cụ phân tích kỹ quá, em thấy khá hợp lý
nãy cũng có 1 cụ (xin lỗi cụ ấy nhé, vì em ko nhớ tên hihi) là anh Vũ chỉ chiếm 1 phần kinh châu thôi chứ ko phải tất cả kinh châu
nhưng trong phim cụ La và các nhà làm phim thì cứ làm quá lên đổ hết tội lên đầu anh Vũ để nâng bi anh Lượng
em cũng có xem 1 số bài báo nói là anh Lượng biết là ko thể thắng đc ngụy nhưng vẫn phải đánh
- đánh để phòng thủ, gọi là phòng thủ từ xa đó cụ
- ra ngoài biên ải để tránh việc tranh giành triều chính ở thành đô với quan lại nước Thục cũ
...
Theo tôi thì ý kiến đó chỉ đúng một phần thôi:
- Đánh để phòng thủ, gọi là phòng thủ từ xa: Điều này chưa đúng, Gia Cát Lượng thật sự khao khát chinh phục Trung Nguyên. Mục tiêu của ông là tiêu diệt nhà Ngụy (theo từng bước, mà bước thứ nhất là đánh Lương Châu, hướng tới Trường An) và những áp lực từ triều đình nhà Thục Hán buộc ông phải xuất quân đánh Ngụy.
- Ra ngoài biên ải để tránh việc tranh giành triều chính ở thành đô với quan lại nước Thục cũ: Gia Cát Lượng đủ uy tín và thực lực để áp chế các quan lại của nước Thục cũ. Với tài năng và sự quyết đoán của mình ông đã giữ cho Thục Hán ổn định. Do đó nói ông phải lánh ra ngoài để tránh việc tranh giành là không chính xác. Tuy nhiên các chiến dịch ông mở có tác dụng hướng quốc gia tới kẻ thù bên ngoài để giảm mâu thuẫn trong nước.
Trở ngược lại thời điểm Lưu Bị bình định và thiết lập chính quyền ở Tây Xuyên, các thủ hạ của ông, theo xuất thân được chia làm 4 phái chính:
+ Phái bản địa, những người có nguồn gốc Tây Xuyên (như Bành Dạng, Tần Mật, Tiêu Chu, Trương Duệ, Trương Ngực,…). Phái này có căn cơ vững chắc, phát triển ổn định nhiều đời. Đối với họ ai làm chủ Ích Châu cũng như nhau, đều phải dựa vào thế lực của họ để thống trị. Do đó dù quân chủ là ai thì quyền lợi của họ cũng không thay đổi.
+ Phái Đông Châu: Khi Lưu Yên (bố Lưu Chương) vào Thục lúc này trong Thục có sẵn các thế tộc bản địa, để củng cố quyền lực ông ta thúc đẩy nhóm người theo mình hình thành phái Đông Châu để cân bằng với phái bản địa. Hai phe phái này tranh đấu, cộng thêm sự thiếu quyết đoán của Lưu Chương dẫn đến trong Thục mãi không ổn định, không phát triển được. Điều này dẫn tới phái Đông Châu dần yếu thế hơn (do thiếu căn cơ) và tìm đến Lưu Bị như cứu cánh.
+ Phái Kinh Châu, những người theo Lưu Bị khi Bị ở Kinh Châu như Gia Cát Lượng, Bàng Thống, Hoàng Trung, Ngụy Diên, Y Tịch, Mã Lương, Mã Tốc,… Họ có căn cơ và quyền lợi ở Kinh Châu. Việc theo giúp Lưu Bị chinh phạt thiên hạ là để mở rộng thêm quyền lợi của mình.
+ Phái Nguyên Lão, những người theo Lưu Bị trước khi tới Kinh Châu như Quan, Trương, Triệu, My Chúc, Tôn Càn,… Họ trung thành và theo Lưu Bị lưu lạc khắp nơi, họ mất hết các quyền lợi ở quê nhà nên họ là những người gắn bó mật thiết nhất (anh em kết nghĩa, anh em vợ, bạn học,…), ủng hộ nhất với Lưu Bị.
Ban đầu với những chiến thắng vang dội, lãnh thổ được mở rộng tạo ra các không gian phát triển nên tình hình Thục Hán rất ổn định. Phái Ích Châu và phái Kinh Châu vẫn được giữ lợi kinh tế, phái Đông Châu thì được gia tăng quyền lợi chính trị, Phái Nguyên Lão được gia tăng thêm các lợi ích về kinh tế và chính trị. Kỳ vọng về 1 Thục Hán có thể thống nhất thiên hạ đem lại nhiều hi vọng (với phái Ích Châu khi Thục Hán thống nhất thiên hạ thì phái Đông Châu, Kinh Châu, Nguyên Lão chắc chắn sẽ rời Thục và để lại miếng bánh cho họ; với 3 phái kia họ có thể có không gian phát triển).
Tuy nhiên sau các thất bại tại trận Tương Phàn và trận Di Lăng, Thục không những mất Kinh Châu mà còn mất gần 10 vạn quân tinh nhuệ (mất khả năng mở các chiến dịch trong thời gian dài), lãnh thổ Thục Hán chỉ còn lại Ích Châu; phái Kinh Châu mất hẳn các lợi ích kinh tế đã có tại Kinh Châu. Lúc này, Thục Hán trở thành miếng bánh quá nhỏ cho các phe cánh tồn tại. Điều này dẫn tới 3 phái Đông Châu, Kinh Châu, Nguyên Lão dần dần hội nhập với nhau, đối chọi với lợi ích của phái bản địa Ích Châu.
Vậy nên, Gia Cát Lượng một mặt phải áp chế phái Ích Châu (có căn cơ vững chắc nên nếu không áp chế chắc chắn sẽ dần trở nên áp đảo), một mặt tích cực Bắc Phạt mở ra không gian phát triển mới. Bằng cách hướng quốc gia tới kẻ thù bên ngoài là Tào Ngụy để giảm mâu thuẫn trong nước. Không chỉ Gia Cát Lượng, sau này Tưởng Uyển, Phí Y đều duy trì chính sách tương tự.
Vì sao phái Ích Châu cần phải bị áp chế? Điều dễ thấy là phái này không ủng hộ Bắc phạt và mang tâm lý dễ dàng đầu hàng Ngụy quốc (đại diện là Tiêu Chu, lúc Lưu Thiện đầu hàng đã biểu hiện rất rõ). Đối với họ thì hoàng đế họ Lưu hay họ nào cũng thế thôi. Nhất là nếu Ngụy chiếm được Thục chắc chắn sẽ vẫn phải ưu đãi thế tộc bản địa còn bọn 3 phái không gốc rễ kia lúc đó dễ dàng có thể đẩy đi. Nhân tài Ích Châu vốn đã không nhiều lại không thể sử dụng hoàn toàn.
Các phái bên ngoài như Đông Châu, Kinh Châu, Nguyên Lão đương nhiên sẽ ưu tiên bảo vệ Thục Hán hơn. Vì họ đã rời xa quê hương quá lâu, căn cơ đã mất, nếu Thục Hán mất thì họ sẽ hoàn toàn bị ghẻ lạnh. Tuy nhiên do không còn gốc rễ nên nhân tài của các phái này càng ngày càng ít ỏi. Dựa vào lượng nhân tài ít ỏi đó sao có thể chống đỡ nổi.
Do vậy, dù là Gia Cát Lượng tài năng thì khả năng Bắc phạt thành công là thấp và ngày càng thấp, các hoạt động quân sự diễn ra với quy mô ngày càng nhỏ hơn. Cảm giác chiến thắng ngày càng xa vời. Các lần xuất quân của Gia Cát Lượng trở nên giống như các cuộc quấy rối, xâm phạm biên giới hơn là chiến dịch tiêu diệt nhà Tào Ngụy