Đại tá Nguyễn Hồ, nguyên phụ trách Phòng Hậu cần Quân khu IX, người trực tiếp chỉ đạo khâu giấy tờ giả của Quân khu thời đó kể lại:
“Năm 1973, địch không làm số đuôi căn cước nữa. Thay vào đó là căn cước bằng nhựa rồng xanh, mộc nổi (con dấu nổi – ĐP). Kỹ thuật này bộ phận làm giấy tờ giả của chúng tôi chưa làm được. Nhưng chỉ mấy tháng sau, chúng tôi nhận được từ Quân khu loại giấy rồng xanh do Liên Xô làm cho, y hệt giấy thật..." (Đại tá Nguyễn Hồ. Đoàn vận tải công khai với việc vận chuyển vũ khí...)
Có giấy này, bộ phận hậu cần mới làm giấy tờ tùy thân cho từng người cụ thể, ghi tên, tuổi, quê quán, nghề nghiệp tương ứng với khuôn mặt, dáng vóc, giọng nói ... Để đảm bảo cho những cơ quan kiểm tra thuộc chính quyền Sài Gòn tin một cách tuyệt đối, bộ phận cấp giấy tờ giả phải hết sức chú ý tới sự tương ứng giữa hình dáng, giọng nói của người cầm giấy tờ với những nội dung ghi trên giấy.
Những người có dáng thương gia thì ghi là thương gia. Những người có dáng lao động, phục vụ thì ghi là thủy thủ, bồi bếp. Những người có dáng thư sinh thì ghi là nhà giáo. Những người nói giọng Bắc thì phải ghi ở những vùng có nhiều người Bắc di cư như Cái Sắn, Hố Nai... để khi cảnh sát, chính quyền Sài Gòn chất vấn, thấy nói giọng Bắc, nhìn trên giấy tờ, cư trú ở những vùng Bắc di cư, họ không nghi ngờ.
Ngoài giấy tờ cá nhân, còn có nhiều loại giấy chứng nhận giả khác cấp cho hàng hóa, thuyền ghe... Viết xong giấy thì đưa "xin" chữ ký của các quan chức đối phương, kể cả chữ ký của các cấp chính quyền Sài Gòn. Phải có những người có biệt tài giả mạo chữ ký. Khi thay một tỉnh trưởng, trên giấy tờ tùy thân có một loại chữ ký mới thì bộ phận này cũng phải có chữ ký tương tự trên các giấy tờ.