Đi du học thì được những gì ?
Nếu tạm thời bỏ qua yếu tố tài chính (học phí, sinh hoạt phí), thì một du học sinh sẽ được những gì khi đi du học.
1. Du học là cách tốt nhất để học một/nhiều ngôn ngữ : không có gì hiệu quả hơn việc học một/nhiều ngôn ngữ bằng cách sống tại quốc gia bản xứ. Du học sinh được bao quanh bởi một/nhiều ngôn ngữ mỗi ngày, được sử dụng những ngôn ngữ đó trong những tình huống chân thật nhất.
2. Tiếp thu những kiến thức chưa được giảng dạy trong môi trường đại học ở Việt Nam : du học sinh có cơ hội theo đuổi những ngành học chưa được giảng dạy tại các trường đại học trong nước.
3. Kế hoạch và tự lập : mọi việc từ nhỏ đến lớn ở nước ngoài đều phải lên kế hoạch, trong đó quan trọng nhất là tinh thần, kỷ luật để thực hiện đúng kế hoạch, đồng thời rèn luyện tính tự lập để thích nghi với những hoàn cảnh mới, những khác biệt về văn hóa. Tự biết chăm lo cho sức khoẻ của mình, tự nấu ăn hay sắp xếp công việc nhà, vừa học vừa làm thì phải làm thế nào để cân bằng được cả hai.
4. Chịu được áp lực : khác biệt về ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa, vừa học, vừa làm thêm, vừa thi cử v.v... những điều đó tạo nên áp lực hàng ngày, sẽ làm cho du học sinh dần dần mạnh mẽ lên.
5. Khám phá văn hóa, lịch sử bản địa và càng hiểu thêm về văn hóa, lịch sử quê hương : tôn trọng sự khác biệt được đề cao ở nước ngoài, mỗi cá nhân ở nước ngoài đều phản ánh những niềm tin, nhận thức, giá trị khác nhau, cách nhìn nhận về thế giới quan khác nhau v.v... và cá nhân nào cũng có những điều đáng để học hỏi. Những cá nhân đó tác động ngược lại du học sinh trong quá trình học hỏi hai chiều (họ cũng muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam), điều này vô hình trung làm du học sinh phải tự tìm hiểu sâu hơn về chính văn hóa, lịch sử của quê hương mình.
6. Phát triển các kỹ năng từ chính những trải nghiệm : với những quốc gia có diện tích lớn như Mỹ, Canada, Úc ... du học sinh sẽ có những trải nghiệm về địa lý mà khó có thể có được ở Việt Nam (là một nước có diện tích khá nhỏ). Đó là cơ hội để khám phá những điểm mạnh, những hạn chế, thúc đẩy bản thân phải tìm ra cách giải quyết vấn đề của chính mình.
7. Mở rộng tầm nhìn về thế giới : hiểu biết hơn về thế giới và không thành kiến về chủng tộc, văn hóa khác v.v...
8. Có chính kiến trong quan điểm, nhưng vẫn mềm mỏng trong việc thể hiện.
9. Mở rộng khả năng tìm việc làm : du học sinh có cơ hội tìm việc làm ở quốc gia theo học, ở Việt Nam, hoặc ở một quốc gia thứ ba (nghĩa là cơ hội việc làm rộng hơn nếu so với việc chính cá nhân đó không du học).
10. Social Network tốt hơn nếu so với việc chính cá nhân đó không du học (cháu xin sử dụng từ Social Network mà không dịch ra tiếng Việt là mạng xã hội, vì sợ hiểu lầm thành Facebook, Zalo ...)
Phản biện : không đi du học thì được những gì ?
1. Du học là cách tốt nhất để học một/nhiều ngôn ngữ, nhưng không đi du học vẫn có những cách tốt để học một/nhiều ngôn ngữ. Sự phát triển của đa phương tiện truyền thông ngày nay, hỗ trợ rất hiệu quả cho người học trong nhiều ngành nghề nói chung, ngôn ngữ nói riêng.
2. Một số ngành học với những kiến thức chưa được giảng dạy trong môi trường đại học ở Việt Nam, nhưng nếu nhu cầu của người học chỉ cần ở mức độ đại cương thì vẫn hoàn toàn có thể tra cứu những kiến thức đó trên internet.
3. Kế hoạch và tự lập : với sự giáo dục cẩn thận của gia đình, nhà trường, từ tấm bé đến lớn, và sự tự giác, nỗ lực của bản thân, một học sinh không du học, không cách biệt so với một du học sinh.
4. Chịu được áp lực : áp lực khi du học cũng không nhiều hơn áp lực của học sinh phổ thông Việt Nam.
5. Khám phá lịch sử, văn hóa quê hương và lịch sử, văn hóa các quốc gia khác : am hiểu lịch sử, văn hóa sẽ được khen ngợi, nhưng nếu không am hiểu thì cũng không ai chê cả (trừ khi cố "chém gió" tỏ vẻ am hiểu thì sẽ bị chê).
6. Phát triển các kỹ năng từ chính những trải nghiệm : du lịch, trải nghiệm ở nước ngoài ... không còn ở ngoài tầm với của người Việt, cho nên nếu không du học, vẫn có thể bổ sung bằng những chuyến đi nước ngoài ngắn ngày.
7. Mở rộng tầm nhìn về thế giới : với sự phát triển đa phương tiện truyền thông thì điều này không phải là một trở ngại gì ghê gớm (giống như trọng tài điều khiển trực tiếp trận đấu, nhưng vẫn cần đến trợ giúp của công nghệ VAR).
8. Có chính kiến trong quan điểm, nhưng vẫn mềm mỏng trong việc thể hiện : có thể tự tập luyện mà không nhất thiết phải đi du học.
9. Mở rộng khả năng tìm việc làm : khả năng tìm việc có thể thấp hơn du học sinh trụ lại ở nước ngoài, nhưng khả năng tìm việc so với các du học sinh về nước thì ngang nhau.
10. Social Network : kém hơn về offline, nhưng về online là gần như tương đương với du học sinh.
----------------
Một học sinh trong nước, nếu chăm chỉ và cố gắng, hoàn toàn có thể tương đương 8/10 ~ 9/10 du học sinh.