tài nguyên ngư trường trong lãnh hải Việt Nam.
Trung Quốc thường xuyên xâm nhập trái phép lãnh hải Việt Nam
Ngày 8/1, tại Hội nghị tổng kết công tác biên phòng và xây dựng lực lượng năm 2013, Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cho biết phía Trung Quốc trong thời gian qua đã đẩy mạnh hoạt động xua đuổi tàu cá của ngư dân Việt Nam gần ngư trường Hoàng Sa.
Đáng chú ý, từ ngày 22 đến 28/5/2013, các tàu quân sự của Trung Quốc liên tục xua ép tàu cá ngư dân Việt Nam.
Song song với các hoạt động của tàu quân sự, tàu cá Trung Quốc cũng thường xuyên xâm phạm vùng biển Việt Nam để đánh bắt trộm.
Trong năm 2013, lực lượng Biên phòng Đà Nẵng đã phát hiện 516 lượt tàu cá Trung Quốc vi phạm lãnh hải Việt Nam ở khu vực đông bắc Đà Nẵng, tăng 223 lượt so với năm 2012.
Tàu Trung Quốc bắn cháy cabin của ngư dân Việt Nam (Ảnh: NLĐ)
Theo Đại tá Dương Đề Dũng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng Đà Nẵng, các hoạt động đánh bắt trộm thường được tổ chức dưới hình thức đội tàu đông đảo từ 25 – 32 chiếc, đặc biệt có nhiều tốp còn có sự hỗ trợ của tàu vũ trang giả dạng, tàu vận tải, tàu cung ứng, do đó rất táo tợn khi xâm nhập sâu vào lãnh hải nước ta.
Tàu cá Trung Quốc xâm nhập chủ yếu vào thời điểm khi ngư dân của ta rút đi thì họ lấn tới, hoặc khi không có sự tuần tra của các lực lượng biên phòng thì tranh thủ vơ vét.
Trưởng ban tuyên huấn Bộ Chỉ huy Biên phòng Đà Nẵng, Đại tá Hà Văn Thoong chia sẻ: “Ví dụ như những thời điểm biển động, hoặc gió mùa, ngư dân ta giãn đi, họ lựa thời điểm đó thì lấn vào. Ngoài ra, ban ngày những tốp tàu này ra xa, còn ban đêm thì xâm nhập vào gần”.
Kiên quyết bảo vệ chủ quyền
Theo chia sẻ của ông Hà Văn Thoong với báo Đất Việt, khi gặp những trường hợp xâm phạm lãnh hải đánh bắt trái phép của tàu Trung Quốc, ngay lập tức Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng phối hợp truy lùng, đẩy đuổi ra khỏi lãnh hải Việt Nam.
Đại tá Hà Văn Thoong cho biết: “Đa số các trường hợp này, Bộ đội Biên phòng tổ chức những cuộc vây ráp với nhiều tàu tuần tra, tiến hành kiểm tra và lập biên bản ngay tại chỗ và đẩy đuổi, giám sát tàu cá của họ ra khỏi lãnh hải của Việt Nam”.
Theo chia sẻ của ông Thoong, lực lượng mà Biên phòng Việt Nam sử dụng là những tàu tuần tra, kích thước tuy không lớn như các chiến hạm của hải quân nhưng lớn hơn tàu cá của ngư dân Việt Nam, các tàu đều được vũ trang đầy đủ và có các thiết bị giám sát, liên lạc. Trong các chuyến tuần tiễu, giám sát vùng biển chủ quyền, các tàu biên phòng thường đi thành biên đội từ 3 – 4 tàu trở lên.
Tàu cao tốc của bộ đội biên phòng ra quân tuần tra lãnh hải
“Quan điểm của Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cũng như quan điểm ngoại giao của Việt Nam là thực hiện chủ trương đối sách thân thiện, hữu nghị. Chúng ta cũng không gây căng thẳng để dẫn đến những tình huống va chạm, xung đột đáng tiếc. Chúng ta mềm dẻo nhưng kiên quyết, không để họ có thể tạo cớ gây hấn, làm phức tạp thêm tình hình”.
“Thực tế các hành động của họ chỉ mang tính lợi dụng lúc vắng mặt của ngư dân hay lực lượng tuần duyên thì tranh thủ vào đánh bắt. Có nhiều trường hợp vừa nhìn thấy bóng tàu của biên phòng, các tàu Trung Quốc đã chủ động rút đi trước khi kịp tiếp cận” – ông Thoong chia sẻ thêm.
Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đã có những chương trình phối hợp cùng ngư dân rất hiệu quả. Trong nhiều chuyến đánh bắt xa bờ, các lực lượng tuần duyên cũng tiến hành hộ tống, hỗ trợ ngư dân. Các thuyền cá của Việt Nam đều được trang bị khả năng liên lạc với biên phòng, mỗi khi phát hiện tàu nước ngoài xâm nhập sẽ có liên lạc về các cơ quan có trách nhiệm.
Đồng thời, Biên phòng Đà Nẵng còn có chế độ khen thưởng những thuyền cá, ngư dân tích cực hợp tác với biên phòng trong việc bảo vệ chủ quyền.
“Hiện tại, quân và dân đang có những sự phối hợp chặt chẽ để kiên quyết bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước” – Đại tá Hà Văn Thoong khẳng định.
Minh Tuệ